Ngày chủ nhật bão tố của Donald Trump
Đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng, bị đồng minh bỏ rơi đồng loạt, ông Trump cùng các cố vấn đã phải chiến đấu để không từ bỏ cuộc đua.
Người ủng hộ Donald Trump bên ngoài tòa tháp Trump ở New York hôm chủ nhật. Ảnh: Reuters
Ngay trước thềm cuộc tranh luận lần hai giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ, tỷ phú Donald Trump của đảng Cộng hòa và cả chiến dịch tranh cử của mình đã phải trải qua một ngày chủ nhật bão tố, sau khi xuất hiện đoạn video về những lời lẽ tục tĩu, xúc phạm phụ nữ của ông Trump từ năm 2005, theo NBC News.
Đoạn video đã khiến nhiều đảng viên Cộng hòa phẫn nộ, tuyên bố rời bỏ Trump và gia tăng sức ép đòi tỷ phú rút lui khỏi cuộc bầu cử, buộc đội ngũ tranh cử và các đồng minh ngày càng ít ỏi của ông phải gồng mình chống đỡ sóng gió khi cuộc đối đầu với đối thủ Hillary Clinton đã cận kề.
Tại tòa tháp Trump ở Manhattan, nơi ông Trump cố thủ suốt ngày thứ bảy sau khi đoạn video bị rò rỉ, giám đốc chiến dịch Steve Bannon và con trai Eric Trump của tỷ phú ra sức trấn an báo giới, nói rằng mọi thứ vẫn ổn để sẵn sàng cho cuộc tranh luận.
Thế nhưng cơn bão bên ngoài càng lúc càng mạnh lên, khi hàng chục đảng viên Cộng hòa cấp cao công khai tuyên bố “từ mặt” Trump. Các nguồn tin giấu tên của NBC News cho biết cả bộ máy tranh cử của ông Trump lúc đó chìm đắm trong tâm trạng bất an, mất phương hướng, khi không có một thông điệp thống nhất nào được đưa ra.
Một trợ lý của Trump mô tả bầu không khí lúc đó như “cuồng phong”, và các nhân viên chiến dịch tranh cử vẫn đang cố gắng tìm hiểu mức độ hủy hoại của sự việc. Bản thân ông Trump dường như cũng mất bình tĩnh, tung ra những lời chỉ trích cay độc nhắm vào những thành viên đảng Cộng hòa đang ồ ạt rời bỏ ông.
“Thật nhiều những kẻ đạo đức giả ích kỷ. Nhìn số liệu khảo sát và bầu cử xem – đi xuống!”, Trump viết trên Twitter.
Giữa cơn bão tố, Trump gần như chỉ còn lại một mình. Quản lý chiến dịch Kellyanne Conway, người thường đóng vai trò là nữ phát ngôn viên và là người ủng hộ nhiệt thành nhất của Trump, quyết định sẽ không xuất hiện trong các chương trình ngày chủ nhật của tỷ phú. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) Reince Priebus cũng vậy, khi ra tuyên bố lên án những bình luận tục tĩu của Trump.
Video đang HOT
Các nguồn tin trong chiến dịch cho biết Priebus đã gặp Trump trong khoảng 90 phút ngày thứ bảy và trò chuyện “rất thẳng thắn” về hậu quả của sự việc. Hành động của Priebus càng củng cố tin đồn rằng các lãnh đạo đảng Cộng hòa có thể cắt mọi nguồn lực cho Trump để tìm cách cứu vớt chiến dịch tranh cử.
“Lúc đó chúng tôi như đang nhìn thấy cái kết trong chiến dịch của Trump”, một quan chức đảng Cộng hòa cho biết. “Rõ ràng không ai kiểm soát được ông ta trong chiến dịch”. Người này nói rằng các quan chức đảng Cộng hòa lúc đó đang chờ đợi chỉ thị từ RNC về cách thức phân bổ nguồn lực trong tháng tranh cử cuối cùng.
Một nguồn tin trong RNC nói rằng Chủ tịch Priebus đã yêu cầu các ủy viên “làm những gì tốt nhất cho bản thân”, khi nhiều trợ lý ở các cấp khác nhau lo ngại rằng việc tiếp tục hợp tác với Trump có thể hủy hoại danh tiếng chính trị của họ. Điều họ lo ngại hơn là những video tai hại hơn của Trump có thể sẽ tiếp tục xuất hiện trong cuộc khủng hoảng.
“Ông ta đã xuất hiện trước công chúng trong 30 năm. Chắc hẳn là phải có thêm (video) nữa”, nguồn tin này nói. Tuy nhiên, người phát ngôn RNC bác bỏ thông tin cho rằng ông Priebus đã cho phép các ủy viên từ bỏ Trump.
Chống đỡ
Trump nói chuyện qua điện thoại với phó tướng Mike Pence trên máy bay. Ảnh:Twitter
Khi hai quan chức quan trọng là Conway và Priebus đều vắng mặt, cựu thống đốc thành phố New York Rudy Giuliani buộc phải thay mặt Trump tham gia các sự kiện tranh cử ngày chủ nhật. Giuliani nói rằng quản lý Conway vẫn là một phần của chiến dịch, và ông chỉ được chọn để thay mặt cho Trump vào phút chót vì ông là người “sẵn sàng” làm việc này.
Giữa những giờ phút khó khăn đó, rất nhiều tin đồn đã rộ lên rằng lãnh đạo đảng Cộng hòa sẽ tìm cách thay thế Trump bằng phó tướng Mike Pence. Ông Pence cũng đã im lặng suốt ngày chủ nhật, sau khi tuyên bố hôm thứ bảy rằng những tuyên bố của Trump là “không thể bảo vệ được”.
Dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn như vậy, Trump và các cố vấn vẫn xác định rằng họ chưa mất tất cả trong cuộc đua, và họ tin rằng tỷ phú vẫn có thể lấy lại được hình ảnh nếu thể hiện được sự ăn năn chân thành, bắt đầu bằng cuộc tranh luận với bà Clinton.
Trong cuộc tranh luận, Trump đã thực hiện thành công chiến thuật “ném bùn”, tung ra vô số lời công kích, tố cáo để hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi bê bối của chính mình. Ông bắt đầu tranh luận bằng thế thủ, tìm mọi cách né tránh, đánh trống lảng khỏi vụ bê bối video gây sốc, và khi bị dồn ép, ông tuyên bố đó chỉ là “câu chuyện trong phòng thay đồ”.
Thừa nhận rằng chiến thuật này của ông Trump đã khiến cuộc tranh luận với bà Clinton trở nên “lầy lội”, bình luận viên Linda Feldmann củaCSMonitor cho rằng nó lại giúp tỷ phú cho mọi người thấy rằng ông sẽ không từ bỏ cuộc đua, ngay cả khi đương đầu với bão tố khủng khiếp nhất.
Cuối cuộc tranh luận, Trump khen ngợi bà Clinton là người kiên gan, nhưng bản thân ông cũng đã thể hiện được tinh thần quyết chiến đến cùng. “Có vẻ như ông đã học được kinh nghiệm từ một bậc thầy xử lý khủng hoảng chính trị, cựu tổng thống Bill Clinton, rằng khi vướng vào rắc rối, bạn không nên lẩn tránh một cách nhục nhã. Bạn kiên cường vượt qua, và tiếp tục giữ thế tấn công”, Feldmann nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Đảng Cộng hòa liệu có thể truất quyền tranh cử của Donald Trump?
Đảng Cộng hòa khó có thể khiến ông Trump dừng bước vì điều lệ đảng không quy định việc truất quyền tranh cử và thời gian đã quá gấp rút.
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters
Khi bê bối khoe khoang việc sàm sỡ phụ nữ của ông Trump nổi lên, nhiều thành viên quan trọng của đảng Cộng hòa đã bày tỏ sự phẫn nộ và quay lưng lại với tỷ phú. Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu đảng Cộng hòa có thể truất quyền ứng cử của ông Trump hay không.
Thực tế, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) có Điều số 9 quy định về việc thế chỗ trống nếu "ứng viên tranh cử tổng thống qua đời, rút lui, hoặc các trường hợp khác", theo BBC.
Nếu ông Trump tự nguyện rút lui khỏi cuộc đua và Điều số 9 được kích hoạt, RNC có thể triệu tập lại đại hội 2.472 đại biểu để bỏ phiếu một lần nữa, hoặc hội đồng của RNC, với 168 thành viên đại diện cho tất cả các bang và vùng lãnh thổ, sẽ lựa chọn người thay thế.
Tuy nhiên, ông Trump đã khẳng định ông không có ý định rời khỏi cuộc đua. "Tôi sẽ không bao giờ rút lui", ông nhấn mạnh hôm 8/10.
Dù vậy, những người phản đối ông Trump có thể tìm cách khai thác sự mơ hồ trong ngôn từ. Điều 9 chưa bao giờ từng được sử dụng, vì vậy giới hạn của nó chưa bao giờ được thử nghiệm. Lần cuối cùng một ứng viên rời cuộc đua vào Nhà Trắng muộn là năm 1972, khi ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ Thomas Eagleton buộc phải rút lui sau khi căn bệnh trầm cảm của ông bị công khai.
Cụm từ "trường hợp khác" trong quy định vốn được hiểu là ứng viên tổng thống có thể rơi vào tình trạng hôn mê, đột quỵ hoặc mắc các bệnh khác khiến họ tuy còn sống nhưng không thể tự đưa ra dấu hiệu xin rút lui.
Một số người đang đề nghị áp dụng cách giải thích rộng hơn, cho rằng "các trường hợp khác" cần bao gồm cả hành vi phạm tội, tội phản quốc hay thậm chí là "hành động không phù hợp với nguyên tắc đảng", theo nhà bình luận Thomas Balch.
Tuy nhiên, theo BBC, ông Trump có thể kiện nếu đảng Cộng hòa sử dụng "các trường hợp khác" chống lại ông. Thậm chí ngay cả khi ông Trump phạm tội, việc đó cũng không thể truất quyền tranh cử tổng thống của ông (Hiến pháp Mỹ không có quy định cấm về vấn đề này). Ông còn có thể ân xá cho chính mình sau khi đắc cử.
Đảng Cộng hòa cũng đã hết thời gian điều chỉnh quy định. Tuy Điều 9 có thể được sửa đổi nếu phần lớn Ủy ban Thường vụ của RNC và 3/4 số lượng thành viên RNC nhất trí, phải mất 30 ngày sự thay đổi đó mới có hiệu lực.
Ngoài ra, hàng chục nghìn đảng viên Cộng hòa đã bỏ phiếu sớm, nhiều người trong số họ ở các bang chủ chốt như Florida và North Carolina.
Nhiều bang cũng đặt ra thời hạn đề tên ứng viên trên lá phiếu và thời hạn đó đã trôi qua. Bất cứ ai muốn bỏ phiếu cho một ứng viên đảng Cộng hòa có thể sẽ chỉ có lựa chọn duy nhất là ông Trump.
Phương Vũ
Theo VNE
Người dẫn tranh luận bị chỉ trích khiến Trump 'một đấu ba' Những người dẫn dắt cuộc tranh luận tổng thống Mỹ lần hai bị nhận xét thiên vị Hillary Clinton, khiến Trump "một đấu ba'. Anderson Cooper (trái) và Martha Raddatz, hai người điều phối phiên tranh luận tổng thống Mỹ diễn ra tại Đại học Washington. Ảnh: Washington Post Vòng tranh luận tổng thống trực tiếp thứ hai giữa ông Donald Trump và...