Nghệ An: Kinh hoàng những doi cát bồi lắng ở cửa Lạch Vạn
Chưa bao giờ cửa Lạch Vạn, huyện Diễn Châu (Nghệ An) lại bồi lắng nhanh như trong 5 năm trở lại đây. Cát đang từng ngày bồi đắp tạo nên những doi cát kéo dài vài chục mét khiến cửa biển ngày càng hẹp lại, các tàu xa bờ thì không thể ra vào.
Ngư dân Diễn Châu khó phát triển tàu to vì lạch quá cạn.
Đêm kinh hoàng nơi cửa biển
Đêm 13/10/2017 có lẽ là đêm kinh hoàng nhất đối với ngư dân Đậu Trần Đông (trú ở xóm Quyết Thành, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu). Trong lúc trở về cảng lạch Vạn, con tàu 90CV của anh đã va vào doi cát khiến tàu bị lật và bị nhấn chìm.
Những ban tay rớm máu, những bàn chân chôn chặt xuống cát trong đêm giá rét của anh em bạn nghề nỗ lực cứu các thuyền viên và cứu tàu. Kinh nghiệm đi biển đã giúp anh Đông và 2 thuyền viên khác thoát chết trong gang tấc.
Còn ngư dân Đậu Trần Sơn (trú cùng địa phương) mãi mãi nằm lại nơi của biển. Người không còn, nỗi đau chồng chất nỗi đau trong gia đình ngư dân nghèo một đời bám biển mưu sinh.
Chị Trần Thị Hiền (vợ của ngư dân Đậu Trần Sơn) nghẹn ngào chia sẻ: Đi 12 giờ trưa đến 7 giờ tối thấy cháu điện về báo chú rớt xuống biển rồi. Những ngày sau đó tàu tìm kiếm rất nhiều nhưng không thấy xác. Anh đi biển mấy năm rồi nhưng không có tiền mà đóng bảo hiểm. Chồng mất, dừ (giờ) hoàn cảnh tui thì bệnh tật hiểm nghèo, thường xuyên phải đi viện, 2 đứa nhưng con chị đầu đau tim 3 tháng đi Hà Nội một lần.
Một tàu cá ở Diễn Bích (huyện Diễn Châu) bị mắc cạn tại cửa Lạch Vạn.
Là người khởi xướng cho phong trào tàu xa bờ đầu tiên ở Diễn Châu nhưng bây giờ ông Trần Văn Đồng (trú ở xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích) mất mát tài sản rất lớn do cửa Lạch cạn và gần như đã trắng tay.
Bởi 2 chiếc tàu trị giá gần 2 tỷ đồng được ông hạ thủy năm 2010 đến năm 2014 thì gặp nạn tại cửa Lạch. Tàu to, công suất lớn mà cửa lạch vừa cạn, vừa hẹp, chỉ một phút sơ xẩy, đôi tàu bị mắc cạn. Không chỉ 2 tàu của ông Đồng, mà thêm một chiếc nữa của anh em bạn nghề ra trục vớt cũng bị chìm.
Ngư dân Đồng chia sẻ: Ngày đó gió nồm mạnh, sóng to, vào lạch mà mất lái thì không thể điều khiển đi hướng nào được nữa, cho đi tự do thôi, trước hết là cứu mạng anh em chớ của thì tính sau.
Những con tàu bạc tỷ bỗng chốc thành bọt nước, có chăng chỉ còn lại là những mảnh vỡ trôi nổi trên biển.
Tàu, thuyền công suất nhỏ neo đậu tại Cảng Lạch Vạn, huyện Diễn Châu.
Video đang HOT
Cửa lạch bồi lắng, khó phát triển đội tàu xa bờ
Cũng do lạch cạn, không còn cách nào khác, nhiều ngư dân Diễn Châu phải mang tàu đi nơi khác trú đậu. Đôi tàu xa bờ có công suất trên 1600CV và 1 tàu hậu cần hơn 1000CV của anh Ngô Trí Đông (trú ở xã Diễn Ngọc) từ khi được đưa vào sử dụng đến nay đều phải cập cảng Cửa Lò, hoặc ở cảng Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu mà không thể vào cảng Lạch Vạn được.
Do không thể về bến nhà nên anh Đông phải bán hải sản ngay tại đó hoặc phải thuê xe chuyên chở hải sản về kho cấp đông vừa tốn thời gian, tiền công vận chuyển, lại phải vất vả trông nom.
Trung bình mỗi năm anh bỏ ra trên 300 triệu đồng do việc không thể qua lạch. Khai thác ngày càng khó khăn, cộng với nỗi lo chi phí bỏ ra không thể kham nổi nên đầu năm 2018 anh đã phải bán đi 2 tàu khai thác, chỉ để lại 1 tàu hậu cần.
Tàu vỏ thép hậu cần nghề cá của ngư dân Ngô Trí Đông ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu.
Anh Đông cho biết: Nó bất cập là muốn về cảng nhà mà về không được, mỗi năm mà đậu lang thang ở các nơi, thất thu, hàng hóa bốc đi bốc lại qua nhiều công đoạn mất giá trị đi. Khó khăn của cửa lạch nên người ta không dám đóng tàu nhiều, chỉ có anh nào bạo gan, lỳ mới giám đóng.
Chưa bao giờ cửa Lạch Vạn lại bồi lấp với tốc độ nhanh như trong 5 năm trở lại đây. Cát đang từng ngày bồi đắp tạo nên những doi cát kéo dài vài chục mét khiến cửa biển ngày càng hẹp lại, lúc nước rút chỉ sâu 0,5m. Các tàu xa bờ thì hầu như không thể ra vào, nhất là các tàu đóng mới theo Nghị định 67/CP.
Lạch cạn gây ra bao vụ tai nạn làm thiệt hại về người và tài sản cho ngư dân; bà con không thể phát triển tàu xa bờ; Hậu cần nghề cá cũng khó phát triển do thiếu nguyên liệu…
Trung bình mỗi năm Diễn Châu có từ 6-8 tàu lớn nhỏ mắc cạn, chủ yếu là tàu có công suất trên 90CV. Nhiều ngư dân đã phải bỏ mạng nơi cửa biển. Khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp nhưng một giải pháp thực sự bền vững cho cửa Vạn vẫn chưa được triển khai, có chăng chỉ là những lần nạo vét tạm thời vừa mang tính chấp vá, vừa tốn kém mà không hiệu quả.
Các lực lượng chức năng nỗ lực cứu tàu bị mắc cạn trên biển Diễn Châu.
Gắn bó với nghề biển hàng trăm năm nhưng đời sống ngư dân Diễn Châu vẫn khó khăn bởi tàu nhỏ đánh dã gần bờ, đi về trong ngày. Trong số 1500 tàu thuyền thì chỉ vẻn vẹn 286 tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Tuy chính phủ hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu công suất lớn nhưng chỉ có 4 ngư dân mạnh dạn đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Quý -Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Ngư dân muốn đóng tàu to hơn nhưng cửa lạch rất cạn, bị bồi lắng hàng năm nên 2018 không có hộ ngư dân nào đăng ký đóng mới tàu công suất lớn từ 400CV trở lên.
Hầu như năm nào chúng tôi cũng có văn bản trình lên UBND tỉnh, các cấp ngành liên quan cấp trên nhưng đến nay chưa có hồi đáp nào. Trước hết, chỉ đạo các xã Diễn Bích, Diễn Ngọc hướng dẫn tàu bè ra vào lạch khoa học, đúng tuyến để tránh tình trạng mắc cạn hoặc va chạm.
Theo infonet
Ninh Thuận: Bão tan, thương lái tươi cười vì tàu thuyền no cá
Trong khi hàng trăm ngư dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã hoàn tất công tác chằng chống nhà cửa và đưa thuyền thúng lên khu vực trú ẩn an toàn vào sáng 19.11 thì nhiều thương lái tại cảng cá Đông Hải (tỉnh Ninh Thuận) đã tỏ ra nhẹ nhõm trước tin bão số 14 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Ông Huỳnh Văn Lạc (phường Đông Hải, TP.Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận) cho biết: "Gia đình tôi đã hành nghề đánh bắt thủy sản hơn 5 năm nay, mỗi khi nghe tin bão đổ bộ vào là gia đình tiến hành đưa thúng và ngư lưới cụ vào. Đây là nguồn để nuôi sống cho cả gia đình nên phải gìn giữ cẩn thận".
Vừa nói xong, ông hô hoán kêu gọi con trai cùng đưa thúng vào bờ.
Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai công tác ứng phó khẩn cấp.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn và Phòng chống lụt bão, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã báo cáo nhanh về công tác triển khai ứng phó. Đến nay, 100% tổng số tàu thuyền gồm 2.651 chiếc/16.474 lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã được liên lạc, cảnh báo neo đậu và rút ra khỏi vùng nguy hiểm ảnh hưởng do bão. Qua thống kê, 535 thuyền/4.256 lao động đang hoạt động trên vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang đã được các lực lượng liên lạc; 2.116 thuyền đang neo đậu tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh.
Trong một diễn biến khác, theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt ngày 19.11, nhiều tàu cá từ các tỉnh đổ về cập cảng để bán lộc biển. Mặc dù trời mưa rất lớn, gió rít mạnh nhưng ai cũng hối hả, khẩn trương.
Cảng cá Đông Hải (TP.Phan Rang-Tháp Chàm) được xem là một trong những cảng cá lớn nhất tỉnh Ninh Thuận.
Khi tàu cập bến, các lao động nhanh chóng bốc vác cá, mực lên xe đã chờ sẵn để đi tiêu thụ.
Ông Nguyễn Trầm (63 tuổi, phường Đông Hải), cho biết: "Tối qua gia đình tôi phải thức cả đêm để chèn chống nhà cửa, dán kính, phập phồng nỗi lo bão tấn công khiến nhà cửa tốc mái".
Theo ông Trầm, nghe tin bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, ông rất mừng vì công việc, nhà cửa bớt đi nỗi lo.
"50 kg cá phải chuyển đi Đà Lạt trong sáng nay. May mà bão suy yếu nên xe vào được, chắc vài tiếng nữa là hàng đến nơi, kịp giao cho khách", ông Trầm chia sẻ.
Bão suy yếu, nhiều thương lái tại cảng cá tỏ ra rất vui mừng.
Bà Trần Thị Hữu cho hay: "Cảng cá này lo chạy bão, khiêng cá, đá vất vả từ đêm để tránh bão. Đến gần sáng nay, nghe tin bão suy yếu, ai cũng nhẹ nhõm".
Không khí tại cảng cá Đông Hải tất bật, khẩn trương.
Người bán hàng nhanh chóng khiêng từng xô cá để chờ khách hàng đến lấy.Box
Được biết, để đối phó với bão số 14 (nay đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới), từ sáng 18.11, tỉnh Ninh Thuận đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển. Đồng thời thông báo, kêu gọi tất cả tàu thuyền về neo đậu nơi an toàn tại các khu tránh trú bão trong tỉnh và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các lực lượng tổ chức sắp xếp, neo đậu tàu thuyền hợp lý, chắc chắn, tránh va đập, kiên quyết không để người dân nào ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi trồng thủy sản.Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác phòng chống bão lũ tại khu vực cảng Ninh Chữ và khu vực nuôi trồng thủy sản xã Tri Hải (Ninh Hải). Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các lực lượng cần tập trung, quyết liệt chủ động ứng phó với cơn bão, tuyệt đối không được chủ quan.
Theo Danviet
Áp thấp nhiệt đới khả năng thành bão, hướng vào Nam Bộ Áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào Biển Đông và khả năng mạnh lên thành bão hướng về các tỉnh Nam Bộ. Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 1 giờ sáng nay (17/11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới...