Ngày định mệnh khiến vợ chồng trong đám cưới cổ tích chia lìa
“Hôm Châu Loan nghe tin chồng mất, nó kêu lên từng tiếng xé lòng. Nhìn hơi thở yếu ớt, thều thào của con cố gọi tên chồng trong hai hàng nước mắt khiến tôi không thể cầm lòng”, bà Lý – mẹ anh Vượng cho biết.
Tới thăm gia đình anh Nguyễn Văn Vượng trên con ngõ nhỏ đường Lê Gia Định (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bao trùm không khí nơi đây là nỗi buồn đến nao lòng trước thông tin anh Vượng (người chồng trong “ đám cưới cổ tích” với cô gái suy thận) đột ngột qua đời.
Đám cưới cổ tích giữa đời thường của anh Vượng và chị Châu Loan.
“Ngờ đâu đó là ngày con ra đi mãi mãi…”
Dường như người dân khu ngõ nhỏ đường Lê Gia Định còn chưa thể tin vào nỗi mất mát quá lớn đến với gia đình anh Vượng. Câu chuyện cổ tích giữa đời thường giữa anh Vượng và chị Châu Loan được mọi người mến mộ bao nhiêu, thì họ lại càng tiếc thương, đau xót vì số phận đã chia lìa hai người.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ, bà Lý – mẹ anh Nguyễn Văn Vượng – ngậm ngùi: “Con tôi ra đi đột ngột như này đã để lại nỗi đau quá lớn cho những người ở lại”.
Gia đình vô cùng đau đớn trước sự ra đi đột ngột của anh Vượng.
Nói về sự việc đau lòng hôm cả nhà nhận hung tin anh Vượng qua đời, bà Lý đau xót: “Châu Loan đang bị suy thận giai đoạn cuối và điều trị tại bệnh viện Xanh Pôn. Nhiều tháng nay, Vượng luôn tới viện chăm sóc và trông coi vợ. Dù vừa chăm vợ, vừa đi làm để kiếm tiền, nhưng không đêm nào Vượng không ở lại viện thức và chăm sóc Châu Loan. Trước lúc Vượng gặp nạn, trưa hôm đó nó còn mang hai hộp cơm vào viện để hai vợ chồng cùng ăn. Nào ngờ đó là cái ngày định mệnh khiến hai vợ chồng chúng nó chia lìa nhau mãi mãi.
Hôm đó là đêm 11/11, Vượng có gọi điện cho tôi và nói: “Con về ngủ ở nhà một đêm, hôm nay các anh chị Châu Loan từ quê lên thăm em ốm. Các anh chị nói con về nghỉ ngơi một hôm cho lại sức, đêm nay để mọi người trông Loan”".
Nói đến đây bà Lý lại nghẹn ngào: “Hôm đó tôi đi ăn cưới ở tận Thái Bình, nhà khóa cửa, Vượng không có chìa khóa vào nên tôi bảo con về phòng trọ khu Mỹ Đình ngủ tạm. Ngờ đâu đó là ngày con ra đi mãi mãi…
Sáng hôm sau, Châu Loan điện cho tôi và nói hôm nay không thấy Vượng vào viện, điện thoại thì không liên lạc được. Bấy giờ cả nhà tá hỏa bủa đi tìm nhưng không có thông tin gì.
Video đang HOT
Ngày 13/11, cả nhà như chết lặng khi công an phường Giáp Bát báo tin Vượng không may gặp tai nạn qua đời.
Hôm chúng tôi tới nhận thi thể con, phát hiện trên mặt, vai có nhiều vết thương nhẹ. Chiếc xe máy của Vượng cũng được cơ quan công an thông báo không tìm thấy tại hiện trường,” Bà Lý chua xót.
Hóa đá vì nỗi đau mất chồng
Rót ly trà nóng mời khách, bà Lý quệt vội giọt nước mắt tâm sự: “Vượng cũng đã ra đi rồi, bây giờ người tôi lo hơn cả là vợ nó. Châu Loan đang suy thận giai đoạn cuối không biết có vượt qua nổi mất mát này.
Chị Châu Loan chỉ còn da bọc xương sau khi nhận hung tin chồng mất. (Ảnh: Báo Trí thức trẻ).
Hôm Châu Loan nghe tin chồng mất, nó kêu lên từng tiếng xé lòng. Nhìn hơi thở yếu ớt, thều thào của con cố gọi tên chồng trong hai hàng nước mắt khiến tôi không thể cầm lòng”.
Kể từ khi nghe tin Vượng mất, Châu Loan phải cấp cứu liên tục, như người mất hồn, chán sống và tỏ ra khó tính, không trò chuyện cùng ai. Bây giờ nhìn con dâu tiều tụy, bệnh ngày càng nặng hơn khiến tôi vô cùng lo lắng”.
“Bao năm qua, Vượng là người hết mực thương yêu chăm sóc Châu Loan tận tình, giờ chồng không may mất sớm không biết nó có còn sống nổi”, bà Lý lại trào nước mắt.
Nằm trên giường bệnh, thân hình gầy gò, ốm yếu và cạn kiệt sức lực, chị Loan không giấu nổi nỗi đau mất chồng. Bao năm qua, chị vẫn luôn được anh Vượng che chở, yêu thương. Thế nhưng, niềm hạnh phúc chẳng tày gang thì chị nhận được tin dữ.
Bà Viên, em họ chị Châu Loan buồn bã cho biết: “Anh Vượng là một người đàn ông hiền lành, thân thiện, chu đáo với gia đình. Để có tiền lo cho vợ, hằng ngày anh ấy chạy xe ôm. Những lúc rảnh rỗi thì làm thêm công việc điện nước. Từ hôm chị ấy bị suy thận nặng không đi lại được thì anh ấy ở nhà chăm sóc, cơm nước, giặt giũ cho vợ. Đều đặn hàng tuần, anh ấy đưa vợ đi chạy thận ở bệnh viện. Nghe tin anh ấy mất, hai bên nội ngoại ai cũng đau xót và tiếc thương”.
“Anh ấy mất đi là cú sốc rất lớn với gia đình, nhất là với chị Loan. Anh ấy luôn thương yêu vợ dù trong hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Giờ mất đi chỗ dựa, không biết những ngày tới, chị ấy sẽ sống thế nào?”, bà Viện chua xót nói.
Cách đây chưa lâu, trong chương trình Điều ước thứ 7 – của VTV, chị Nguyễn Châu Loan (37 tuổi, quê ở Ba Vì, Hà Nội) và anh Nguyễn Văn Vượng đã khiến hàng ngàn người xúc động bởi chuyện tình cổ tích hiếm có giữa đời thường.
Chị Châu Loan là bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đã hơn 10 năm nay, còn anh Vượng vì cảm phục nghị lực sống của chị đã ở cạnh chăm sóc cho Loan suốt từ năm 2008. Hai người chỉ chụp vài tấm ảnh cưới rồi dọn về sống chung để tiện chăm sóc nhau. Không cần giấy đăng ký kết hôn, anh Vượng tự nguyện ở bên chị Loan suốt 7 năm ròng, hàng ngày đưa chị đi lọc máu, chăm sóc, lo liệu cho chị từng chút một.
7 năm sát cánh bên nhau chống lại căn bệnh suy thận giai đoạn cuối ấy, vợ chồng chị đã may mắn có một đám cưới hạnh phúc trong mơ vào ngày 6/4/2014 trước sự chứng kiến của hàng trăm người.
Nhưng mới đây, anh Vượng đã mất vì tai nạn, để lại người vợ bệnh tật, người mẹ già đau ốm.
Theo Người Đưa Tin
Điều chưa biết về phiên tòa xét xử vụ ma túy lớn nhất Việt Nam
Phiên tòa xét xử Nguyễn Bích Ngọc, sinh 1960, ở xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cùng đồng bọn mua bán trái phép chất ma túy được xem là lớn nhất ở Việt Nam.
Cho đến phiên phúc thẩm vừa kết thúc, hầu hết các bị cáo có đơn kháng cáo hay kêu oan đều phải chịu y án, khẳng định việc xét xử tại phiên sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Ninh là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để điều hành phiên tòa diễn ra thành công đúng theo trình tự, thủ tục, nguyên tắc tố tụng, người ngồi ghế chủ tọa đã từng phải đối mặt với biết bao... sức ép.
Những kỷ lục của một đại án
Đã hơn nửa năm trôi qua, những ký ức về phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Bích Ngọc và 88 bị cáo khác về tội Mua bán trái phép chất ma túy và một số tội danh khác, luôn hiện hữu trong tâm trí thẩm phán Nguyễn Văn Vương - TAND tỉnh Quảng Ninh. Vị thẩm phán này vẫn còn nhớ rất rõ thời điểm khi ông và đồng nghiệp của mình bắt đầu nhận hồ sơ vụ án vào khoảng giữa năm 2013, nhưng sau đó hồ sơ lại được hoàn trả VKSND tỉnh Quảng Ninh cho đến cuối tháng 11-2013 mới thụ lý lại. Mặc dù trước đó đã được nghe trao đổi một số thông tin về vụ án, nhưng đến khi tiếp cận hồ sơ mới thực sự thấy hết được mức độ nghiêm trọng và phức tạp, thẩm phán Nguyễn Văn Vương tâm sự.
Ông Vương cho biết: Từ năm 2006, Công an tỉnh Quảng Ninh cùng Công an Trung Quốc phối hợp triệt phá đường dây mua bán ma túy qua biên giới do Nguyễn Thị Bích Ngọc cầm đầu, thường xuyên vận chuyển heroin từ Lào qua các khu vực cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa), Lao Bảo (Quảng Trị) vào Việt Nam. Sau đó, đường dây này xây dựng các chân rết để đưa ma túy về Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình tiêu thụ.
Nguyễn Thị Bích Ngọc trước tòa
Toàn cảnh vụ đại án ma túy 32.000 bánh heroin
Căn cứ tài liệu thu thập được, cơ quan CSĐT tội phạm về ma tuý (Công an tỉnh Quảng Ninh) làm rõ các đối tượng này tiêu thụ trót lọt trên 25 nghìn bánh heroin, 500 nghìn viên ma tuý tổng hợp, 40kg ma tuý dạng tinh thể đá. Mở rộng điều tra, đến tháng 8-2013, cơ quan điều tra có đủ tài liệu chứng minh các đối tượng trong đường dây của Nguyễn Thị Bích Ngọc đã tham gia mua bán, vận chuyển 32 nghìn bánh heroin.
Kết thúc giai đoạn điều tra thứ nhất, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố 125 bị can, trong đó có một số đối tượng hiện đang bỏ trốn. Những kẻ buôn bán cái chết trắng này hoạt động với thủ đoạn tinh vi, tính chất, hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm, sử dụng vũ khí quân dụng, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện.
Cùng với đó, các đối tượng có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước với người nước ngoài, theo đường dây vận chuyển ma tuý từ Lào qua Việt Nam sang Trung Quốc. Với bản cáo trạng dài hơn 100 trang, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã nêu rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, đặc biệt là vai trò của bà trùm Nguyễn Thị Bích Ngọc. Theo đó, trong 89 đối tượng VKS truy tố có đến 34 bị cáo bị đề nghị với mức án cao nhất là tử hình. Đây cũng là những con số kỷ lục về bị cáo ra trước vành móng ngựa và án tử hình trong một vụ án, thẩm phán Nguyễn Văn Vương cho biết.
Chỉ vào 2 chiếc hòm tôn to còn giữ lại trong góc phòng làm... kỷ niệm, thẩm phán Nguyễn Văn Vương cho biết, khi được lãnh đạo giao nhiệm vụ ngồi "ghế nóng" điều hành đại án với hàng chục kg hồ sơ tiếp nhận từ VKS, ông đã phải đề xuất cơ quan trang bị dụng cụ để cất giữ. Theo đó, ông cùng đồng nghiệp phải tận dụng thời gian ngoài giờ và cả những ngày nghỉ để làm việc. Đầu óc ai cũng căng thẳng, phải đọc đi đọc lại bút lục và đặt ra nhiều tình huống tại phiên tòa...Thành công bằng bản lĩnh và trí tuệ
Để đảm an ninh, an toàn cho HĐXX và những người thực thi nhiệm vụ, tránh những tình huống xấu có thể xảy ra nên hội trường xét xử lần này không phải ở tòa án mà là chiếc nhà khung rộng hơn 400m2 được dựng lên ngay trong sân Trại tạm giam (Công an tỉnh Quảng Ninh). Theo thẩm phán Nguyễn Văn Vương, khó khăn trong công tác xét xử không chỉ là hàng chục nghìn bút lục cùng với gần 90 bị cáo, mà còn là sự ngoan cố đến lì lợm, quanh co trong khai báo, tìm mọi cách chối tội, chạy tội của hầu hết các bị cáo...
Các bị cáo trong phiên xét xử
Trước khi phiên tòa diễn ra, thẩm phán Nguyễn Văn Vương đã phải lên kế hoạch một cách chi tiết và khoa học cho mỗi phần việc. Ngay trong phần kiểm tra căn cước, 89 bị cáo hầu hết bị xích chân tay, nếu dịch chuyển từ chỗ ngồi lên trước vành móng ngựa để trả lời thì phải mất đến 3 - 4 ngày. Vì vậy để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn phù hợp với quy định của pháp luật, các bị cáo được đứng tại chỗ trả lời mà không cần phải lên trước vành móng ngựa. Phần xét hỏi và tranh luận, mỗi ngày xét hỏi số lượng bị cáo bao nhiêu đều được lên kế hoạch sẵn cùng với những người liên quan và nhân chứng được triệu tập đến tòa.
Cũng theo thẩm phán Nguyễn Văn Vương, tại phiên tòa, các bị cáo đều khai không đúng với sự thật, chính vì vậy người chủ tọa phải dùng lý lẽ, những kinh nghiệm trong quá trình xét xử, có phương pháp xét hỏi để tìm ra sự thật của vụ án. Tuy nhiên điều đó không dễ dàng đối với những kẻ cầm đầu như Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Hùng Dũng, Nguyễn Mạnh Hải, Trương Thị Châm Anh...
Nhiều bị cáo khi ra trước tòa một mực kêu oan, cho rằng trong quá trình bị bắt giữ cơ quan điều tra đã dùng nhục hình, bức cung. Vì vậy giữa công đường, người thẩm phán phải có phương pháp hỏi, nghệ thuật thẩm vấn, làm thế nào để các bị cáo phải nhận tội một cách khách quan, phải tâm phục khẩu phục. Theo thẩm phán Vương, để đảm bảo khách quan, khi có bị cáo "phản cung", thẩm phán chủ tọa phiên tòa sau đó đều có công văn đề nghị cơ quan điều tra lập tức có văn bản báo cáo, làm rõ những lời khai của bị cáo. Cùng với đó là sự tham gia của các luật sư giải thích cho bị cáo về những hành vi phạm tội của mình nên hầu hết các bị cáo sau đó đều phải thừa nhận mình đã tìm cách chối tội chứ không bị đánh đập hay ép cung. Hầu hết các bị cáo thừa nhận bị truy tố đúng người, đúng tội, chỉ xin được giảm nhẹ mức hình phạt.
HĐXX vụ án
Ở vụ án lớn này, chắc ai cũng hình dung chủ tọa phiên tòa phải là người tai to mặt lớn, tướng mạo như Bao Công, ít ai ngờ rằng điều khiển phiên tòa lại là vị thẩm phán có dáng vẻ bề ngoài nho nhã, thư sinh. Thẩm phán Nguyễn Văn Vương cho biết, từ trước cho đến suốt thời gian diễn ra phiên tòa, có một sự lo lắng nữa là sức khỏe. Vẫn biết mình là người ít ốm đau nhưng ông vẫn phải lên kế hoạch sinh hoạt theo một chế độ riêng, không để làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt theo thẩm phán Nguyễn Văn Vương, ông luôn phải giữ được giọng nói trong những ngày mùa đông giá lạnh, đảm bảo được sự uy nghiêm mỗi lần thẩm vấn các bị cáo.Sau gần 3 tuần làm việc, ngày 20-1-2014, HĐXX đã tuyên phạt trùm ma túy Nguyễn Thị Bích Ngọc và 29 bị cáo khác mức án cao nhất là tử hình. 13 bị cáo mức án tù chung thân, các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ cảnh cáo đến 20 năm tù giam liên quan đến các tội danh Mua bán trái phép chất ma túy; tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; không tố giác tội phạm; kinh doanh trái phép; làm giả tài liệu của cơ quan... Tuy nhiên việc tuyên một lúc 30 án tử hình rất có thể sẽ tạo ra trạng thái xáo trộn tâm lý cho các bị cáo và dẫn đến ảnh hưởng trật tự phiên tòa. Vì vậy khi đến phần tuyên án, thẩm phán Nguyễn Văn Vương đã chia thành 4 nhóm và lần lượt tuyên mỗi nhóm 10 bị cáo tử hình, sau đó đưa về trại giam rồi mới tuyên nhóm sau.
Là thẩm phán ngồi ghế nóng điều khiển phiên tòa có nhiều án tử hình, ông Nguyễn Văn Vương cho biết mình quá mệt mỏi, không khác gì vừa trải qua một sự sang chấn về tinh thần nhưng đã là nhiệm vụ thì vẫn phải hoàn thành. Song đây cũng là phiên tòa để lại trong ông những dấu ấn sâu đậm bởi chính sự mạnh mẽ, sắc sảo của mình đã điều khiển phiên tòa thành công ngoài mong đợi của lãnh đạo và anh chị em đồng nghiệp. Theo đó kết thúc phiên xét xử sơ thẩm, có 40 bị cáo kháng cáo với lý do chủ yếu là xin giảm hình phạt. Cho đến phiên phúc thẩm vừa kết thúc, hầu hết các bị cáo có đơn kháng cáo hay kêu oan đều phải chịu y án.
Theo An ninh Hải Phòng
Tóm gọn hai "cáo già" chuyên giật túi người đi đường Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) vừa khởi tố vụ án và bắt tạm giam hai đối tượng Nguyễn Văn Vượng (SN 1967) và Dương Đức Hiển (SN 1974) về hành vi cướp tài sản. Theo thông tin nhận được từ Công an huyện Thanh Trì, trước đó, vào lúc 19h ngày 11/7, đối tượng...