Nghệ An: Nuôi loài ngỗng lạ nhìn dữ tợn, chạy giống như chim đà điểu, bán 1 con to cầm chắc mấy trăm ngàn
Vốn là tay ngang trong nghề chăn nuôi, anh Đinh Văn Vinh (SN 1979, xóm Hồng Liên, xã Nghi Liên, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đã đầu tư nuôi ngỗng sư tử.
Chỉ trong một thời gian ngắn, nghề nuôi giống ngỗng lạ này đã mang lại hiệu quả kinh tế không ngờ cho anh và gia đình.
Trong những năm gần đây, các mô hình chăn nuôi gia cầm như gà sinh sản, gà thịt, vịt siêu đẻ, bò vỗ béo, ngỗng sư tử… được Hội Nông dân thành phố Vinh khuyến khích, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển khá mạnh.
Trong các mô hình trên có mô hình nuôi ngỗng sư tử của anh Đinh Văn Vinh (SN 1979) ở xóm Hồng Liên, xã Nghi Liên, TP. Vinh. Đây là mô hình chăn nuôi mới lạ, chưa áp dụng nhiều tại địa phương nhưng lại là mô hình mang lại nhiều hiệu quả kinh tế.
Mô hình chăn nuôi ngỗng sư tử của của anh Đinh Văn Vinh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Ảnh: Cảnh Thắng
Nghề nghiệp chính là thợ xây dựng, hàng ngày ngoài chăm sóc đàn ngỗng sư tử, anh Đinh Văn Vinh là thợ cả có tiếng tại địa phương.
Với bản tính cần cù, ham học hỏi, năm 2017 anh Vinh đã dành hơn 2.000 m2 đất vườn để xây dựng trang trại nuôi ngỗng sư tử. Từ một kẻ tay ngang, anh dần dần bén duyên với nghề chăn nuôi ngỗng sư tử và bước đầu làm ăn có lãi.
Năm 2018, anh Vinh đầu tư 400 con ngỗng sư tử giống tại Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT). Biết ngỗng sư tử là giống gia cầm khó chăm sóc, anh Vinh chịu khó tìm hiểu và học hỏi tại nhiều trang trại chăn nuôi.
Bằng cách nghĩ, cách làm táo bạo, anh Vinh đã áp dụng nuôi ngỗng sư tử theo mô hình thả rông, chăn thả theo hình thức bán tự nhiên. Thức ăn của ngỗng sư tử chủ yếu là rau, củ nên thịt ngỗng thơm ngon hơn.
Cách nuôi nhốt thả vươn và thức ăn chủ yếu là rau xanh nên thịt ngỗng sư tử do anh Đinh Văn Vinh nuôi rất thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Ảnh: Cảnh Thắng
Video đang HOT
Theo anh Vinh, số vốn ban đầu bỏ ra đầu tư nuôi ngỗng sư tử khá lớn, nhưng được gia đình vợ con ủng hộ nên anh quyết tâm theo đuổi mô hình.
“Mỗi con ngỗng sư tử giống có giá bán từ 100.000 đến 120.000. Khi mua 300 con ngỗng giống tôi đã tiêu tốn gần 40 triệu đồng. Tồi đầu tư chuồng trại, thức ăn cũng rất tốn kém, nhưng tôi thấy đàn ngỗng lớn nhanh tôi thấy yên tâm…”, anh Vinh cho hay.
Trao đổi với Dân Việt, anh Đinh Văn Vinh chia sẻ: “Trong các loài gia cầm, thì giống ngỗng sư tử là loài có sức đề kháng cao nên ít xảy ra dịch bệnh, lại dễ nuôi. Ưu điểm của giống ngỗng sư tử là cho sản lượng thịt cao hơn các loại ngỗng cỏ thông thường…”.
Theo anh Vinh, nuôi ngỗng sư tử từ lúc nhỏ rất vất vả, vì giai đoạn này nuôi nhốt hoàn toàn. Nếu không chăm sóc, giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đặc biệt không giữ ấm được cho ngỗng con thì tỷ lệ chết sẽ rất cao, nếu sống thì những con bị lạnh cũng rất chậm lớn…
Ngỗng sư tử trông rất dữ tợn, nhưng lại thứ gia cầm nhát người lạ. Mỗi khi gặp người lạ là đàn ngỗng chạy khắp vườn. Ảnh: Cảnh Thắng
“Khi ngỗng đã dần trưởng thành, việc chăm sóc đàn ngỗng trở nên đơn giản hơn. Lúc này chủ yếu tôi chăn thả ngỗng sư tử ngoài tự nhiên và các khoảnh ruộng bên cạnh. Ngoài thức ăn tự nhiên sẵn có ngoài đồng ruộng, tôi cho thêm thức ăn hỗn hợp như lúa nên ngỗng của trang trại tôi thịt thơm ngon, bổ dưỡng.”, anh Vinh cho hay.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi ngỗng, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, kết quả sau 6 tháng nuôi, đàn ngỗng sư tử của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 94%. Trọng lượng ngỗng sư tử bình quân xuất chuồng đạt từ 3,5 kg đến 6 kg/con.
Anh Đinh Văn Vinh chăm sóc một “cô ngỗng” mái đang ấp trứng trong ổ của mình. Ảnh: Cảnh Thắng
Mỗi lứa anh Vinh nuôi từ 300 đến 400 con ngỗng sư tử, đầu tư khoảng 100 triệu đồng. Sau 6 tháng chăm sóc, ngỗng xuất chuồng bình quân từ 3,5 kg đến 6kg/con. Với giá bán ngỗng sư tử từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/kg tùy thời điểm, anh Vinh lãi gần 100 triệu đồng.
“Khách hàng mua ngỗng sư tử chủ yếu của trang trại nhà tôi là các nhà hàng, khách sạn và những cửa hàng chuyên bán thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Vinh. Do vậy nguồn cung ngỗng thịt nhiều lúc không đủ cầu. Tuy nhiên, trong thời gian 2 năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên ngỗng thịt của tôi không bán số lượng lớn cho nhà hàng, khách sạn mà phải bán lẻ. Tuy bán lẻ nhưng lượng đặt mua cũng nhiều, có thời điểm không còn ngỗng thịt để bán…”, anh Vinh cho biết thêm.
Máy ấp trứng ngỗng của anh Đinh Văn Vinh nhằm chuẩn bị tái đàn sau dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Cảnh Thắng
Hiện anh Đinh Văn Vinh bắt đầu tái đàn để tiếp tục chăn nuôi ngỗng sư tử. Ngoài việc ngỗng mẹ tự ấp trứng anh còn đầu tư thêm máy ấp trứng nhỏ đến chuẩn bị cho việc tái đàn.
“Dù quá trình tái đàn gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn quyết đinh tái đàn, mở rộng mô hình nuôi ngỗng. Dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, nhưng có rất nhiều người gọi điện đặt mua ngỗng nhưng hiện tại nhà tôi chưa có để bán…”.
'Xây' thương hiệu, tăng giá trị nhung hươu Quỳnh Lưu
Nghề nuôi hươu đã xuất hiện tại huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai từ nhiều năm qua. Mới đây huyện Quỳnh Lưu đã vinh dự được công nhận nhãn hiệu "Nhung hươu Quỳnh Lưu".
Cần xây dựng thương hiệu sản phẩm
Nghệ An được biết đến là địa phương nuôi hươu đầu tiên trong toàn quốc, trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Đầu tiên là ở xã Tiến Thủy - nơi được cho là đã nuôi hươu từ năm 1926, sau đó lan dần ra các xã khác. Những năm 1990, nghề nuôi hươu đặc biệt phát triển ở huyện Quỳnh Lưu và huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, cơn sốt hươu những năm này chủ yếu là sốt con giống, đã đẩy giá con giống hươu lên rất cao. Sau đó, khi cơn sốt con giống hạ xuống, con hươu trở lại với giá trị đích thực của nó là lấy nhung làm dược liệu. Trên dưới mười năm nay nghề nuôi hươu phát triển ổn định và khá bền vững.
Trại nuôi hươu của ông Lê Trần Tráng xã Quỳnh Vinh. Ảnh: Nhật Lân
Theo thống kê của huyện Quỳnh Lưu, năm 2015, toàn huyện có trên 14.000 con hươu, nai; sản lượng nhung thu về khoảng 4 tấn, tương đương khoảng 32 tỷ đồng (bán thô). Đây là nguồn thu rất lớn không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế huyện nhà mà nhiều hộ dân ở Quỳnh Lưu sản phẩm nhung hươu đã trở thành nguồn thu nhập chính trong năm. Đơn cử như ở xã Quỳnh Tân, tổng thu nhập toàn xã năm 2015 đạt 307 tỷ đồng, trong đó, ngành chăn nuôi đạt trên 65 tỷ đồng (thu từ nhung hươu, lộc nai 4,8 tỷ đồng).
Ở thị xã Hoàng Mai (mới tách từ huyện Quỳnh Lưu từ năm 2010) nghề nuôi hươu cũng khá phát triển. Hiện nay toàn thị xã có khoảng 7.000 con hươu, tập trung chủ yếu ở các xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Vinh. Mặc dù có từ lâu đời, tổng đàn lớn, cho thu nhập cao và khá ổn định, thế nhưng, nghề nuôi hươu ở huyện Quỳnh Lưu vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nguồn giống nuôi chưa được tuyển chọn một cách khoa học; quy trình nuôi cũng như việc khai thác nhung hươu chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, thiếu nghiên cứu một cách khoa học. Sản phẩm chưa đa dạng, chủ yếu là bán nhung tươi, thiếu chế biến và tinh chế sâu...
Đặc biệt, mặc dù là một sản phẩm quý, có danh tiếng tốt trên thị trường, nhưng hàng chục năm nay nhung hươu Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai chưa được quan tâm xây dựng thương hiệu, việc quản lý chất lượng và phát triển thị trường, vì vậy còn rất hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh nhung hươu Quỳnh Lưu - Hoàng Mai cho biết: Từ những căn cứ trên đây, có thể thấy rằng, việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận "Nhung hươu Quỳnh Lưu" là việc làm hết sức cần thiết. Qua đó, nhằm quản lý tốt hơn chất lượng sản phẩm nhung hươu, nâng cao danh tiếng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nhung hươu trên thị trường.
Các sản phẩm sử dụng nhung hươu. Ảnh: Văn Trường
Cơ hội nâng chất lượng, giá trị
Sau 3 năm nỗ lực xây dựng, được sự hỗ trợ hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ, cùng các ban, ngành, nhung hươu Quỳnh Lưu đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng công nhận. Việc được công nhận nhãn hiệu "Nhung hươu Quỳnh Lưu" rất có ý nghĩa, nhằm nâng nâng cao giá trị sản phẩm nhung hươu của huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhung hươu của 2 địa phương trên.
Sản phẩm nhung hươu gồm nhung tươi sơ chế đóng gói hút chân không và nhung tươi ngâm rượu... Nhãn hiệu chứng nhận "Nhung hươu Quỳnh Lưu" được đăng ký bảo hộ, sử dụng, quản lý và khai thác có hiệu quả tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp người tiêu dùng sử dụng đúng sản phẩm, đảm bảo nguồn gốc và chất lượng đặc thù.
Ngoài việc được công nhận nhãn hiệu chứng nhận nhung hươu Quỳnh Lưu, trong dịp này, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai tiến hành Đại hội thành lập Hội Sản xuất và Kinh doanh nhung hươu Quỳnh Lưu, nhiệm kỳ 2021-2025. Ông Nguyễn Văn Hùng đã được bầu làm Chủ tịch hội.
Nghề nuôi hươu đem lại thu nhập tốt cho nhiều gia đình ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Việt Hùng
Tại đại hội lần thứ nhất, ban tổ chức đã công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập hội và cho phép tiến hành đại hội. Đại hội đã thảo luận, thông qua Điều lệ Hội Sản xuất và Kinh doanh nhung hươu; các tham luận góp ý về xây dựng quy chế sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm nhung hươu Quỳnh Lưu và bầu Ban Chấp hành hội nhiệm kỳ 2021-2025. Đây là tổ chức có vai trò, nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn và giám sát việc sử dụng nhãn hiệu "Nhung hươu Quỳnh Lưu" cũng như hỗ trợ, chia sẻ nhau trong việc chăn nuôi hươu và sản xuất, chế biến sản phẩm nhung hương.
Hiện nay Công ty cổ phần Khoa học xanh HIDUMI Pharma (Đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện dự án) đã đứng ra thu mua, sản xuất, chế biến sâu nhung hươu trên địa bàn 2 địa phương trên và đã có các sản phẩm rất được các khách hàng ưa chuộng như; Nhung hươu khô tán bột, rượu nhung hươu đông trùng hạ thảo - dược liệu... Đặc biệt, các sản phẩm của công ty đều được chế biến theo quy trình công nghệ hiện đại, đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; đảm bảo chất lượng và tạo sự yên tâm cũng như hiệu quả cho người sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh nhung hươu Quỳnh Lưu - Hoàng Mai
Lộc hươu - một đặc sản của Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ảnh: T.H
Do đầu ra nhung hươu ổn định, được Công ty cổ phần Khoa học xanh HIDUMI Pharma thu mua, chế biến sản xuất nên người nuôi hươu của 2 địa phương trên yên tâm để chăn nuôi hươu, góp phần tăng giá trị kinh tế cho nghề này.
Với chiến lược đầu tư theo hướng bền vững của Công ty cổ phần Khoa học xanh HIDUMI Pharma, đây sẽ là một cú hích để nâng cao giá trị cho "Nhung hươu Quỳnh Lưu". Đưa sản phẩm quý giá này trở thành một thương hiệu quốc gia vươn mình ra thế giới.
Nghệ An thông báo khẩn tìm người liên quan đến bệnh nhân COVID-19 mới Sở Y tế Nghệ An đang tìm những người từng đến bệnh viện Minh An, chợ Cầu Giát, nhà thờ Giáo Phú và hành khách đi xe buýt Đông Bắc tuyến TP Vinh - Hoàng Mai. Sở Y tế Nghệ An vừa có thông báo khẩn tìm những người từng đến các địa điểm sau: Bệnh viện đa khoa Minh An kể từ...