Ngày về của những người bán dâm
Vẫn còn quần cạp trễ, áo sát cánh, vẫn thấy những cặp lông mày tô vẽ sắc lẻm, những đôi môi đỏ sẫm màu xăm.
Thế nhưng, riêng chuyện các chị dám đường hoàng tới Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM chiều 24/1, dám đọc tham luận, dám trả lời phỏng vấn với tư cách là những người đã, thậm chí đang hoạt động mại dâm, cũng đủ cho thấy mong muốn hoàn lương của 21 cô gái mại dâm vừa được hỗ trợ học nghề tại TP.HCM.
Niềm tin mới
Thí điểm
Đối tượng được xét chọn tham gia mô hình thí điểm hỗ trợ người hành nghề mại dâm có nhu cầu hoàn lương trên địa bàn TP giai đoạn 2012-2015 là những phụ nữ đã được chữa bệnh, học tập đã được hồi gia và số người bán dâm trên địa bàn TP mong muốn được hoàn lương, không vi phạm pháp luật, được sự giới thiệu của hội liên hiệp phụ nữ các quận huyện hoặc các nhóm đồng đẳng, nhóm công tác xã hội.
Ai có mặt ở buổi sơ kết, đánh giá việc triển khai mô hình thí điểm hỗ trợ người hành nghề mại dâm có nhu cầu hoàn lương trên địa bàn TP giai đoạn 2012-2015 có lẽ là những người may mắn. Chị Ngô Thị Mộng Linh – trưởng nhóm Bình Minh Đêm, phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Niềm Tin Mới – chia sẻ: “Nhiều chị muốn học nghề lắm, nhưng sau khi khảo sát, chúng tôi chỉ mới giới thiệu cho năm chị trong nhóm được học nghề đợt này thôi. Đó là những chị thiệt tình muốn có một cuộc đời khác”.
Mười năm trước, chồng chị N.T.L. (Q.11, TP.HCM) bỏ đi, để lại cho chị cô con gái chưa tròn tuổi. Con nhỏ, lại thường xuyên đau yếu, bản thân L. cũng ít học và không nghề nghiệp nên chị không còn cách nào khác là phải ra “đứng đường”. Cứ nghĩ chỉ làm “chữa cháy” nhưng rồi chị không dứt ra được. Ba tháng trước, một nhân viên truyền thông đến tiếp cận và rủ chị đến sinh hoạt trong nhóm tự lực Bình Minh Đêm.
“Không chỉ được dạy cách phòng tránh HIV, tôi còn được nhóm hỗ trợ học nghề làm móng” – chị L. khoe. Từ hai tháng qua, cứ mỗi sáng chị dậy thật sớm và đón xe buýt đến Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM học nghề. Nhờ chăm chỉ, lại được học đúng nghề yêu thích nên giờ đây chị đã có thể “làm sơ sơ”. Chị tâm sự: “Chẳng ai muốn mình mãi là món đồ chơi cho kẻ khác. Tôi nhất định sẽ kiếm sống bằng nghề làm móng, lấy chồng rồi có con”.
Video đang HOT
Một buổi sinh hoạt của dự án Niềm Tin Mới – Ảnh: Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM cung cấp
Cũng giống chị L., chị H.K.O. lấy chồng khi chỉ mới 18 tuổi. Con mới 17 tháng tuổi thì chồng chị phải đi cai nghiện tập trung do sử dụng ma túy. Để duy trì cuộc sống của hai mẹ con, chị buộc phải làm công việc “bán phấn buôn hương”. Chồng chị ở trường cai nghiện về nhưng vẫn không quên được “nàng tiên trắng” nên họ chia tay nhau, còn chị tiếp tục “hành nghề”. Hai tháng trước, chị được dự án Niềm Tin Mới hỗ trợ học nghề uốn tóc và làm móng. “Hi vọng lần này đổi được nghề để con gái mai kia lớn lên không xấu hổ về mẹ” – chị tâm sự.
Khác với L. và O., chị L.P.U. làm tiếp viên nhà hàng ở Q.10 và sẵn sàng đi khách sạn khi khách yêu cầu. “Phải như vậy mới đủ tiền lo cho con” – chị U. nói. Con mới 5 tháng tuổi, vợ chồng trẻ xích mích rồi chia tay, U. vừa thất vọng vừa phải lo cuộc sống hai mẹ con nên chấp nhận làm lao động tình dục. Mấy tháng trước, chị được nhóm tự lực Hoa Cát Tường giới thiệu vào dự án Niềm Tin Mới.
Biết U. muốn thay đổi công việc, dự án đã hỗ trợ chị học nghề làm móng. U. kể lại nỗ lực trong tuần đầu tiên đi học: “Đêm nào tôi cũng làm tới 1h-2h sáng nên có mặt tại lớp lúc 9h để học nghề là một thử thách thật sự”. Những khi bị giày vò thân xác, kiếm không đủ tiền, những lúc mệt mỏi, ốm đau và cả chán sống, đã không ít lần U. muốn bỏ cuộc. “Nhưng rồi tôi nghĩ tới tương lai của hai mẹ con và tấm lòng của những người giúp mình nên gắng sức” – U. nói.
Mơ ước hoàn lương
“Đợt vừa rồi, trong số các chị làm nghề mại dâm do Hội Liên hiệp phụ nữ TP giới thiệu học nghề tại Nhà văn hóa Phụ nữ có một chị tốt nghiệp nghề gói quà loại xuất sắc, một chị nữa tốt nghiệp nấu ăn loại xuất sắc, được nhà văn hóa tuyên dương. Bây giờ, các chị đã tìm được việc làm” – chị Lâm Thị Ngọc Hoa, trưởng Ban tuyên giáo Hội Liên hiệp phụ nữ TP, cho biết.
Tham gia chương trình thí điểm hỗ trợ người hành nghề mại dâm có nhu cầu hoàn lương, mỗi chị được hỗ trợ 2 triệu đồng/người, bao gồm cả dụng cụ để học nghề tối đa bốn tháng. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chị tham gia chương trình, mức hỗ trợ hiện tại chưa thể đảm bảo cho họ hoàn lương bền vững. Chị N.T.L. cho hay đến nay dù đang học nghề chị vẫn chưa thể dừng hẳn nghề cũ. Chị tính toán: “Ngoài khoản học phí được hỗ trợ, tôi còn phải mua nguyên liệu để thực hành, nuôi con ăn học, lo cho đứa em tâm thần, trả tiền nhà trọ hằng tháng… Tôi mong được hỗ trợ học thành nghề và một chiếc xe đạp để chủ động việc đi lại”.
“Để có thể sống được bằng các nghề như làm móng, uốn tóc, trang điểm… thì phải học nhiều khóa nâng cao, nên mức hỗ trợ mỗi chị khoảng 4 triệu đồng mới đủ. Ngoài ra, còn cần thêm đồ nghề, nguyên liệu thực hành. Ví như nghề làm móng, nếu không giúp được chị em mở tiệm thì ít ra giúp vốn để chị em sắm bộ đồ nghề đi làm cũng tốt hơn” – chị Ngô Thị Mộng Linh đề xuất.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, chi cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM, đồng cảm: “Sắp tới sẽ có kế hoạch đề xuất mức hỗ trợ cao hơn. Chỉ cần chị em hiểu là không ai thương mình, giúp mình bằng mình. Chỉ cần chị em thật sự quyết tâm muốn sống một cuộc đời khác, chúng tôi sẵn sàng ở bên cạnh các chị!”.
Theo 24h
Chỉ nên xử lý người mua dâm?
Quy hoạch thí điểm một "khu đèn đỏ" để quản lý nhưng không chính thức công nhận mại dâm như một nghề là đề xuất táo bạo trước đây nay được nhắc lại tại buổi hội thảo về phòng chống mại dâm do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức sáng 18/1.
Ông Lê Văn Quý, phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM, cho biết hoạt động mại dâm trên địa bàn TP tiếp tục diễn biến phức tạp dưới các hình thức ngày càng tinh vi. Hoạt động này không chỉ diễn ra tại các khách sạn, nhà hàng, vũ trường, quán karaoke... mà còn tại các quán cà phê, tiệm hớt tóc, gội đầu, cơ sở xông hơi xoa bóp, spa săn sóc da...
TP.HCM có 15.000 nữ bán dâm
Theo ông Quý, khác với mại dâm công khai trên đường phố, rất khó kiểm soát hoạt động mua bán dâm qua điện thoại, Internet hay xuất cảnh bán dâm, chưa kể các đường dây gái gọi hạng sang với những cô xưng danh người mẫu, diễn viên.
Hầu hết đại diện phòng
LĐ-TB&XH các quận huyện có mặt tại hội thảo đều cho rằng hoạt động mại dâm diễn ra nhiều hơn, phức tạp hơn sau khi nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 2/7/2012 (theo đó, không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm). Theo các vị này, mặc dù quy định nói trên có tính nhân đạo khi theo kết quả khảo sát, phần lớn "các chị" tham gia bán dâm đều vì hoàn cảnh khó khăn, nhưng cũng tỏ ra lo lắng vì "các chị" nay hoạt động "dạn dĩ" hơn trước.
Bà Nguyễn Thị Huệ, trưởng phòng can thiệp giảm tác hại Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM, cho biết hiện có ít nhất 15.000 nữ bán dâm có mặt khắp TP.HCM. Đại diện các quận huyện đã nêu ra hàng loạt giải pháp như: tuyên truyền, tăng cường kiểm tra xử phạt, kiểm tra thường xuyên cơ sở dịch vụ nhạy cảm khiến khách hàng ngại lui tới, vận động chủ nhà không cho những chủ kinh doanh vi phạm thuê nhà, vận động quán xá tại các "điểm nóng" không bán hàng cho người bán dâm... Nhưng thực tế cho thấy các giải pháp này đã không mang lại hiệu quả cao. Theo đại diện quận Bình Thạnh, nhiều chủ cơ sở dịch vụ nhạy cảm khi vi phạm bị lập biên bản thì ung dung mở cơ sở khác và không thèm đóng phạt, còn "các chị" liên tục thay đổi địa bàn hoạt động, khi bị rượt đuổi thì dạt sang địa bàn giáp ranh để thoát thân.
Hoạt động mại dâm tiếp tục diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa)
Giải pháp: Giảm tần suất bán dâm
Đồng cảm việc phần lớn "các chị" bán dâm vì hoàn cảnh khó khăn, đại diện Công an quận 4 cho rằng chỉ nên xử lý người mua dâm, nhưng nếu gửi thông báo về địa phương hay gia đình người mua dâm có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn khác. Ở góc độ khác, vị này cho rằng cảnh sát khu vực "biết tuốt", vấn đề còn lại là có bao che hay không. Nhưng ý kiến khác cho rằng dẹp chỗ này chủ cơ sở sẽ mở chỗ khác, như vậy cũng không giải quyết được vấn nạn chung.
Một số ý kiến khác đề xuất hỗ trợ sinh kế bền vững cho người bán dâm hướng đến chuyển đổi cách mưu sinh. Theo ông Lê Văn Quý, hiện Sở LĐ-TB&XH, Hội Liên hiệp phụ nữ và Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM đang thí điểm mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho các chị có nhu cầu hoàn lương. Ông Quý cho biết mô hình này không bắt buộc người bán dâm ngay tức khắc bỏ bán dâm, nhưng phải giảm tần suất bán dâm để đầu tư học nghề nghiêm túc và hướng đến việc kiếm sống bằng nghề được học. Đến nay mô hình này đã hỗ trợ 21 chị học các nghề cắt tóc, trang điểm, làm móng, nấu ăn... Ngoài ra còn kết hợp hỗ trợ tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng kinh doanh và chăm sóc y tế.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Huệ nhắc lại một đề xuất táo bạo từng được nêu ra tại các hội thảo về quản lý vấn nạn mại dâm trước đây, đó là việc thí điểm quy hoạch một "khu đèn đỏ" để quản lý hiệu quả. Bà cung cấp một thông tin đáng lưu ý: các "khu đèn đỏ" tại Thái Lan tuy "sáng đèn" nhưng quốc gia này không chính thức công nhận nghề mại dâm. Không thấy có ý kiến phản ứng khi bà Huệ gợi nhắc lại đề xuất này.
Theo 24h
HN: Giải quyết việc làm cho người mại dâm Năm 2013, Hà Nội sẽ hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm cho người mại dâm giúp họ không tái phạm. UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn TP năm 2013, ngày 16/1. Theo kế hoạch, TP sẽ xóa bỏ mại dâm trẻ em, ngăn chặn tệ nạn...