Nghề Hương trầm rộn ràng vào xuân
Hương trầm là một phần không thể thiếu mỗi khi tết đến xuân về. Chính vì vậy, trong những ngày này trên địa bàn huyện Quỳ Châu nghề làm hương rộn ràng vào vụ.
Gia đình chị Trần Thị Loan Đang đang làm hương trầm.
Hương trầm Quỳ Châu đang từng ngày được người dân làng nghề thay đổi mẫu mã và nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu Hương trầm Quỳ Châu, đáp ứng yêu cầu của khách hàng ngày một tốt hơn.
Đến thăm gia đình chị Hoàng Thị Hợi, một gia đình làm hương trầm lâu đời ở khối 1 thị trấn Tân Lạc huyện Quỳ Châu vào một chiều cuối năm, thấy không khí nơi đây thật rộn ràng. Đang ngồi cuốn hương cùng với những người làm công, thấy có khách chị Hợi dừng tay đon đả mời chúng tôi vào nhà. Sau câu chuyện xã giao, chị xin phép vừa nói chuyện, vừa cuốn hương để kịp giao hàng cho khách. Qua câu chuyện được biết, chị lập gia đình được gần 28 năm, thì cũng chừng ấy thời gian chị gắn bó với nghề làm Hương trầm. Với chị thì nghề làm hương trầm là do thừa kế từ đời ông bà ngoại, sau khi ông ngoại mất thì truyền nghề làm hương lại cho gia đình chị. Lúc đầu sản xuất với quy mô nhỏ, làm bằng thủ công. Chủ yếu hương chỉ phục vụ cho bà con hàng xóm xung quanh, chưa trở thành hàng hoá. Đến năm 2000, do có uy tín và do nhu cầu của khách hàng nên gia đình đã quyết định mở rộng quy mô sản xuất, và cũng từ đó hương trầm của gia đình chị có thương hiệu và lấy tên là cơ sở sản xuất hương trầm Thiết Hợi khối 1 thị trấn Quỳ Châu.
Năm nay, cơ sở sản xuất hương Thiết Hợi sản xuất trên 40 vạn que. Mặc dù chỉ tập trung sản xuất trong 3 tháng cao điểm sát tết nguyên đán nhưng gia đình chị đã phải chuẩn bị kỹ từ nguyên liệu cho đến các nhãn mác, bao bì từ những tháng đầu năm. Trong tháng cao điểm này, cơ sở phải thuê thêm 6 – 8 nhân công quấn hương mới có thể kịp tiến độ giao hàng cho khách. Chị còn cho biết thêm ước tổng thu nhập từ hương năm nay của cơ sở lên đến 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cũng thu lãi được 30 triệu đồng.
Chia tay cơ sở sản suất hương trầm Thiết Hợi, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất hương trầm Hà Loan ở khối 2 thị trấn Quỳ Châu. Đây là cơ sở sản xuất hương trầm lớn nhất của huyện Quỳ Châu. Chị Loan chủ cơ sở cho biết: Gia đình chị bắt đầu nghề làm hương từ năm 1988, lúc đầu chỉ sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân huyện Quỳ Châu và làm quà biếu trong dịp tết. Sau này, nhờ kiên trì học hỏi trong cách pha trộn hương liệu, uy tín hương trầm của chị ngày càng được nâng cao, nhiều người đã đặt hàng với số lượng lớn. Từ đó cây hương trầm của gia đình chị bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường. Năm nay, cơ sở Hà Loan sản xuất trên 200 vạn que hương các loại, tăng 40 vạn que so với năm 2010. Tổng thu nhập ước tính gần 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí gia đình có lãi trên 80 triệu đồng, không chỉ tạo thu nhập cho gia đình mà còn có thể tạo công ăn việc làm cho người dân ở trên địa bàn.
Còn với ông Võ Minh Châu ở khối 2 thị trấn Tân Lạc, mặc dù năm nay đã ở tuổi 70, nhưng ông vẫn tiếp tục theo nghề làm hương trầm gia truyền của gia đình. Bởi theo ông, làm hương không chỉ tăng thêm thu nhập, nuôi con cái học hành mà làm hương còn để duy trì và phát huy nghề truyền thống của gia đình. Trước đây, làm hương chỉ mang tính chất thủ công, nguyên liệu được giã bằng cối, sản xuất chỉ đủ đáp ứng yêu cầu trên địa bàn thị trấn. Nhưng đến nay, nhờ có máy móc hỗ trợ một phần nên sản lượng hương ngày càng cao lên. Riêng năm 2011, cơ sở sản xuất hương trầm của gia đình ông sản xuất trên 20 vạn que, thu nhập được 50 triệu đồng, sau khi trừ chi phí vẫn thu lãi gần 20 triệu đồng.
Nói về những chính sách hỗ trợ và phương hướng phát triển thương hiệu Hương trầm Quỳ Châu cho làng có nghề và làng nghề trong thời gian sắp tới, Đậu Công Hà – PCT UBND thị trấn Tân Lạc huyện Quỳ Châu cho biết: “Chúng tôi luôn xác định phát triển nghề Hương trầm làm mũi nhọn. Bởi đây là lợi thế của địa bàn thị trấn Tân Lạc. Để tập trung chỉ đạo nghề này, thì chúng tôi đã có những cơ chế kích cầu cho nghề phát triển. Tập trung chỉ đạo phát triển các làng có nghề, làng nghề đồng thời hỗ trợ 1 số vốn ban đầu cho làng nghề hoạt động. Tạo mọi điều kiện để bà con vay vốn sản xuất cũng như liên hệ với các cơ quan chủ quản của ngành dọc vay vốn. Tạo một số vốn nhất định để phát triển nghề hương trầm và tìm cơ sở tiêu thụ hàng cho bà con”.
Một năm mới đang đến gần, cùng với sự lớn mạnh của Hương trầm Quỳ Châu, hi vọng rằng trong năm mới 2013, thị trấn Tân Lạc và những người làm nghề Hương trầm sẽ cùng nhau nỗ lực nhiều hơn nữa để đưa vị thế của cây hương trầm ngày càng phát triển cả về chất lẫn về lượng. Góp phần đưa huyện Quỳ Châu sớm thoát nghèo.
Video đang HOT
Theo xahoi
Bộ tộc phụ nữ quanh năm... ở trần trên dãy Trường Sơn
Bên dòng Đakrông huyền thoại có một bản làng mà ở đó phụ nữ ở trần, đàn ông đóng khố như những bộ lạc cổ xưa, tách biệt với văn minh loài người...
Gần nửa tháng lang thang dọc dãy núi rừng Trường Sơn một thời máu lửa, chúng tôi đã được nghe, được chứng kiến biết bao số phận đau thương, bao câu chuyện kì bí, bao nghị lực phi thường.
Nhưng câu chuyện về một bản làng mà ở đó người dân quanh năm... ở trần, khiến chúng tôi tò mò hơn cả. Vậy là không quản khó khăn, chúng tôi quyết định băng rừng, vượt núi tìm đến Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị để "diện kiến" bộ tộc đó...
Gian nan đường đến Tà Rụt
Từ huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chúng tôi xuôi theo đường mòn 14 (đường Hồ Chí Minh), khắc khổ, oằn mình vắt qua những dãy núi như những dải lụa ẩn hiện trong sương mờ. Bên cạnh đó, thời tiết rừng Trường Sơn cũng thật khó đoán, chẳng khác gì những đứa con gái mới lớn thích đỏng đảnh.
Có khi đang nắng ấm, nhưng chỉ chưa đầy 10 phút sau lại mưa nhễ nhại, mưa như trút. Điều này được minh chứng trong hai câu thơ của Tố Hữu: Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó thì chưa rõ mình.
Hơn 89km, với con đường quanh co, khúc khuỷu, uốn lượn theo sườn núi, bám theo dòng sông Đakrông. Nước sông mùa này không nhiều, thậm chí cạn ráo để trơ những lèn đá liêu xiêu hay những bãi cuội vàng ươm xen kẽ cây bụi lúp xúp.
Hai bên sườn núi dựng đứng cao vút, bỗng thấy mình lọt thỏm giữa đại ngàn trùng điệp, núi tiếp núi lô nhô, sừng sững. Con đường sáng lên màu xám bạc tựa như con rồng con rắn uốn mình, lúc lên, lúc xuống.
Có những đoạn đường nằm chênh vênh tưởng như đang treo bên sườn núi, sườn đổ xuống phía sông dốc sâu thăm thẳm. Lúc sương mù, mưa phùn trắng xóa, thoáng rùng mình khi con đường vắng tanh, thỉnh thoảng mới có người phóng xe, xé gió tạt qua.
Nhìn những vách núi dựng đứng, bên cạnh là những vực sâu hun hút, chúng tôi không khỏi rùng mình ái ngại khi những cơn mưa bất chợt ập đến, trong khi đó mọi người bảo đoạn đường này thường xuyên xảy ra tình trạng lở núi, đá rơi.
Chiếc xe chúng tôi đi vừa ì ạch vượt qua đèo Peeke với độ dài hơn 8km, bốc mùi khét lẹt, vội chuyển sang đổ đèo sâu hun hút. Bỗng trước mặt có đoạn đường lở, tôi vội vàng giảm ga, về số, phanh cả 2 phanh và ngả cả người, cả xe vào vách núi để tránh rơi tõm xuống vực. Hút chết...
Vượt qua bao khó khăn, nguy nan, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Tà Rụt. Tà Rụt nằm lọt thỏm giữa bốn bề mây trắng, như một ốc đảo thấp thoáng trong sương mù.
Nhưng chúng tôi bỗng giật mình bởi 2 bên vệ đường, những ngôi nhà được xây kiên cố, hàng quán phát triển, quán nhậu, quán cà phê, quán karaoke, quán bán tạp hóa, bán hàng điện tử, tiệm may, xe cộ nườm nượp, loa đài xập xình, cột ăng-ten của viễn thông cao vút chẳng khác gì thị trấn, thị tứ dưới xuôi. Giữa đường mấy con dê vẫn chạy nghênh ngang, miệng gọi nhau be be...
Mấy sơn nữ Pa Cô vẫn mang achói (gùi), miệng ngậm tẩu thuốc nhưng áo và xấn thì lại làm bằng vải người Kinh đưa lên, chỉ vài người mang xấn thổ cẩm. Quả thực, nếu như nghe thông tin về "bộ tộc" của người khác mà chứng kiến cảnh này, chắc chắn chúng tôi sẽ quay trở về vì... thất vọng.
Nhưng, đó là thông tin của ông bạn thân hữu, nhiều năm lặn lội trong vùng rừng núi này nên tôi cố nán lại hỏi cho rõ sự tình. Tấp vào quán nước vệ đường, gọi chai nước uống, tôi mạnh dạn hỏi: "Cháu tưởng đây nghèo lắm, hóa ra phát triển quá nhỉ. Vậy mà mọi người cứ đồn đại, đến quần áo không có mà mặc, mọi người toàn ở trần".
Người đàn ông ngoài tứ tuần cười khỉnh: "chỉ được tí ngoài mặt đường thôi, các anh cứ đi sâu vào trong bản khoảng trăm mét thì là một thế giới khác rồi. Bản... ở trần các anh cần tìm đó".
Chuyện những người không thích... mặc áo
Đang thất vọng, nghe được thông tin quý báu, chúng tôi vội gửi tiền, quay xe vào bản... ở trần. Vượt qua những ngôi nhà khang trang, men theo con đường đất nhầy nhụa mà người dân chỉ dẫn, chúng tôi tiến sâu vào bản.
Dọc 2 bên đường, những ngôi nhà sàn lúp xúp nằm rải rác bên sườn đồi, vài đứa trẻ trần truồng đen nhẻm, đứa lại quần áo lếch thếch bẩn thỉu chơi bên hiên nhà đưa ánh mắt lạ lẫm nhìn chúng tôi dò xét. Bên ô cửa sổ, vài cụ già ở trần, ngồi trầm mặc, nhìn xa xăm như nghĩ ngợi điều gì.
Hít một hơi dài, chúng tôi giậm chân, bước vào ngôi nhà sàn khá rộng lớn đang có nhiều người trò chuyện. Bên bếp tro tàn, 6 người đang ngồi trò chuyện vui vẻ. Trong đó 4 người phụ nữ, người ít tuổi nhất khoảng 30 tuổi, còn người nhiều tuổi nhất ngoài 70 đều ở trần, 2 người đàn ông thì đóng khố.
Thấy khách lạ, một người tuổi ngoài 70 tự xưng là chủ nhà mời chúng tôi vào ngồi cùng. Hỏi ra mới biết, bà tên Kăn Giêng ở bản Tà Rụt 2, và những người xung quanh đều là con cháu và hàng xóm của bà.
Khi chúng tôi hỏi, vì sao bây giờ kinh tế đã no đủ, người dân vẫn đóng khố, ở trần? Bà Kăn Giêng vui vẻ trả lời: Đúng là hiện nay người dân nơi đây đã no đủ, tuy nhiên, nhiều người vì quen ở trần rồi nên khi mặc quần áo vào thấy bứt rứt khó chịu.
Còn nhớ vài chục năm trước, người dân nơi đây từ trẻ đến già đều đóng khố, ở trần hết. Bây giờ người dân có điều kiện và được tiếp xúc với "thế giới hiện đại" nên cũng ý thức được nhiều điều.
Chẳng hạn khi ra ngoài thì phải mặc quần áo cho "đỡ phản cảm", còn ở nhà, nếu mọi người thích thì cứ ở trần. Những cô gái trẻ, chưa chồng, họ đều mặc quần áo, không ai ở trần cả. Mùa này là mùa lạnh nên ít người ở trần chứ vào mùa hè, gió Lào thì muốn tìm được người phụ nữ nào trên 30 tuổi mặc áo mới khó.
Chia tay Kăn Giêng, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào trong bản, người đàn ông mặc khố, mình trần đang phăm phăm cuốc đất. Đó là ông Ko Nam (80 tuổi), ông có nước da rắn rỏi, cơ bắp cuồn cuộn, khỏe mạnh.
Gặp chúng tôi, ông nghỉ tay trò chuyện, ông bảo: "Tôi thường làm những công việc nặng nhọc, ra mồ hôi nhiều, chính vì vậy mà tôi không thích mặc quần áo vì rất vướng víu và nóng bức. Mặt khác, từ nhỏ tôi đã quen với việc cởi trần rồi, giờ mặc áo thấy khó chịu. Giờ xã hội văn minh hơn, nhưng tôi cũng chỉ cần may một bộ quần áo dài, để khi đi đâu thì mặc thôi..."
Trao đổi với chúng tôi, ông Kray Sức, cán bộ văn hóa xã Tà Rụt cho biết: Tà Rụt là nơi sinh sống của dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Kinh... Trong đó người Pa Cô chiếm tỉ lệ nhiều nhất và cũng là người thích ở trần như mọi người. Người Pa Cô thường tập trung sinh sống trong các bản làng cách xa trung tâm xã.
Cũng theo Kray Sức thì việc người dân ở trần hoàn toàn không phải do tục lệ, cũng không phải vì nghèo túng, mà đó chỉ là do thói quen. Mà thói quen của mọi người thì chính quyền không thể can thiệp được, bởi họ thường chỉ như vậy khi ở nhà, làm vườn và đi nương thôi, đi ra ngoài họ vẫn mặc áo bình thường như bao người khác.
Chiều về muộn, những cơn mưa phùn bất ngờ ập đến, lạnh lẽo. Trong những ngôi nhà sàn bên cạnh bếp đỏ lửa, những người đàn bà mặc váy, mình trần, những người đàn ông đóng khố, nói chuyện vui vẻ.
Thấp thoáng bên ánh lửa, chúng tôi chỉ thấy họ thật đẹp, thật ấm cúng, hạnh phúc mà không hề có một ý nghĩ trần tục. Bên ngoài, từng cột khói mang hình thù kì lạ, lững lờ bay ra từ khu bếp. Khiến chúng tôi có tâm trạng lạ kỳ, dường như câu nói "người đẹp vì lụa..." không hẳn lúc nào cũng đúng.
Theo xahoi
Vụ sát hại nhà báo Hoàng Hùng: Người vợ máu lạnh đã hối hận Đầm đìa nước mắt trong khi trò chuyện với PV, nữ phạm nhân này hối tiếc, đau khổ, tuyệt vọng khi nói về án chung thân, về những đứa con, về đám giỗ của chồng... Phạm nhân Trần Thúy Liễu tại trại giam Công an tỉnh Long An Được sự chấp thuận của lãnh đạo Tổng cục Thi hành án Hình sự và...