Nghề bắt thức ăn cho tôm hùm kiếm 300.000 đ/ngày
Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 4 – 5 tiếng, những người dân sống ở quanh khu vực cảng Hòn Khói (TX Ninh Hòa, tinh Khánh Hòa) có thể kiếm được vài trăm ngàn có khi lên đến cả triệu từ việc bắt thức ăn bán cho người nuôi tôm hùm.
Những phụ nữ thường chọn các đào ở các bãi bồi khi nước rút để tìm thức ăn cho tôm hùm.
Công việc bắt thức ăn cho tôm hùm của những người dân ở đây không phân định thời gian. Chỉ cần lúc nào con nước triều rút là họ lại cùng nhau ra các con mương, đầm nuôi bỏ hoang, bãi cạn để mò bắt các loại hải sản như đồng dĩa, sò giá, chiêm chiếp, hàu… về bán lại cho thương lái. Tính tất cả các xã quanh khu vực cảng Hòn Khói như Ninh Thọ, Ninh Hải, Ninh Thủy thì có đến khoảng 100 người làm nghề này.
Theo người dân thì công việc chỉ kéo dài từ khi thủy triều rút cho đến lúc nước lên lại. Tùy vào người làm nghề này là nam hay nữ mà họ chọn hình thức bắt thức ăn cho tôm khác nhau. Những người phụ nữ thường chọn cách đi dọc các bãi bồi rồi dùng các dụng cụ như dao, đục hay các thanh sắt mỏng để đào bới các loại hải sản như chiêm chiếp, sò giá, hàu…
Mỗi ngày lặn, những người dân ở đây có thể bắt được trên 1 tạ đồng dĩa, thu vài trăm, thậm chí cả triệu.
Chị Trương Thị Loan ở xã Ninh Thọ cho biết: “Tùy từng loại sò ốc mà giá cả được thu mua khác nhau. Giá chiêm chiếp thì 25.000 đồng/kg, sò giá thì 20.000 đồng/kg, hàu bóc vỏ có giá 50.000 đồng/kg. Những người đi đào như chúng tôi cứ hễ gặp con gì là bắt con đó. Bắt xong thì về rửa sạch rồi phân loại ra để bán. Công việc này không đến mức quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi phải kiên trì tỉ mỉ nhặt từng con một”.
Video đang HOT
Hỏi về thu nhập, chi Loan cho hay: “Ngày nào ít thì cũng được khoảng 100.000 đồng, ngày nào nhiều thì 200.000 – 300.000 đồng. Với những người phụ nữ như chúng tôi thì số tiền này không phải là nhỏ. Vì thời điểm này nếu không có nghề đào thức ăn cho tôm hùm thì tôi cũng không biết làm cái gì nữa. Nhà tôi có được mấy sào ruộng làm chỉ đủ ăn. Cũng may nhờ mấy con sò, con ốc này mà có đồng ra đồng vào”.
Khi thủy triều rút, người dân thường bơi thuyền thúng ra cách bờ 200 – 300m để bắt thức ăn cho tôm.
Khác với những người phụ nữ thì đàn ông ở đây thường chọn cách bắt thức ăn cho tôm bằng việc lặn xuống đáy biển để mò. Hàng ngày, họ chèo thuyền thúng ra cách bờ từ 200 – 300m rồi lặn xuống độ sâu từ 2 – 3m bắt con đồng dĩa. Công việc này đòi hỏi người phải có kinh nghiệm sông nước và sức khỏe dẻo dai để chịu đựng được áp lực nước trong một thời gian dài.
So với việc đào bắt trên bờ thì xuống đáy biển mò được nhiều hơn. Tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn. Việc bị các mảnh vỏ sò, ốc cắt vào tay, chân khiến chảy máu của những người làm nghề này xảy ra là chuyện bình thường.
Điểm thu mua mỗi ngày nhập khoảng trên dưới 2 tấn các loại sò ốc làm thức ăn cho tôm hùm.
Cũng như những người phụ nữ đào tìm sò ốc trên bãi bồi thì khi nước triều lên, những người đàn ông làm nghề lặn bắt sò giá cũng bắt đầu chèo thuyền thúng dọc theo các con mương vào nhập sản phẩm cho thương lái. Chuyến đi này, ông Nguyễn Kiệt ở Ninh Thủy bắt được hơn 160kg đồng dĩa. Với giá thu mua loại hải sản này là 5.000 đồng/kg thì đợt này ông cũng thu được 800.000 đồng.
“Bắt thì ngày ít ngày nhiều. Nói chung là ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn, Ngày cao thì cũng được tiền triệu. Ở đây cũng nhiều người đi lặn lắm. Người nào có kinh nghiệm và gặp vùng có nhiều thì cũng được vài tạ”, ông Kiệt nói.
Theo Lê Khanh (Nông nghiêp Viêt Nam)
Tôm hùm ở Phú Yên chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường
Chính quyền tỉnh Phú Yên xác định khu vực nuôi hải sản bị ô nhiễm khiến tôm hùm chết hàng loạt.
Chiều 5/7, ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND Phú Yên cho biết, các lần lấy mẫu kiểm tra xác định, lượng tôm hùm nuôi trong lồng bè tại xã Xuân Phương và phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu) có mật độ rất dày.
Môi trường tại vùng nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng; chất hữu cơ tích tụ lâu ngày gặp thời tiết xấu bị phân huỷ, vi tảo phát triển mạnh cùng với việc thiếu oxy tầng đáy là nguyên nhân khiến tôm hùm chết hàng loạt.
"Người dân cắm cọc tre, dùng lốp xe nuôi vẹm, hàu và chất thải bè nuôi thải ra môi trường cũng là một trong những nguyên nhân làm tôm chết", ông Thế nói.
Chính quyền Phú Yên công bố nguyên nhân khiến hơn 1,6 tôm hùm chết. Ảnh: Nguyên Dương.
Theo Phó chủ tịch UBND Phú Yên, tôm chết là do điều kiện khách quan nhưng tỉnh đã báo cáo Thủ tướng cùng các bộ ngành có cơ chế đặc thù, hỗ trợ người dân.
"Tỉnh cũng yêu cầu từng địa phương tìm cách hỗ trợ người nuôi tôm. Chúng tôi làm việc với ngân hàng thống kê dư nợ, có giải pháp hỗ trợ người dân tái sản xuất", ông Thế nói.
Liên quan việc người dân cho rằng tôm chết là do nhà máy chế biến thuỷ sản xả thải, bà Lê Đào Anh Xuân (Phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường) khẳng định không liên quan đến đơn vị này. Kết quả được xác định sau khi Trung tâm phân tích thí nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM) cùng đoàn công tác cục môi trường miền Trung và Tây Nguyên (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) lấy mẫu làm xét nghiệm.
Tôm hùm chết hàng loạt tại Sông Cầu. Ảnh: Nguyên Dương.
Hồi cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, hơn 1,6 triệu con tôm hùm của gần 700 hộ nuôi tại lồng bè thị xã Sông Cầu bất ngờ quẫy nước mạnh, chết rất nhanh.
Nguyên Dương
Theo VNE
Hỗ trợ người nuôi tôm hùm tỉnh Phú Yên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về giải pháp khắc phục tình hình tôm hùm nuôi chết tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Tôm hùm chết bị vứt bỏ la liệt ở dọc biển Sông Cầu, Phú Yên. Theo UBND tỉnh Phú Yên, tại xã Xuân Phương và phường Xuân Yên thuộc vịnh Xuân Đài...