Ngay trước bầu cử, Thái Lan giải tán đảng thân ông Thaksin
Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 7/3 ra lệnh giải tán một chính đảng có mối liên hệ với cựu Thủ tướng Thaksin…
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, người hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài – Ảnh: Getty.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 7/3 ra lệnh giải tán một chính đảng có mối liên hệ với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, với lý do đảng này có hành vi không phù hợp với Hiến pháp.
Theo hãng tin Bloomberg, phán quyết nói rằng đảng Thai Raksa Chart đã vi phạm quy định khi chọn công chúa Ubolratana Rajakanya làm ứng cử viên Thủ tướng của đảng vào hôm 8/2.
Ngay sau khi tuyên bố tranh cử, công chúa Ubolratana đã từ bỏ chiến dịch chạy đua chức Thủ tướng do vấp phải sự phản đối công khai của nhà vua Maha Vajiralongkorn, em trai của công chúa. Nhà vua nói tinh thần của Hiến pháp Thái Lan không cho phép các nhân vật cấp cao của hoàng gia nắm giữ chức vụ chính trị.
Việc Thai Raksa Chart bị giải tán có thể làm suy yếu nỗ lực của đồng minh ông Thaksin nhằm thu hút số phiếu bầu lớn nhất có thể trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 24/3. Đây sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên ở Thái Lan kể từ cuộc đảo chính quân sự không đổ máu vào năm 2014.
Video đang HOT
Việc giải tán đảng trên cũng có thể gia tăng sức mạnh cho chiến dịch tranh cử của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Prayuth Chan-o-cha, người đã đứng đầu chính quyền quân sự của Thái Lan từ cuộc đảo chính 5 năm trước.
Từ năm 2001 đến nay, ông Thaksin hoặc đồng minh của ông đã thắng trong bất kỳ cuộc bầu cử nào ở Thái Lan, chỉ để rồi bị lật đổ trong các cuộc đảo chính hoặc bởi tòa án.
“Đây có thể sẽ là một trở ngại cho phái Thaksin vì 3 triệu phiếu bầu tiềm năng dành cho các ứng cử viên của Thai Raksa Chart có thể biến mất”, giáo sư Punchada Sirivunnabood thuộc Đại học Mahidol nhận xét. “Đây cũng là một trở ngại cho một hệ thống bầu cử dân chủ”.
Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng cấm các nhân vật cấp cao của Thai Raksa Chart hoạt động chính trị trong vòng 10 năm. Sau khi nghe phán quyết, nhiều người ủng hộ đảng này đã òa khóc ngay tại tòa. An ninh đã được thắt chặt ở khu vực tòa án vào thời điểm phán quyết được công bố, với hàng trăm cảnh sát được triển khai để giữ trật tự.
Đảng Thai Raksa Chart mới được thành lập vào năm ngoái. Cùng với đảng đối lập chính của Thái Lan là Pheu Thai, đảng này là một trong số những đảng thân ông Thaksin.
Theo VNEconomy
Nhà vua Thái Lan phản đối quyết định tranh cử gây sốc của chị gái
Kế hoạch tranh cử bất ngờ của công chúa Ubolratana Rajakanya gặp trở ngại lớn sau khi nhà vua ra thông cáo phản đối, kết thúc một ngày "địa chấn" trên chính trường Thái Lan.
Quốc vương Maha Vajiralongkorn nói kế hoạch tranh cử thủ tướng chưa từng có tiền lệ của công chúa Ubolratana Rajakanya là "không phù hợp" và "vi hiến", Channel NewsAsia dẫn thông cáo từ hoàng gia Thái Lan cuối ngày 8/2.
Trước đó, công chúa Ubolratana, con gái cả của nhà vua quá cố Bhumibol Adulyadej, được đề cử làm ứng viên cho chức thủ tướng trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 24/3. Bà sẽ đại diện cho đảng Thai Raksa Chart thân với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn. Ảnh: AFP.
Tuyên bố của nhà vua Maha Vajiralongkorn không nhằm chỉ trích công chúa Ubolratana, chị cả của ông, mà dường như nhắm vào những người đứng sau sự việc.
"Việc đưa một thành viên cao cấp của hoàng gia vào hệ thống chính trị, dù theo cách nào, cũng trái với truyền thống, phong tục và văn hóa của đất nước, và được coi là rất không phù hợp", nhà vua nói trong thông cáo được đăng trên website hoàng gia Royal Gazette cũng như trên truyền hình.
Nhà vua cũng nói mặc dù công chúa Uboltanara đã từ bỏ tước vị hoàng gia, bà vẫn là "một phần của triều đại Chakri" và vẫn là thành viên của gia đình hoàng tộc.
Cho đến trước thông cáo này, tuyên bố tranh cử của công chúa là một cú sốc với hoàng gia và chính trường Thái Lan, biến cuộc bầu cử sắp tới vốn chỉ có Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha là ứng viên quyền lực nhất trở thành một cuộc đối đầu thực sự.
Thủ tướng Prayuth hôm 8/2 cũng chính thức trở thành đại diện của đảng Palang Pracharat ủng hộ quyền lực của giới tướng lĩnh. Ông chấp nhận đề nghị trở thành ứng viên thủ tướng chỉ vài phút sau tuyên bố của công chúa Ubolratana.
Công chúa Ubolratana là một ngôi sao truyền thông tại Thái Lan, tham gia nhiều lĩnh vực từ truyền hình, điện ảnh đến âm nhạc. Ảnh: Straits Times.
Hiện chưa rõ phản ứng của phía công chúa Ubolratana, cũng như số phận của chiến dịch tranh cử mới kéo dài một ngày của bà, sẽ ra sao sau sự phản đối của nhà vua.
Theo truyền thống của nền quân chủ lập hiến ra đời từ năm 1932 tại Thái Lan, hoàng gia luôn đứng ngoài chính trị.
Công chúa Ubolratana, 67 tuổi, là con đầu lòng của quốc vương quá cố Bhumibol Adulyadej, người qua đời năm 2016 sau 70 năm tại vị. Công chúa đã từ bỏ tước hiệu hoàng gia vào năm 1972 sau khi bà kết hôn với người chồng Mỹ Peter Jensen và đến định cư ở San Diego, Mỹ. Hai người ly dị vào năm 1998, và công chúa Ubolratana quay trở lại Thái Lan ba năm sau đó.
Dù công chúa Ubolratana không được khôi phục hoàn toàn thân phận hoàng gia sau khi ly hôn, người con lớn của vua Bhumibol vẫn thực hiện nhiều nghĩa vụ lễ nghi của hoàng gia. Trong những năm qua, bà trở thành một "ngôi sao" truyền thông, tạo sức ảnh hưởng lớn trong xã hội.
Theo Zing.vn
Thái Lan: Đảng thân cựu Thủ tướng Thaksin bị giải thể Chiều 7/3, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết giải thể đảng Thai Raksa Chart cũng như cấm ban lãnh đạo đảng này tham gia hoạt động chính trị trong 10 năm. Thai Raksa Chart là một trong những đảng phản đối chính quyền quân sự và được xem là một đảng "nhánh" của đảng Pheu Thai ủng hộ cựu Thủ...