Ngày phòng chống AIDS trên toàn cầu
Những hoạt động hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống AIDS lần thứ 22 hôm qua được tổ chức trên khắp toàn cầu, nhằm tăng cường hơn nữa nhận thức về đại dịch thế kỷ.
Người dân đi qua triển lãm “Âm thanh cuộc sống” của nghệ sĩ Irelan Bryan McCormack tại trung tâm nghệ thuật Georges Pompidou ở thủ đô Paris, Pháp. Những chiếc bao cao su bằng nhựa được trang trí khắp các tầng của trung tâm này như một phần trong chiến dịch vận động chống lại bệnh AIDS. Ảnh: AP
Nghệ nhân thủy tinh Ấn Độ Basavarju S Gowda trưng bày những chiếc bao cao su được thổi phồng và một bức tranh truyền đạt thông điệp “an toàn tình dục” bên trong những chiếc bình thủy tinh. Ảnh: AFP
Nghệ sĩ kiêm bác sĩ nha khoa Ấn Độ Harwinder Singh Gill khoe tác phẩm mới của ông, một dải băng đỏ biểu tượng sự đoàn kết của xã hộ với những người bị nhiễm HIV/AIDS được tạo nên bằng những mũi kim tiêm. Ảnh: EPA
Một nhóm thanh niên cùng giữ một bao cao su khổng lồ trong một sự kiện tại quảng trường Virgin Mary tại thành phố Valencia, miền đông Tây Ban Nha. Ảnh: EPA
Một nghệ sĩ dân gian Ấn Độ cầm dải băng đỏ trên tay tại thành phố miền nam Bangalore. Ảnh: EPA
Các học sinh Ấn Độ cùng nhau xếp lại thành hình một dải băng đỏ, biểu tượng toàn cầu cho sự nhận thức và ủng hộ với những người bị nhiễm HIV/AIDS, tại Ahmadabad. Ảnh: AP
Video đang HOT
Một nhân viên tình nguyện trong bộ trang phục cách điệu từ một chiếc bao cao su cùng tạo dáng chụp ảnh với các tình nguyện viên khác trong một chiến dịch nâng cao nhận thức về AIDS tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP
Một người phụ nữ gắn một chiếc bao cao su lên tấm bảng có nội dung AIDS tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP
Các sinh viên Indonesia cùng xếp chữ “sex” trong một chiến dịch ở thủ đô Jakarta. Đây là một trong các chiến dịch nâng cao nhận thức về HIV/AIDS được tổ chức khắp thế giới nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS. Ảnh: AFP
Một vị sư ở Sri Lanka tham gia một hoạt động nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS ở thủ đô Colombo. Ảnh: AFP
Các sinh viên y khoa Romania cùng nhảy múa trong một sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về các nguy cơ có thể nhiễm virus HIV, tại nhà ga chính của thủ đô Bucharest. Ảnh: AP
Các học sinh Ấn Độ trường thiếu sinh quân quốc gia mang những tấm bảng cổ động khi tham gia vào một hoạt động nhân ngày 1/12 ở Chennai. Ảnh: EPA
Hai phụ nữ Ấn Độ đi ngang qua một dải băng màu đỏ lớn được đặt tại công viên Tự do tại thành phố miền nam Bangalore nhân ngày 1/12. Ảnh: EPA
Một sinh viên cao đẳng Ấn Độ hóa trang trong sự kiện được tổ chức trước ngày Thế giới phòng chống AIDS tại Jammu. Ảnh: AP
Cậu bé Nimrod chơi đu quay trong giờ chơi tại Nhà Trẻ em Nyumbani dành cho những em bé nhiễm HIV khu ngoại ô Karen của thủ đô Nairobi, Kenya. Ảnh: AP
Người thân của các nạn nhân HIV/AIDS cùng tạo nên một biểu tượng dải băng màu đỏ bằng những cây nến ở thủ đô Guatemala City của Guatemala. Ảnh: AFP
Tượng Chúa Kitô Cứu thế, trên đỉnh đồi Corcovado ở thành phố Rio de Janeiro của Brazil, đỏ rực nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS. Ảnh: AFP
Người dân hô những khẩu hiệu trong một cuộc tuần hành ở Paris hôm qua, nhân ngày 1/12. Theo những số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc, khoảng 34 triệu người trên thế giới bị nhiễm HIV/AIDS trong năm 2010 và 1,8 người đã chết. Đây là mức giảm tương đối lớn so với kỷ lục 2,2 triệu người thiệt mạng vì AIDS hồi năm 2005. Ảnh: AFP
Những cây nến được xếp trên các bậc thang ở Quốc hội Phần Lan ở thủ đô Helsinki nhân ngày 1/12. Kể từ khi được xác định vào năm 1981, AIDS đã cướp đi 25 triệu sinh mạng. Mặc dù vậy, số người thiệt mạng đã giảm trong những năm qua do những tiến bộ trong phương pháp điều trị. Ảnh: AFP
Khách du lịch xem một biểu ngữ được treo tháp kỷ niệm ở Plaza de la Republica tại trung tâm thủ đô Buenos Aires ở Argentina. Ảnh: AFP
Theo VNExpress
Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12: Níu giữ sự sống mong manh
Nếu coi sự bất hạnh lớn nhất đối với một đứa trẻ là bị cha mẹ bỏ rơi thì với những cháu bé đang nằm tại khoa Lây nhiễm bệnh viện Nhi Trung ương phải gọi là đại bất hạnh. Không cha, không mẹ, không chốn nương thân và thậm chí nhiễm HIV/AIDS.
Chị Thu chăm sóc những cháu bé bị AIDS tại viện Nhi
Chúng tôi gặp chị Lê Thị Thu tại một căn phòng nằm cuối hành lang khoa Lây nhiễm. Ở cái khoa mà ngay cả những bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện cũng chẳng muốn lai vãng này thì chị là một vị khách trung thành. Thậm chí, cứ nhìn thấy mặt chị là các bác sĩ chỉ còn biết thở dài sườn sượt. Chị là một "chuyên gia" chăm sóc những cháu bé mắc AIDS từ Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 đưa xuống nhờ bệnh viện chạy chữa.
Trung tâm của chị Thu hiện nhận nuôi hàng trăm cháu bé bị mắc căn bệnh thế kỷ. Đại đa số các cháu đều không có nơi nương tựa. "Nếu tính chi li ra thì tôi "đồn trú" ở đây gần 2 tháng rồi, ngay cả đứa bé này - chị Thu vừa nói vừa chỉ vào bé Nguyễn Hạnh Phúc - cũng do bệnh viện gửi lên đấy".
Giải thích cho lý do "nhập viện dài hạn" này, chị Thu bắt đầu câu chuyện: "Cách đây hơn 1 tháng tôi đưa một cháu bé từ trung tâm xuống bệnh viện để điều trị căn bệnh nhiễm trùng cơ hội. Buổi chiều, tranh thủ lúc cháu ngủ say, tôi tha thẩn xuống sân bệnh viện thì bắt gặp một cháu bé được gói trong chiếc chăn mỏng nằm bơ vơ ngay tại ghế đá. Thấy đứa bé khóc dữ quá mà chẳng thấy cha mẹ cháu đâu, tôi bèn ngồi xuống bên cạnh vỗ về. Cứ ngỡ bà mẹ nào đó vô tâm đang bận việc chạy loanh quanh đâu đó lát nữa sẽ quay lại, nào ngờ, càng chờ càng mất hút".
Đến khi không thể chờ thêm được nữa, chị Thu níu vội một bóng áo blouse trắng đi qua đề nghị các bác sĩ đưa vào khoa chăm sóc. Chỉ đến khi mở chiếc chăn quấn quanh người cháu bé, mọi người mới thấy một mảnh giấy rơi ra có dòng chữ: Cháu nhiễm HIV, nhờ các bác sĩ chăm sóc. Một bà mẹ nào đó đã chối bỏ chính giọt máu của mình. Vậy là một công đôi việc, các bác sĩ của bệnh viện bèn làm thủ tục chuyển luôn cháu bé lên Trung tâm của chị Thu và bây giờ thì chị kiêm nhiệm luôn chức năng làm mẹ của cả 2 đứa con bệnh tật. Đứa bé đó chính là cháu Nguyễn Hạnh Phúc bây giờ.
Có những cháu bé sinh ra đã bất hạnh
Ngày chị Thu đưa đứa lớn khỏi bệnh về trung tâm, cả cơ quan ngạc nhiên khi thấy chị lại "kẹp nách" thêm một đứa khác. Bé Phúc không biết cha mẹ mình là ai, nhưng chắc chắn từ nay, bé đã có một chốn đi về và một bàn tay chăm sóc. Nằm cùng phòng với chị Thu là chị Đặng Thị Tĩnh, cũng là nhân viên trung tâm. Chị Tĩnh hiện lãnh trách nhiệm nuôi 15 đứa con đều mắc AIDS. Lần này chị Tĩnh đưa bé Nguyễn Minh Khôi - 3 tuổi - xuống bệnh viện điều trị. 20 ngày nằm viện, chăm sóc các con chỉ với đồng lương 1,6 triệu đồng/tháng, thế nhưng khi chúng tôi gặng hỏi, chị Tĩnh chẳng than thở lấy nửa lời. Nếu chỉ nghĩ tới quyền lợi kinh tế thì đừng làm nghề này. Bởi không thể kiếm lời từ những số phận bất hạnh trong khi bản thân chúng chẳng còn nơi nào để bấu víu - chị Tĩnh nói.
Công tác tại khoa Lây nhiễm này đã nhiều năm, bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa Lây nhiễm cũng hiểu khá rõ tâm tư của chính những người như chị Thu, chị Tĩnh. Anh bảo: "Phần lớn xã hội bây giờ vẫn còn kỳ thị với những người mắc AIDS. Thậm chí ngay cả những đứa trẻ ngây thơ, vô tội cũng chịu chung cảnh như vậy. Thế nên các chị ấy kiệm lời là phải". Hàng ngày các chị cùng các bác sỹ nơi đây lặng lẽ làm phần việc của mình. Có chăm những đứa trẻ này mới hiểu hết nỗi vất vả của người chăm sóc. Phần lớn chúng đều còi cọc, ốm sốt liên tục vì viêm phổi, tiêu chảy hay lở loét khắp người. Đêm thì quấy khóc, nếu không có một tấm lòng yêu trẻ thì người ta sẽ bỏ cuộc ngay từ những ngày đầu.
"Lẽ đời, người ta nuôi trẻ, chạy chữa cho chúng khi đau ốm tất thảy đều mong các con mau lớn trở thành người có ích. Đằng này, mình nuôi trẻ nhưng lại biết trước cái kết cục buồn, nhiều khi cũng đau lòng lắm. Thế nhưng, nhìn những gương mặt ngây thơ kia, nếu chấp nhận buông xuôi thì thật chẳng thể đành lòng - chị Tĩnh nói - vậy nên chúng tôi cứ cố gắng níu giữ những sự sống mong manh ấy như níu giữ tương lai của chính mình".
Theo Dân Trí