Ngày mai, Mỹ có thể tấn công Syria
Các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết quân đội Mỹ đã sẵn sàng cho cuộc tấn công vào Syria nhiều khả năng sẽ được phát động vào ngày mai.
Ngày 27/8, các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết cuộc tấn công Syria trong ba ngày của Mỹ bằng tên lửa có thể sẽ bắt đầu vào ngày thứ Năm với mục đích gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Tổng thống Syria Bashar al-Assad hơn là lật đổ ông này hoặc hủy diệt quân đội Syria.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lên tiếng hưởng ứng những lời kêu gọi can thiệp quân sự đáp lại hành động được cho là sử dụng vũ khí hóa học của quân đội Syria chống lại phe đối lập hôm 21/8 bằng cách tuyên bố họ đã “rõ như ban ngày” rằng chính quyền của ông Assad đứng đằng sau vụ tấn công này và cộng đồng tình báo Mỹ sẽ đưa ra báo cáo chính thức ngay trong tuần này.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden còn đi xa hơn khi thẳng thừng tuyên bố trước các thính giả ở Houston: “Vũ khí hóa học đã được sử dụng.”
Joe Biden: Syria đã sử dụng vũ khí hóa học
Ông Biden nói: “Không ai nghi ngờ rằng những con người vô tội đã trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria, và chắc chắn kẻ phải chịu trách nhiệm cho hành động tàn ác này chính là chế độ Syria.”
Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney cho biết Nhà Trắng không xem xét đến khả năng lật đổ Tổng thống Assad. Ông nói: “Những kế hoạch mà chúng tôi đang xem xét không phải là thay đổi chế độ. Đó là những kế hoạch nhằm đáp trả sự vi phạm trắng trợn các tiêu chuẩn quốc tế cấm sử dụng vũ khí hóa học.”
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ John McCain, một tiếng nói có trọng lượng trong các vấn đề quân sự lại hối thúc Mỹ và đồng minh đi xa hơn bằng cách cung cấp vũ khí cho “lực lượng đối lập trên mặt đất”.
Ông McCain tuyên bố: “Điều quan trọng trong tình hình này là cuộc tấn công này chỉ là một cuộc không kích trả đũa không có tác động lâu dài hay điều gì đó tạo ra bước ngoặt trong thế trận trên mặt đất ở Syria.”
Các quan chức cấp cao của Mỹ cũng cho biết Bộ Quốc phòng nước này đã lên kế hoạch tấn công trong ba ngày, sau đó các chiến lược gia sẽ đánh giá và xác định những mục tiêu chưa đạt được cho các hành động tiếp theo.
Các cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ chắc hẳn sẽ được phát động từ tàu khu trục hoặc tàu ngầm tại Địa Trung Hải. Trong những ngày gần đây, Mỹ đã điều động nhiều tàu khu trục tới gần bờ biển phía đông Syria, tuy nhiên đó hầu như chỉ là một động thái mang tính biểu tượng. Tên lửa Tomahawk của Mỹ có độ chính xác cao đến mức chúng có thể bắn vào từng cửa sổ của các tòa nhà, và chúng có thể bắn tới Syria từ khoảng cách xa hơn, chẳng hạn như ở Địa Trung Hải.
Mỹ có thể sẽ dùng tên lửa Tomahawk tấn công Syria
Các quan chức hải quân Mỹ cho biết 4 chiếc tàu khu trục đã sẵn sàng cho cuộc tấn công, đó là USS Barry, USS Mahan, USS Ramage và USS Gravely.
Hôm thứ Ba, chiếc tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường thứ năm là USS Stout cũng đã được điều đến Địa Trung Hải qua eo biển Gibraltar, tuy nhiên các quan chức hải quân nói rằng chiếc tàu này sẽ không tham gia vào các vụ tấn công tên lửa vì “bốn tàu khu trục trên đã có quá đủ tên lửa hành trình”.
Video đang HOT
Ở Anh, Thủ tướng David Cameron cũng đã kêu gọi các nghị sĩ kết thúc sớm kỳ nghỉ để biểu quyết về hành động quân sự vào ngày thứ Năm, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết quân đội Mỹ đã “sẵn sàng hành động”.
Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã dùng những ngôn từ mạnh khi nói rằng vụ tấn công hóa học ở Syria là “điều ghê tởm về đạo đức” và cáo buộc chính quyền của ông Assad không những sử dụng vũ khí hóa học mà còn che đậy dấu vết, mặc dù nhóm điều tra của Liên Hợp Quốc cho biết đến ngày thứ Tư họ mới đưa ra kết luận về vụ việc này.
Ở Cairo, Liên đoàn Arab tuyên bố ông Assad phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công này, trong khi Qatar và Saudi Arabia cùng nhiều nước khác chỉ trích việc sử dụng vũ khí hóa học.
Sự ủng hộ dù là hạn chế của Liên đoàn Arab sẽ tạo ra vỏ bọc ngoại giao quan trọng cho cuộc tấn công của phương Tây vào Syria khi hành động quân sự dựa vào Liên Hợp Quốc là không thể vì Nga chắc chắn sẽ phủ quyết.
Một số đồng minh của Mỹ, điển hình là Anh, đã đưa ra tín hiệu cho thấy một cuộc tấn công hạn chế sẽ được tiến hành mà không cần thông qua Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết đó sẽ là “sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế”, và Trung Quốc cũng đã lên tiếng cảnh báo Mỹ phải kiềm chế “hành động can thiệp quân sự vội vàng”.
Kịch bản tấn công Syria của Mỹ và NATO
Nhiều khả năng Mỹ và NATO sẽ can thiệp quân sự vào Syria, tuy nhiên điều quan trọng là họ sẽ áp dụng chiến lược như thế nào.
Nhiều khả năng Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ ra lệnh không kích Syria trong khoảng vài tuần tới.
Hôm thứ Bảy, các cố vấn dân sự và quân sự hàng đầu của ông Obama đã gặp gỡ ở Nhà Trắng để thảo luận về các khả năng có thể xảy ra. Trong khi đó, những chiếc tàu chiến mang theo tên lửa hành trình của Mỹ đang âm thầm áp sát Syria sẵn sàng chờ lệnh Tổng thống. Đáng chú ý nhất là thông tinđược đăng tải trên tờ New York Times cho thấy các trợ lý an ninh quốc gia của Tổng thống Obama đang nghiên cứu cuộc không kích ở Kosovo năm 1999 như một "tài liệu tham khảo" cho hành động quân sự ở Syria.
Tàu chiến Mỹ âm thầm áp sát Syria
Trong cuộc xung đột ở Kosovo cách đây 14 năm, người Albania thiểu số ở Kosovo cáo buộc chính quyền của Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic thảm sát dân thường ở đây. Sau một thời gian do dự, Tổng thống Bill Clinton quyết định can thiệp, tuy nhiên Mỹ đã không nhận được sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an, nơi đồng minh của Serbia là Nga kiên quyết phủ quyết các nghị quyết đề cập đến việc sử dụng vũ lực chống lại Serbia. Thế nên Clinton đã phải viện đến NATO, một công cụ từng được xây dựng lên nhằm đối phó với khủng hoảng ở châu Âu.
Những điểm tương đồng trong trường hợp ở Kosovo với Syria là rất rõ ràng. Ở Syria, sau thời gian chần chừ, có lẽ Tổng thống Mỹ rồi cũng sẽ xem xét đến việc sử dụng vũ lực. Tuy nhiên việc can thiệp quân sự vào Syria sẽ không được Hội đồng Bảo an thông qua, bởi Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ phủ quyết. Áp lực can thiệp quân sự ngày càng gia tăng trong những ngày gần đây khi phe đối lập ở Syria và các cơ quan tình báo Mỹ liên tục cung cấp thông tin nói rằng quân đội của Tổng thống Assad đã sử dụng vũ khí hóa học sát hại hơn 1000 dân thường.
Vấn đề là Tổng thống Obama sẽ dựa vào đâu để thành lập một liên minh đa quốc gia tấn công quân sự vào một quốc gia có chủ quyền. Tuy chưa ai biết chắc nhưng câu trả lời khả dĩ một lần nữa lại là NATO, và lần này quốc gia cầm đầu có lẽ sẽ là Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên ở cực đông của khối quân sự này. Hiện các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang rất sốt ruột vì tình hình bất ổn ở Syria, quốc gia nằm ngay sát biên giới phía bắc của nước này.
Một vấn đề nữa mà Tổng thống Obama cũng phải lưu tâm đó chính là những phương án tấn công nào mà NATO đã từng sử dụng và không sử dụng trong cuộc chiến Kosovo. Trong chiến dịch này, Tổng thống Clinton đã yêu cầu không đưa lực lượng bộ binh của Mỹ tới trợ giúp người Albania và yêu cầu các chỉ huy quân sự giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng của lực lượng Mỹ tham chiến.
Máy bay NATO ném bom trong cuộc không kích vào Kosovo
Và thế là chiến dịch tấn công Kosovo của Mỹ về thực chất là một cuộc chiến tranh từ trên không. Trong chiến dịch này, chỉ có 2 quân nhân Mỹ thiệt mạng nhưng không phải trong chiến đấu mà là do một chiếc trực thăng Apache bị rơi khi đang diễn tập. Chiến dịch không kích này kéo dài tưởng chừng như vô tận với tổng thời gian là 78 ngày. Hơn 1000 lượt máy bay NATO, trong đó có cả những chiếc máy bay không người lái Predator đầu tiên, đã thực hiện tổng cộng 38.000 lượt xuất kích chiến đấu.
Những quả bom được máy bay thả xuống từ độ cao hơn 3000 mét để tránh hỏa lực phòng không dường như không làm ảnh hưởng đến các hoạt động của Milosevic cho đến giai đoạn cuối của chiến dịch, khi các chỉ huy NATO liên tục điều chỉnh và mở rộng danh sách các mục tiêu đánh phá, từ các căn cứ quân sự, nhà máy, các trạm điện cho đến từng chiếc xe tăng Serbia trên chiến trường.
Sự yếu kém trong thông tin tình báo đã dẫn đến một số sai sót kinh hoàng: bom rơi vào một đoàn xe lưu động của người Albania mà NATO nhầm tưởng là của người Serbia, và máy bay NATO ném bom vào đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade mà họ tưởng là một căn cứ quân sự. Về tổng thể, "thiệt hại không mong muốn" của chiến dịch không kích kéo dài 78 ngày là sinh mạng của khoảng 1.200 dân thường.
Cuối cùng, Mỹ và NATO cũng đã đạt được mục đích trong cuộc chiến này. Mục tiêu chiến lược mà họ đặt ra là chấm dứt chiến sự, buộc Milosevic phải rút quân, đưa Kosovo trở về quy chế tự trị và đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO gồm 30.000 quân vào khu vực này. Tất cả những mục tiêu này họ đều đạt được.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở Kosovo
Trong và sau cuộc chiến này, nhiều đảng viên Cộng hòa và các sĩ quan quân sự về hưu của Mỹ đã chỉ trích Tổng thống Clinton vì đã quá dựa dẫm vào NATO. Họ gọi đây là cuộc chiến "hội đồng hóa" và cho rằng Mỹ đã có thể dành chiến thắng nhanh chóng hơn nếu hành động một mình.
Tuy nhiên, trong cuốn sách Phát động chiến tranh hiện đại: Bosnia, Kosovo và tương lai chiến sự của mình, tướng Wesley Clark, tham mưu trưởng NATO thời điểm đó chỉ ra rằng giải pháp quân sự đa phương là cần thiết vì hai lý do: Để hợp thức hóa cuộc chiến (đặc biệt là khi không có nghị quyết của Liên Hợp Quốc) và để chống lại khả năng phản công của Nga (trong cuộc chiến này, Milosevic đã đầu hàng sau khi nhận ra rằng Moscow sẽ không đưa quân tới ứng cứu như đã hứa).
Còn lần này, giả sử như Tổng thống Obama nhất trí rằng NATO sẽ là lực lượng chủ chốt trong chiến dịch không kích vào Syria, và các thành viên của NATO đều nhất trí với phương án này thì mục tiêu của cuộc chiến này là gì?
Đây là câu hỏi rất quan trọng cho bất cứ một cuộc can thiệp quân sự nào. Câu hỏi này cần được đặt ra và được trả lời trước khi đưa ra quyết định can thiệp quân sự, bên cạnh những tính toán về nhân lực vật lực cần hao tổn để đạt được các mục tiêu đó và lợi ích thu được có xứng đáng với chi phí bỏ ra hay không.
Chúng ta có thể nhận ra một vài điều về Tổng thống Obama trên cương vị là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ, đó là ông có xu hướng bác bỏ việc sử dụng lực lượng quân sự. Khi nhận thấy giải pháp quân sự là không thể tránh khỏi, Tổng thống Obama thường yêu cầu làm rõ những mục tiêu lớn, và đòi hỏi các quốc gia đồng minh kề vai sát cánh hoặc thậm chí là đi tiên phong trong cuộc chiến, đặc biệt là khi lợi ích của các nước này trong cuộc chiến vượt trội hơn những gì Mỹ thu được.
Nếu có bằng chứng rõ ràng về việc chế độ của ông Assad sử dụng vũ khí hóa học, chắc chắn Tổng thống Obama sẽ quyết định tấn công vì 2 lý do.
Thứ nhất, ông Obama đã từng công khai vạch ra một "giới hạn đỏ" trong vấn đề này ít nhất là 5 lần trong năm qua, và nếu không đáp lại hành vi vượt "giới hạn đỏ" này sẽ khiến cộng đồng quốc tế bối rối về quyết tâm và độ tin cậy của nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ từng công khai về "giới hạn đỏ" mà Syria không được phép vượt qua
Thứ hai, việc khoanh tay không làm gì sẽ làm xói mòn hoặc thậm chí là hủy hoại sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế trong việc cấm sử dụng vũ khí hóa học (đặc biệt là khí độc thần kinh) kể từ sau Thế Chiến 1. Là một người rất nghiêm túc trong các quy chuẩn quốc tế, Tổng thống Obama có thể sẽ rất coi trọng điều này.
Như vậy mục tiêu số 1 của Mỹ trong chiến dịch không kích vào Syria sẽ là răn đe hoặc ngăn chặn chế độ Assad tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, các quan chức quân sự và tình báo Mỹ có thể sẽ cho Tổng thống biết rằng họ không thể làm được gì nhiều để hoàn thành sứ mệnh này. Rõ ràng là họ không biết kho vũ khí hóa học còn lại ở đâu, thế nên không thể nào phá hủy được nó.
Đồng thời, ý tưởng về việc sử dụng vũ lực để ngăn ngừa một hành động quân sự trong tương lai là khá mơ hồ khi Mỹ và NATO không thể chắc chắn về tác động của chiến dịch này đối với Assad. Obama cũng sẽ phải cân nhắc những thiệt hại ngoài dự tính mà Mỹ gây ra nếu Tổng thống Assad phớt lờ thông điệp này, và ông Obama cũng sẽ phải chắc chắn rằng thiệt hại đó sẽ đủ để làm nhụt ý chí của ông Assad.
Một mục tiêu lớn hơn nhưng có vẻ khả thi hơn của chiến dịch không kích đó chính là chế độ của ông Assad, được hiện thực hóa bằng việc hủy diệt chế độ này hoặc ít nhất là làm suy yếu nó.
Trong lá thư gửi cho Quốc hội hôm 5/8 và vừa được công bố tuần trước, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey đã đề cập đến vấn đề này. Ông nói rằng nếu bây giờ chế độ của ông Assad bị lật đổ, không một nhóm nào trong vô số các phe nhóm nổi dậy ở Syria đủ sức khỏa lấp khoảng trống về quyền lực này. Và nếu như các phe phái này có lên nắm quyền đi nữa thì cũng không có gì đảm bảo rằng lợi ích của Mỹ ở Syria sẽ được thúc đẩy. Vì lẽ đó, ông Dempsey đã tỏ ra bi quan về việc ủng hộ một phe cánh nổi dậy nào đó ở Syria hay cung cấp thêm vũ khí cho các chiến binh ở đây.
Tuy nhiên, ông Dempsey cũng nhấn mạnh rằng sự can thiệp quân sự của Mỹ có thể đảo ngược thế cờ chống lại ông Assad trong cuộc nội chiến ở Syria bằng cách hủy hoại vũ khí khí tài và cơ sở hạ tầng của quân đội chính phủ cũng như hạn chế dòng vũ khí tuồn vào Syria từ Iran, Nga và các quốc gia khác.
Tổng thống Obama có vẻ như cũng đồng tình với quan điểm này khi nói rằng trong bối cảnh "rối rắm" ở Syria, ông trên cương vị là Tổng thống Mỹ cần phải "suy nghĩ về những điều cần làm từ khía cạnh lợi ích quốc gia". Ông nói rằng nếu không cẩn thận, Mỹ có thể bị sa lầy vào "những cuộc can thiệp quân sự tốn kém, khó khăn và có thể gây thù chuốc oán nhiều hơn trong khu vực".
Mỹ có thể sa lầy vào cuộc chiến tranh tốn kém và khó khăn ở Syria
Tuy nhiên ông Obama cũng nhấn mạnh rằng nếu có bằng chứng rõ ràng cho thấy chính quyền Assad đã sử dụng vũ khí hóa học ở quy mô lớn thì nó đã động chạm đến lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ trong việc chống phổ biến các loại vũ khí hóa học và hủy diệt hàng loạt cũng như bảo vệ các đồng minh và căn cứ Mỹ trong khu vực.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Obama đề cập đến "lợi ích quốc gia cốt lõi" khi bàn về Syria. Điều này có thể cho thấy rằng ông Obama đang phải chịu sức ép hành động ngày càng tăng, và cuộc chiến ở Kosovo là một ví dụ mà ông Obama "đáng để tham khảo".
Trong lá thư gửi tới Quốc hội, tướng Dempsey viết rằng "Chúng ta có thể tiêu diệt lực lượng không quân Syria", tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng hành động này sẽ có thể "làm gia tăng sự dính líu của Mỹ vào cuộc xung đột".
Đó là một nguy cơ, và nguy cơ này là thứ mà Tổng thống Obama rất muốn tránh. Trong cuộc chiến tranh ở Libya, ông Obama đã đưa ra kết luận rằng điều quan trọng là phải loại bỏ nhà lãnh đạo Qaddafi, còn việc giải quyết hậu quả cuộc chiến được giao cho lực lượng mặt đất với chủ lực là các nước đồng minh được hưởng lợi nhiều hơn trong khu vực.
Đây có thể là quan điểm của ông Obama trong vấn đề Syria khi yêu cầu các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Jordan và các bên có lợi ích liên quan khác tham gia vào chiến dịch do NATO phát động. Nếu quyết định phát động tấn công, đây sẽ là cách thức tham chiến duy nhất mà ông Obama lựa chọn.
Xét trên vị thế của Mỹ trong khu vực và tầm quan trọng của việc duy trì các quy tắc quốc tế chống lại vũ khí hủy diệt hàng loạt, lựa chọn tối ưu mà Mỹ lựa chọn trong hoàn cảnh này có thể sẽ là tiêu diệt đáng kể sinh lực quân đội Syria, đảo lại cán cân sức mạnh trong chiến sự và để lực lượng mặt đất giải quyết hậu quả.
Có thể chiến lược này sẽ buộc ông Assad phải ngồi vào bàn đàm phán cũng như buộc Nga xem xét lại lập trường ủng hộ Syria của mình (như trong trường hợp với Milosevic), hoặc nó cũng có thể khiến tình hình càng thêm hỗn loạn và bạo lực hơn, điều đó phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của Tổng thống Obama trong những ngày tới.
Theo khampha
Mỹ, Anh dồn máy bay, tàu chiến tới gần Syria Các nước phương Tây đang dồn dập điều khí tài, lực lượng tới gần Syria để sẵn sàng cho hành động quân sự nhắm vào nước này. Máy bay chiến đấu và vận tải quân sự được cho là đang được điều tới căn cứ không quân Akrotiri của Anh trên đảo Síp trong bối cảnh lực lượng liên quân của phương Tây...