Nghệ An – Hà Tĩnh: Thiếu vốn, nhiều hồ không dám tích nước
Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới lần này cũng như mùa mưa bão năm nay, Nghệ An, Hà Tĩnh đang chạy đua tu sửa những hồ đập đang xuống cấp. Những nơi không có kinh phí, cơ quan hữu quan không dám cho tích nước.
5 hồ đập trong tình trạng không ổn định
Tại Nghệ An, trao đổi với PV NTNN, ông Thái Văn Hùng – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam cho biết: “Hệ thống hồ đập do chúng tôi quản lý gồm 14 hồ chứa nằm ở huyện Nam Đàn, Nghi Lộc. Hiện tại đã có 9 hồ đập được nâng cấp, còn 5 hồ nằm trong tình trạng không ổn định. Chúng tôi đang chờ nguồn vốn để nâng cấp trước mùa mưa bão”.
Đập Đồng Ván đang được tu sửa, nâng cấp. Ảnh: P.V
Cũng theo ông Hùng, đơn vị đã tiến hành kiểm tra tình trạng của mỗi hồ đập, đánh giá cụ thể và đưa ra các phương án phòng chống thiên tai, trình các cấp thẩm quyền phê duyệt sửa chữa và bố trí người trúc trực 24/24 giờ để khắc phục khi có sự cố xảy ra cũng như xây dựng các phương án khi mực nước lên, di dời người dân đến những vùng an toàn.
Còn ông Nguyễn Văn Phượng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc cho biết: “Công ty quản lý 23 hồ đập, hiện còn 6 hồ đập chưa được nâng cấp, chúng tôi cũng đã có phương án cụ thể cho những hồ đó. Tới đây sẽ tu sửa gấp để đảm bảo cho mùa mưa lũ. Các phương án phòng chống bão lụt, chúng tôi đã triển khai đến tất cả các huyện trên địa bàn, các đơn vị cụm, trạm”.
Video đang HOT
Trước tình hình áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, phức tạp, tỉnh Nghệ An cũng ra chỉ đạo các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp trên các phương tiện thông tin; thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra, hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.
Cùng đó, triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ đập và vùng hạ du trong trường hợp hồ phải xả lũ hoặc bị sự cố; trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này.
“Chúng tôi rất lo”
Tại Hà Tĩnh, ghi nhận của phóng viên tại đập Khe Su (xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), đập nước này có trữ lượng 500.000m3, được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, đến nay đập Khe Su đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều vị trí như cống xả, thân đập bị hư hại, rò rỉ. Lo ngại trước sự mất an toàn của đập Khe Su trong mùa mưa bão năm nay, xã Sơn Bình đã quyết định không tích trữ nước.
Bà Trần Thị Hoa (xã Sơn Bình cho biết: “Mấy năm nay vào mùa hè thu người dân ở đây rất vất vả trong việc sản xuất vì thiếu nước, mặc dù trên địa bàn xã có đập Khe Su nhưng con đập này quá xuống cấp nên địa phương không dám tích trữ nước sợ mưa lũ bị vỡ thì không chỉ ruộng mà nhà dân cũng bị cuốn trôi. Có đập nước mà không tích trữ để phục vụ sản xuất người dân quá thiệt thòi”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Phúc – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay trên địa bàn các huyện Hương Sơn, Đức Thọ và Can Lộc có 26 hồ đập lớn Công ty quản lý đa số được xây dựng hơn 20-40 năm đã xuống cấp nghiêm trọng. Hồ đập nào quá kém, Công ty phối hợp với các địa phương không tích nước lớn”.
Còn ông Trần Duy Chiến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: “Hà Tĩnh có 350 hồ đập lớn nhỏ, hầu hết là đập đất, đều được xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng rất lâu. Số hồ đập được bố trí vốn để sửa chữa khẩn cấp vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế ở các địa phương. Sắp vào mùa mưa bão, với tình hình này chúng tôi rất lo”.
Theo Danviet
Mưa lớn, 2 ngư dân Thanh Hóa mất tích, nhiều nơi ngập sâu
Mưa vẫn đang rất lớn tại nhiều nơi thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Riêng tại Thanh Hóa, 2 ngư dân thuộc huyện Hậu Lộc đã bị mất tích.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, tới 8h sáng 17.7, mưa vẫn đang xối xả tại nhiều nơi thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Tại một số vùng trũng của huyện Tĩnh Gia, nước đã ngập rất sâu vào nhà dân, phóng viên vẫn đang cố gắng tiếp cận.
Tại huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) có 2 ngư dân mất tích là Tô Văn Trương (sinh năm 1994) và Tô Văn Hiến (sinh năm 1987), cùng trú tại thôn Hưng Phú, xã Hưng Lộc.
Nhiều nơi tại TP.Vinh (tỉnh Nghệ An) đã chìm trong "biển nước". Ảnh: Lê Tập
Tại Hà Tĩnh, Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh cảnh báo về nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi và trung du các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ (Hà Tĩnh); nguy cơ ngập lụt ở vùng trũng và đô thị ở các khu vực trong tỉnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét và sạt lở đất ở mức cấp 2.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mưa lớn tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ kéo dài tới ngày 20.7.
Đoạn Quốc lộ 7 qua khu vực eo Vực Bồng (Nghệ An) bị đất đá sạt lở gây ách tắc. Ảnh: Mỹ Hà
Áp thấp nhiệt đới ở Vịnh Bắc Bộ có khả năng đi vào đất liền tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh vào đêm 17.7, cường độ cấp 6, giật cấp 8.
Áp thấp nhiệt đới ở vùng biển phía Bắc đảo Luzon có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Thanh Hóa, Nghệ An vào đêm 18.7, cường độ cấp 8, giật cấp 10.
Theo Danviet
Hà Tĩnh: Mưa lớn đường phố thành sông, dịch vụ cẩu xe hốt bạc Cơn mưa lớn suốt buổi sáng và đầu giờ chiều ngày (16.7) tại Hà Tĩnh đã khiến nhiều tuyến đường ở TP.Hà Tĩnh ngập sâu trong nước. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính vẫn là hệ thống thoát nước đô thị quá kém. Mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường phố biến thành sông, các phương tiện giao thông di chuyển...