Ngày này năm xưa: Barca giành Cúp C1 châu Âu đầu tiên trong lịch sử
Ngày này 28 năm về trước, Barca đã có được danh hiệu châu Âu đầu tiên trong lịch sử CLB với chiến thắng 1-0 trước Sampdoria trong trận chung kết.
Barca là “gã khổng lồ” của bóng đá Tây Ban Nha với rất nhiều danh hiệu vô địch quốc nội. Tuy nhiên, so với đại kình địch Real Madrid, thành tích của Barca ở Champions League (hay Cúp C1 châu Âu) khiêm tốn hơn khá nhiều.
Đội hình Barca vô địch Cúp C1 châu Âu năm 1992 (Ảnh: Getty).
Phải đến năm 1992, Barca với đội hình được coi là “Dream Team” gồm những cầu thủ như Hristo Stoichkov, Ronald Koeman, Michael Laudrup, Pep Guardiola và được dẫn dắt bởi “thánh” Johan Cruyff, mới có thể lần đầu tiên lên đỉnh châu Âu.
Trận chung kết Cúp C1 châu Âu mùa giải 1991/1992 giữa Barca và Sampdoria được tổ chức ở sân Wembley với sự chứng kiến của hơn 70.000 khán giả. Đoàn quân của “thánh” Johan Cruyff đã vượt qua đội bóng đến từ Italy với tỷ số 1-0 nhờ pha ghi bàn trong hiệp phụ của Ronald Koeman. Năm 1992 cũng được nhớ đến như một năm thành công của Barca khi ngoài Cúp C1, họ còn có được danh hiệu La Liga, Siêu Cúp Tây Ban Nha và Siêu Cúp châu Âu.
Kể từ chức vô địch này, Barca đã trở thành đội bóng “có máu mặt” hơn ở châu Âu trước khi thăng hoa trong khoảng thời gian sau này với 4 chức vô địch Champions League trong 9 năm từ 2006 đến 2015.
Mùa giải mà Barca vô địch giải đấu hàng đầu châu Âu đầu tiên cũng là mùa giải cuối cùng mà UEFA giữ tên cũ. Kể từ mùa giải sau đó, Cúp C1 châu Âu chính thức được biết đến với cái tên Champions League./.
Đến lúc Barca cần định nghĩa lại
Ba thập kỷ trước, một người đàn ông vĩ đại từ Hà Lan đến Tây Ban Nha xây dựng một đội bóng vĩ đại, được gọi là "Dream Team".
Đó chính là "Thánh" Johan Cruyff, và "Dream Team" trong 5 năm ông làm HLV tại Barca chứa đầy những con người huyền thoại. Họ là 4 trụ cột của ĐT Tây Ban Nha gồm Pep Guardiola, Jose Mari Bakero, Txiki Begiristain và Andoni Goikoetxea, cùng 5 "lính lê dương" là những cầu thủ hay nhất thời ấy gồm Ronald Koeman, Michael Laudrup, Romario, Gheorghe Hagi và Hristo Stoichkov. Đỉnh cao của "Dream Team" chính là chức vô địch Cúp C1/Champions League 1992, và cái chết của "Dream Team" chính là trận thua 0-4 trước AC Milan ở chung kết Champions League 1994.
Và sau tro tàn trước Milan ấy, người ta chứng kiến được mặt trái của cố huyền thoại Johan Cruyff: một HLV độc tài và chuyên chế. Bằng sự nghiệp cầu thủ vĩ đại, cùng sự tôn thờ mà Barca dành cho ông, vị HLV này lần lượt tiễn đưa binh đoàn "lê dương" anh hùng rời khỏi xứ Catalunya theo cách... đuổi thẳng ra cửa. Người đầu tiên là Michael Laudrup vào mùa Hè 1994, đáng buồn hơn khi anh thậm chí còn sang Real. Cruyff dám làm thương vụ này vì ông đã đem về được Gheorghe Hagi.
Tiếc thay, đó là bản hợp đồng thất bại và Cruyff lại đòi tống cổ Hagi. Stoichkov, một người nổi tiếng nóng nảy và bộc trực, đã nói thẳng trên mặt báo: "Tôi còn đá cho Barca tới cuối mùa bóng. Nên tôi sẽ nín lặng, dù Cruyff cứ tiếp tục nói xấu tôi. Tới tháng 6, tôi sẽ tính sổ với ông ấy". Mùa Hè 1995 đã chứng kiến cùng lúc Koeman, Romario và Stoichkov rời khỏi Barca. Đó là mùa Hè tháo chạy khủng khiếp nhất của các siêu sao. Tất cả đều dưới bàn tay Cruyff - người cũng ra đi trong tức tối chỉ sau một năm.
Barca bị loại bởi những đội bóng yếu hơn
Câu chuyện lịch sử đó nói với bạn điều gì? Không có gì là tuyệt đối, kể cả "Thánh" cũng có lúc sai. Hôm nay ta nói về Johan Cruyff là nói về di sản và sự vĩ đại, thành công. Nhưng khi ngưng đọng thời gian, ta sẽ gặp trong đó cả sự chuyên chế, cực đoan, ích kỷ, lẫn sai lầm.
Lịch sử Barca đã được tạo dựng không chỉ bằng lý tưởng, hay vẻ đẹp của lối chơi, mà còn cả những vấn đề có tính chất bóng tối. Do đó, khi đối chiếu những gì diễn ra hiện tại xoay quanh Messi, Bartomeu và Abidal, hay trước đó là Valvede, Pique..., chúng ta không nên bất ngờ, hay lấy gì làm khủng khiếp. Sự mâu thuẫn luôn tồn tại, sự sụp đổ của các huyền thoại, hay sự ra đi của Messi (nếu có), cũng nằm trong dòng chảy ấy. Sau tất cả, Barca và Real đều giống nhau trong cùng một ý nghĩ: tất cả rồi sẽ ra đi, chỉ còn cái tên CLB là ở lại.
Theo Bongdaplus.vn
Barca: Thế nào là 'tinh thần Cruyff'? Khi Barcelona là... "hơn cả một đội bóng" thì đấy đã không còn là một đội bóng đúng nghĩa rồi. Ở một đội bóng đúng nghĩa, HLV trưởng phải có thực quyền. Quique Setien đang đứng ở đâu trong bản đồ quyền lực hiện thời? Những người tiền nhiệm gần đây như Ernesto Valverde, Luis Enrique, Gerardo Martino, Tito Vilanova có quyền lực...