Nghề giáo, những lượm lặt… buồn
Nếu không có những chính sách và đãi ngộ tốt nghề giáo viên rất dễ bị các bạn trẻ “xa lánh”. Thực tế với mức lương thấp và áp lực lớn nhiều người đã bỏ nghề.
Tiếng lòng của người trong cuộc
Trong năm 2019, nhiều sự kiện “chưa từng có” phơi bày những góc khuất của nghề giáo viên điển hình là vụ thầy cô hợp đồng tại Hà Nội kêu cứu.
Lần đầu tiên, nhiều giáo viên hợp đồng “dũng cảm” công khai mức lương thật của mình: 1.200.000 đồng/ tháng. Mức lương đó liệu có tương xứng với công sức lao động mà họ bỏ ra.
“Mỗi giáo viên phổ thông phải làm tới 10 đầu việc, thời gian lao động 60-70 giờ/tuần. Theo công bố của Quỹ Hòa bình và Phát triển về nghiên cứu giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông:
Cấp tiểu học, số giờ làm việc trong một tuần cao hơn khoảng 1,5 lần so với quy định (40 giờ/tuần), cấp Trung học cơ sở là gấp 1,7 lần và Trung học Phổ thông gấp 1,8 lần, trong khi đến 50% giáo viên được hưởng lương dưới mức bình quân”.
Bên cạnh đó, giáo viên còn được xếp vào nhóm ngành nghề có nhiều áp lực, theo tính toán, một giáo viên phải làm 18 đầu việc mỗi tuần.
Câu chuyện giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) nhận mức lương 1,2 triệu đồng và không được đóng bảo hiểm trong nhiều năm khiến xã hội cảm thấy xót xa.
Năm học này, cô giáo Lê Thị Xuân vẫn tranh thủ nhận thêm công việc tại nhà: cấy lúa thuê, hái lá sen…Để sống với đồng lương eo hẹp, gần 400 giáo viên hợp đồng tại Mỹ Đức bắt buộc phải làm thêm để duy trì cuộc sống. Áp lực vì lẽ đó mà đè nặng lên đôi vai của thầy cô.
Cách Mỹ Đức không xa, cô Nguyễn Thị Thủy (Ba Vì) sau mỗi giờ dạy phải đi phụ vữa hoặc giúp việc để có đồng ra, đồng vào. Cô giáo Hằng éo le đến mức phải ở nhờ nhà của bà con hàng xóm.
Mức lương thấp khiến nghề giáo khó hấp dẫn (Ảnh:V.N)
Tất cả thực tế đã phơi bày cuộc sống khó khăn của một bộ phận giáo viên nhất là những giáo viên hợp đồng.
Như vậy, chỉ tính riêng về phần thu nhập, nghề giáo viên đã không còn là một nghề hấp dẫn. Khác hẳn với hình ảnh thầy cô (lung linh) trên bục giảng là một cuộc sống lam lũ, vất vả đằng sau lưng họ.
Thầy giáo Nguyễn Minh Tuấn, sau 6 năm đi dạy với mức lương hơn 1 triệu đồng/ tháng đã chấp nhận bỏ việc vào miền Nam và tìm kiếm công việc khác.
Trước khi đi, thầy Tuấn vẫn kịp gửi gắm vài lời đến phóng viên: “Tôi cảm thấy bản thân mình không thể chịu nổi và sống nổi nữa. Tôi buộc phải bỏ nghề để làm công việc khác mặc dù vẫn còn tâm huyết và yêu nghề giáo”.
Tâm trạng của thầy Tuấn, cô Trương Thị My (Nghệ An) phần nào hiểu được. Là một giáo viên trẻ, nhiệt huyết nhưng cô My cũng thừa nhận những khó khăn khiến bản thân mình phải cân nhắc bỏ nghề.
Cô My tâm sự: “Lương hiện tại của tôi là 2,5 triệu đồng/ tháng. Số tiền này chỉ vừa đủ tiền xăng xe và tiền mua bỉm cho con.
Kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào ông xã. Nhiều khi tôi đã có suy nghĩ bỏ nghề để tìm công việc khác”.
Thầy giáo Nguyễn Văn Tăng (Hà Nội) tính toán: “Lương của một giáo viên hợp đồng tại huyện Ba Vì là 1,3 triệu đồng/ tháng. Chia cho 30 ngày trung bình mỗi ngày khoảng 30.000 đồng – 40.000 đồng.
Trong khi đó lương của một phụ vữa mỗi ngày khoảng 200.000 đồng tức là gấp 5-6 lần một giáo viên”.
Mặc dù tại một số thành phố lớn thu nhập của nhiều giáo viên khá cao, không muốn nói là giàu có.
Nhưng để có thu nhập đó người giáo viên phải làm nhiều công việc thậm chí là dạy thêm và phải trải qua cơ số năm công tác, cống hiến. Tức là trồng cây lâu năm mới đến được ngày hái quả.
Hình ảnh lam lũ, vất vả sau nghề giáo (Ảnh:V.N)
Ở tuổi 52, thầy giáo Nguyễn Văn Minh (Quảng Ninh), tóc bạc trắng, ho sù sụ vì bệnh viêm phổi mới cảm thấy cuộc sống dễ thở hơn với thu nhập hiện tại.
Thầy Minh bày tỏ: “Nghề giáo không phải là một nghề có thể giàu một cách thượng lưu. Tất nhiên vẫn có một số giáo viên có thu nhập cao nhưng đổi lại họ phải lao động miệt mài, căng cả óc thì mới kiếm được số tiền đó. Và số giáo viên này cũng không phải là nhiều.
Nếu tính theo công sức và thời gian làm việc thì tôi cho rằng lương nghề giáo viên quá thấp. Vì nếu một buổi giáo viên được trả 200.000 đồng họ phải lao động từ 10-12 tiếng/ ngày; trong khi đó có những công việc chỉ cần bỏ ra 6-8 tiếng là có 200.000 đồng”.
Trên thực tế không phải giáo viên nào cũng giàu nhất là giáo viên tỉnh lẻ, địa bàn khó khăn. Thực tế này khiến cho người trong ngành thì muốn bỏ việc, người ngoài ngành thì sợ vào ngành giáo dục.
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Nghề giáo viên chỉ thực sự hấp dẫn lao động trẻ khi họ có thể nuôi sống được cả gia đình.
Video đang HOT
Thầy Nhĩ nói: “Tại một số Quốc gia khác, người làm giáo viên có thể nuôi sống được cả một gia đình, có thể có tài sản tích lũy.
Nhưng tại Việt Nam mức lương nhiều nơi rất thấp thậm chí dưới cả mức sống trung bình.
Như vậy thì giáo viên làm sao có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến cho ngành giáo dục được. Lương không cần quá cao nhưng phải đủ sống”.
Nhiều nhóm áp lực bủa vây giáo viên
Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo Trần Thị Phương (Nam Định) cẩn thận “xin phép” được phạt các con nếu như vi phạm khuyết điểm.
Cô Phương than thở: “Một số phụ huynh luôn có xu hướng bảo vệ thái quá con mình. Điều này khiến cho giáo viên gặp rất nhiều áp lực. Thậm chí giáo viên sẽ có xu hướng thu mình lại để giữ an toàn cho bản thân”.
Thời cha mẹ tôi, học sinh không nghe lời thầy cô có thể phạt, những hình phạt đôi khi cũng rất hà khắc nhưng phụ huynh tuyệt đối không can thiệp trong phạm vi trường học.Cô Phương kể những câu chuyện rất thực tế: “Nhà tôi có 2 thế hệ làm giáo viên nên cũng có những so sánh về nghề giáo qua từng giai đoạn.
Thời chúng tôi bị phạt, bị viết bảng kiểm điểm còn bị cha mẹ mắng té tát.
Nhưng thời nay, nhiều phụ huynh sẵn sàng rút điện thoại quay giáo viên rồi tung lên mạng, buông lời thách thức thậm chí còn đánh giáo viên ngay tại trường.
Khi các mối quan hệ xã hội dần bị chi phối bởi ý thức thị trường thì phụ huynh họ nghĩ rằng quan hệ giữa giáo viên – học trò chỉ đơn giản là giữa người mua tri thức và người bán tri thức.
Cho nên nhiều người cậy có tiền họ sẵn sàng dùng đồng tiền, quyền lực để hành xử, dọa nạt thậm chí là đánh giáo viên chỉ để thể hiện mình là kẻ mạnh”.
Qua những lời tâm sự của cô Phương có thể thấy những nhóm áp lực tác động lên giáo viên lớn như thế nào? Thậm chí có một thời gian, người ta còn tranh cãi giáo viên có phải là một nghề nguy hiểm?
Nhiều áp lực bủa vây giáo viên (Ảnh minh họa: vov.vn)
Các nhóm áp lực chủ yếu của giáo viên đến từ: nhà trường, phụ huynh, học sinh và cả những chính sách, chủ trương từ trên xuống.
Trong khi giáo viên loay hoay kẹt giữa mối bòng bong này những chính sách thiếu hiệu quả khiến cho túi tiền của giáo viên với đi mà áp lực thì lại nặng nề thêm.
Thời gian trước, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều phản ánh của giáo viên về các lớp bồi dưỡng nâng hạng kém chất lượng, được tổ chức với mục đích “vặt tiền” của học viên là chính.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hoan (Hòa Bình) chua chát: “Các chính sách từ trên chỉ định xuống đôi khi không nghĩ đến quyền lợi của giáo viên, xa rời thực tiễn.
Trong các nhóm áp lực của giáo viên có một nhóm áp lực đến từ việc phải chạy theo sự thay đổi của chủ trương, chính sách từ trên xuống.
Cộng thêm các áp lực từ công việc, nhà trường, phụ huynh, học sinh. Nghề giáo viên đôi khi thấy rất mệt mỏi”.
Không chịu được áp lực, nhiều giáo viên đã bỏ nghề (Ảnh:V.N)
Những câu chuyện kể trên chỉ muốn các bên (cơ quan quản lý, nhà trường, phụ huynh, học sinh) có thể hiểu hơn những áp lực từ công việc đối với giáo viên để có những điều chỉnh hành vi, thái độ (trân trọng hơn) với nghề giáo.
Nếu ví ngành giáo dục như một mảnh ruộng được ươm mầm. Để có được những mùa bội thu người nông dân cần có mọi điều kiện (thiên thời, địa lợi, nhân hòa).
Sẽ như thế nào nếu người nông dân bỏ ruộng mà làm công việc khác thì sẽ lấy ai ươm những mầm non của đất nước?
Nghề giáo có còn hấp dẫn hay không? Câu trả lời không chỉ phụ thuộc vào một mình giáo viên mà nó còn phụ thuộc vào thái độ cư xử của xã hội đối với nghề giáo!
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Giáo viên hợp đồng bồng con lên Hà Nội níu kéo chút hy vọng mong manh
6 giờ sáng, chị N.T.T dắt díu đứa con gái nhỏ (4 tuổi) lên chuyến xe cùng các giáo viên hợp đồng về Thủ đô nhằm níu kéo một chút hi vọng mong manh.
Níu kéo hy vọng mong manh
12 giờ trưa, ngày 9/10/2019, gần 100 giáo viên hợp đồng có mặt tại trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội.
Những giáo viên bị mất việc sau hàng chục năm giảng dạy đang cố gắng níu kéo một chút hi vọng kéo họ ra khỏi "vũng lầy" trong suốt 6 tháng qua.
Thế nhưng, giáo viên càng vùng vẫy càng bị chôn chân, lún sâu hơn.Trong "vũng lầy" đó dù nhiều lần đã có đơn thư gửi các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, nhiều lần lên thành phố Hà Nội.
Hai mẹ con chị N.T.T, giáo viên hợp đồng Ba Vì, dắt díu nhau theo đoàn xe xuống Thủ đô.
Gần 10 năm công tác trong ngành giáo dục, cô T. vui vẻ khi nói về nghề: "Tôi dạy ở trường nhiều lần còn đứng Nhất trong hội thi giảng dạy".
Thế nhưng khi nhắc đến vế sau, cô T. buồn hẳn: "Vậy mà mình vẫn bị cắt hợp đồng. Bây giờ không có việc làm, phải ở nhà chăm con".
Đứa bé vẫn hồn nhiên cười đùa, đối với em đây chỉ đơn thuần là một chuyến đi chơi xuống Thủ đô.
Nhưng đối với chị T. - mẹ em cùng nhiều giáo viên hợp đồng tại các huyện đây thực sự là một việc "cực chẳng đã".
Nói về cuộc sống khó khăn sau khi bị cắt hợp đồng, chị T. tâm sự: "Trước kia đi dạy, cách nhà 18-20km, lương 1.3 triệu đồng/ tháng. Nói thật không đủ cả tiền xăng, tiền lương đúng chỉ đủ tiền mua bỉm cho con.
Nhưng bây giờ mất việc rồi phải ở nhà trông con. Trước đây cũng cho cháu đi học nhưng bây giờ mẹ ở nhà trông con luôn, tiết kiệm mỗi tháng mấy trăm nghìn tiền đi lớp".
Hai mẹ con chị T. có mặt tại Hà Nội để kêu cứu (Ảnh:V.N)
Những lời tâm sự thật lòng của cô T. khiến những người làm báo giáo dục như chúng tôi không khỏi xót xa.
Trước đây khó ai có thể nghĩ được rằng: Cuộc sống của giáo viên tại Hà Nội lại éo le và khổ sở như vậy.
Năm học này, cô T. không còn được đến trường khai giảng, ra đường bà con ai cũng hỏi: Sao hôm nay (5/9) không đến trường. Nhiều người hiểu chuyện họ lảng đi: À chị hiểu rồi.
Mất việc, nhiều giáo viên hợp đồng phải làm thuê, làm mướn hoặc ở nhà. Từng này tuổi, thầy Tăng, giáo viên hợp đồng Ba Vì phải đi làm nghề thợ hàn, lắp đặt điều hòa... để có thêm thu nhập.
Cô T. ở nhà trông con, ai thuê gì thì làm lấy, nhiều khi người ta trả công vài chục nghìn cũng quý. Có cô Thủy phải ở nhờ nhà người khác, cô H. đi làm giúp việc.
Trong chuyến đi của những giáo viên hợp đồng, cô L.T.V.T, chửa "vượt mặt" (tháng thứ 8) cũng vác bụng bầu lên Thủ đô. Cô T. lo lắng cho đứa con ra đời, bao nhiêu khoản phải chi tiêu còn mẹ thì thất nghiệp.
Ngồi trước trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội là những gương mặt hốc hác và mệt mỏi.
Gần 6 tháng từ thời điểm giáo viên hợp đồng Sóc Sơn kêu cứu, đã có rất nhiều công văn, phát biểu của các lãnh đạo hứa sẽ giải quyết và có chế độ ưu tiên dành cho giáo viên hợp đồng tại Hà Nội.
Thế nhưng, đến nay, hy vọng về một chính sách nhân văn gần như tắt ngấm khi đại diện Sở Nội vụ thành phố Hà Nội trả lời thẳng thừng: Gần 3000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội không một ai có đủ điều kiện để xét đặc cách.
Giáo viên hợp đồng trong tình cảnh hiện tại như những con thiêu thân, dù chỉ thấy một đốm lửa, một tia ánh sáng nhỏ nhoi cũng bấu víu lấy chút hi vọng.
Cô V.T. bụng bầu 8 tháng cũng lên Hà Nội kiến nghị (Ảnh:V.N)
Cô Thủy cũng tâm sự thật: "Gấn 6 tháng nay chúng tôi không có tâm trí nào mà làm việc mà lo cho gia đình. Công tác gần 20 năm, lương thấp đến nay bị mất việc coi như trắng tay.
Ngay cả trong giấc mơ cũng có lần tôi mơ thấy mình được tiếp tục đi dạy. Khi tỉnh lại mới biết hiện thực nó quá phũ phàng".
Trong ngày 9/10/2019, gần 100 giáo viên hợp đồng các huyện đến Bộ Nội vụ, trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội nhằm níu kéo một chút hy vọng.
Thầy Phùng Đức Tăng, giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì nói: "Chúng tôi mong sẽ có một cơ chế tháo gỡ những điều kiện xét đặc cách trong Nghị định 161.
Vì hiện nay tại Hà Nội không có một trường công nào tự chủ tài chính. Và nếu Hà Nội không giáo viên nào được xét đặc cách thì tôi tin cả nước không có ai có đủ điều kiện. Vì sao từ chính sách đến thực tiễn lại cách xa đến vậy?".
"Khó" như thành phố Hà Nội
Bộ Nội vụ đã có công văn chỉ đạo cho các địa phương chủ động trong việc tuyển dụng viên chức giáo dục.
Mặc dù thành phố Hà Nội là Thủ đô, được cả nước nhìn vào nhưng có thể nói đến thời điểm này rất khó có cơ hội cho giáo viên hợp đồng.
Gần 3000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội không một ai có đủ điều kiện để xét đặc cách.Bởi đại diện Sở Nội vụ thành phố Hà Nội đã nhiều lần khẳng định:
Đồng nghĩa giáo viên hợp đồng cũng không được hưởng bất kỳ ưu tiên nào, nếu không tham gia thi coi như sẽ bị mất việc.
Trong khi đó đến nay, thành phố Hà Nội cũng đã rục rịch chuẩn bị tổ chức kỳ thi viên chức trong thời gian từ tháng 10 - tháng 12.
Đối với các Quận, huyện không tổ chức xét tuyển, số giáo viên hợp đồng buộc phải lựa chọn: thi không đỗ mất việc, nghỉ cũng mất việc.
Điều này có trái với phát biểu của Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung. Cụ thể, trong phiên giải trình tại kỳ họp thứ 9 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội chiều 9/7/2019.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung có nói: "Điều kiện được xét tuyển là các giáo viên này có hợp đồng và đóng bảo hiểm trong suốt thời gian qua.
Thứ hai là kiểm tra sức khoẻ, và trình độ năng lực phải phù hợp với điều kiện mô tả vị trí việc làm.
Cụ thể là giáo viên dạy môn gì, khoa gì phải phù hợp với môn đó, khoa đó của trường định tuyển dụng.
Trên cơ sở đó, chúng tôi giao cho các quận, huyện thành lập hội đồng để xét tuyển.
Thành phố dự kiến chỉ xét tuyển đối với giáo viên có hợp đồng trên 5 năm, số còn lại phải thi tuyển. Sau khi xét tuyển hết mới thi tuyển số còn lại".
Một số giáo viên hợp đồng tại huyện Ba Vì (Ảnh:V.N)
Tuy nhiên, theo thông báo số: 2239 - Lịch tổ chức thi tuyển, xét tuyển viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Ủy ban Nhân dân Quận, huyện, thị xã năm 2019: Ngày thi tuyển viên chức sẽ diễn ra từ 15/10/2019 đến ngày 17/11/2019 (vòng 1 vòng 2). Ngày xét tuyển từ 17/11/2019 đến 30/11/2019.
Như vậy không đúng theo tiêu chí: Xét tuyển hết số giáo viên hợp đồng rồi mới thi tuyển.
Đối chiếu với một số địa phương như Quảng Nam. Địa phương này đã ban hành quyết định số 3166 về việc thành lập Hội đồng xét tuyển viên chức ngành giáo dục.
Tại tỉnh Hải Dương, hơn 3800 giáo viên hợp đồng, nhân viên hợp đồng phấn khởi khi tỉnh cho phép các trường kéo dài hợp đồng đến khi tổ chức tuyển dụng xong.
Như vậy có thể thấy mỗi địa phương sẽ có một cách làm khác nhau. Về cơ bản Hà Nội đã không thực hiện được 2 cam kết:
Thứ nhất: Giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng trước thềm năm học mới
Thứ hai: Xét tuyển hết số giáo viên hợp đồng rồi mới tổ chức thi tuyển viên chức.
Bên cạnh đó mặc dù nhiều lần đã có chỉ đạo từ Trung ương nhưng tại huyện Mỹ Đức, giáo viên hợp đồng vẫn đang hưởng lương 1.2 triệu đồng và không được đóng bảo hiểm xã hội.
Sự mệt mỏi lộ rõ của giáo viên hợp đồng lên Hà Nội (Ảnh:V.N)
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng phân tích: Vướng mắc về điều kiện xét đặc cách cho số giáo viên hợp đồng tại Hà Nội nằm ở điều kiện - giáo viên làm việc trong các trường công lập tự chủ tài chính.
Nhưng thực tế lại không có giáo viên hợp đồng nào đủ điều kiện (như trả lời của đại diện Sở Nội vụ). Điều này đặt ra vấn đề: Khi chính sách xa rời và không phù hợp với thực tiễn.
Trong thời gian này, những giáo viên như cô T. vẫn hy vọng một chính sách nhân văn, hợp lý, hợp tình dành cho họ.
Liệu họ có thể lách qua khe cửa ngày càng hẹp? Điều này rất cần các chính sách nhân văn, ưu tiên đến từ Thành phố.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Vì sao Thanh Hóa chưa giải quyết nguyện vọng ra khỏi ngành do 'lương không đủ sống' của nữ giáo viên? Huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) chưa giải quyết nguyện vọng xin ra khỏi ngành giáo dục của cô giáo trong ngày khai giảng vì lá đơn chưa đầy đủ nội dung. Ngày 24/9, ông Nguyễn Hùng Thao - Trưởng phòng Nội vụ huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) chia sẻ với VTC News về nguyện vọng xin nghỉ của cô giáo Bùi Thị Nhàn...