Ngày Quốc tế Nam giới 2013: Ngăn cản nam nhân ‘từ bỏ’ cuộc đời
Có lẽ sẽ ít người biết nhưng hôm nay, 19.11.2013, là ngày Quốc tế Nam giới.
Hiện có rất ít tổ chức và chiến dịch giúp nam giới thoát cảnh bạo lực – Ảnh: MNBY
Ngày Quốc tế Nam giới là dịp để kêu gọi mọi người đưa ra những hành động ngăn cản việc tự sát của nam giới – Ảnh: CL
Theo Internationalmensday, dù được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn nhưng ngày này chưa được công nhận trên toàn thế giới. Do vậy, ít người biết mỗi năm, ngày Quốc tế Nam giới đều có chủ đề hoạt động khác nhau nhằm đạt được sáu mục tiêu cốt lõi của việc ra đời ngày này.
Năm 2012, chủ đề ngày Quốc tế Nam giới là nhằm “Giúp đỡ những người đàn ông và các cậu bé sống lâu hơn, hạnh phúc hơn và khỏe hơn” với mục tiêu: Cải thiện tuổi thọ của nam giới; Giúp đỡ họ kết nối với những nguồn giúp đỡ và hỗ trợ; Giải quyết vấn đề bạo lực với nam giới và bé trai; Thúc đẩy vai trò của các ông bố và đàn ông tích cực.
Năm 2013, chủ đề của ngày này là “Giữ an toàn cho đàn ông và các bé trai”. Để đạt được mục đích lớn này, tổ chức sáng lập đã kêu gọi mọi người cùng chung tay cố gắng nhằm đạt các mục tiêu nhỏ hơn như: giảm tỉ lệ tự tử của nam giới.
Bởi theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 1 triệu người tự tử, phần đông trong đó là phái mạnh. Kể cả ở các nước bình đẳng giới nhất thì tỉ lệ nam – nữ tự tử cũng chênh lệch nhau khá lớn.
Tại các nước phát triển, số nam giới tự tử cao hơn từ 3 – 4 lần bình thường. Đó là lý do vì sao ngày Quốc tế Nam giới năm nay mong muốn mọi người hành động để ngăn cản hành động từ bỏ cuộc đời của các “nam nhân”.
Ngoài ra, còn có những mục tiêu khác như: giữ họ an toàn để họ trở thành vai trò kiểu mẫu ngày mai; kêu gọi mọi người tạo ra hoàn cảnh an toàn cho các bé trai phát triển lành mạnh thành những người đàn ông kiểu mẫu ngày mai; tăng tuổi thọ, thúc đẩy hình mẫu người cha và vai trò đàn ông, giảm tình trạng bạo lực đối với đàn ông và bé trai…
Hiện nay, có rất nhiều chiến dịch nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực đối với phụ nữ nhưng lại có không đáng kể các chiến dịch tương tự cho đàn ông. Trong khi đó, mỗi năm hơn nửa triệu người chết vì bạo lực, 83% trong số đó là đàn ông và các cậu bé. Đây chính là dịp để đàn ông lên tiếng kêu gọi hành động làm giảm tình trạng này.
Đàn ông mong muốn đây là dịp khiến mọi người tham gia hành động, tạo cơ hội cho tất cả các cậu bé được tiếp xúc với mẫu hình người cha lý tưởng, song song đó là đảm bảo pháp luật cho họ quyền bình đẳng trong vai trò làm cha với các hỗ trợ cần thiết.
Cũng theo thông điệp năm nay, một thế giới toàn những người cha làm tốt vai trò của mình là một thế giới an toàn, thịnh vượng và tốt đẹp cho tất cả mọi người.
Để hoàn thành tốt những vấn đề đặt ra, có lẽ còn mất rất nhiều thời gian nữa. Tuy nhiên, ít nhất, ngày Quốc tế Nam giới cũng khiến đàn ông ở nhiều nước vui mừng vì họ được tôn vinh và quan tâm hơn trong ngày đặc biệt.
Sáu mục tiêu cốt lõi của ngày Quốc tế Nam giới – Nhằm thúc đẩy vai trò tích cực của nam giới; không chỉ các ngôi sao điện ảnh, cầu thủ mà bao gồm cả những người đàn ông bình thường sống tử tế và trung thực. – Để tôn vinh sự đóng góp tích cực của nam giới đối với xã hội, cộng đồng, gia đình, hôn nhân, chăm sóc trẻ em và môi trường. – Tập trung vào sức khỏe và hạnh phúc của nam giới về phương diện xã hội, tình cảm, thể chất và tinh thần. – Để nhấn mạnh phân biệt đối xử với nam giới trong lĩnh vực dịch vụ xã hội, thái độ và kỳ vọng xã hội, luật pháp. – Để cải thiện mối quan hệ giới và thúc đẩy bình đẳng giới – Để xây dựng một thế giới an toàn hơn, tốt đẹp hơn, nơi mọi người được an toàn và phát triển, thỏa sức chạm đến tiềm năng của họ
Video đang HOT
Theo TNO
Sài Gòn 'tả tơi' triều cường: 'Mắc' cũng phải ráng... 'nhịn'
Cứ đến giờ ngập nước là nhiều gia đình áp dụng "luật bất thành văn": không ai được đụng đến nhà vệ sinh. Cố "nhịn" cho đến khi nước rút. Nhưng nước ngập lâu quá, "nhịn" mãi đến bực mình...
Đường Hòa Bình, một trong những "rốn" ngập của thành phố
- Ảnh: TN
Câu chuyện này lại làm nhiều gia đình ở TP.HCM dở khóc dở cười vào rạng sáng 7.11, ngày mà triều cường và mưa lớn do ảnh hưởng từ áp thấp nhiệt đới cùng ập tới, biến Sài Gòn thành biển nước.
Ở lâu trong nước ngập, cũng quen rồi
Chưa kịp mừng vì áp thấp nhiệt đới không mạnh lên thành bão, người dân Sài Gòn lại méo mặt với trận ngập dữ dội vì triều cường. Nhưng có gì là ngạc nhiên đâu, khi bình thường chuyện đó vẫn xảy ra...
Trận mưa to nửa đêm về sáng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, cộng với triều cường đã biến TP.HCM thành biển nước. Khắp các con hẻm, đường phố đều thấy nước, đặc biệt ở những "rốn ngập" lại càng lênh láng.
Tuy nhiên, người dân có vẻ không ngạc nhiên lắm trước tình cảnh này. Một tay cố vén quần cho thật cao, một tay cầm đôi dép lào, đi sát vào lề đường Hòa Bình (quận 11) để tránh nước, chị Phương chia sẻ nhanh với phóng viên: "Đêm qua đang ngủ nghe thấy tiếng mưa quất vào mái nhà là tôi biết mưa to lắm, nghĩ chắc sáng nay lại mệt mỏi với đường sá, y như rằng, giờ nước như sông. Người từ nơi khác vô tình đi qua đây có thể không biết chứ nhà nào quanh khu vực này chẳng chuẩn bị tinh thần rồi. Có phải chuyện ngày một ngày hai đâu, bao năm vẫn thế. Chúng tôi ở lâu trong nước ngập, cũng quen rồi...".
Không chỉ quen với ngập nước, người dân còn quen với cả hệ lụy mà nó đem lại:
xe tắt máy, té ngã, ướt người... - Ảnh: TN
Đang dở câu nói, chị vội buông cả hai tay đỡ cô gái chạy chiếc xe tay ga lỡ trớn ngã dúi xuống mặt nước sâu. Một vài bà con xung quanh giúp sức, than thở: "Cực ghê, một khúc đường mà không biết bao nhiêu người té. Sáng mới tội, có cả gia đình chở con đi học mà lạng quạng thế nào vợ chồng con cái ướt hết, nhìn đúng thảm".
Cám ơn mọi người xong, cô gái quấy quả hòa tiếp vào dòng người xe ầm ì chờ nhau qua. Có lẽ cô cũng không thể cứ thế đến chỗ làm được bởi người ướt hết và hôi mùi nước cống. Nhưng cũng như bao người, cô đang chịu cảnh "tiến thoái lưỡng nan", đi tiếp thì vừa ướt vừa kẹt đường, còn quay về cũng không xong vì đường ken đặc, ai cũng muốn nhanh nhanh "thoát nước".
Đường ngập, người đông, lưu thông chậm khiến thành phố ùn tắc khắp mọi nơi,
nhiều người lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" - Ảnh: Thanh Châu
Ở đoạn đường chỗ cầu Tân Hóa (quận 11), cảnh tượng cũng không khá gì hơn. Nhiều người quay ngược xe trở lại để tìm con đường "tươi sáng" hơn, bởi trước mặt là mênh mông biển nước. Chú Quang (quận Tân Phú), nhìn người qua kẻ lại, lắc đầu bảo với chúng tôi rằng đường này "không mưa nó còn ngập, huống gì từ đêm đến giờ cứ mưa ào ạt. Xe ô tô đi ngập đến sàn xe, còn chết máy nữa là xe honda".
Bác Hoa, nghe thấy, cũng cười đùa góp chuyện: "Chỉ có đi xe tăng mới không sợ nhỉ. Ở riết thì quen thôi, người lớn vẫn phải đi làm, trẻ con vẫn phải đi học, có bỏ được buổi nào đâu. Mưa hay áp thấp như thế này thì ngập lâu hơn một tí, phải thích nghi chứ biết làm sao".
Ráng "nhịn"
Sài Gòn vào những ngày con nước, triều cường lên, nhiều người dần dần "ép" mình thích nghi với nước bẩn. Trận mưa to ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới rạng sáng 7.11 khiến thời gian ngập nước lâu hơn, nước dâng vào nhà cao hơn một chút, sinh ra khối chuyện dở khóc dở cười.
Trong căn phòng chật chội chỉ trên dưới 10m2 ở khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), đêm hôm trước, người vợ chuẩn bị đồ đi chợ, ngủ quên trên sàn nhà. Sáng sớm hôm sau, chồng ngủ trên gác xếp nhìn xuống hốt hoảng thấy tóc vợ lềnh bềnh trong nước, quần áo cũng ướt nhẹp rồi. Dường như sự mưu sinh vất vả khiến người ta mệt mỏi đến độ có thể ngủ ngon lành trên vũng nước!
Căn phòng của vợ chồng anh Khoa ở khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh vừa trải qua một đêm ngập trong nước - Ảnh: Linh San
Đồ đạc được di chuyển lên gác xếp để tránh hư hỏng: Ảnh: Linh San
Những đứa trẻ sống trong cảnh ngập úng rất dễ sinh bệnh - Ảnh: Linh San
Rồi đến chuyện anh bảo vệ tên Dũng gác cổng cho UBND phường 13 (quận Bình Thạnh). Đêm anh Dũng hoảng hốt tỉnh dậy thấy mình đang nằm lõng bõng trên chiếc ghế bố, nước ngập đến ngang lưng. Anh hốt hoảng tát nước ra khỏi cái căn phòng nhỏ. Nhưng biết tát đi đâu vì xung quanh cũng đều đã ngập hết rồi. Cho đến đầu giờ chiều ngày hôm sau nước mới rút.
Chuyện ngập nước dường như đã trở thành chuyện muôn thuở, "nói mãi không hết" với nhiều người dân đang sống tại Sài Gòn. Nhưng trận mưa lớn vừa qua quả thực cũng làm cuộc sống của nhiều người trong ở những vùng trũng nhất bị xáo trộn.
Xế chiều 7.11, nhiều con hẻm ở Q.Thủ Đức vẫn ngập trong nước - Ảnh: Linh San
Đơn cử như chuyện đi nhà vệ sinh. Số là cứ đến giờ ngập nước là nhiều gia đình áp dụng "luật bất thành văn": không ai được sử dụng nhà vệ sinh. Cố "nhịn" cho đến khi nước rút. Nhưng nước ngập lâu qua, "nhịn" mãi đến bực mình.
Rồi trong cái hẻm nhỏ trong khu phố 1, tổ 13, phường 13 (quận Bình Thạnh), nước ngập từ 3 giờ sáng đến 15 giờ chiều mới rút. 18 giờ tối triều cường dâng, nước lại ngập đến nửa bánh xe. Ai muốn ra ngoài thì phải nhẹ nhàng dắt xe ra khỏi con hẻm. Chớ có leo lên xe mà rồ ga phóng, làm nước dâng thành sóng tràn vào nhà hàng xóm là... rách việc.
Muốn đi ra ngoài, người dân ở con hẻm này chỉ có cách dắt xe để không ảnh hưởng đến nhà hàng xóm - Ảnh: Linh San
Đó là những con hẻm bê tông sạch sẽ. Còn những con đường lầy lội vì ảnh hưởng bởi những khu vực đang thi công gần đó còn bi đát hơn.
Bà cụ Tuyết sống bên đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức) kể: "Sáng mưa đường ngập, đất trơn, nhấp nhô sỏi đá, ngồi trong nhà nhìn ra chẳng đếm nổi có bao nhiều người ngã xe phải quay về. Nhìn xe chết máy, người ta vật lộn với "dòng sông" giữa đường mà thấy thương luôn!".
Chiều 7.11, đường Kha Vạn Cân - Ảnh: Linh San
Triều cường kết hợp với nước mưa chưa thoát hết khiến người dân khổ sở di chuyển - Ảnh: Linh San
Cái xóm lao động nghèo của bà Tuyết ở bao lâu nay vẫn than trời vì con kênh đào tạm bợ thoát nước ngay trước cửa nhà, thì nay bỗng dưng lại phải cảm ơn nó vì đã cứu căn nhà họ không bị nước triều cường với nước mưa ngập quá lâu.
Nhờ con kênh tạm mà nước triều ở khu nhà bà Tuyết thoát nhanh hơn - Ảnh: Linh San
Thấy vậy chứ nghe bà cụ Tuyết than mà não lòng: "Bỏ đất miền Trung vào Sài Gòn tưởng bớt được cảnh ngập úng mà sao vẫn thấy ngập. Người lớn thì đã đành. Chỉ thương bọn con nít chịu cảnh bẩn thỉu, ướt át nên hay bệnh lắm...".
Câu chuyện của bà Tuyết cứ dài lê thê theo con nước lênh láng ngoài kia, chưa biết khi nào rút...
Theo TNO
Món Việt ngon khó cưỡng trên tạp chí nước ngoài Những hình ảnh ngon lành khó cưỡng của món ăn Việt làm người xem nuốt nước miếng ừng ực. Những nguyên liệu và món ăn Việt được xử lý tinh tế, nhìn cực ngon mắt - Ảnh: Nicole Franzen Martha Stewart Living là tên một tạp chí và chương trình truyền hình uy tín tại Mỹ. Tạp chí này bắt đầu được xuất...