Nghệ An: Trường mầm non thu nhiều khoản ngoài quy định
Để “ lách luật”, các khoản thu ngoài quy định của Trường MN Thị trấn Quán Hành (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đều được thu dưới danh nghĩa tự nguyện. Điều lạ lùng là toàn bộ các khoản này được nhà trường “khoán” cho Ban Đại diện Cha mẹ HS đứng ra vận động và tổ chức thu.
Trường Mầm non thị trấn Quán Hành (huyện Nghi Lộc, Nghệ An).
Theo phản ánh trong đơn của cha mẹ học sinh Trường Mầm non thị trấn Quán Hành (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), đầu năm học 2012-2013, nhà trường đã tổ chức thu nhiều khoản trái quy định và tổ chức vận động xã hội hóa giáo dục với mức sàn quá cao. Theo đó, tiền vận động xã hội hóa giáo dục được quy định mức vận động tối thiểu 400.000 đồng/cháu tiền hỗ trợ thiết bị dạy học tùy từng nhóm lớp, giao động từ 160.000 đồng đến gần 370.000 đồng/cháu. Ngoài ra, nhà trường còn thu khoản hỗ trợ đồ dùng dạy học 100.000 đồng/cháu tiền nước uống 60.000 đồng/cháu tiền quỹ lớp 30.000 đồng/cháu tiền quỹ trường 50.000 đồng/cháu.
Theo cha mẹ các cháu thì những khoản đóng góp trên họ không được bàn bạc mà do nhà trường và giáo viên chủ nhiệm áp đặt. Khi cha mẹ các cháu chất vấn lại không được sự giải thích thỏa đáng từ phía lãnh đạo nhà trường. “Trường Mầm non Quán Hành đưa ra nhiều khoản thu lạ lùng, bất hợp lý, khoản thu này chồng chéo khoản thu kia…”, đơn nêu rõ.
Thiết bị, đồ dùng học tập theo Thông tư 02/2010/TT-BDGDT được thu dưới danh nghĩa tự nguyện.
Chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo nhà trường để làm rõ các vấn đề nêu trong đơn. Buổi làm việc có cô Nguyễn Thị Hoa – hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Quán Hành bà Đỗ Thị Điểm – Trưởng Ban đại diện Cha mẹ Học sinh của trường và ông Nguyễn Trường Biên – Trưởng Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp 5A. Tại buổi làm việc, cô giáo Nguyễn Thị Hoa khẳng định nhà trường trực tiếp thu các khoản theo quy định của Bộ GD-ĐT như học phí. Còn lại các khoản thu khác đều do Ban Đại diện cha mẹ học sinh của trường đứng ra vận động và trực tiếp thu. “Việc thu các khoản tiền trên đều đúng quy trình và nhận được sự nhất trí cao của phụ huynh học sinh. Riêng khoản quỹ trường thì nhà trường không thu”, cô hiệu trưởng khẳng định.
Về khoản thu xã hội hóa giáo dục, cô giáo Hoa lý giải: Do nhà trường còn đang hết sức thiếu thốn, cơ sở vật chất trường lớp xuống cấp, có 3 phòng học hiện đang phải học nhờ phòng họp của trường và chưa có nhà vệ sinh cho trẻ. Nhiều lần trường “kêu” lên UBND thị trấn Quán Hành và Phòng GD-ĐT nhưng chưa được giải quyết. Bởi vậy, ngay từ đầu năm, nhà trường đã dự trù kinh phí xây dựng, tu sửa hết 269.000.000 đồng. Tuy nhiên, kinh phí của trường chỉ trông chờ vào 30% học phí, do vậy trường dự kiến vận động cha mẹ các cháu đóng góp 190.000.000 đồng nữa mới đủ kinh phí thực hiện xây dựng, tu sửa phục vụ cho các cháu học tập tốt hơn. Tuy nhiên, dù năm học đã chuẩn bị bước sang tháng thứ 3 nhưng cô hiệu trưởng vẫn không nắm rõ con số cụ thể của 30% học phí được trích ra để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm đồ dùng dạy học là bao nhiêu.
Ngoài khoản thu theo TT02, phụ huynh phải đóng thêm nhiều khoản phục vụ cho học tập và sinh hoạt tại trường của con em mình.
Video đang HOT
Trong buổi họp cha mẹ các cháu đầu năm học, trách nhiệm vận động xã hội hóa giáo dục được “giao” cho Ban đại diện Cha mẹ Học sinh của trường. Số tiền đóng góp của mỗi người được cụ thể hóa trong danh sách “Phụ huynh đăng ký tự nguyện hỗ trợ theo hình thức xã hội hóa giáo dục năm học 2012-2013″. Cha mẹ các cháu tự điền tên, số tiền ủng hộ và ký vào bản đăng ký tự nguyện trên. Trung bình, mỗi người “tự nguyện” nộp 400.000 đồng. Cá biệt có người ủng hộ 200.000 đồng hoặc 500.000 đồng. Ngoài ra còn có thêm một danh sách cha mẹ các cháu đăng ký hỗ trợ thêm. Ở danh sách này, số tiền ủng hộ giao động từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng.
Ngoài số tiền xã hội hóa giáo dục, cha mẹ các cháu còn được vận động “tự nguyện” đóng góp tiền mua sắm đồ dùng học tập theo thông tư 02/2010/TT-BGDĐT. Theo đó, tùy theo từng nhóm tuổi, mỗi người phải đóng góp từ 165.000 đồng (nhóm trẻ) đến 267.000 đồng (lớp mẫu giáo 3-4 tuổi) và 367.000 đồng (đối với lớp 5 tuổi. Về khoản thu này được hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoa lý giải như sau: “Đồ dùng học tập theo Thông tư 02 gồm có 128 danh mục tối thiểu. Trong đó một phần là do Sở GD-ĐT cấp, một phần được mua từ quỹ học phí của trường, một số đồ dùng do giáo viên tự làm và số còn lại do phụ huynh thỏa thuận. Đồ dùng học tập theo Thông tư 02 là do Hội cha mẹ Học sinh thống nhất với các phụ huynh nộp tiền để mua”.
Tiền nước uống cũng được thu theo hình thức tự nguyện.
Không những thế, mỗi cha mẹ các cháu còn được “vận động tự nguyện” mua sổ khám sức khỏe 6.000 đồng khăn mặt (1 trẻ 2 khăn) 10.000 đồng nước tẩy Vim, xà phòng thơm, xà phòng giặt, xô chậu 30.000 đồng phiếu bé ngoan, giấy giáo viên chủ nhiệm dùng lên lớp 9.000 đồng hỗ trợ thêm đồ dùng bán trú 45.000 đồng. Tổng cộng, số tiền “hỗ trợ thêm đồ dùng học tập” mà mỗi cha mẹ các cháu phải đóng góp là 100 nghìn đồng.
Riêng tiền nước uống thu dưới hình thức “tự nguyện” với số tiền 60.000 đồng/cháu cũng được cô hiệu trưởng lý giải là do Ban đại diện Cha mẹ các cháu vận động và được sự thống nhất cao trong cha mẹ các cháu. “Nước sạch phục vụ cho các cháu được nhà trường ký hợp đồng với một doanh nghiệp tại thị xã Cửa Lò. Đây là loại nước uống tinh khiết. Khi nào nhà trường mua được máy lọc nước cho các cháu thì số tiền nước sẽ hoàn trả lại”, cô Hoa cho biết thêm. Tuy nhiên, tại lớp học ngay bên cạnh phòng họp của trường, nước uống của các cháu được đựng trong một thùng kim loại. Bởi vậy thật khó để xác định nước các cháu đang dùng là nước tinh khiết hay không.
Mặc dù Trưởng, phó Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường khẳng định chưa được tiếp cận với những quy định trong Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh mới nhưng nội dung này đã được “quyết định thông qua” trong buổi họp phụ huynh đầu năm học.
Số tiền quỹ lớp mỗi cháu 30.000 đồng được ông Nguyễn Trường Biên – Trưởng Ban đại diện Cha mẹ Học sinh lớp 5A lý giải là dùng để thăm hỏi các cháu khi ốm đau. Tuy nhiên, lý do này cũng được đưa ra lý giải cho khoản thu quỹ cha mẹ học sinh 25.000 đồng/người.
Khi chúng tôi đặt vấn đề trách nhiệm của Ban đại diện Cha mẹ Học sinh đến đâu trong việc đưa ra các khoản thu, tổ chức vận động và thu chi, bà Đỗ Thị Điểm khẳng định, các khoản thu mà Ban đại diện đứng ra vận động là đúng và đã được sự thống nhất cao trong cha mẹ các cháu.
Theo Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 22/11/2011 kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT (Điều lệ này có hiệu lực từ ngày 07/01/2012 thì Ban Đại diện Cha mẹ Học sinh không đượcquyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện Cha mẹ Học sinh.
Tất các các khoản thu ngoài quy định đều được “đổ” cho Ban đại diện Cha mẹ Học sinh.
Các khoản thu này bao gồm: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường bảo đảm an ninh nhà trường trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh vệ sinh lớp học, vệ sinh trường khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Khi chúng tôi viện dẫn những quy định mới về trách nhiệm, quyền hạn của Ban đại diện Cha mẹ Học sinh trong vấn đề thu chi của trường thì cả bà Điểm và ông Biên đều trả lời “Chúng tôi chưa được tiếp cận quy định này”. Thế nhưng trong biên bản họp cha mẹ học sinh của từng lớp đều có mục “Thông qua điều lệ Hội cha mẹ học sinh và Nội quy của trường” và đều đã được “quyết định thông qua”.
Hoàng Lam
Theo dân trí
Phụ huynh sợ khoản "tự nguyện" đầu năm
Một tháng sau ngày khai giảng, các phụ huynh học sinh được nhà trường mời đến họp triển khai "nhiệm vụ" năm học mới. Những khoản thu "tự nguyện" luôn làm bức xúc các bậc phu huynh.
Những khoản thu "tự nguyện" trên trời
Chị Nguyễn Thị Thanh năm nay có con vào lớp 1 tại trường Tiểu học N.D (huyện Từ Liêm, Hà Nội), đầu năm học chị đã phải nộp hơn 1,8 triệu đồng tiền học cho con. Nhưng chị Thanh cho biết đó chỉ là tiền "cứng", còn khoản tiền "mềm" luôn khiến chị và nhiều phụ huynh khác bức xúc trong đó phải kể đến tiền quỹ lớp, quỹ trường, quỹ ủng hộ trường lên tới 700 nghìn đồng.
"Chúng tôi được Hội trưởng hội phụ huynh thông báo về các khoản tiền quỹ tự nguyện, nhưng sao lại quy định mức trần là 300 nghìn đồng quỹ lớp, 200 nghìn đồng quỹ trường, 200 nghìn đồng ủng hộ xây dựng trường. Chúng tôi phản ánh thì vị hội trưởng cho biết đã thống nhất với nhà trường rồi nên các phụ huynh thông cảm. Tôi thấy thật là hết sức vô lý".
Vừa nói chị Thanh vừa mở cuốn sổ ghi chép chi tiêu cho con hàng tháng rồi phàn nàn: "Mặc dù tháng 9 mới khai giảng năm học mới, nhưng ngay từ tháng 7 chúng tôi đã phải đưa cháu đến trường. Tổng cộng 3 tháng nay, tôi đã phải nộp đến gần 5 triệu đồng tiền học chia làm 3 đợt cho cháu". Tôi được biết, khác mọi năm, để phụ huynh đỡ kêu ca tiền học nhiều, trường bày ra "chiêu" thu từng đợt cho nhẹ hơn.
Chị Thu Hương ở đường Cầu Giấy, Hà Nội cũng chung tâm trạng khá bức xúc: "Không hiểu sao quỹ tự nguyện mỗi năm một tăng, năm ngoái 300 nghìn đồng quỹ lớp, năm nay 500 nghìn đồng. Lẽ ra thu tự nguyện theo chúng tôi hiểu là mình muốn nộp bao nhiêu là tùy mình, nhưng đằng này, chúng tôi rơi vào thế buộc phải theo.
Không chỉ những khoản thu tự nguyện, ngay cả những khoản thu bắt buộc cũng khiến nhiều phụ huynh băn khăn. Chị Phương có con học trường mần non ở Từ Liêm, Hà Nội phàn nàn: "Con tôi năm nào cũng phải nộp tiền mua máy chiếu, năm ngoái còn 3 tháng nữa là nghỉ hè mà chúng tôi vẫn phải nộp. Nhưng chúng tôi không biết nhà trường có dùng số tiền đó để mua máy chiếu hay không, vì con tôi đến khi học hết mầm non mà chưa được học máy chiếu buổi nào". Theo chị Phương, nhà trường còn thu thêm mỗi tháng 100 nghìn đồng tiền than củi và tiền nước phục vụ nấu ăn cho các cháu, mặc dù đã nộp tiền ăn.
Tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, có trường thu tiền môn tự chọn tin học dưới hình thức thu tiền... bảo dưỡng máy tính. Việc này sau đó đã được lãnh đạo Sở giáo dục Hà Nội nhắc nhở vì sai quy định. Bởi các môn tự chọn, kể cả tin học không được thu bất cứ khoản nào kể cả bảo dưỡng máy. Chỉ thu tiền với hình thức học nghề.
Những khoản thu của học sinh đầu năm đang khiến phụ huynh đau đầu (Hình minh họa)
Theo tìm hiểu của PV, tình trạng lạm thu không diễn ra ở tất cả các cấp học với sáng tạo khoản thu "tự nguyện" để móc túi cha mẹ học sinh. Năm nay tự nguyện mua điều hòa, sang năm mua máy chiếu... Rồi tự nguyện nộp quỹ lớp, quỹ trường, ủng hộ nhà trường xây dựng, tự nguyện nộp tiền điện thoại liên lạc... Thậm chí các trường còn hợp pháp hóa bằng cách để cho phụ huynh học sinh ký bản cam kết tự nguyện rồi nộp lại cho trường để chứng minh rằng phụ huynh "tự nguyện".
Bức xúc nhưng không dám nói
Chị Nguyễn Thị Thanh tâm sự: "Không có gì bức xúc hơn khi việc mình không muốn vẫn phải làm, không đồng ý nhưng chẳng dám nói ra. Việc phải nộp 3 loại quỹ hết 700 nghìn, là điều nhiều phụ huynh bức xúc nhưng con mình học ở đấy, nói ra lỡ mất lòng cô giáo cháu sẽ thiệt thòi".
Chị Nguyệt ở Hoàng Mai, Hà Nội kể lại sau buổi họp phụ huynh: "Không khí buổi họp căng thẳng, mặc dù tất cả mọi khoản đóng góp đều được đồng ý. Nhưng sau buổi họp, các ý kiến xì xào, bức xúc mới được đưa đến hội trưởng phụ huynh học sinh. Có vị hội trưởng hội phụ huynh còn tuyên bố: Ông bà nào làm được thì làm đi, trên đe, dưới búa, từ nay tôi không làm nữa. Vậy là các bậc cha mẹ chỉ còn cách lặng lẽ ra về".
Chúng tôi tìm đến một vị hiệu trưởng trưởng tiểu học, nơi có nhiều phụ huynh phản ánh về mức độ lạm thu. Bà hiệu trường tỉnh bơ cho hay, bà không hề biết những khoản thu tự nguyện, trường chỉ thu những khoản do sở Giáo dục & Đào tạo quy định. Khoản thu "700.000 đồng/học sinh như phụ huyh phản ánh, ban giám hiệu nhà trường hoàn toàn không có chủ trương. Nếu có thì cũng chỉ ở ban phụ huynh từng lớp thống nhất với nhau, chứ hiện tại tôi vẫn chưa nhận được thông tin từ phía giáo viên, hay đại diện ban phụ huynh thông báo. Quan điểm của chúng tôi là không thu bất kỳ một loại phí nào khác ngoài danh mục Bộ giáo dục quy định".
Liên quan đến khoản thu thêm 100 nghìn đồng/học sinh/tháng tiền mua than củi, nước..., bà hiệu trưởng này cho rằng số tiền thu thêm đó tất cả các trường đều thực hiện chứ không phải riêng gì trường của bà. Bởi theo vị hiểu trưởng này, số tiền trên sẽ dùng vào việc bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc, quản lý, nhân viên phục công tác bán trú... Do đó, khoản tiền này đều hết sức minh bạch và đều do phụ huynh học sinh tự nguyện.
Trước khi năm học mới bắt đầu, Sở Giáo dục &Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các trường công khai, minh bạch tất cả các khoản thu, thu đúng, thu đủ, nếu trường nào cố tình thu các khoản không đúng quy định, sẽ xử lý. Tuy nhiên, tình trạng "lách" luật ngay lập tức đã diễn ra, tình trạng lạm thu vẫn không hề giảm mà có phần cao hơn ở các khoản "tự nguyện". Theo PGS Văn Như Cương, thực tế cho thấy, từ trước đến nay, rất ít cơ sở giáo dục bị xử lý kỷ luật do lạm thu. Nhà trường gần như vô can, trách nhiệm được "chuyển" sang cho ban đại diện cha mẹ học sinh.
Theo khám phá
Tiền trường: bao nhiêu mới đủ? Các trường "sáng tạo" ra rất nhiều loại phí dưới những tên gọi khác nhau buộc phụ huynh phải đóng. Thế nhưng, dù đã thu hàng trăm ngàn, hàng triệu đồng, các trường vẫn cứ kêu thu không đủ chi. Giờ học chiều 6/10 của học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, TP.HCM. Trường này chỉ thu một khoản học...