Ngày mai khởi công dự án cầu Mỹ Thuận 2 tổng vốn 5.000 tỷ đồng
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa cho biết sẽ khởi công dự án cầu Mỹ Thuận 2 vào ngày mai – 27/2/2020.
Cầu Mỹ Thuận 2 sẽ nối hai tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 là dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, được đầu tư 100% vốn ngân sách nhà nước. Đại diện chủ đầu tư của dự án là Ban quản lý dự án 7 (PMU 7), thuộc Bộ GTVT.
Theo Bộ GTVT, ngày mai 27/2, PMU 7 sẽ phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang và các đơn vị thi công tổ chức Lễ triển khai thi công Gói thầu xây lắp 01 (XL.01) – Thi công đường dẫn phía Tiền Giang và đường dẫn hai đầu cầu. Tổng mức đầu tư toàn dự án là 5.003 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị gần 3.389,6 tỉ đồng.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 dài 6.6km, nhằm mục đích kết nối hai tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ theo quy hoạch. Dự án góp phần giảm áp lực giao thông ngày càng lớn cho cầu Mỹ Thuận trên quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng tăng cao.
Video đang HOT
Như vậy, tính đến ngày 27/2/2020, cả 3 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước đều đã khởi công xây dựng.
Theo tìm hiểu của Pháp luật Việt Nam, Công ty CP Phương Đạt, có trụ sở ở Cầu Giấy, Hà Nội là đơn vị trúng gói thầu XL.01. Gói thầu này có tổng giá trị hơn 590 tỷ đồng. Được biết, trước đó chỉ có 3 nhà thầu đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ dự thầu. Sau khi Phương Đạt trúng thầu, hai nhà thầu bị loại còn lại không được bên mời thầu công bố trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Giới nhà thầu và dư luận đang quan tâm đến công ty Phương Đạt khi đơn vị này đang thi công nhiều công trình giao thông lớn khác.
Hiện, PMU 7 đang phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu XL.02 (có giá hơn 470 tỷ đồng; dự kiến đóng thầu vào ngày 4/3/2020) thuộc Dự án thành phần Đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2.
Minh Hữu
Theo PLVN
Tiền Giang: Vì sao đắp kênh trữ ngọt trở thành trữ mặn?
Đoạn kênh Nguyễn Tấn Thành phía trong đập thép vừa hợp long hơn 5 km (thuộc địa bàn huyện Châu Thành) bị nhiễm mặn với độ mặn trên 2 phần nghìn.
Ngày 20/2, UBND tỉnh Tiền Giang làm lễ hợp long đập thép ngăn mặn, trữ ngọt tại kênh Nguyễn Tấn Thành (thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành).
Đây là đập thép "dã chiến" có quy mô bề mặt rộng 76 mét, lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm phục vụ bơm nước ngọt bổ cấp nguồn nước cho nhà máy nước Đồng Tâm, Công ty TNHH một thành viên cấp nước sinh hoạt Tiền Giang xử lý, phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 800.000 người dân trong tỉnh và cung cấp một phần nước ngọt cho nhà máy nước ở Rạch Gốc, tỉnh Long An.
Đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt tại kênh Nguyễn Tấn Thành
Tuy nhiên, đến thời điểm này, đoạn kênh Nguyễn Tấn Thành phía trong đập thép vừa hợp long hơn 5 km (thuộc địa bàn huyện Châu Thành) bị nhiễm mặn với độ mặn trên 2 phần nghìn.
Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang cho biết, độ mặn này không thể sử dụng cho sinh hoạt cũng như sản xuất. Hiện nay, chủ trương của tỉnh là tháo túi nước mặn này bằng việc cho xả nước qua cống Bảo Định (TP. Mỹ Tho), với thời gian xả nước là 4 ngày.
Đập thép" dã chiến" lớn nhất khu vực ĐBSCL đã được hợp long
Trao đổi với PV VOV, vì sao đắp kênh Nguyễn Tấn Thành ngăn mặn lại thành "trữ mặn", ông Trần Hoàng Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH một thành viên bê tông Ticco - đơn vị thi công công trình này cho biết: khi hợp long đập thép ngăn mặn, đơn vị thi công lựa chọn thời điểm nước ròng (nước từ kênh Nguyễn Tấn Thành chảy ra sông Tiền).
Tuy nhiên, do công trình lớn, phức tạp, thời gian hoàn thành để hợp long kéo dài nên nước mặn tràn vào bên trong. Hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo công ty tiếp tục đắp một số cống, đập phía trong như: kênh Hai, kênh Ba... để ngăn tháo túi mặn này ra ngoài.
Hiện nay, nước bên trong kênh Nguyễn Tấn Thành vẫn nhiễm mặn, đang được tỉnh Tiền Giang khẩn trương khắc phục
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và người dân huyện Châu Thành và Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cho rằng, UBND tỉnh cần sớm có biện pháp khả thi, sớm khắc phục tình trạng nước mặn còn nằm trong kênh Nguyễn Tấn Thành.
Vì công trình đắp đập ngăn kênh, đóng kín các cống ở khu vực này tốn hao nguồn kinh phí nhà nước rất lớn và gây bế tắc giao thông thủy cũng như việc phát triển kinh tế- xã hội của vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Tiền Giang- Long An)./.
Theo Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
Đắp kênh để ngăn mặn, nhiều doanh nghiệp và người dân phản ứng UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức khảo sát, xác định vị trí phù hợp để đắp đập ngăn mặn, trữ nước ngọt nhưng nhiều doanh nghiệp và người dân phản ứng. UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận cho địa phương...