Nghề giải cứu nô lệ tình dục IS
Cái chết luôn rình rập những người hoạt động bí mật tại địa bàn của IS để giải cứu những phụ nữ bị nhóm này cầm tù.
Halo và các con được giải cứu từ tay IS. Ảnh: Telegraph
Khi Halo Kald, một người Yazidi 30 tuổi, bị giam giữ tại Raqqa – thành trì của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), một phụ nữ đeo mạng che mặt đã lại gần và ấn một cuốn kinh Koran vào tay cô.
“Hãy theo tôi”, người phụ nữ nói. Tại thời điểm đó, những kẻ bắt giữ Halo đang cầu nguyện. Phải chăng đó là một cái bẫy? Dường như thấy được sự do dự của Halo, người phụ nữ lấy ra một chiếc điện thoại di động và mở một đoạn ghi âm cho Halo nghe.
Halo nhanh chóng nhận ra đó là một giọng nói tiếng Kurmanji, phương ngữ của người Kurd được người Yazidis sử dụng phổ biến. Halo liền đi theo người phụ nữ. “Tôi nhận ra giọng nói của Abdullah, người đã trò chuyện bí mật cùng tôi suốt hai tuần. Tôi biết đó là cơ hội để tôi tẩu thoát”, Halo thuật lại.
Theo Telegraph, tháng 8/2014, các phần tử IS đã càn qua làng của Halo, nằm ở phía nam thị trấn Sinjar, tây bắc Iraq. Hơn 400 nam giới sau đó bị hành quyết và vùi xuống một ngôi mộ tập thể. Con trai của Halo là Hani, 9 tuổi, cũng bị đưa chung vào nhóm nam giới, trước khi được thả về do còn nhỏ. Phụ nữ và trẻ em sau đó được đưa tới thành trì của IS tại Tal Afar, nằm giữa Mosul và Sinjar, rồi bị nhốt chung với các tù nhân khác tại một trường học cũ. Nhiều phụ nữ phải trở thành nô lệ tình dục cho IS.
Họ có thể trốn thoát, nhưng cơ hội rất mong manh. Halo còn nhớ có một người mẹ cùng hai con bị phát hiện tìm cách bỏ trốn. Các tay súng IS sau đó đưa lũ trẻ đi còn người mẹ thì cô không bao giờ gặp lại.
Suốt thời gian bị bắt, Halo bị bỏ đói nhiều ngày và thường xuyên bị tra tấn và đối xử như nô lệ, nhưng vì các con, cô vẫn níu giữ chút hy vọng mong manh.
Một gia đình Arab có liên quan đến IS thương cảm Halo và cho cô mượn điện thoại để nói chuyện với chồng là Cihad. Halo sau đó liên lạc được với Abdullah, một trong 5 người chuyên giải thoát người Yazidi hàng đầu tại Duhok, Iraq, với một mạng lưới đầu mối liên lạc đáng tin cậy, khoảng 30 người.
“Chúng tôi sử dụng kinh Koran như một thứ ngụy trang, vờ như đi thăm mộ để khóc than cho người thân”, ông Abdullah tiết lộ. “Gót chân Achilles của IS là đạo Hồi. Kinh Koran có tác dụng như hộ chiếu, xóa đi mọi nghi ngờ”.
Sau khi vượt qua được các chốt kiểm soát, Halo được đưa vào một nơi trú ẩn tại ngoại ô Raqqa. Cô cùng các con đã trốn trong một hầm ngầm suốt 5 ngày cùng những người Yazidi khác. Cuối cùng, sau khi được lái xe đi suốt đêm, họ đến được thành phố Kobane do người Kurd kiểm soát.
Cái chết rình rập
Trước khi bị IS càn quét, số lượng người Yazidi tại Sinja là hơn 400.000 người. IS đã hành hình 3.000 nam giới Yazidi, và bắt giữ hơn 6.000 phụ nữ cùng trẻ em.
Trong vòng hai năm qua, hơn 2.500 tù nhân người Yazidi đã trốn thoát hoặc được giải cứu trong những chiến dịch tương tự như của Halo. Tất cả những người giải cứu đều từng phải đối mặt với cái chết.
Một trong số họ, Idriss, đã sống sót trong một vụ hành quyết hàng loạt. Khi bị bắn vào chân, anh giả chết dưới xác của những người bị thảm sát khác. Sau sự việc, Idriss vẫn quyết không rời Iraq. “Giúp đỡ những người khác trốn thoát là phản ứng hoàn toàn tự nhiên sau khi trải qua cơn ác mộng bị chôn sống”.
Ông Abdullah cho biết từng không có ý định tham gia vào thế giới “buôn người”, cho đến khi người cháu gái bị bắt cóc gọi về từ Raqqa. “Lúc đó tôi đang ở nhà của anh em trai thì điện thoại đổ chuông. Cháu gái tôi cầu cứu”, ông nhớ lại.
Sau khi giải thoát cho cháu vào tháng 10/2014, Abdullah đã lập ra một đội gồm những người chuyên giải thoát tù nhân khỏi IS và những người cộng tác.
Trước chiến tranh, ông từng làm nghề kinh doanh phụ tùng ôtô khắp Syria nên có nhiều mối quan hệ từ Raqqa tới Aleppo. Giờ ông sử dụng mạng lưới đáng tin cậy đó và thực hiện thành công khoảng 250 vụ giải cứu.
“Chiến dịch giải cứu bắt đầu ngay khi cô gái bị bắt cóc gọi về nhà. Nếu không có một cuộc điện thoại thì chúng tôi không thể giúp được gì”, Abdullah cho biết.
Abdullah, một người chuyên giải cứu con tin IS. Ảnh: Telegraph
Video đang HOT
Sau khi gia đình liên lạc với Abdullah, ông bắt đầu thu thập thông tin về người bị bắt cóc. Hoạt động theo dõi do những mối liên lạc của ông tại hiện trường thực hiện. Đôi khi họ theo dõi hàng tuần liền nơi giam giữ các cô gái trước khi tìm cách giải cứu.
Việc đưa tù nhân ra khỏi nơi giam giữ là nguy hiểm nhất. “Chúng tôi thường làm việc đó khi những kẻ bắt cóc đang cầu nguyện. Đó là khi chúng lơ là cảnh giác nhất”, ông Abdullah giải thích.
Nếu những người hoạt động bí mật bên trong vùng IS kiểm soát bị bắt, họ chắc chắn bị hành quyết. Cứ sau hai chiến dịch, Abdullah lại luân chuyển người của mình để đảm bảo an toàn cho họ. Nhưng thành công cũng đòi hỏi những khoản đầu tư chiến lược, đó là thời gian và sự khéo léo.
Tại trung tâm Raqqa, những người làm nhiệm vụ giải cứu từng thuê một tiệm bánh và một cơ sở giặt là để giao bánh mì và quần áo tới những ngôi nhà có người Yazidi bị giam giữ. Theo ông Abdullah, mạng lưới của ông gồm toàn bộ người Arab địa phương, một vài trong số đó trước đây từng chiến đấu cho IS.
“Một trong số các thành viên của tôi là Omar Ahmed, đã mất một tay khi chiến đấu cho IS. Sau đó, anh ta quay sang làm việc cho tôi”, ông Abdullah nhớ lại. “Do cậu ấy từng bị thương trên chiến trường, không chỉ huy nào mảy may nghi ngờ, khiến cậu ta trở thành tài sản vô giá”.
Ông Abdullah hào hứng kể lại việc mình đánh lừa IS ra sao. Tuy nhiên sự sống cái chết có khi chỉ cách nhau một cuộc điện thoại. Sau 38 chiến dịch trong vòng 11 tháng, người cộng sự một tay của Abdullah bị bắt.
“Omar Ahmed tới Raqqa sau khi nhận được một đề nghị giải cứu. Đó là một cái bẫy của IS”, ông Abdullah kể lại. “Cậu ấy bị chặt đầu trước đám đông để làm gương cho những người khác”. Cứ mỗi khi có một người giải cứu bị bắt, mạng lưới càng trở nên khó khăn hơn, công việc cũng nguy hiểm hơn.
Omar Ahmed không phải trường hợp đầu tiên, và chắc chắn không phải người cuối cùng. “IS biết rằng chúng tôi có tay trong”, Khalil, một người giải cứu tù nhân Yazidi, giải thích. Mạng lưới của Khalil hoạt động chủ yếu tại khu vực Mosul. “Ngay khi nghi ngờ một ai đó, chúng sẽ lập ra một cái bẫy”.
Khalil đã mô tả lại việc một cô gái được những kẻ bắt giữ nói rằng sẽ cho phép quay về với gia đình và yêu cầu cô đến nhà Mustafa, một người Arab bị nghi hỗ trợ những người Yazidi.
Dù nghi ngờ nhưng muốn được trả tự do, cô gái đã làm theo lệnh. “Sau một vài ngày, IS lục soát ngôi nhà và họ tìm thấy cô gái. Đó là một cái bẫy cho Mustafa. Họ giết cậu ấy ngay lập tức”.
Cái giá đắt đỏ
Sau khi một số tay trong Arab bị hành quyết, Abdullah phải trả cho thành viên trong mạng lưới ngày càng nhiều tiền hơn. “Từ khi các vụ hành quyết diễn ra, toàn mạng lưới của tôi đòi được trả thêm tiền”, ông Abdullah cho biết. “Trong thế giới của những người chuyển lậu người, một vụ giải cứu càng nguy hiểm thì chi phí càng cao”.
Những người như Abdullah và Khalil trở thành người hùng trong cộng đồng người Yazidi, giúp giải cứu hàng trăm phụ nữ bị bắt cóc.
Dù vậy, Amy Beam, một nhà hoạt động tại Duhok, lại có cách nhìn khác. “Những người Yazidi này thường thích kể lể. Những người Arab Hồi giáo dòng Sunni làm việc với tư cách trung gian trong vùng IS kiểm soát mới là anh hùng thực sự”.
Theo nhà hoạt động này, những người như Abdullah và Khalil cũng chỉ như những người thu xếp, điều phối hoạt động hậu cần từ xa. Do là người Yazidi, họ không bao giờ có cơ hội hoạt động trong vùng IS kiểm soát.
Khalaf, một người sống tại trại tị nạn Qadia, nhưng xuất thân cùng làng Kocho với Halo, cho biết gia đình anh bị IS bắt và đưa tới Mosul.
Anh kể lại cách con gái mình, Leila, trốn khỏi những kẻ jihad với sự trợ giúp của một người Arab địa phương có tên Akram. Đây chính là người điện thoại cho Khalaf khi tìm thấy Leila và giấu trong nhà suốt 45 ngày cùng những người Yazidi bỏ trốn khác.
“Cuối cùng, ông ấy đi qua các chốt kiểm soát ở Mosul, giả vờ Leila là con gái mình”, Khalaf kể. “Akram từ chối nhận bất kỳ khoản tiền nào. Ông ấy quen biết rất nhiều người Yazidi và đơn giản chỉ muốn giúp họ bớt đi nỗi đau”.
Cùng với người anh họ là Suleyman, Khalaf đã giải cứu hàng trăm người Yazidi khác bị bắt khỏi làng mình. Không muốn phô trương như Abdullah và Khalil -những người sống trong những căn hộ mới xây rộng lớn tại ngoại ô Duhok, hai anh em họ này sống cùng những người họ tìm cách giúp đỡ.
“Tại Sinja, người Arab và người Kurd sống cùng nhau. Chúng tôi có rất nhiều bạn và chính tình bạn đó đã giúp giải cứu những phụ nữ bị bắt. Nhưng đến khi tiền bắt đầu được trao tay, việc giải cứu người Yazidi trở thành một kiểu làm ăn”, Khalaf nói.
Những người Arab từng mạo hiểm sinh mạng để cứu những phụ nữ bị bắt cóc mà không cần hậu tạ giờ tự hỏi: “Nếu những người xung quanh đều kiếm được tiền, tại sao mình lại không, khi mà nhiệm vụ rất nguy hiểm?”.
Trong nội bộ IS cũng có những chiến binh tìm cách bán những người Yazidi lại cho gia đình nạn nhân để kiếm lời. Năm ngoái, Suleyman nhận được một cuộc gọi từ Raqqa của em gái mình. Một chiến binh IS người Morocco đã mua cô này và muốn bán lại cho gia đình. Cái giá được đưa ra là 45.000 USD.
Theo Khalaf, trong những ngày đầu các chiến dịch giải cứu diễn ra, số tiền phải chi khá ít. “Đôi khi các thành viên IS chỉ đòi 2.000 USD để giải thoát những người phụ nữ, nhưng giờ thì 20.000 USD được xem là rẻ”, Khalaf giải thích. Và do giá rất cao, nhiều gia đình người Yazidi không thể kham nổi.
Nhà hoạt động Amy Beam cho rằng việc giải cứu con tin không phải là giải pháp lâu dài. “Cách duy nhất để bảo vệ người Yazidi và các cộng đồng khác là đánh bại IS và thiết lập hòa bình lâu dài ở Trung Đông”, cô nói.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Gương mặt chằng chịt sẹo của nô lệ tình dục chạy trốn khỏi IS
Hơn hai năm bị cưỡng ép làm nô lệ tình dục cho IS, một thiếu nữ 18 tuổi người Yazidi trúng mìn trên đường bỏ trốn khiến một mắt bị mù còn mặt đầy sẹo nhưng cô cho rằng vẫn đáng giá.
Gương mặt đầy sẹo vì trúng mìn khi bỏ trốn của Lamiya. Ảnh: AP
Lamiya Aji Bashar phải mất 5 lần mới bỏ trốn thành công hồi tháng 3, chạy về phía khu vực chính phủ đang kiểm soát trong lúc bị các tay súng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) truy đuổi. Một quả mìn phát nổ, giết chết hai người bạn đồng hành của Lamiya là Almas 8 tuổi và Katherine 20 tuổi. Cô thậm chí không biết hai người họ gì.
Dù vụ nổ làm mù mắt trái Lamiya, mặt cháy xém đầy sẹo, cô vẫn cảm thấy mình thật may mắn.
"Tôi đã kiên trì được đến cùng, thần linh phù hộ. Tôi đã thoát khỏi bọn chúng", cô gái 18 tuổi nói. Lamiya đang ở nhà bác tại Baadre, thị trấn phía bắc Iraq.
"Cho dù có mù cả hai mắt cũng vẫn đáng giá vì tôi đã sống sót".
Lamiya bị bắt cóc ở làng Kocho, gần Sinjar vào mùa hè 2014. Bố mẹ cô được cho là đã chết. Mayada, em gái 9 tuổi của Lamiya vẫn đang trong tay IS. Cô bé từng gửi một bức ảnh đứng dưới cờ IS cho gia đình.
5 chị em khác của Lamiya đã trốn thoát và được đưa tới Đức. Một em trai sau nhiều tháng bị IS đưa vào trại huấn luyện ở Mosul đã trốn thoát thành công và đoàn tụ với họ hàng ở Dahuk, thành phố thuộc khu tự trị của người Kurd.
Ngồi trên giường, Lamiya cất giọng đều đều, kể lại quãng thời gian bị giam giữ và mua bán trao tay trong nội bộ IS. Tất cả "chủ nhân" đều đánh đập và xâm hại Lamiya.
"Chủ nhân" đầu tiên của Lamiya là một chỉ huy IS người Iraq có tên Abu Mansour sống tại Raqqa, thành trì của IS tại Syria. Hắn thường xuyên đánh đập, còng tay cô.
Lamiya cố bỏ trốn hai lần nhưng đều thất bại và bị bắt lại, bị đánh đập và hãm hiếp liên tục. Sau một tháng, cô bị bán cho một tay súng IS khác ở Mosul. Ở với hắn ta hai tháng, Lamiya tiếp tục bị bán cho một kẻ chuyên chế tạo bom. Hắn ép Lamiya phải giúp mình làm đai bom và bom xe.
"Tôi cố bỏ trốn", Lamiya nói. "Nhưng bị hắn tóm được và đánh cho một trận".
Khi kẻ chế bom bắt đầu chán Lamiya, cô lại được bán cho một tay bác sĩ của IS ở Hawija - một thị trấn nhỏ do IS chiếm đóng ở Iraq. Hắn là người đứng đầu bệnh viện trong thị trấn, thường xuyên xâm hại Lamiya. Sau hơn một năm, cô bí mật liên lạc được với người thân.
Bác của Lamiya cho biết cả nhà đã phải chi 800 USD cho những tay buôn lậu địa phương để bố trí đưa cô chạy trốn. Cô gái 18 tuổi này sẽ được đoàn tụ với anh chị em ở Đức, nhưng sau tất cả, trái tim Lamiya vẫn luôn hướng về Iraq.
"Chúng tôi từng ở trong một ngôi nhà đẹp, trang trại rộng lớn... Còn tôi thì được đi học", Lamiya nói, giọng đầy tiếc nuối. "Lúc đó cuộc sống rất đẹp".
Chợ nô lệ trên mạng của IS
"Còn trinh. Xinh đẹp. 12 tuổi... Giá 12.500 USD, mua ngay kẻo hết", là quảng cáo nô lệ tình dục được IS viết trên mạng xã hội Telegram bằng tiếng Arab.
Đoạn quảng cáo trên được một nhà hoạt động nằm vùng ở cộng đồng dân tộc thiểu số Yazidi tại Syria chia sẻ với phóng viên AP. Mặc dù đang mất dần những khu vực chiếm đóng, nhưng IS vẫn giữ trong tay khoảng 3.000 phụ nữ và em gái làm nô lệ tình dục.
Họ bị rao bán như món hàng trên các ứng dụng điện thoại thông minh, hiển thị đầy đủ hình ảnh, tên tuổi cũng như "chủ sở hữu" để không thể trốn thoát khỏi các trạm kiểm soát của IS.
Tháng 8/2014, IS tràn vào làng xóm của người Yazidi ở miền bắc Iraq, bắt giữ hàng nghìn tù nhân. Kể từ đó, người Arab và Kurd lên kế hoạch giải cứu khoảng 134 người Yazidi một tháng. Tuy nhiên, đến tháng 5, IS tăng cường đàn áp khiến 6 tuần qua, họ chỉ giải cứu được 39 người.
Mirza Danai, người sáng lập tổ chức cứu trợ Lufbrucke Irak của Đức - Iraq cho biết trong hai đến ba tháng gần đây, việc bỏ trốn trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn.
"Chúng làm đăng ký quản lý từng nô lệ, chủ sở hữu, và do đó nếu có cô gái nào bỏ trốn, mỗi trạm kiểm soát của IS hay kẻ đi tuần đều biết rõ cô gái này đã bỏ trốn khỏi chủ nhân", Danai nói.
IS không coi dân tộc Yazidi là người. Tộc Yazidi tin vào một tôn giáo Ba Tư cổ đại kết hợp các đức tin của Hồi giáo, Thiên chúa giáo và Hỏa giáo. Trước chiến tranh, dân số của tộc này ở Iraq ước tính khoảng 500.000 người, không rõ con số hiện tại.
Nadia Mourad, một nạn nhân bị IS cưỡng ép làm nô lệ tình dục và bỏ trốn thành công đã trình bày trước Quốc hội Mỹ và Liên minh châu Âu kêu gọi giúp đỡ.
"IS tự hào về việc đã làm với người Yazidi", Nadi nói. "Họ bị đưa ra làm lá chắn sống, không được phép bỏ trốn hay bỏ chạy".
Tin nhắn rao bán bé gái 12 tuổi trên mạng của IS. Ảnh: AP
IS buôn bán họ dựa trên các ứng dụng đã được mã hóa, một nhà hoạt động giấu tên cho biết. Quảng cáo rao bán thường xuất hiện trên Telegram, Facebook hoặc WhatsApp.
"Telegram cực kỳ phổ biến ở Trung Đông so với những khu vực khác", Markus Ra, phát ngôn viên của Telegram cho biết. Công ty này cam kết tránh để dịch vụ bị lợi dụng và thường xuyên loại bỏ các kênh sử dụng của IS.
Trên một nhóm có hàng trăm thành viên, ngoài việc rao bán bé gái 12 tuổi ra, IS còn rao bán một bà mẹ kèm hai đứa con 3 tuổi và 7 tháng tuổi trên WhatsApp với giá 3.700 USD.
"Cô ấy muốn chủ nhân bán mình đi", quảng cáo viết.
"Chúng tôi sẽ loại bỏ những bài đăng thế này, vô hiệu hóa tài khoản nếu được cung cấp đầy đủ bằng chứng cho thấy người dùng vi phạm. Chúng tôi khuyến khích mọi người báo cáo nếu phát hiện những bài đăng thế này", Matt Steinfeld, phát ngôn viên của WhatsApp nói.
Nhiều tấm ảnh chụp phụ nữ và bé gái ăn diện lộng lẫy, trang điểm đậm, đứng trước ghế tựa hay sau màn gấm trong một khách sạn tồi tàn, nhìn thẳng vào ống kính. Một số như mới tốt nghiệp cấp một, không ai nom quá 30 tuổi.
Một trong số đó là Nazdar Murat, mới 16 tuổi khi bị bắt cóc hai năm trước và là một trong số hơn 20 thiếu nữ bị IS đưa đi trong một ngày vào tháng 8/2014. Bố và các chú của Nazdar nằm trong số 40 người thiệt mạng khi IS tràn vào đánh chiếm Sinjar, quê hương của người Yazidi.
Bên trong căn lều sơ sài bên ngoài thị trấn Dahuk, miền bắc Iraq, mẹ của Nazdar cho biết con gái từng liên lạc được về nhà một lần vào 6 tháng trước.
"Chúng tôi nói chuyện với nhau được vài giây. Con bé nói nó đang ở Mosul", bà Murat cho biết. Mosul là thành phố lớn thứ hai Iraq.
Gia đình em lưu giữ hồ sơ về người thân mất tích trên điện thoại di động. Họ đưa chúng cho bất kỳ người nào trốn thoát thành công khỏi IS để hỏi xem liệu có thấy cô bé hay bất kỳ ai khác không, với hy vọng sẽ tìm lại được thân nhân mất tích. Thế nhưng càng ngày hy vọng càng mỏng manh.
"Mỗi lần có người trở về, chúng tôi lại hỏi họ xem có nhìn thấy con gái tôi không, nhưng không ai biết con bé cả. Có vài người bảo rằng nó tự tử rồi", bà Murat nói.
Hồng Hạnh
Theo VNE
IS bán nô lệ tình dục qua Facebook giá 8.000 USD Các phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang công khai rao bán nô lệ tình dục trên Facebook và bị mạng xã hội này xóa các bài quảng cáo chỉ sau vài giờ. Các phụ nữ thuộc tộc người Yazidi là đối tượng chính bị IS bắt cóc và cưỡng hiếp. Ảnh: Reuters "Gửi tất cả các anh em đang tính mua...