Ngày Giao thừa, chủ trường mong năm mới mở cửa lại: Khép cảnh vay nợ này đắp nợ kia
Không có nguồn thu nhưng hằng tháng vẫn phải xoay tiền mặt bằng, tiền gốc ngân hàng, chủ trường có 2 cơ sở ở TP.HCM phải vay nợ này đắp nợ kia, nhiều ngày áp lực thức xuyên đêm, suy nghĩ đến bạc tóc vì nợ.
Đó là hiện thực mà nhiều chủ trường phải đối mặt trong năm 2021 khi dịch Covid-19 bùng phát.
Khi mà học sinh các cấp đi học trở lại, học sinh đến trường sau Tết nguyên đán thì các trường học sẽ mở cửa trở lại, và đó là hi vọng lớn nhất của các chủ trường tư thục.
Khép lại năm 2021 Tân Sửu – một năm với những diễn biến căng thẳng của dịch bệnh Covid-19. Riêng tại TP.HCM, nhiều nhóm ngành, nghề, người lao động bị ảnh hưởng. Không chỉ với những người làm thuê làm mướn, lao động tự do, mà ngay cả nhà giàu cũng khóc vì vay nợ.
Nhiều người ngạc nhiên khi thấy chủ trường mầm non chuyển sang làm bánh bán online. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Áp lực 90 triệu tiền mặt bằng mỗi tháng, cộng với gần 50 triệu tiền gốc cộng lãi ngân hàng trả góp cho số mượn nợ ban đầu, trường học đóng cửa chưa biết ngày mở lại, chị Nguyễn Hoàng Lăng Viên (chủ trường mầm non 2 cơ sở tại Q.12) nhiều đêm thức trắng, suy nghĩ đến bạc cả đầu. Để cầm cự, chị phải tiếp tục đi vay nợ này để đắp nợ kia.
Bạc đầu vì nợ
Hơn 7 tháng kể từ tháng 5.2021, trường mầm non ở TP.HCM đóng cửa để phòng dịch Covid-19 cũng là ngần đó thời gian thử thách gian nan nhất trong cuộc đời chị Viên. Mở cửa lau dọn lớp bụi đóng trên mấy chiếc xe đồ chơi ở sân trường, chốc chốc chị thở dài, trầm ngâm.
3 năm trước, chị mở trường mầm non tại Q.12 kiêm luôn hiệu trưởng, viết chương trình cho trẻ của trường. Cách dạy mới, phù hợp với nhu cầu của phụ huynh hiện đại, mất 1 năm chờ trẻ, trường học đi vào ổn định.
Khách hàng của chị Viên phần đông là phụ huynh trong trường. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Tháng 6.2020, chị vay ngân hàng và bạn bè tiếp tục thuê mặt bằng gần đó mở cơ sở 2, trường được cấp phép vào tháng 9.2020, hoạt động đến tháng 2.2021 tạm ngưng một thời gian ngắn vì dịch. Đón trẻ được hơn 3 tháng, giữa tháng 5, trường đóng cửa cho đến hôm nay, vẫn chưa biết ngày mở lại.
“Tôi vay 2 tỉ để đầu tư cho cơ sở 2, chỉ đón trẻ được vài tháng nhưng tiền mặt bằng phải chi trả là 2 năm. Tiền thuê nhà 2 cơ sở tổng cộng 90 triệu đồng/tháng, chủ nhà chưa nói giảm nhưng tôi xin đóng một nửa, nợ lại một nửa chờ trẻ quay lại trường sẽ trả sau. Không có luật nào bắt buộc người ta giảm giảm tiền nhà vì dịch hết, người ta không ráo riết đòi mình là mừng rồi. Không có thu, nhưng tiền ngân hàng vẫn phải trả đúng ngày đúng hạn, nhiều khi không biết ra sao ngày mai”, chị tâm sự.
Mỗi tháng 1 lần, chị Viên qua tự lau dọn cả 2 cơ sở. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Trải qua nhiều khó khăn trong những ngày đầu mở trường, qua được đợt dịch năm 2020, tưởng đâu bình yên sẽ đến để chị tập trung trả nợ. Nhưng đợt dịch vừa qua mới thật sự khiến cô chủ trường mầm non lao đao.
Cuối năm, chị tâm sự: “Tháng 7, dịch căng thẳng, tôi xác định không biết ngày nào mới mở lại được trường, mà tiền vẫn cứ phải trả. Tiền tiết kiệm dằn túi dần cạn kiệt, tôi vay thêm bạn bè 1 tỉ để hằng tháng có tiền lo liệu các khoản chi. Đêm đến đặt lưng xuống là những con số nợ cứ nhảy múa trong đầu, 7 ngày liên tiếp tôi thức đêm tới sáng, tóc bạc hết phần đỉnh đầu phải nhuộm lại. Những ngày đó, tôi còn nghĩ đến việc sang trường. Nhưng rồi qua trường dọn dẹp, nhìn từng ngóc ngách đều là tâm huyết, sự trau chuốt của mình, tôi quyết tâm phải giữ trường bằng mọi giá”.
Từng ngóc ngách trong trường đều là tâm huyết, là động lực giúp chị tiếp tục cầm cự. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Trước kia, chị Viên làm giáo viên phổ thông, chồng làm ngân hàng thu nhập ổn định. 10 năm trước, chị mở một cơ sở mầm non nhỏ tại Q.Gò Vấp. Nhưng thành công nhất và để được tiếng vang nhất phải kể đến 2 cơ sở mầm non hiện nay tại Q.12.
Chị cho biết, trường có tổng cộng 50 nhân viên, giáo viên. Đợt dịch vừa rồi gồng gánh nợ nhiều, chị không thể hỗ trợ được nhân viên, giáo viên của trường. Dù vậy, đến giờ phút này vẫn chưa một ai xin nghỉ, ngược lại, mọi người còn động viên chị cố gắng giữ trường chờ ngày hội ngộ.
Bán rau, làm bánh chờ ngày trở lại
Trong đợt dịch 2020, chị Viên cùng một số giáo viên ở trường lấy trái cây ở Đắk Lắk về bán ngay trong sân trường cho người dân xung quanh và phụ huynh của trường. Dịch năm nay, một số cô ở lại tiếp tục cùng chị Viên lấy rau của một đồng nghiệp khác từ Đà Lạt về bán. Sân trường làm điểm tập kết rau, phụ huynh ủng hộ nhiệt tình. Số tiền lời từ bán rau, các cô mua thêm rau phát cho các dãy trọ xung quanh.
Mỗi ngày, tiền lời từ làm bánh khoảng 300.000 đồng, chưa thấm vào đâu so với số tiền vay nợ phải trả hằng tháng. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Khi TP.HCM bình thường trở lại, cô chủ trường kiêm hiệu trưởng chuyển sang làm bánh ngọt bán online cho bạn bè, phụ huynh trong trường. Chị cho hay, bán bánh không lời nhiều nhưng mục đích xa hơn là để quản lý bếp tốt hơn và làm bánh cho các bé trong trường.
Ngay thời điểm khó khăn nhất, chị Viên đã viết thư ngỏ cho phụ huynh nhờ hỗ trợ trường bằng cách đóng trước 6 hoặc 12 tháng học phí. “Với chi phí này tôi có thể lo được mặt bằng, lo cho các cô về quê ăn Tết luôn nhưng tôi vẫn phân vân, thu tiền trước sẽ có nhiều bất cập. Do đó, dù phụ huynh đồng ý với thư ngỏ rồi nhưng tôi vẫn chưa quyết làm vì sợ ảnh hưởng đến cả quá trình gầy dựng trường. Còn cầm cự được tôi sẽ ráng dốc hết sức”, chị bộc bạch.
Đi lên từ khó khăn, tự lập, tất cả vốn liếng, tài sản bỏ hết vào 2 cơ sở mầm non, chị Viên xác định mất là mất hết. Sau thời gian mệt mỏi, trong đầu chỉ nghĩ đến cách xoay tiền cầm cự, đến nay, suy nghĩ của chị mới nhẹ nhàng hơn đôi chút vì luôn có những người sẵn sàng giúp đỡ.
Nhìn khu trò chơi của trẻ ám bụi, chị Viên lại thoáng buồn, mong sớm được đón trẻ quay lại trường. Ảnh VŨ PHƯỢNG
“Đến bây giờ, tôi thấy mình là dân tỉnh lên TP mà không phải bỏ chạy khỏi TP.HCM mùa dịch là tốt lắm rồi. Thời điểm dịch căng thẳng cũng đã qua, chặng đường còn lại không lẽ gì mình lại buông. Nghĩ lại, tôi cũng không biết mình đã giữ trường bằng cách nào khi đủ khoản tiền phải chi: từ tiền mặt bằng, tiền đầu tư cho đến tiền vay mua nhà của mình nữa. Mỗi tháng tôi tự sang lau dọn trường, chờ ngày được đón trẻ trở lại”, chị cười trừ, nhẩm tính lại số tiền vay nợ, rồi lại trầm ngâm nhìn lớp bụi dày đóng trên số đồ chơi nhiều sắc màu.
Giao thừa Nhâm Dần 2022: Không phải đập bỏ hoa giữa trung tâm TP.HCM, người bán mừng muốn khóc
"Năm nay bán sạch sành sanh không còn chậu nào luôn, mừng quá! Bây giờ về Chợ Lách ăn Tết với gia đình thôi", ông Trịnh Văn Nho (60 tuổi) phấn khởi vì bán hết 700 chậu cúc vạn thọ 1 tiếng trước khi chợ hoa Tết tại Công viên 23 tháng 9 (Q.1, TP.HCM) đóng cửa.
Bán "xổ" còn nửa giá, hết sạch
Hơn 10 giờ 30 phút sáng nay, nhiều người bán hoa Tết tại chợ hoa Công viên 23 tháng 9 đã bắt đầu dọn dẹp dần dần, vì đúng 12 giờ chợ sẽ chính thức đóng cửa. Lúc đó, lô đất mà ông Trịnh Văn Nho (chủ vườn hoa kiểng Chín Nho ở H.Chợ Lách, Bến Tre) đã không còn một chậu hoa vạn thọ nào.
Ông cùng con dâu và nhân viên cũng thu dọn xong hành lý, chuẩn bị bắt xe về quê ăn Tết.
Cùng 1 chợ hoa tết Sài Gòn: Đào bán chạy như 'tôm tươi, người bán mai rầu rĩ vì ế ẩm
Bán ở công viên này 23 năm qua, năm nay ông Nho mang lên 700 chậu vạn thọ, giá mỗi cặp khoảng 200.000 - 300.000 đồng (tính luôn tiền chậu). Hôm qua 28 tháng Chạp, ông đã bán hết gần 500 chậu, tuy nhiên lúc đó ông vẫn băn khoăn tâm sự với phóng viên: "Còn 1 ngày thì mình cũng hy vọng là bán hết, ngày mai không hết thì sổ thôi. Xổ mà không hết, đường cùng chắc phải đập chậu chứ làm sao nữa, hoa này mình đâu chở về được".
Trước giờ đóng cửa, chợ hoa Tết tại Công viên 23 tháng 9 rất đông người Sài Gòn ghé mua. Ảnh CAO AN BIÊN
Ông Nho bán hết 700 chậu hoa cúc, mừng rỡ dọn hành lý về quê. Ảnh CAO AN BIÊN
Người bán tất bật dọn dẹp trả lại mặt bằng, cũng tranh thủ bán xổ những chậu hoa còn lại. Ảnh CAO AN BIÊN
Khác với tâm trạng lo lắng ngày hôm qua, 200 chậu còn lại được ông bán sạch trong sáng nay, có gần 15 chậu được bán "xổ" còn nửa giá, nhưng được như vậy cũng là niềm vui lớn của chủ vườn này. Theo ông, những năm trước khi chưa có dịch Covid-19, số lượng hoa ông mang lên bán gấp nhiều lần so với năm nay. Đó cũng là một trong những lý do mà Tết này ông bán hết hoa sớm, đúng như kỳ vọng.
Ông Nho mừng rỡ: "Bây giờ thì về nhà thôi, về ăn Tết với gia đình. Năm nay như vậy là ấm lắm rồi! Mong năm sau hết dịch, buôn bán tiến tới vì gia đình tôi mấy đời sống bằng nghề này, nó cũng là cái nghiệp mà tôi mang theo tới hết cuộc đời".
Gần đó, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng (47 tuổi, quê Bến Tre) cùng con gái ngồi nhìn hơn 60 chậu tắc kiểng mang từ H.Chợ Lách lên còn chưa bán hết. 1 tiếng nữa đóng cửa chợ hoa, bà quyết định bán "xổ", giảm một nửa giá còn 100.000 đồng chậu.
"
Chợ sắp vãn, bà Ánh Hồng giảm 50% giá tắc để bán "xổ". Ảnh CAO AN BIÊN
Nhiều người tranh thủ mua hoa trước khi chợ đóng cửa. Ảnh CAO AN BIÊN
Lên đây bán từ 22 tháng Chạp, bà tâm sự những ngày qua sức mua yếu, người đến chợ không quá đông. Đến ngày cuối cùng, khi sắp ngưng bán thì khách nượp kéo tới. "Tắc này cỡ nào cỡ cũng phải bán xổ cho hết chứ không mang về quê được đâu, nó không giống mai, đào, mang về không giữ được lâu, còn tốn thêm chi phí. Ráng bán cho hết vậy", nói xong, chị Hồng tiếp tục chào mời khách. Hơn 11 giờ 45 phút, hơn 60 chậu tắc của mẹ con bà Hồng vơi dần, chỉ còn một vài chậu.
Hai mẹ con mừng rỡ vì cuối cùng cũng giải quyết xong 400 chậu tắc bán trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần này.
Một chút nét trầm
Sắp 12 giờ trưa, loa tại công viên liên tục thông báo yêu cầu người bán hoa Tết tranh thủ dọn hàng cho kịp giờ. Anh Phan Tấn Phát (26 tuổi, ngụ Bến Tre) tranh thủ giải quyết những đơn hàng cuối cùng rồi chuẩn bị chở hơn 30 chậu hoa giấy về lại quê. Năm nay sức mua chậm, anh bán được gần một nửa trong tổng số 60 chậu chở lên.
Năm nay, anh Phát chỉ bán được một nửa trong tổng số 60 chậu hoa giấy chở lên. Ảnh CAO AN BIÊN
Nhiều người tranh thủ dọn dẹp. Ảnh CAO AN BIÊN
Không bán được cho khách, mai được chở về để chủ vườn tiếp tục chăm sóc. Ảnh CAO AN BIÊN
"Giá mỗi chậu chừng 1 triệu - 2 triệu thôi, ngày cuối mình giảm còn giá gốc đủ để lấy lại vốn nhưng vẫn còn khá nhiều. Cũng có chút buồn khi không bán hết được nhưng dịch mà, mình cũng chịu thôi", nhìn vào những chậu hoa giấy rực rỡ trước mặt, anh bày tỏ.
Xa xa, một chủ vườn cũng tất bật phụ nhân viên vận chuyển từng chậu mai lên xe chở về quê. Khi được hỏi về tình hình buôn bán những ngày qua, người này thở dài rồi nói: "Thấy chở về nhiều vậy là hiểu rồi. Buồn cũng không biết nên nói sao. Mong là năm sau làm ăn khấm khá hơn chứ năm nào cũng như năm nay chắc bỏ nghề quá".
Trong dòng người đến chợ tìm mua một chậu hoa ưng ý, bà Mai Lan (56 tuổi, Q.Gò Vấp) cho biết hôm nay có việc nhà đi ngang qua công viên, thấy đông người đến nên tò mò ghé mua. Theo bà, những chậu hoa bán vào lúc chợ vãn sẽ không đẹp như những ngày đầu nên việc giảm giá cũng tương đối hợp lý.
Nhiều loại hoa như cúc mai, vạn thọ... không thể chở về, chủ vườn bắt buộc phải bán rẻ. Ảnh CAO AN BIÊN
"Cũng muốn ủng hộ cho người ta hết sớm về sớm nên tôi mua một cặp hoa cúc mai chứ mấy hôm trước chồng tôi đi làm về mua rồi. Mấy chậu này nhìn cũng ưng mắt", bà Lan chất hoa lên xe chở về.
12 giờ, người bán tại chợ hoa Tết tại Công viên 23 tháng 9 vẫn còn vã mồ hôi bán nốt những chậu hoa còn lại hay tranh thủ chở hoa về, trả lại mặt bằng đã thuê cho công viên.
Mỗi người một nỗi niềm vui, buồn từ chợ hoa năm nay...
Tất cả sẽ về nhà đón cái Tết Nhâm Dần 2022 sắp đến!
Người trẻ kinh doanh hoa tết ở TP.HCM: Hy vọng không còn cảnh đập chậu hoa Nhiều người trẻ kinh doanh hoa tết tại TP.HCM hy vọng sẽ không thấy cảnh đập chậu hoa hoặc được về nhà sớm để đón giao thừa cùng người thân. Anh Nguyễn Hớn Thành Thông, 22 tuổi, quê Khánh Hòa, bán các chậu cúc tại đường Lý Thường Kiệt (Q. Tân Bình, TP.HCM). Ảnh TĐ Chiều ngày 23.1, nhiều người trẻ kinh doanh...