Ngày cuối xử vụ VN Pharma: Vì sao tòa vẫn chưa thể tuyên án?
Cuối giờ sáng nay, 23.10, do còn quá nhiều vấn đề chưa được làm rõ, HĐXX đã quyết định quay lại phần xét hỏi, chưa thể tuyên án với các bị cáo như dự kiến.
Theo lịch xét xử, sáng nay (23.10) TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma. Thế nhưng, do có nhiều vấn đề chưa được làm rõ, nên HĐXX quay lại phần xét hỏi, chưa thể tuyên án như dự kiến.
Trong phần xét hỏi này, HĐXX tập trung làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của Võ Mạnh Cường liên quan đến việc bị cáo này cung cấp chứng cứ mới và giấy ủy quyền của Công ty Helix Canada cho Cường. Theo HĐXX, sau khi xem xét thấy có mâu thuẫn đối với các chứng cứ nêu trên, cụ thể chứng cứ mới là giấy phép số 28 Bộ Y tế cấp phép cho Công ty Helix Canada hoạt động tại Việt Nam được thực hiện từ năm 2014, nhưng giấy ủy quyền của công ty này cho bị cáo Cường lại được thực hiện từ năm 2013. Đáng chú ý, trong nội dung ủy quyền có ghi thời hạn ủy quyền từ năm 2012 đến năm 2017. HĐXX nhận định đây là vấn đề có mâu thuẫn và yêu cầu bị cáo này giải thích.
Tuy nhiên, bị cáo Cường cho rằng việc ủy quyền này là hợp pháp dù Công ty Helix Canada chưa chính thức hoạt động tại Việt Nam. Bị cáo cho rằng mình được ủy quyền từ ông Raymundo, đây là việc hoàn toàn hợp pháp. Chính ông Raymundo là người cung cấp con dấu cho bị cáo để phát triển khách hàng tại Việt Nam và bị cáo không biết con dấu đó là giả. Bị cáo Cường một mực cho rằng bản án sơ thẩm quy kết buộc tội bị cáo là thiếu căn cứ. Bản thân bị cáo chỉ là người kinh doanh, làm mọi việc nhằm phục vụ khách hàng, không buôn lậu hay làm giả tài liệu.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng tại tòa. (Ảnh: Hữu Ký)
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Minh Hùng nói đầu tiên là đàm phán với nhà cung cấp, nhà cung cấp đưa ra các giấy tờ chứng minh. Trong đó, quan trọng là FSC và giấy ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Sau đó, công ty lập đơn hàng cộng với tài liệu bên nhà cung cấp và tiêu chuẩn bên công ty bị cáo làm ra để yêu cầu nhà máy, tất cả tiêu chuẩn này dựa vào FSC. Hồ sơ này được nộp lên Cục quản lý Dược cấp phép.
Video đang HOT
Bị cáo Hùng cho biết nếu hàng còn độc quyền thì đòi hỏi nhà cung cấp phải cung cấp tiêu chuẩn. Nhưng cũng có một số tiêu chuẩn cần điều chỉnh để phù hợp với Việt Nam như nhiệt độ bảo quản. Một số lô thuốc khác là hàng phiên bản, được tự do sản xuất, trong hồ sơ tiêu chuẩn lô thuốc phải viết trước để nộp lên Cục quản lý Dược…
Tuy nhiên, mẫu mã lô hàng nếu ở Việt Nam thì VN Pharma được quyền thiết kế lại ngôn ngữ, mẫu mã, nhận dạng thương hiệu. Bị cáo Hùng cho biết thêm rằng bị cáo không biết công ty này, tuy nhiên khi bị cáo Cường “chào hàng” giới thiệu về mẫu mã các loại thuốc thủ tục nhập khẩu, vì quá tin tưởng vào bị cáo Cường nên công ty VN Pharma mới nhập khẩu vào Việt Nam.
Trình bày tại phiên tòa, bị cáo Hùng cho biết ngoài lô thuốc trên thì còn 7 loại thuốc của Helix Canada đã làm giấy phép nhưng chưa nhập về Việt Nam.
Ngoài ra, bị cáo một lần nữa từ phủ nhận việc chi hoa hồng 7,5 tỷ đồng vì cho rằng số tiền đó chi cho hoạt động kinh doanh. Về số tiền nâng khống, bị cáo Hùng khẳng định việc nâng khống giá để dành khoản lợi nhằm phục vụ sinh hoạt của công ty. Hùng cũng thừa nhận tổng số tiền bị nâng khống là hơn 150 tỷ đồng. Số tiền đó phục vụ công tác bán hàng, khi bị cáo bị bắt thì tiền đó để trừ nợ vào sổ vay của ngân hàng.
Trả lời câu hỏi có hay không việc biếu xén cho lãnh đạo Cục quản lý Dược để được thuận lợi trong công việc, bị cáo Hùng nói: “Xin khẳng định, không hề có chuyện biếu xén để được Cục quản lý Dược cấp phép nhập khẩu thuốc”.
Theo hồ sơ, từ năm 2013 thông qua Võ Mạnh Cường, Nguyễn Minh Hùng đặt mua thuốc tân dược có nhãn mác công ty Helix Canada để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam với số lượng 9.300 hộp thuốc H-Capita (thuốc chữa bệnh ung thư). Nghi ngờ về nguồn gốc thuốc Cục Quản lý Dược Bộ Y tế đã tiến hành tiến hành thanh, kiểm tra, niêm phong lô hàng trên không cho bán ra thị trường.Cơ quan chức năng xác định Nguyễn Minh Hùng thỏa thuận với Võ Mạnh Cường mua thuốc H-Capita giá 27 USD/hộp. Cường lại mua thuốc từ một người nước ngoài tên Raymundo (chưa rõ lai lịch) với giá 18 USD/hộp kèm theo là các giấy chứng nhận bán hàng tự do tại Canada, giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc do Bộ Y tế Canada cấp cho công ty Helix Canada. Giấy tờ được đóng dấu hợp pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada. Tuy nhiên kết quả giám định cho thấy tất cả giấy tờ trên đều là giả.Để có hồ sơ nộp cho Cục Quản lý Dược, Nguyễn Minh Hùng chỉ đạo nhân viên thuê dược sỹ Phạm Văn Thông viết hồ sơ thuốc H-Capita với giá 2.000 USD. Viết xong Thông đưa lại cho các nhân viên của Hùng đóng dấu Công ty Helix Canada và đi xin giấy phép nhập khẩu. Sau khi hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật thuốc H-capita, Hùng chỉ đạo nhân viên cấp dưới hợp thức hồ sơ nhập khẩu, chứng từ thanh toán tiền nhập khẩu trái phép 9.300 hộp thuốc H-Capita không rõ nguồn gốc vào Việt Nam tiêu thụ.Qua giám định Bộ Y tế kết luận thuốc H-Capita 500mg Hùng nhập về chứa 97% hoạt chất capecitabine, là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người. Số thuốc H-Capita 500mg trên sản xuất, gia công không được kiểm nghiệm và không đảm bảo yêu cầu chỉ tiêu, chất lượng trước khi xuất xưởng.
Theo Danviet
Xét xử vụ VN Pharma: Nhiều luật sư đồng tình với quan điểm của VKS
Chiều 20.10 sau khi kết thúc phần tranh luận, HĐXX thông báo phiên tòa bước vào phần hội ý, đến sáng 23.10 tới, tòa sẽ tuyên án.
Tại phần tranh luận chiều nay (20.10), đại diện VKS tiếp tục giữ nguyên đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại. VKS cũng cho rằng hình phạt, tội danh của các bị cáo trong vụ án sơ thẩm là chưa phù hợp vì vụ án còn nhiều điều chưa được làm rõ.
Vị đại diện VKS cho hay, tập trung tranh luận với các luật sư, các bị cáo một số vấn đề như: Việc kêu oan của một số bị cáo có đúng không; quá trình thu thập chứng cứ của vụ án; việc xác minh mã số, mã vạch trên hộp thuốc H - Capita; việc nhân vật Raymundo ủy quyền cho Võ Mạnh Cường... Mặc dù đa số các vấn đề nêu trên chưa được tranh luận làm rõ.
Hai bị cáo Võ Mạnh Cường (trái) và Nguyễn Minh Hùng tại tòa.
Tuy nhiên theo ghi nhận, phần tranh luận này không diễn ra gay gắt như dự kiến. Đáng chú ý, nhiều luật sư đồng tình với quan điểm của VKS đề nghị trả hồ sơ điều tra lại một số nội dung trong vụ án.
Luật sư Cao Đình Thi (bào chữa cho bị cáo Phạm Anh Kiệt, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn) cho rằng, nếu cơ quan điều tra chứng minh được do ông Kiệt đóng dấu vào giấy tờ nào và VN Pharma làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức nào thì ông Kiệt mới vi phạm. Hợp đồng 01 VN Pharma ký nhập khẩu 9.300 hộp thuốc không hề liên quan đến ông Kiệt. Luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Kiệt không phạm tội, đồng thời cho rằng cần điều tra lại.
Tương tự, luật sư Trần Anh Tú (bào chữa cho bị cáo Lê Thị Vũ Phương, nguyên Kế toán trưởng VN Pharma) đồng tình với quan điểm của VKS rằng chưa nên kết luận cũng như quy kết tội danh của bất cứ bị cáo nào.
Luật sư Tú cho rằng, mặc dù đây là phiên tòa phúc thẩm, nhưng quyết định hủy bản án để điều tra lại từ đầu thì không nên có quan điểm định hướng. Nếu hủy án phải có lý do, căn cứ. Theo ông, vụ án này cần làm lại từ đầu, điều tra toàn diện, hiệu quả. Riêng với bị cáo Phương, luật sư giữ nguyên quan điểm là chứng cứ buộc tội chưa đầy đủ.
Ông cũng đề nghị nên tiếp tục làm rõ có hay không sự tồn tại của Công ty Helix Canada. Hiện đang tồn tại hai căn cứ: Công văn xác minh của Tổng lãnh sự Việt Nam tại Canada và giấy phép của Bộ Y tế. Với những mâu thuẫn này, quan điểm của luật sư là cần phải kiểm tra lại.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng) tranh luận lại. Theo luật sư, nội dung của VKS phân tích dấu hiệu về tội buôn hàng giả sử dụng điểm 23, 24 của Điều 2 Luật Dược, VKS cần so sánh 2 điểm này với kết quả tang vật đã thu được. Kết quả kiểm định rất khách quan vì đưa vào máy là sẽ có kết quả. Ông cũng đề nghị xem xét vụ án một cách thấu đáo và đưa ra phán quyết hợp quy định.
Trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Minh Hùng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm cho các thuộc cấp bởi họ đều là người làm công ăn lương và không hề ý thức được hành vi phạm tội. Còn bị cáo Võ Mạnh Cường tiếp tục đưa ra quan điểm cho rằng mình bị oan, bởi ông là người ủy quyền hợp pháp của Công ty Helix thực hiện hoạt động tại Việt Nam, có xác nhận của Bộ Y tế. Trong khi đó, nhiều bị cáo đề nghị HĐXX xem xét chấp thuận yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, kháng cáo kêu oan của họ.
Trước đó, trong sáng cùng ngày, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm bởi các lý do như: Xử không đúng tội danh, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, chưa làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan...
Trước đó tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 8.2017, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma), bị cáo Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH thương mại và hàng hải quốc tế H&C) cùng mức án 12 năm tù giam về tội Buôn lậu.Các bị cáo khác bị tuyên mức án từ 1 năm 6 tháng đến 5 năm tù giam về các tội Buôn lậu và Làm giả giấy tờ, con dấu. Ngoài ra trong vụ án này có 2 bị cáo nhận án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo được xác định cùng thực hiện hành vi buôn lậu 9.300 hộp thuốc chữa ung thư H-Capita tại Công ty VN Pharma. Sau đó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Theo Danviet
Xét xử vụ VN Pharma: VKS đề nghị hủy toàn bộ án sơ thẩm Đại diện VKS cho rằng bản án sơ thẩm chưa đánh giá đầy đủ toàn diện vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nên đề nghị HĐXX hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại, nhằm xử lý đúng người, đúng tội... Sáng 20.10, phiên tòa phúc thẩm vụ án buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu...