Nghe câu chồng mắng con, tôi giật mình nhìn đôi tay mình rồi ứa nước mắt chua chát
Tôi không ngờ chồng lại phũ phàng, cay đắng với vợ đến thế.
Vì học lực yếu nên hết lớp 9, tôi đã nghỉ rồi học nghề làm tóc. Tôi vẫn luôn khắc ghi câu nói của cô giáo chủ nhiệm năm cuối cấp 2: “Nghề nào cũng cao quý cả, chỉ cần các em sống đàng hoàng, tử tế và dịu dàng với cuộc đời, đó đã là điều trân quý”. Và 20 năm nay, tôi luôn tự hào vì đôi tay mình đã làm được biết bao kiểu tóc đẹp, giúp nhiều người phụ nữ nâng tầm nhan sắc. Nhờ chăm chỉ, khéo tiết kiệm nên hiện tại, tôi có 1 tiệm tóc lớn, vừa làm tóc vừa nhận học viên. Kinh tế trong nhà cũng dư dả và thoải mái.
3 năm trước, tôi kết hôn. Chồng tôi là thạc sĩ, đang giảng dạy ở trường cao đẳng trong tỉnh nhà. Khi yêu nhau, chúng tôi cho rằng học vấn không phải là điều quá to tát. Nhưng cưới rồi, sự chênh lệch học thức trở thành điều khiến chúng tôi tranh cãi, mâu thuẫn nhau. Chồng luôn mang tư tưởng tôi là người ít học, chỉ là thợ làm tóc thì chẳng hiểu nhiều về xã hội. Còn anh học cao nên biết rộng hiểu sâu về mọi mặt và là người nắm quyền quyết định trong nhà. Trong mọi cuộc tranh cãi, anh luôn giở cao giọng học hành của mình để hạ thấp vợ, buộc tôi luôn là người thua. Vì muốn nhà cửa êm ấm, tôi thường nhẫn nhịn chịu đựng tính gia trưởng, coi thường vợ của chồng. Nhiều lúc cũng ấm ức, cũng khóc nhưng tôi đều tự an ủi bản thân; đúng theo kiểu “khóc tự lau, đau tự chịu”.
Chồng dạy con học, nhân đó chê bai, coi thường vợ. (Ảnh minh họa)
Video đang HOT
Hôm qua, chồng tôi dạy con học tiếng Anh dù thằng bé mới hơn 2 tuổi. Anh còn mua nhiều sách về đọc cho con nghe, bắt con nhận biết cờ của các nước trên thế giới. Tôi phản đối thì chồng bảo tôi không am hiểu gì về chuyện học hành thì đừng lên tiếng, kẻo bị người ta chê cười. Thấy con còn nhỏ mà bị bố ép học, tôi xót lắm mà không thể làm gì. Thằng bé ham chơi, có mấy từ cơ bản cũng không nói được. Chồng tôi bực mình, gắt gỏng lên: “ Sao mà dốt thế, giống hệt mẹ mày”. Sau đó, anh còn chê bai đôi tay tôi nhăn nheo, xấu xí, nứt nẻ như tay bà già.
Tôi sững người, nhìn đôi tay đầy vết chai sạn mà cay mắt. Dịp giáp Tết, tôi làm tóc liên tục nên các đầu ngón tay bị khô, đau rát và nứt nẻ, chảy máu. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng làm để kiếm tiền, dù có khi đau đến đâu. Đồ đạc trong nhà, quần áo chồng con đang mặc cũng mua từ tiền tôi làm ra. Ấy vậy mà chồng vẫn không nhìn ra sự vất vả của vợ, ngược lại còn chê bai tôi nặng nề. Phải làm sao để thay đổi suy nghĩ, thái độ của chồng tôi về vợ đây?
Tết này mình gói bánh nha con?
Nghe mẹ "bỏ nhỏ" mong muốn được gói bánh như ngày nào mà lòng tôi rưng rưng, muốn khóc.
Đã từ lâu rồi tôi ngăn, không để mẹ được nấu bánh tét - niềm vui hiếm hoi của mẹ những ngày tết đến xuân về.
"Truyền thống" gói bánh tét ngày tết này bắt đầu từ nhà ngoại tôi. Ngoại tôi có đến 10 người con, dù nhà ngoại thuộc loại khá trong xóm nhỏ khu Cống Bà Xếp (quận 3) nhưng để lo bánh mứt cho đàn con đang tuổi lớn, ăn "không biết bao nhiêu là đủ", bà gói bánh tét tại nhà cho tiết kiệm. Những năm đầu, thợ chính gói bánh là bà Út - em út của bà ngoại. Để được bà Út ra công gói bánh giúp cho thì nhà ngoại tôi phải chuẩn bị gút nếp sẵn, đậu xanh, thịt... tất cả phải sơ chế xong rồi đem xuống nhà bà cố tôi (cách nhà ngoại khoảng 50m) để bà Út gói. Khi bà Út gói xong lại đùm túm đem lại về nhà "chính chủ" nấu. Về sau, thấy bất tiện, mẹ tôi và các dì tự mày mò gói.
Những năm cả nước khó khăn, ngoại tôi cũng cố gắng gói bánh cho con cái có cái ăn tết và cũng đãi bạn bè đến chơi. Mẹ tôi kể, mỗi khi bánh chín, ngoại tôi chia phần cho các con mỗi đứa vài đòn bánh, tự giữ "lương thảo" trong những ngày tết để đãi bạn hay để ăn tùy ý. Cứ mỗi lần gói bánh, bà ngoại là tổng chỉ huy, ông ngoại chỉ thong thả ra vô uống trà, nhìn con cái trong nhà lăng xăng gói bánh, cãi cọ và trêu chọc nhau. Nhìn thong thả thế thôi nhưng ông tôi lại sốt ruột, muốn thử bánh xem sao.
Tôi nhớ, có năm chiều ý ông, bà tôi vớt bánh sớm nên bánh chưa chín hẳn. Dù vậy nhưng bà tôi cũng chẳng cằn nhằn gì. Tính bà ngoại tôi là vậy. Với lại tết mà, chín bỏ làm mười chứ để bụng chi chuyện nhỏ đó. Được sinh ra ở Sài Gòn nên bà ngoại tôi cũng hào sảng, nhất là vào những ngày tết, như bao người dân Nam bộ lâu nay. Có lần, thấy mẹ tôi và các dì lu bu, ba tôi "phán": "Gói cái này dễ ẹt chứ có gì đâu mà không gói được". Nghe vậy, mấy dì "tuyển ngay" ba tôi vào làm thợ chính. Cũng quấn, cũng cột mà cái đòn bánh ba tôi gói nó lạ lắm. Lần thứ hai ba tôi lại đùm đùm, túm túm vẫn không ổn. Lúc này ba tôi mới than: "Ủa, lúc trước thấy bà già dưới quê túm túm dễ lắm mà ta?". Dù có năm bánh "nín" nhưng với tôi những cái bánh tét năm nào nhà ngoại gói vẫn ngon hơn cả. Nó không chỉ là cái bánh của sự chờ mong được ăn mỗi khi tết đến mà trong đó có gia vị của sum vầy, đầm ấm và sự bảo bọc, yêu thương của gia đình ngoại.
Ba tôi mất khi 5 anh em tôi còn tuổi học. Để tiết kiệm như ngoại, mẹ tôi cũng tự gói bánh cho nhà. Mẹ dạy tôi cách để lá dọc bên ngoài, để lá ngang bên trong, mặt xanh lên trên để bánh khi chín có màu xanh đẹp mắt. Tôi chỉ biết lý thuyết vì bao giờ phần gói cũng là mẹ tôi, tôi chỉ cột bánh sao cho đẹp là được; rồi canh, nấu bánh. Sau này, khi chúng tôi đã đi làm, mẹ vẫn muốn tự tay gói bánh. "Gói bánh cho có không khí tết", mẹ tôi luôn nói vậy. Ngoài phần ăn và biếu bà con lúc nào mẹ tôi cũng để dành cho anh trai tôi ở Đức Trọng (Lâm Đồng) vài đòn bánh khi anh tôi về nhà sau tết.
Anh em tôi dần đi xa nhà, 28 Tết tôi mới được nghỉ làm nên nhiều lần tôi cằn nhằn mẹ gói chi để cực thân, muốn mua thì siêu thị đã sẵn có. Nhưng mẹ tôi vốn khó tính. Bánh mua ngoài mẹ tôi chê đắt, lúc thì nếp nhiều quá, lại chỉ có vài miếng mỡ bên trong nhân. Khi thì chê thịt nhiều quá ăn ngán... Thấy con gái nhăn nhó, có năm, mẹ tôi không gói ở nhà nữa mà rủ dì tôi sang... nhà ngoại gói, dù ông bà tôi mất đã lâu, các dì cậu đều đã ở riêng từ lâu.
Sau mấy năm nghỉ gói bánh, giờ mẹ tôi lại "bỏ nhỏ": "Năm nay mình gói bánh nha con?". Nghe mẹ hỏi ý mà tôi rưng rưng trong lòng. Rồi tôi giật mình thảng thốt. Tóc mẹ tôi giờ trắng như mây, ngồi lâu một chút đã than đau lưng nhưng mẹ vẫn thích mỗi khi tết đến được gói bánh, được đi chợ tết, cho có không khí tết. Tôi sợ cái ngày mà mẹ tôi không còn sức gói bánh cho con cháu mỗi khi tết đến. Hay mẹ tôi không còn trách tôi mua bánh bên ngoài dở, nhân không đậm đà...
Ngày mai tôi sẽ đi mua nếp ngon, mua đậu xanh, đi siêu thị mua thịt để ngồi gói bánh cùng mẹ. Những cái bánh của tình yêu thương, của màu xanh hy vọng mẹ sẽ mãi khỏe mạnh để luôn gói cho đám con cháu những cái bánh tét truyền thống năm nào.
Nghe kế hoạch làm giàu trong năm mới của chồng mà tôi giật mình đánh rơi cả bát cơm Thấy bạn bè ai cũng khá giả, chồng tôi không cam phận ở trọ cả đời nên quyết chí làm giàu. Hôm qua, lúc ăn cơm vợ chồng tôi ngồi nói chuyện về tiền thưởng Tết. Anh than thở vất vả làm cả năm mà công ty thưởng cho được tháng lương cơ bản. Lương đã thấp, giờ thưởng cũng thấp khiến anh...