Ngày thế giới phòng chống lao 24/3: Việt Nam đưa ra loạt khẩu hiệu vì mục tiêu chấm dứt bệnh lao
Theo Bộ Y tế, ngày 24/3 hằng năm được chọn trở thành Ngày thế giới phòng, chống lao để nhắc nhở cộng đồng về mối nguy hại của bệnh lao.
Ảnh minh họa, nguồn: SKĐS
Hiện nay, Việt Nam vẫn còn trên 20.000 người mắc bệnh lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế.
Do đó, từ năm 2018, Quỹ PASTB được thành lập nhằm hỗ trợ chăm sóc, dự phòng, điều trị cho người bệnh lao, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao. Tính hết tháng 12/2020, Quỹ PASTB đã hỗ trợ cho 2.560 lượt người bệnh với tổng số tiền lên tới hơn 5,7 tỷ đồng.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ước tính tại Việt Nam mỗi năm có 170.000 ca mắc mới (báo cáo WHO 2020).
Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa – nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình.
70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
Năm 2020, Việt nam cũng không nằm ngoài các nước bị ảnh hưởng bởi Covid 19 mặc dù ảnh hưởng đó là nhỏ hơn rất nhiều so với thế giới, phát hiện bệnh lao cũng giảm đi hơn 3%.
Tuy nhiên, người dân đã có ý thức rất cao về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, có sự tương đồng giữa lao và Covid.
Đồng thời, hệ thống chính trị cũng đã có đủ thông tin về vai trò của y tế trong phát triển kinh tế – xã hội, các biện pháp giải quyết dịch bệnh đường hô hấp. Đó chính là cơ hội để Việt Nam thực hiện chấm dứt bệnh lao.
Để hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2021, Việt Nam đã đưa ra một số khẩu hiệu và kêu gọi mọi người cùng hành động vì mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 như sau:
Việt Nam Chiến thắng COVID – Chấm dứt bệnh lao!
Lan tỏa yêu thương – Kết nối cộng đồng – Chấm dứt bệnh lao!
Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3/2021!
Video đang HOT
Phải phòng chống lao như phòng chống COVID-19!
Đã đến lúc cùng hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao!
Đã đến lúc đoàn kết toàn dân để chiến thắng bệnh lao!
Hãy hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao vào năm 2030!
Thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng, mọi người hưởng ứng Chương trình hành động Quốc gia chấm dứt bệnh lao vào năm 2030!
Đã đến lúc toàn dân hành động vì sự nghiệp chấm dứt bệnh lao cho mình và cộng đồng!
Thời cơ đã đến, mỗi người hãy chiến thắng bệnh lao ngay bây giờ và mãi mãi!
Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm lao!
Không ai đáng phải chết vì bệnh lao, đặc biệt là trẻ em!
Tôi không sợ bệnh lao, tôi sợ sự xa lánh và vô cảm của xã hội!
Chiến thắng bệnh lao, chiến thắng đói nghèo!
Phòng chống lao – Trách nhiệm của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân, tiến tới thanh toán bệnh lao!
Vì sức khỏe Việt Nam, hãy cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030!
Bệnh lao phổi và dấu hiệu nhận biết
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh lây lan do vi khuẩn lao phát tán ra ngoài khi người mắc lao phổi ho, nói, hắt hơi, khạc nhổ mà vô tình người tiếp xúc gần đó có thể bị hít vào và gây bệnh tại phổi.
Lao phổi là thể lao phổ biến nhất trong bệnh lao. Bệnh lao phổi cũng dễ bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý phổi khác.
Bệnh lao phổi gặp ở tất cả mọi lứa tuổi và giới tính, đặc biệt với những người sống trong môi trường tiếp xúc thường xuyên với những người bị lao phổi nếu không có biện pháp phòng tránh sẽ có khả năng nhiễm bệnh cao.
Dấu hiệu và triệu chứng của lao phổi được biểu hiện như sau: Dấu hiệu quan trọng nhất là người bệnh bị ho kéo dài liên tục hơn 2 tuần. Ho kéo dài, ho khan hoặc khạc đờm trắng.
Nhiều trường hợp người bệnh ho khạc đờm lẫn máu hoặc ho khạc nhiều máu. Sốt nhẹ về chiều gặp ở hầu như tất cả các bệnh nhân. Người gầy sút cân. Người bệnh suy kiệt, da xanh, niêm mạc nhợt, sốt dai dẳng về chiều và tối. Triệu chứng cơ năng: Ho ngày càng tăng, có thể ho ra máu. Đau ngực liên tục. Khó thở tăng cả khi nghỉ ngơi.
Triệu chứng thực thể: Khi bệnh nhân đến khám muộn, có thể nhìn thấy lồng ngực bị lép (bên tổn thương) do các khoang liên sườn hẹp lại. Vùng đục của tim bị lệch sang bên tổn thương, nghe có nhiều ran nổ, ran ẩm…, có thể có tiếng thổi hang.
Với bệnh nhân lao phổi, hầu hết các trường hợp khám phổi không phát hiện dấu hiệu gì đặc biệt. Bệnh được chẩn đoán dựa chủ yếu vào việc khai thác các dấu hiệu ho kéo dài, khạc đờm có máu, sốt về chiều… và hình ảnh tổn thương thâm nhiễm trên phim chụp Xquang phổi.
Việc chẩn đoán chính xác mắc lao dựa vào xét nghiệm tìm thấy bằng chứng của vi khuẩn lao trong đờm.
Vi khuẩn lao tồn tại trong không khí bao lâu?
Vi khuẩn gây bệnh lao thuộc loại vi khuẩn ưa khí, không nuôi được ở môi trường thông thường mà cần môi trường giàu dinh dưỡng, phát triển chậm với thời gian phân chia khoảng 18 giờ/lần phân chia.
Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm và có khả năng lây nhiễm cao. Vi khuẩn lao có khả năng lây nhiễm từ người sang người qua đường hô hấp và tiếp xúc, nên việc hiểu về đặc tính sống và sự tồn tại của vi khuẩn lao, như vi khuẩn lao sống bao lâu trong không khí, chết ở nhiệt độ nào? sẽ giúp con người phòng ngừa lây nhiễm của bệnh lao một cách tốt nhất.
Vi khuẩn lao là trực khuẩn có kích thước khoảng 0,4 x 3-5mm, không có vỏ, không lông và không có nha bào. Trực khuẩn lao đứng thành đám nhỏ xếp chữ N, V, Y hoặc đứng riêng lẻ, vi khuẩn lao không nhuộm được bằng phương pháp thông thường mà bắt màu đỏ trên tiêu bản nhuộm Ziehl-Neelsen.
Vi khuẩn gây bệnh lao thuộc loại vi khuẩn ưa khí, không nuôi được ở môi trường thông thường mà cần môi trường giàu dinh dưỡng, phát triển chậm với thời gian phân chia khoảng 18 giờ/lần phân chia.
Vi khuẩn gây lao phổi, lao màng bụng, lao hạch... có sức đề kháng cao trong điều kiện khô và các yếu tố lý hóa khác, được gọi là vi khuẩn kháng cồn, kháng acid. Hóa chất dùng để diệt vi khuẩn lao cần phải có nồng độ cao và thời gian tiếp xúc lâu thì mới có tác dụng.
Vi khuẩn lao sống bao lâu phụ thuộc vào các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm và bóng tối.
Vi khuẩn lao tồn tại trong không khí bao lâu?
Vi khuẩn lao sống bao lâu trong không khí sẽ phụ thuộc vào các yếu tố chính là: nhiệt độ, độ ẩm và bóng tối. Đặc điểm tồn tại của vi khuẩn lao như sau: Vi khuẩn lao có thể tồn tại rất lâu trong môi trường không khí từ khoảng 3-4 tháng.
Trong môi trường ẩm ướt và bóng tối thì vi khuẩn lao thậm chí tồn tại tận 3 tháng mà vẫn giữ nguyên độc lực. Vi khuẩn lao thuộc loại trực khuẩn hiếu khí, vì vậy trong các ca lâm sàng thì vi khuẩn lao thường gặp nhiều với số lượng lớn nhất tại các hang lao có phế quản thông, nơi rất giàu ôxy.
Vi khuẩn lao chết ở nhiệt độ nào?
Vi khuẩn lao chết ở nhiệt độ nào là thắc mắc được nhiều người quan tâm. Trong các điều kiện khác nhau về nhiệt độ cũng như các tác nhân lý hóa thì vi khuẩn lao sẽ tồn tại được trong những khoảng thời gian khác nhau:
Dưới ánh sáng mặt trời: Vi khuẩn lao thường sẽ chết sau khoảng 1,5 giờ.
Ở nhiệt độ 42C: Vi khuẩn lao ngừng phát triển.
Ở nhiệt độ 80C trở lên: Vi khuẩn lao chết sau 10 phút.
Trong điều kiện tiếp xúc với tia cực tím: Vi khuẩn lao chỉ tồn tại được trong khoảng 2-3 phút.
Trong cồn 90: Vi khuẩn lao sẽ bị tiêu diệt sau 3 phút.
Trong acid phenic 5%: Vi khuẩn lao chỉ tồn tại trong khoảng 1 phút.
Cách phòng chống bệnh lao
Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ sơ sinh đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG giúp ngăn ngừa mắc bệnh lao. Mọi người khi ho kéo dài hơn 2 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp Xquang phổi để phát hiện bệnh lao.
Ngoài ra, khi có những dấu hiệu sau, cần cảnh giác và đi khám bệnh ngay: Gầy sút, kem ăn, mêt moi. Sốt nhẹ về chiều, người mệt mỏi, ra mồ hôi về đêm. Đau ngực, khó thở, ho ra máu.
Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý. Phát hiện sớm người mắc bệnh lao điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác.
Bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 2 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày...
20 triệu phụ nữ biết tự bảo vệ trước bệnh lao Là một trong những mục tiêu của Chương trình chống lao Quốc gia Việt Nam. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hằng năm và gần 1,6 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu. Phụ nữ tham gia tuyên truyền phòng chống bệnh...