Ngày đông ấm ở Trung Sơn
Mấy ngày này, cái lạnh dẫu đã bớt làm tê tái thịt da nhưng nhìn những đứa trẻ ở miền sơn cước Trung Sơn, Yên Lập, Phú Thọ co ro đến trường trong sương sớm mùa đông, chúng tôi không khỏi buốt lòng. Miền núi mùa đông thường lạnh gấp nhiều lần miền xuôi nhưng từ giờ, các em sẽ bớt lạnh hơn nhiều nhờ được tặng chăn ấm, áo len và có cả tất cho đôi chân trần nứt nẻ…
Những chiếc chăn ấm về bản sẽ giúp các em không còn lạnh giá trong mùa đông
“Đêm nay các em sẽ bớt lạnh…”
Sân trường Trung Sơn như bỗng trở thành ngày hội, một không khí chộn rộn hiếm thấy đối với bọn trẻ và thầy cô ở vùng núi rừng này. Bọn trẻ lạ lẫm vây quanh những chiếc ô tô đang xuống hàng, để rồi hồn nhiên, ngượng ngùng khi được nhận quà.
“Tôi bất ngờ khi nhận được tin từ Hội Chữ thập đỏ của tỉnh báo sẽ có đoàn nhà báo từ Hà Nội lên tặng chăn ấm và quà. Mừng quá, tôi chạy đi gọi bọn trẻ đến trường tập trung, rồi báo cho các trưởng nhóm hành chính ở núi xa để bà con báo các cháu về trường cùng cảm ơn các cô chú dưới Hà Nội” – cô giáo Ngô Thị Minh Nhung, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Sơn, xúc động nói.
Video đang HOT
Chúng tôi đến vào ngày thứ 6 cuối tuần vừa rồi nhưng hôm đó học sinh trường Tiểu học Trung Sơn được nghỉ bù Tết dương lịch. Đây là địa chỉ mà đoàn công tác xã hội tình nghĩa Báo An ninh Thủ đô đã hướng tới từ lâu nhưng thời gian qua phải ưu tiên trước “điểm nóng” miền Trung thiệt hại nặng do lũ lụt. Và miền sơn cước Trung Sơn đã trở thành điểm khởi đầu cho đợt tặng quà cho đồng bào khó khăn trong dịp Tết Giáp Ngọ sắp đến.
Cô giáo Nhung – người thị trấn Yên Lập, vào cắm bản đã ngót 20 năm qua kể, mái trường này nhiều năm chỉ là tranh tre nứa lá, mãi đến năm 2002 mới được nâng cấp nhờ chương trình xóa đói giảm nghèo 135 của Chính phủ. Tuy cuộc sống sinh hoạt và điều kiện giảng dạy đã bớt khó khăn nhưng gia cảnh học trò thì vẫn rất đáng thương. Bố mẹ học trò chủ yếu đi nương kiếm cái ăn, còn bọn trẻ vì thích học, thích đeo đuổi con chữ mà phải cố gắng mọi mặt, tự lập đủ đường, kể cả ăn uống cũng phải tự túc. Cô Hiệu trưởng bảo, điển hình là điểm trường lẻ, học sinh khổ đến mức, có nhiều em mặc chung quần áo của mẹ. “Mỗi khi mùa đông đến nhìn trẻ nhỏ co ro, tê tái thương quá nhưng cũng chẳng thể xoay xở để giúp chúng được. Trường có hơn 200 học sinh, em nào cũng nghèo khó cả. Tội lắm!”.
“Lần đầu tiên nhà trường được niềm vui lớn thế này. Đây là kỷ niệm vui nhất trong quãng đời dạy học gần 20 năm của tôi. Đêm nay, các em học sinh sẽ bớt lạnh, chúng đến lớp không còn phải co ro trong giá rét nữa”- cô giáo Nhung cảm động.
Tết sớm với bản Mường
“Tết năm nay bản sẽ vui hơn rồi, các con có chăn ấm đắp và áo mới diện đi chơi”, phụ huynh học sinh Đinh Văn Bằng cười vui. Ông Bằng có con học ở điểm trường lẻ xóm Đồng Măng, xã Trung Sơn, cách điểm nhận quà gần chục cây số. Ông biết tin khi trưởng bản thông báo đột xuất, cử đại diện tới trường chính nhận quà cho các cháu tiểu học. Dân xã Trung Sơn đa phần là đồng bào thiểu số, chủ yếu là người Mường. Từ xóm Cả, xóm Đích, tin vui lan truyền sang 7 xóm, tất thảy đều có học sinh hoặc đại diện đến nhận quà.
Cô giáo Nhung phấn khởi khoe với chúng tôi: “Hôm nay nhà trường được nhân đôi niềm vui, vừa được nhận quà, lại được thông đường mới qua cổng trường, giờ đi lại đỡ vất vả rồi”. Được biết, con đường từ huyện vào điểm trường Trung Sơn mới được thông tuyến tối hôm trước, đất đỏ còn nguyên mùi ngai ngái. Khi chúng tôi tới nơi, những chiếc máy ủi vẫn đang san đất mở tiếp phần núi để vào điểm trường lẻ xa hơn.
Hình ảnh những đứa trẻ phong phanh tê tái trong gió buốt, những đôi chân trần trong đông giá nhưng vẫn cố gắng tới lớp đều đặn như một nỗi ám ảnh trong tâm trí đoàn công tác. Hôm ấy, đồng hành cùng những chiến sỹ Báo An ninh Thủ đô còn có đại diện cơ sở thẩm mỹ Hải Duyên, Hội Chữ thập đỏ quận Ba Đình, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội cùng một số bà con sinh sống tại phố Lê Trực, phố Đội Cấn, Hà Nội… với mong mỏi trao tận tay cho học sinh nghèo Trung Sơn. Đây là tình cảm thiện nguyện chân thành của mỗi người, mỗi tổ chức để có được những chuyến xe đầy quà, chăn ấm, quần áo ấm… và trên hết là nặng nghĩa tình từ người dân Thủ đô, làm nên một ngày vui ấm áp ở sân trường Trung Sơn.
Theo ANTD
Cho thuê sân trường làm bãi giữ xe !
Trong khi trường lớp chật hẹp, học sinh ta thán thiếu không gian để chơi, thì Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM lại cho thuê sân trường làm bãi giữ xe suốt nhiều năm qua (ảnh).
Ảnh: Nguyễn Thanh Nam
Theo phản ảnh của học sinh và phụ huynh trường này, sân trường phải chia đôi, nhường nửa diện tích làm bãi giữ xe cho khách bên ngoài. Vì khoảng cách từ lớp học đến sân trường không xa nên cảnh vừa học vừa nghe tiếng xe nổ máy diễn ra thường xuyên mỗi ngày. Khi tan học, học sinh phải chen lấy xe với những người lạ.
Cũng chính vì lý do này mà nhiều học sinh bức xúc, thay vì được thoải mái chơi đùa dưới sân trường vào giờ giải lao thì chỉ biết ngậm ngùi ở trong lớp, hoặc đứng trên lầu nhìn xuống... hàng trăm chiếc xe ken đặc. Một trong nhiều bức xúc mà học sinh phản ánh, đó là việc nhà xe không ít lần tự nâng mức giá so với giá in trên phiếu giữ xe cũng như so với quy định của UBND TP.HCM.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng trường này, thông tin thêm: "Chuyện này đã tồn tại từ nhiều năm nay. Bắt đầu từ việc công đoàn nhà trường tận dụng khoảng sân, tổ chức đấu thầu công khai nhằm gây quỹ phúc lợi cho trường".
Được biết, theo hợp đồng, nhà thầu cam kết ưu tiên giữ xe cho học sinh, đồng thời liên kết hợp đồng với nhân viên các công ty, văn phòng ở khu vực lân cận. Ông Khương thừa nhận bãi giữ xe có nhận giữ của khách vãng lai, và từng nhận được phản ánh của học sinh về việc nhà thầu bãi giữ xe thu tiền không đúng quy định.
Nói đến những phản ánh bị mất khoảng không gian vui chơi của học sinh, ông Khương cho rằng: "Có, nhưng không nhiều và thiệt thòi là không đáng kể". Ông Khương lý giải: "Bởi học sinh có thể xuống căng tin để thư giãn hoặc ôn bài mà hoàn toàn không bắt buộc phải mua đồ ăn, uống!".
Quyền lợi chính đáng của học sinh là được vui chơi trên sân trường, thế nhưng từ nhiều năm nay học sinh của trường này phải chịu thiệt thòi.
Theo TNO
Rơi từ tầng 7 trường đại học, một thanh niên tử vong Khoảng 17h ngày 1/11, hàng trăm sinh viên Trường ĐH Duy Tân (cơ sở ở đường Quang Trung, quận Hải Châu, Đà Nẵng) bàng hoàng khi thấy một nam thanh niên rơi từ trên lầu 7 của trường xuống sân tử vong tại chỗ. Nhiều sinh viên chứng kiến sự việc kể lại, vào thời điểm trên, họ nghe một tiếng động mạnh...