Nghệ An: Trồng bạt ngàn bù đỏ hình hồ lô, càng già càng dễ bán, hoá ra là loại quả ai cũng biết
Với đặc tính dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, ít sâu bệnh, không tốn nhiều công lao động, cây bù đỏ đã được bà con nông dân huyện Anh Sơn mở rộng diện tích và trở thành cây trồng chủ lực vùng đất bãi.
Trồng bạt ngàn bù đỏ hình hồ lô, càng già càng dễ bán
Gia đình anh Nguyễn Văn Ngà ở thôn 4, xã Phúc Sơn đang vào vụ thu hoạch bù đỏ. Những quả bù đỏ hình hồ lô nằm san sát nhau trải dài và thẳng tắp trên v ùng đất bãi ven Sông Lam.
Thu hoạch bù đỏ vùng bãi sông Lam ở huyện Anh Sơn. Ảnh: Thái Hiền
Video đang HOT
Dừng tay nghỉ tiếp chuyện chúng tôi, anh Ngà chia sẻ: Vụ đông năm nay, gia đình anh trồng 5 sào bù đỏ trên đất bãi, qua nhiều năm trồng nhận thấy đây là loại cây dễ trồng, chỉ cần làm đất, phủ ni lông và xuống giống sau 2- 3 ngày thì sẽ nảy mầm. Hơn nữa, trong quá trình trồng cũng không tốn nhiều công chăm sóc, không phải làm giàn mà thả cho dây bò dưới mặt đất, chỉ cần cung cấp đủ nước tưới là bù ra trái.
Còn về chất lượng, giống bù đỏ trái hình hồ lô này dẻo hơn so với các giống khác, kích cỡ cũng không lớn quá, mỗi quả nặng từ 1-1,5kg nên cũng dễ bán.
Anh Ngà còn cho biết, mỗi sào trồng bù đỏ, sau 40- 50 ngày cho thu hoa, quả bù non và sau 75 ngày cho thu quả già.
Bù đỏ hình hồ lô có trọng lượng hơn 1kg, càng già thịt quả càng ngon, bảo quản được lâu. Ảnh: Thái Hiền
Đây là loại cây rau đa dụng bởi ở giai đoạn cây sinh trưởng mạnh, ngọn và hoa được các hộ thu hái bán làm rau ăn có giá trị dinh dưỡng cao, có giá từ 3-5 nghìn đồng/bó, đến giai đoạn quả non cũng có thể bán để xào, nấu canh có giá 5-10 nghìn đồng/kg, tùy thời điểm.
Trồng bù đỏ này có được lợi thế hơn so với các loại rau màu khác là không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường. Khi giá xuống thấp gia đình sẽ neo lại không bán, vì vỏ quả bù cứng, có thể bảo quản trong thời gian dài, hơn nữa bù để càng già thì độ dẻo sẽ càng cao, càng ngon.
Bà con rất phấn khởi vì năm nay do dịch Covid-19 nhưng bù đỏ dễ bán, giá cũng tạm ổn. Với diện tích 5 sào bù đỏ, cho gia đình anh Ngà thu về gần 6 tấn quả, giá đầu vụ là 6.500 đồng/kg, hiện tại là 4.500 đồng/kg, cho gia đình anh thu về gần 30 triệu đồng.
Mặc dù, đang bận rộn với việc thu hoạch bù đỏ để kịp bán cho thương lái đến thu mua, nhưng chị Nguyễn Thị Giang ở thôn Hội Lâm xã Cẩm Sơn vẫn dành thời gian tiếp chuyện chúng tôi.
Chị Giang cho biết: Bắt đầu từ tháng 12, gia đình chị xuống giống trồng bù đỏ, đến giữa tháng 2 cho thu hoạch quả. Nếu bón lót, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, chỉ sau một tháng, bù bắt đầu bò kín mặt ruộng và ra ngọn, hoa.
Theo chị Giang, quả bù đỏ có vỏ dày, cứng, có thể bảo quản trong thời gian dài nên rất thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là khi rau khan hiếm. Sau hơn 2 tháng trồng, chăm sóc, mỗi sào đạt năng suất từ 1-1,2 tấn quả, sau khi trừ chi phí cũng cho gia đình thu lãi hơn 5 triệu đồng/sào. Chưa kể tận thu thêm từ hoa bù, ngọn bù lúc đầu vụ cũng mang lại cho gia đình chị một số tiền không nhỏ.
Theo kinh nghiệm của bà con nông dân trồng bù đỏ ở Anh Sơn, đây là loại cây phát triển nhanh, thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ từ 70-75 ngày là cho thu hoạch. Một cây bù có thể cho từ 3 – 4 quả, mỗi quả có trọng lượng từ 1 kg trở lên. Giống quả này có thể vận chuyển đi xa, thích ứng với thời tiết và điều kiện canh tác của địa phương, thị trường tiêu thụ rộng.
Cây bù đỏ đang được mở rộng diện tích ở Anh Sơn. Ảnh: Thái Hiền
Qua nhiều năm trồng cây bù đỏ, bà con nông dân ở các địa phương trên địa bàn huyện Anh Sơn đã nắm vững kỹ thuật thâm canh cũng như các biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại để cây bù đỏ cho năng suất cao nhất. Bình quân năng suất đạt từ 24 – 30 tấn/ha đem về nguồn thu từ 100 – 120 triệu đồng/ha sau khi đã trừ các khoản chi phí. Ngoài ra, sản phẩm thu đa dạng từ hoa, ngọn, quả non đến quả già, được người tiêu dùng ưa thích nên rất dễ tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đăng Khoa – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn cho biết: Toàn huyện có khoảng 20 ha trồng bù đỏ, chủ yếu được trồng ở các vùng đất bãi ven sông Lam. Những địa phương trồng nhiều là Cẩm Sơn, Phúc Sơn, Tào Sơn và Thạch Sơn. Bù đỏ đã trở thành cây hàng hóa cho giá trị kinh tế cao, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cho địa phương và các vùng lân cận vào mỗi vụ đông hàng năm ở Anh Sơn.