Ngày giỗ 135 người dân Quảng Nam bị lính Đại Hàn thảm sát
14 vòng hoa của các đoàn thể, trường học ở Hàn Quốc được đưa đến bia tưởng niệm Hà My (Quảng Nam), để thay cho lời Xin lỗi Việt Nam, nhân dịp 49 năm ngày giỗ 135 nạn nhân bị lính Đại Hàn thảm sát.
Sáng sớm 20/2, đoàn 4 người Hàn Quốc gồm tiến sĩ lịch sử Ku Su Joeng, cha đẻ của phong trào Xin lỗi Việt Nam, cùng nhà báo Koh Kyeong Tae và hai luật sư người Hàn Quốc đã lặn lội về thôn Hà My (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), để tham dự lễ tưởng niệm 49 năm ngày xảy ra thảm sát của quân đội Đại Hàn, khiến 135 người dân thường bị giết hại.
Rất nhiều vòng hoa đã được gửi đến lễ tưởng niệm, trong đó đa số là vòng hoa từ các tổ chức, trường học, hội nhà văn ở Hàn Quốc. Những người già ở làng Hà My vội sửa soạn, xếp những vòng hoa quanh bia tưởng niệm.
Mâm cúng truyền thống với hương, hoa, bánh chưng,… do người dân trong làng chuẩn bị. Năm nay, trên bàn có thêm chai rượu Hàn Quốc do hai luật sư góp chung.
Nghi thức cúng theo truyền thống của người dân địa phương thực hiện trong vòng 30 phút.
Sau đó là đến phần đặt vòng hoa, dâng hương của những người tham dự. Đoàn người Hàn Quốc do tiến sĩ Ko Su Joeng dẫn đầu tiến lên đài tưởng niệm, thành kính cúi đầu trước những vong linh bị thảm sát.
Họ gập người sát đất bày tỏ tấm chân tình. Sáng 24 tháng Giêng năm Mậu Thân (1968), lữ đoàn Rồng xanh – lính Nam Triều Tiên đã giết hại 135 người dân thường ở Quảng Nam.
Video đang HOT
Chính quyền, người dân địa phương cũng dâng hương, tưởng nhớ 135 người dân vô tội.
Bà Đặng Thị Khóa, 52 tuổi, bưng mặt khóc trong lễ tưởng niệm. Vào buổi sáng định mệnh 49 năm trước, 8 người trong gia đình bà Khóa bị sát hại. “Với vết thương ở đầu. 3 tuổi tôi không nhớ gì, còn chưa biết mặt cha mẹ, anh em”, bà nói trong tiếng nấc.
Trong số 135 nạn nhân vụ thảm sát, có 3 em bé chưa được gia đình đặt tên. “Những em bé mới vài ngày tuổi, nên đành để tên là Vô Danh, giữ nguyên họ theo cha”, ông Nguyễn Ngọc Mãi, thân nhân của 8 người cùng thiệt mạng trong buổi sáng thảm sát, nói.
Những người dân khi đó bị dồn vào 2 căn nhà tranh rồi lính Đại Hàn xả súng bắn, châm lửa đốt khiến nhiều thi thể không còn nguyên vẹn. Sau thảm sát, lính Đại Hàn cho xe múc san bằng tất cả. Năm 2000, khi xây dựng nhà bia tưởng niệm, những bộ hài cốt được gom lại, chôn chung trong hai ngôi mộ tập thể. Bà Tấn (80 tuổi), cúi khom người mới có thể thắp nén hương. Một bàn chân của bà đã mất trong cuộc thảm sát.
“Chúng tôi khép lại nhưng không quên quá khứ, để cùng hướng đến tương lai hòa bình”, nhiều người dân nhắn gửi đến nhà báo Koh Kyeong Tae Hàn Quốc.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Người Hàn Quốc tìm gặp nạn nhân vụ thảm sát
Nghe bà Thanh kể lại cuộc thảm sát 48 năm trước của lính Đại Hàn ở ngôi làng nhỏ tỉnh Quảng Nam, cô gái Hàn Quốc ôm bà nói: "Cháu xin lỗi, cháu sẽ tiếp tục đề nghị chính phủ Hàn Quốc xin lỗi người dân Việt Nam".
Chiều tối 5/12, bà Nguyễn Thị Thanh bất ngờ đón đoàn khách Hàn Quốc ghé quán nước nhỏ của mình bên quốc lộ 1A (xã Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam). Người phụ nữ 56 tuổi nhận ra tiến sĩ Ku Su Jeong - người khởi xướng phong trào Xin lỗi Việt Nam vì từng nhiều lần ghé nhà.
Sau vài giây bối rối khi cùng lúc đón 30 người Hàn Quốc, bà Thanh đon đả rót nước mời khách. Bà còn lấy hộp chuối khô, vốn là quà của mẹ chồng từ Đồng Nai gửi ra mời khách.
Nhân chứng Nguyễn Thị Thanh kể lại câu chuyện thảm sát của quân đội Hàn Quốc với chính gia đình mình. Ảnh: Nguyễn Đông.
Bà Thanh là một trong số ít nạn nhân sống sót sau cuộc thảm sát của quân đội Đại Hàn gây ra ở làng Phong Nhất - Phong Nhị (xã Điện An) 48 năm trước, làm 74 người dân thiệt mạng. "Tôi không muốn kể nữa, nhưng các bạn đã đến đây để tìm hiểu sự thật thì tôi kể", bà Thành nói.
Sáng 12/2/1968, người dân làng Phong Nhất - Phong Nhị bất ngờ khi thấy nhiều toán lính Đại Hàn mang theo súng tràn vào làng. Vài ngày trước, chiếc xe Jeep của quân đội nước này đi qua tuyến đường lớn trước làng thì bị trúng mìn của quân đội Việt Nam.
Những người lính mặc bộ quân phục rằn ri, bên ngoài là áo giáp lao vào từng nhà dân. Tiếng súng nổ chát chúa vang lên, bắt đầu cho cuộc thảm sát như lính Đại Hàn từng gây ra ở nhiều vùng quê Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi...
Bà Thanh khi đó tròn 8 tuổi, được người dì ruột kéo xuống hầm trú ẩn. Dưới hầm còn có 3 anh chị em bà Thanh, nhưng lính Đại Hàn đã tìm thấy. Họ ra hiệu mọi người đi lên, nếu không sẽ thả lựa đạn xuống hầm. Quá hoảng sợ, từng người dưới hầm bắt đầu đi lên.
"Nhưng lên tới đâu thì họ bắn tới đó", bà Thanh bật khóc. Phía đối diện, những người Hàn Quốc đang chăm chú nghe bà kể cúi đầu, nhiều người đã khóc.
Mất vài phút trấn tĩnh, bà Thanh mới tiếp tục câu chuyện. Người anh trai đi ra ngang đến bụi tre trước nhà đã bị bắn nát mông, người em trai vừa đi ngang giàn mướp bị bắn vào mặt, người chị bị bắn chết ở lối đi xuống nhà bếp. Còn bà Thanh bị đạn xé toang một phần hông bên trái.
Những người bị thương nằm la liệt, riêng người dì của bà Thanh chưa bị bắn. Nhưng khi thấy lính Đại Hàn châm lửa đốt nhà, người dì một tay bồng con, một tay cố bám vào những bộ áo rằn ri để ngăn cản. "Họ dùng lưỡi lê đâm vào hông dì tôi. Dì ngã xuống khi tay đang bồng đứa con", bà Thanh kể tiếp.
Lính Đại Hàn đốt nhà rồi bỏ đi. Bà Thanh cùng người em trai nghe tiếng người anh đang nằm ở phía bụi tre gọi. "Tôi bước ngang đến giàn mướp thấy em bị trào máu ra khỏi miệng. Nhưng tôi không thể nào bồng em đi cứu được. Lúc đó tôi mới 8 tuổi mà. Tôi chỉ biết khóc", bà Thanh nói, nước mắt chảy dài.
Những người Hàn Quốc đã bật khóc khi nghe câu chuyện của bà Thanh. Ảnh: Nguyễn Đông.
Người anh trai kéo bà Thanh bỏ trốn, vì lính Đại Hàn vẫn còn trong làng. Vừa dìu nhau ra đến ngôi nhà phía trước, hai anh em phải rúc vào bụi cây trốn vì thấy những người lính nước ngoài dùng súng xả vào con trâu của nhà hàng xóm. Trâu chết, chúng kéo xác trâu đi, không giết thêm người nữa.
Sang đến nhà bên cạnh, hai anh em bà Thanh gặp khoảng 10 người đang trú trong hầm nổi. Nhưng ai cũng sợ, không dám mở cửa hầm. Bà Thanh khát nước vì mất nhiều máu, nên vớ lấy nước uống, ruột lúc này đã xổ ra khỏi ổ bụng. Người anh trai nằm bất tỉnh.
Nghe những người trong hầm nói mẹ mình đang đi nhổ rau cải đưa ra Đà Nẵng bán, bà Thanh lấy tay ôm ruột rồi chạy đi tìm mẹ. "Tôi đã chạy qua xác mẹ tôi, khi mẹ bị lính Đại Hàn bắn chết, nằm thành hàng cùng nhiều người khác. Tôi không biết mẹ đã chết", bà Thanh kể tiếp.
Người chú của bà Thanh, khi đó đang tham gia quân đội Việt Nam Cộng hòa, biết tin cả nhà người anh trai bị thảm sát, vội điều trực thăng về Phong Nhất -Phong Nhị. Bà Thanh cùng anh trai được chở bằng máy bay ra Đà Nẵng, rồi vào Sài Gòn, sang Mỹ chữa chị mới may mắn sống sót.
Cuộc sống của gia đình bà Thanh sau thảm sát vô cùng vất vả. Mồ côi, bà phải đi ở mướn, không được học hành. "Những lúc quá đau khổ. Tôi chỉ biết gọi mẹ. Tôi nói với mẹ rằng, sao tụi lính Hàn không bắn chết cả con, để con đỡ khổ", bà Thanh nói, giọng khàn đi.
Sống cùng quá khứ và những ám ảnh về cuộc thảm sát, bà Thanh kể sau này mới biết nhiều người trong làng chết rất thảm. Có em bé bị lính Đại Hàn ném vào ngọn lửa, có phụ nữ sau khi bị sát hại còn bị hớt đi hai đầu vú...
Tháng 4/2015, Bảo tàng Hòa bình Hàn Quốc đã mời bà Thanh đến Seoul để kể lại câu chuyện của mình. Một nhà sư từng tham chiến ở Việt Nam đã quỳ dưới chân bà để nói lời xin lỗi. Nhưng nhiều cựu binh khoác trên mình bộ quân phục rằn ri nói rằng bà Thanh bịa chuyện.
Những người Hàn Quốc ôm chầm lấy bà Thanh, khi nhân chứng này nói "tôi không giận các bạn". Ảnh: Nguyễn Đông.
Điều đó khiến bà ấm ức, nhưng cũng thôi thúc bà phải tiếp tục kể câu chuyện của mình. "Tôi không thể bịa ra chuyện như thế được. Các bạn có tin tôi không?", bà Thanh hỏi 30 người Hàn Quốc ghé nhà mình đang im lặng từ đầu đến giờ.
Nhiều người Hàn Quốc tiếp tục cúi đầu, bật khóc. Tiến sĩ Ku Su Jeong sau khi phiên dịch xong, lặng lẽ ra ngoài châm điếu thuốc. Một nhà văn đứng lên, tiến về phía bà Thanh và nói rằng sẽ tiếp tục kể lại câu chuyện của bà với người dân Hàn Quốc. Trong khi một bạn trẻ tiến lại ôm chầm lấy bà khóc nức nở. "Cháu tin cô. Cháu xin lỗi và cháu sẽ tiếp tục đề nghị chính phủ Hàn Quốc xin lỗi người dân Việt Nam", sinh viên Kim Eun Ji nói.
Bà Thanh cho biết kể lại câu chuyện không phải để trách móc, hay gợi lại quá khứ, nhưng để người Hàn Quốc biết đến sự thật và không phạm sai lầm nữa.
Theo điều tra của tiến sĩ lịch sử Ku Su Jeong, quân đội Đại Hàn đã làm chết 9.000 người dân Việt Nam vô tội trong các cuộc thảm sát.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Hai sinh viên Hàn Quốc đạp xe hơn 1.700 km để 'Xin lỗi Việt Nam' Đứng trước bia tưởng niệm những nạn nhân vô tội bị lính Đại Hàn thảm sát tại miền Trung Việt Nam, hai sinh viên Hàn Quốc nói rằng cảm giác của họ nặng nề khi đối diện sự thật. Giữa tháng 2, Lee Kang An và Han Tae Gun (sinh viên Khoa thể dục thể thao, Trường đại học Incheon Hàn Quốc), dừng...