Ngày cuối năm ở Viện dưỡng lão: ’soạn’ cho mình cái tết không con cháu
“Tôi ở trong này là đỡ đần cho con cháu tôi bớt khổ”- tiếng bà cụ rơi nhẹ trong tiếng gió của ngày cuối năm.
Ngày cuối năm, khi dòng người hối hả xuôi ngược với hai chữ “về nhà” hiện rõ trên gương mặt, họ- những người ở tuổi gần đất xa trời vốn cần con cháu và chẳng biết mình còn được bao nhiêu cái tết- vẫn ở đó: Viện dưỡng lão Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Nhưng, họ vẫn cười, nụ cười giúp họ có thể nhe lòng mà sống nhiều năm qua, vì: “Tôi ở trong này là đỡ đần cho con cháu tôi bớt khổ”.
Ông Lê Tử Kỳ cặm cụi với vài chiếc lá ngoài sân. Ông cứ quét đi quét lại những đám lá khô mà không biết rằng những ụ rác được gom về còn chưa kịp hốt, sau cơn gió lại vương vãi khắp nền.
Tiếng chổi xào xạc của ông Lê Tử Kỳ, cứ đều đặn vang lên nơi góc sân của Viện dưỡng lão. Không ai bắt cũng không ai nhắc nhở nhưng cứ đều đặn mỗi sáng chiều, ông Kỳ lại mang chổi, thùng đựng rác ra trước khoảng sân của khu trạm y tế, bắt đầu công việc yêu thích.
Clip những thanh âm thường nhật tại Viện dưỡng lão Thị Nghè:
Ông Kỳ năm nay 88 tuổi, chân run, mắt đã mờ nhưng không chịu được khi nhìn thấy khoảng sân dơ. “Hồi còn ở nhà hay hồi đi kháng chiến, tôi đều dọn dẹp những gì lộn xộn trước mắt. Vô tới đây, tôi thấy lá rơi đầy sân là không chịu được. Cái sân phải sạch, mình từ trong nhà nhìn ra mới thấy mát”, ông Kỳ nói ngắt quãng.
Theo nhân viên tại Viện, ông Kỳ quen làm việc này nhưng dường như mắc bệnh tuổi già nên có nơi quét rồi, lát sau, ông lại quay sang quét lại. Nhiều lúc, ông Kỳ chậm chạp nên khi chuẩn bị hốt rác nhưng chỉ cần cơn gió đi ngang, lá bay đầy sân cũng phải quét lại từ đầu. Vậy mà, ông Kỳ cứ cười hà hà rồi chịu khó, đưa đi đưa lại từng nhác chổi yếu ớt của mình.
Lớp học yoga miễn phí vắng dần học viên vì dịp cuối năm, buổi sáng không khí lạnh hơn cũng như nhiều cụ được con cháu đón về nhà.
Ở một góc khác, lớp học yoga bắt đầu với những tiếng ới nhau của các thành viên lớp học. Họ kháo nhau vì sao hôm nay bà cụ phòng này không ra tập được, bàn về cụ ông ở phòng kia hôm nay có con rước về, rồi phỏng đoán ông, bà đó hình như ngại đông người nên không sang…
Lớp học ngày giáp tết vắng hơn ngày thường, cũng không ai rõ lý do nhưng họ không đủ thời gian để bàn tán nhiều vì phải bắt đầu buổi tập. Ngoại trừ Chủ nhật để nghỉ ngơi, lớp yoga do 1 đơn vị và 1 cá nhân đứng lớp xen kẽ nhau để tập cho các cụ.
Từ thứ 2 đến thứ 7, lớp yoga mở đều đặn vào lúc 7g30, hôm nào lạnh hơn, lớp mở vào lúc 8g
Ngày đầu, việc tập luyện khó khăn nhưng sau vài hôm, các học viên đều tập được những động tác đơn giản và độ khó tăng dần. Lớp tập yoga duy trì được 1 năm hơn nhưng nhiều thành viên xem đây là thói quen khó bỏ.
Thời điểm đông nhất, lớp có gần 20 thành viên còn ngày bình thường có khoảng 7 – 8 cụ đến tập.
Trong Viện dưỡng lão với gần 150 cụ, mỗi người một hoàn cảnh nhưng về già, ai cũng muốn mình được khoẻ mạnh. Việc duy trì những buổi tập vào sáng sớm mỗi ngày cũng vì lý do đó. Chỉ cách vài hôm khi báo Phụ Nữ TP.HCM ghé thăm, một cụ bà 101 tuổi vừa qua đời. Sự ra đi trong “cộng đồng” toàn những người lớn tuổi trở thành một thủ tục bình thường, không đau buồn, xót xa vì rồi ai cũng sẽ ra đi như thế! Nhưng cũng có cụ lo lắng, năng đi tập luyện nhiều hơn.
Bà Quành là người siêng tập thể dục nhất tại Viện dưỡng lão.
Với bà Quành, việc sống khoẻ hiện tại quan trọng hơn chuyện có con cái bên cạnh vì khi tuổi đã già, nếu không khoẻ chỉ làm gánh nặng cho người thân. Sáng khoảng 5g, bà Quành đi bộ trong khuôn viên Thảo Cầm Viên. Sau đó bà trở về phòng, ăn sáng rồi sang lớp tập yoga. Đến trưa, bà Quành đi bộ tới ngôi nhà có ghế mát-xa miễn phí cách Viện dưỡng lão vài trăm mét để thư giãn. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Quành mong mình khoẻ vì không chỉ để con cháu an tâm mà còn để thấy bản thân mình có ích, tránh phiền hà cho mọi người.
Khuôn viên Viện dưỡng lão được đặt nhiều máy tập thể dục nhưng không nhiều cụ tập phần vì sức khoẻ, phần vì những cụ lớn tuổi không đi đứng được. Trong ảnh là bà Mai đang khởi động trước khi sang lớp yoga tập luyện.
Những ngày cận tết, ông Mai Văn Đột có lẽ là người vui nhất trong Viện dưỡng lão khi mua được chiếc xe lăn điện để di chuyển. Ổng kể, để mua được chiếc xe này nhờ vào tiền con cho, tiền bạn bè và một ít do ông để dành. “Chiếc xe này coi vậy chứ giá 10 triệu. Tôi cũng nhờ nhiều người mới mua được. Tôi còn đi được chứ không phải ngồi một chỗ nhưng từ ngày té ngã, chân yếu đi nhiều, cũng sợ té nữa nên mua xe đi cho tiện, khi nào khoẻ lại thì đi bộ”, ông Đột nói.
Cụ Mai Văn Đột vừa mua được chiếc xe lăn điện khoảng gần 1 tuần. Ngày nào, cụ cũng tập chạy cho quen.
Mặc dù sống cùng trong một khuôn viên nhưng như thói quen, sáng sớm và chiều muộn mỗi ngày, các cụ bà đều tập trung tại bàn đá để nói chuyện. Những câu chuyện quẩn quanh từ ngày nay sang tháng khác nhưng cứ gặp là kể.
Những ngày giáp tết, câu chuyện mới hơn khi có nhóm sinh viên tới Viện dưỡng lão để dọn dẹp, trang trí không gian đón tết. Nào là: “Tụi nhỏ mang cho mình cái bánh chưng to như vậy ăn làm sao hết”, rồi thì “Đợi chút xin tụi nhỏ vài cành mai về phòng chưng chơi”, và “Mấy đứa ăn tết mạnh giỏi, học giỏi nha tụi con”…
Những câu chuyện không đầu không cuối nhưng đầy ắp tiếng cười.
Rất nhiều nhóm sinh viên đến với Viện dưỡng lão ngày cuối năm để phụ giúp các cụ chuẩn bị tết. Từ trang trí mai, đào đến quét dọn sân vườn đều được các tình nguyện viên thực hiện như một hoạt động quen thuộc dịp cuối năm, nhằm tạo được không khí tết đến, xuân về tại Viện dưỡng lão nằm khuất trong con hẻm trên đường Xô Viết – Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh.
Nhiều nhóm tình nguyện viên đến Viện dưỡng lão để trang hoàng những cành mai, đào tạo không khí tết cho các cụ đón tết.
Nếu không đến vào dịp lễ tết, bạn trẻ nào muốn nói chuyện, gặp gỡ các cụ trong Viện dưỡng lão đều có thể ghé thăm vào các ngày trong tuần. Tại đây, hầu hết các cụ đều vui vẻ để kể những câu chuyện về con cháu, chuyện về những năm tháng tham gia kháng chiến, những năm đầu hoà bình và cuộc sống hiện tại.
Ở Viện dưỡng lão, mỗi năm đều có người mới vào ở nhưng chỉ thời gian ngắn, các cụ gần gũi với nhau
Có thể, câu chuyện thường xuyên bị ngắt quãng bởi trí nhớ của người già, vì tuổi cao sức yếu hoặc nhiều cụ không muốn nói về hoàn cảnh đơn chiếc của bản thân nhưng tựu trung, các cụ cần người để nói chuyện, hỏi han. Tại Viện dưỡng lão Thị Nghè có 59 cụ thuộc chế độ chính sách và 86 cụ ở dịch vụ.
Cách đây vài tuần, cụ Mùi nhập viện vì sức khoẻ yếu.
Trong đó, những cụ chính sách hầu như con cái ít thăm nom hoặc không còn người thân bên cạnh. Dịp tết này, nhiều cụ đón tết ngay tại Viện dưỡng lão vì có muốn cũng không còn người thân để đến đón về. Cụ Mùi ở đây 20 năm hơn nhưng chưa năm nào có cái tết trọn vẹn bên gia đình. Ngoại trừ khi nhập viện vì bệnh đau, vài người cháu của cụ mới đến thăm còn không, cụ hiếm khi được gặp mặt.
Bà Mùi lên “thực đơn” những món ăn kèm thêm trong dịp tết của mình với mì tôm và sữa chua.
Tại Viện dưỡng lão những ngày giáp tết, không khí mùa xuân dù không thật sự rộn ràng như cũng có dấu hiệu với màu sắc của những cành mai, đào trước cổng; màu của câu đối đỏ; của bánh chưng, bánh tét… nhưng tận sâu, nhiều cụ không muốn đến tết.
Cụ M. nói rằng tết đến thấy mình già thêm đi, con cháu cũng không có nên tủi thân với những người khác: “Ngày Tết có mấy hồi là hết nhưng thời điểm trước Tết buồn nhất vì không có gia đình bên cạnh”.
Không khí chộn rộn tại Viện dưỡng lão vẫn có nhưng trong tâm tưởng phần nhiều.
Ở khu của những cụ thuộc dịch vụ, dù có con cháu gửi vào đây nhưng không khí xuân cũng khó được trọn vẹn. “Ở làm gì bên ngoài, tụi nhỏ cũng đi làm sớm. Nó lo ăn lo uống còn đi làm nên tụi nó đón về chơi mùng 1, mùng 2 rồi chở vô lại chứ ở lâu bên ngoài đâu có vui. Vô đây có cây xanh coi vậy mà mát, mình cũng không phiền hà gì con cháu để tụi nó nói ra nói vào”, bà T. nói.
Dù giả nhưng cũng nhờ sắc hoa, không khí tết mới về.
Bà Minh, quê gốc Đà Nẵng được con rước vô Sài Gòn, đưa đến Viện dưỡng lão ở hơn 2 tháng. Sau 2 tháng, bà Minh thấy mình “chịu” được đồ ăn, thức uống, quen với không khí tại Viện dưỡng lão.
“Bà có 4 đứa con nhưng đứa nào cũng bận rộn công việc. Từ ngày vô Viện dưỡng lão, đến cuối tuần, không đứa này thì đứa khác vô chở về nhà nó chơi. Trong đây không được gần gũi con cháu nhưng ở lâu rồi quen thôi. Tụi nhỏ cũng cực, chăm thêm mình thêm nặng gánh nên thôi, tôi vô đây cho đỡ phần tụi nhỏ lo”, bà Minh nói.
Không ở đâu, cây nha đam lại “nở hoa” mai như thế. Bởi để níu chút tết về phòng, các cụ tận dụng những bông mai còn sót lại sau khi tình nguyện viên ra về để trang trí không gian trước cửa phòng.
Mỗi người một hoàn cảnh. Ở những trường hợp thương tâm, thêm một lần sẻ chia là một lần vết cắt thêm sâu nhưng rồi, chuyện gì nói mãi cũng thành quen. Như trường hợp cụ bà 101 tuổi mới mất ở Viện dưỡng lão, khi cụ qua đời không người thân thích bên cạnh nên ban quản lý phải đứng ra lo hậu sự. Cảnh đìu hiu của lễ tang tưởng chừng đau thắt tim gan những người chứng kiến rồi cũng trôi qua chớp nhoáng vì với những người ở lâu trong Viện dưỡng lão, nhiều cảnh đưa tang còn đáng thương gấp nhiều lần.
Khu vườn do bà Thanh tự gầy từ cách đây 2 – 3 năm. Sống hơn 6 năm trong Viện dưỡng lão, bà Thanh chỉ mong có sức khoẻ để chăm sóc vườn cây của mình.
Nhưng rồi, tuổi già cũng phải có những niềm vui riêng để cân bằng lại cuộc sống, tận hưởng những năm tháng cuối đời. “Tôi nghĩ tuổi mình càng ngày càng cao, cũng thương con cháu nên vào đây sống để con lo cho cuộc sống riêng của nó. Ở Sài Gòn, đâu dễ tìm được không gian yên tĩnh, nhiều cây xanh như vậy. Ai nói không buồn là không đúng. Ai cũng buồn nhưng mình phải lạc quan lên để con cháu thấy mẹ, thấy bà vui tụi nó cũng ráng mà sống có ích cho đời”, bà Nguyễn Thị Thanh tâm sự.
Những nụ cười nghệch ngoạc trên gương mặt của bà Thanh. Cách đây vài tháng, bà Thanh còn nằm trên giường vì bệnh nhưng khi khoẻ lại, bà lại xuống thăm vườn cây của mình.
Mặc dù lớn tuổi nhưng khi còn minh mẫn, bà Thanh vẫn tham gia sáng tác thơ, hò, vè gửi tham dự các cuộc thi để trí não vận động. May mắn trong cuộc thi Thính giả với An toàn giao thông năm 2018, bà Thanh nhận được giải Ba chung cuộc và ẵm luôn giải Thí sinh ấn tượng nhất.
“Tôi tham gia cuộc thi nhiều năm rồi nhưng năm nay mới đạt giải. Tôi không thông báo cho ai trong Viện dưỡng lão vì sợ họ nói mình khoe. Còn con tôi, khi gọi điện nói chở đi nhận giải, con không tin đâu cứ tưởng má đùa vì cuộc thi tới hơn 300 thí sinh làm sao mà đạt được giải. Con tự hào lắm nên tôi lấy đó làm niềm vui. À thì ra, tôi tàn nhưng không phế”, bà Thanh chia sẻ.
2 bài dự thi giúp bà Thanh nhận được giải Ba của cuộc thi Thính giả với An toàn giao thông
Không chỉ bà Thanh lạc quan với cuộc sống tuổi về gia mà bà Mai cũng hồn nhiên như những ngày son trẻ. Lúc nào khoẻ, bà ra sân tập thể dục, khoẻ nhiều tập nhiều, không khoẻ thì nằm nghỉ ngơi đợi đến chiều ra tập.
“Trong Viện dưỡng lão đồ ăn không ngon như cơm nhà nấu. Giờ tuổi này cũng chỉ ăn cho có thôi nhưng thương con và cũng thương mình, ráng ăn cho khoẻ. Trong này không khí mát mẻ, đi lại cũng an toàn hơn thì tốt cho mình chứ cho ai đâu”, bà Mai nói.
Bà Mai xin tình nguyện viên 2 cành hoa để về treo trong phòng đón tết sớm.
Những phận đời buồn vì vắng con cháu, có lẽ đã quen với cảnh một mình bước sang năm mới. Nằm chèo queo trên chiếc giường, nghe những thanh âm rộn rã rất đời trên ti vi, ngoài phố hẳn ai cũng có chút chạnh lòng, xót xa. Buồn hơn khi thấy những người khác có con cháu đến thăm/đón về. Bà Thanh, bà Mùi, bà Quành… biết buồn đó nhưng cũng không thể làm khác hơn vì “Mỗi cây mỗi hoa/Mỗi nhà mỗi cảnh”.
Dẫu sao thì tết cũng đã cận kề.
Tết về Viện dưỡng lão, mai đào khoe sắc níu kéo chút xuân trong lòng người nhưng đâu đó, vẫn còn những nỗi buồn khắc khoải. Con cháu năm này nơi đâu?
Bài, ảnh: Diễm Mi
Theo phunuonline.com.vn
Chồng 'quên' biếu tết nhà ngoại còn nói lời cay đắng
Dù tết đầu tiên sau khi cưới nhưng chồng tôi "lơ" luôn việc biếu tết cho nhà ngoại. Tôi mở miệng nhắc thì anh lại nói những lời cay đắng...
Tôi mới lấy chồng gần một năm và sinh con được vài tháng. Hiện hai vợ chồng đang ở trọ tại Long An. Chồng chung vốn với bạn mở xưởng lắp đặt nhôm kính còn tôi từ khi có bầu xin nghỉ việc để dưỡng thai.
Chồng là người có trách nhiệm và luôn lo lắng chu toàn cho vợ con. Do tôi không đi làm nên kinh tế gia đình chỉ dựa vào nguồn thu nhập của chồng. Cả hai bên nội ngoại đều khó khăn nên không giúp đỡ được gì thêm.
Tết đầu tiên làm rể nhưng chồng "quên" việc biếu tết nhà vợ. Ảnh minh họa
Tết năm nay là cái tết đầu tiên tôi không về quê. Lúc còn độc thân, dù đi làm công nhân nhưng tôi cũng cố gắng dành dụm để lo tết đầy đủ cho gia đình. Nhà tôi nghèo khổ, mọi năm, ba mẹ luôn trông chờ vào số tiền tôi đem về để lo tết.
Nhưng năm nay, tôi không có thu nhập và đã đi lấy chồng nên không biết ba mẹ sẽ đón tết ra sao. Vì con còn nhỏ nên hai vợ chồng cũng không về nội. Những ngày giáp tết, nghe mẹ gọi điện vào hỏi thăm mà giọng buồn buồn khiến tôi nôn nao lòng dạ.
Nhưng bản thân ở nhà nội trợ chăm con nhỏ, tất cả phụ thuộc vào chồng tôi cũng không biết phải làm sao. Đắn đo mãi, đến cận tết, không thấy chồng đề cập gì đến chuyện gửi tiền về biếu bên ngoại trong khi bên nội đã đưa về từ tháng trước.
Tôi mới mở miệng nhắc chồng gửi tiền về quê giúp đỡ ông bà ngoại lo tết. Tôi cứ nghĩ chồng quên chứ không phải túng thiếu vì anh mới nhận tiền mấy công trình thanh toán cuối năm.
Nhưng không ngờ, chồng tỏ vẻ khó chịu, anh bảo: "Khi nào em làm ra tiền thì hãy nghĩ đến chuyện biếu tết nhà ngoại". Vậy là, anh không quên mà cố tình như thế. Anh giảng giải, hai vợ chồng chưa có nhà cửa ở thành phố, phải tích lũy mới mua được nên phải biết tính toán.
Nghe những lời chồng nói, tôi tủi thân trào nước mắt. Ảnh minh họa
Anh còn dẫn chuyện em gái mình ra để so sánh với tôi. Em gái lấy chồng xa, điều kiện kinh tế cũng khá nhưng hiếm khi gửi tiền cho ba mẹ. Tết năm nào có về thì lì xì vài trăm nghìn cho ba mẹ, còn lại lo tết nhà chồng mà ba mẹ anh có ý kiến gì đâu.
Trong khi tôi mới lấy chồng, chỉ ở nhà nuôi con mà còn đòi xin tiền lo tết lo nhà ngoại. Anh lấy vợ chỉ lo cho vợ con là đủ, sao lại phải đèo bồng thêm một gia đình, vừa lo cho bên nội vừa lo cho bên ngoại gánh sao nổi.
Nghe chồng nói, tôi tủi thân vô cùng. Chẳng lẽ tôi đi lấy chồng là không còn trách nhiệm với gia đình. Lúc còn yêu, anh quá hiểu về hoàn cảnh nhà tôi. Ba mẹ đau ốm bệnh tật quanh năm, mấy đứa em còn nhỏ, tất cả dựa vào tôi. Có năm, anh về chơi, còn rộng rãi sắm áo quần và lì xì cho các em tôi. Vậy mà bây giờ, anh lại nói những lời ích kỷ đó.
Biết ý chồng như thế nên tôi cũng không nói gì thêm để khỏi ồn ào. Tôi âm thầm đem bán sợi dây chuyền vàng được 5 triệu. Món quà này ba mẹ tặng tôi vào ngày cưới nhưng do tôi mua bằng tiền của mình. Tôi gửi số tiền đó về quê cho ba mẹ lo tết.
Tôi tự hứa với mình, khi con cứng cáp sẽ đi làm trở lại để tự chủ về kinh tế. Tôi không thể đứng nhìn ba mẹ mình cực khổ mà không thể giúp được. Nếu tôi không gửi tiền về, chắc chắn nhà tôi sẽ không tết.
Ngọc Bích
Theo phunuonline.com.vn
7 điều 'đặc biệt' đàn ông chỉ dành riêng cho người phụ nữ họ thực sự yêu thương Bạn có biết đàn ông sẽ làm những gì cho người phụ nữ họ yêu thật lòng? Luôn có thiện chí tháo gỡ những khúc mắc Nếu chỉ yêu cho vui, yêu cho có người yêu để bằng bạn bằng bè thì đàn ông hiếm khi cố gắng để thấu hiểu đối phương, để cả hai có thể biết càng nhiều càng tốt...