Ngày 8/3 không chỉ có hoa và lời chúc, xem ngay top 14 phim nổi tiếng của các đạo diễn nữ (Phần 1)
Nhân ngày 8/3, hãy cùng thưởng thức 14 bộ phim nổi tiếng, theo các thể loại khác nhau, được chỉ đạo bởi các “chị đại” đứng sau máy quay.
American Psycho (2000) – Mary Harron
Tác giả tiểu thuyết gốc của American Psycho có niềm tin mãnh liệt rằng phụ nữ mà làm đạo diễn (hay người kể chuyện bằng hình ảnh) thì chắc chắn không bao giờ sánh nổi với đàn ông, đơn giản vì họ không có “male gaze” (góc nhìn nam tính). Éo le thay, trong số những bộ phim được chuyển thể từ sách của ông, nổi tiếng nhất lại là American Psycho – tác phẩm duy nhất do phụ nữ đạo diễn.
Đạo diễn Mary Harron
Xử lý chất liệu là một cuốn sách phức tạp và gây tranh cãi dữ dội về phân biệt giới, đạo diễn Mary Harron giảm bớt tính gây sốc hay khoái lạc ở những cảnh giưởng chiếu mạnh bạo. Thay vào đó, bà tập trung làm rõ ý nghĩa châm biếm chủ nghĩa tiêu dùng trong sách, và qua ngôn ngữ điện ảnh của mình, đặc biệt mỉa mai sự ám ảnh về ngoại hình và địa vị của các nam doanh nhân phố Wall.
Trailer phim.
Ví dụ như cảnh nhân vật chính Bateman gọi gái về nhà chơi tay ba, khi anh ta vênh váo nhìn vào gương, khán giả không thấy hình ảnh một tên ác nhân đáng sợ hay “ngầu lòi”, mà chỉ thấy một gã đàn ông gia trưởng và lố bịch. Ghi nhận góc nhìn của Mary Harron, nhà phê bình Roger Ebert viết: “ Cô ấy đã biến đổi một cuốn tiểu thuyết về sự khát máu thành một bộ phim về sự tự phụ của đàn ông.”
The Breadwinner (2017) – Nora Twomey
Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Deborah Ellis, bộ phim hoạt hình Breadwinner là câu chuyện về cô bé Parvana, 11 tuổi, sống tại Kabul, Afghanistan dưới quyền kiểm soát của Taliban. Cha Parvana bị bắt giữ vô cớ, và luật cấm nữ giới ra khỏi nhà mà không có sự tháp tùng của đàn ông khiến gia đình cô bé – vốn toàn phụ nữ và trẻ em – lâm vào tình trạng nguy khốn. Với “lợi thế” là chưa phát triển những đặc trưng về giới, Parvana đã giả làm con trai để đi làm nuôi gia đình và tìm cách cứu cha, giữa tình hình chiến tranh càng ngày càng trở nên căng thẳng.
Trailer phim.
Kịch bản Breadwinner đan xen giữa câu chuyện của Parvana và câu chuyện do Parvana tưởng tượng về một cậu bé anh hùng (để xua đi những giây phút sợ hãi). Cách xử lý này khiến nhịp phim ban đầu hơi rời rạc; nhưng khi hai câu chuyện này hợp nhất ở đoạn cuối, sức nặng của nó tạo ra ám ảnh sâu sắc trong lòng người xem. Đây là sáng tạo của đạo diễn Nora Twomey. Twomey cũng khiến người viết ấn tượng với cách cô tạo ra nhân vật Parvana với một lọn tóc luôn tuột ra khỏi khăn – như ngấm ngầm trêu ngươi, ngấm ngầm thách thức sự gọn gàng quy củ, “đức hạnh” cưỡng ép bởi hệ thống nam quyền.
Đạo diễn Nora Twomey
Nếu quan tâm đến chủ đề này, bạn cũng có thể xem một bộ phim hoạt hình tiểu sử tên Persepolis (2007). Với góc tiếp cận hài hước, Persepolis kể về hành trình trưởng thành đầy nổi loạn của một cô bé (trọng nghĩa khí, đam mê Lý Tiểu Long và yêu văn hóa punk – rock) trên phông nền Cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran.
We need to talk about Kevin (2011) – Lynne Ramsay
“ Một nhà làm phim với tài năng khác thường trong việc xâm nhập nội tâm nhân vật qua những hình ảnh gây ấn tượng mạnh” – Nhà phê bình Ian Buckwalter viết về Lynne Ramsay, người đứng sau những bộ phim như Ratcatcher, Morvern Callar, We Need to Talk About Kevin và You Were Never Really Here.
Đạo diễn Lynne Ramsay
Trong We Need to Talk About Kevin, Ramsay bóc tách những suy nghĩ trong đầu một người mẹ mang tên Eva về mối quan hệ của bà với cậu con tội đồ Kevin. Eva tồn tại đơn độc trong căn nhà bị dội sơn đỏ, giữa ánh mắt căm thù của những người xung quanh vì những gì Kevin gây ra. Ngày thường bà đi làm, đi siêu thị, ngày nghỉ ở nhà cạo bớt sơn trên tường; nhưng dù đi đâu, làm gì, những sự kiện quá khứ liên quan đến Kevin luôn dội về.
Đó là những mảnh ký ức từ khi Kevin còn là một đứa trẻ với những biểu hiện bất thường ban đầu về tâm lý, cho đến khi cậu đến tuổi thiếu niên với vấn đề tâm thần dần lộ rõ, đôi khi chồng lớp với hai sự kiện định mệnh được lặp đi lặp lại: ngày Eva buông thả trong quan hệ với chồng nên sinh ra Kevin ngoài ý muốn, và ngày Kevin gây ra tội ác. Màu đỏ tung tóe và chập chờn khắp cả phim, ban đầu nhắc nhớ Eva về quãng đời tự do đi đây đi đó của mình; sau là nỗi ám ảnh, đau đớn và dằn vặt về trách nhiệm “con dại cái mang”.
Trailer phim.
Điều gì khiến Kevin trở thành một tên tội phạm tuổi thiếu niên? Do Eva không biết nuôi con hay do bản tính cậu bé đã thế? Bộ phim không cho khán giả một câu trả lời rõ ràng, và bởi thế, khắc họa rõ nét những khó khăn đến tuyệt vọng của việc làm cha làm mẹ.
Citizenfour (2014) – Laura Poitras
Là tác phẩm cuối cùng trong bộ ba phim tài liệu về nước Mỹ sau vụ khủng bố 11/9, Citizenfour mở đầu bằng cảnh quay một đường hầm hun hút và được chiếu sáng yếu ớt. Giọng Poitras cất lên, đọc bức thư cô nhận được từ một người bí ẩn tự nhận là nhân viên chính phủ. Anh ta khẳng định mình đang nắm giữ những thông tin tuyệt mật cần tiết lộ, và yêu cầu cô cẩn trọng về an ninh nếu không muốn gặp nguy hiểm. Cuối thư, anh ký tên “Công dân số bốn”.
Trailer phim.
Năm 2013, thế giới rúng động trước tin NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ) xâm phạm quyền riêng tư của tất cả người dân bằng các phương pháp theo dõi. Bất cứ ai tiếp xúc với báo chí hay có kết nối mạng đều biết đến cái tên Edward Snowden – người đến giờ vẫn chia rẽ ý kiến dư luận thành hai luồng trái chiều. Anh ta thật ra là ai? Có mục đích gì? Quyền riêng tư quan trọng đến đâu để anh ta đánh đổi cuộc đời mình như thế?
Đạo diễn Laura Poitras
Bộ phim đạt Oscar cho Phim tài liệu hay nhất năm 2015 của Laura Poitrastrả lời tất cả những câu hỏi đó. Là một trong hai người được Snowden “lựa chọn”, Poitras có cơ hội tiếp cận và ghi lại hành trình của anh một cách gần gũi, bộc lộ con người “kẻ phản bội” ở cả nét tính cách mạnh mẽ (sự điềm đạm, khôn ngoan) lẫn những mặt yếu đuối (bồn chồn, lo sợ). Không khí căng thẳng được duy trì xuyên suốt với những căn phòng đóng kín, những đoạn tin nhắn mã hoá, những thiết bị thông tin nằm im lìm đầy nguy hiểm…
Poitras xen kẽ vào đó những cảnh ngoài trời khoáng đạt và yên bình, mà sự đối lập của nó không làm giảm bớt, ngược lại, còn đẩy cao sự lo lắng và ngột ngạt như cảm giác luôn bị theo dõi. Là phim tài liệu, song Citizenfour mang đến trải nghiệm tương tự một bộ phim giật gân, hay thậm chí còn hơn thế, vì “đây không phải phim khoa học giả tưởng, nó là những gì đang diễn ra ngay lúc này” – như lời Snowden cảnh báo công chúng.
Leave No Trace (2018) – Debra Granik
Những thảm lá xanh miên man, vòm rêu sáng nhẹ dưới nắng, mạng nhện khẽ đung đưa, chim hót líu lo, mưa rơi tí tách. Hòa vào bản đồng ca thiên nhiên là giọng ngâm nga tựa hồ thầm thì của hai con người nhỏ bé – Ngay từ những phút đầu tiên, Leave No Trace đã tỏ ra là một bộ phim dễ mến. Nó từ tốn dẫn dắt khán giả vào một khu rừng, giới thiệu tới chúng ta hai nhân vật chính: Will – một cựu binh mắc chứng PTSD (rối loạn stress sau sang chấn) và Tom – cô con gái 13 tuổi của ông.
Chúng ta chậm chạp dành thời gian với họ, xem cách họ dựng trại, hứng nước, nhóm lửa, nấu ăn, đi ngủ, đọc sách, chơi cờ, xóa dấu vết để tránh kiểm lâm phát hiện. Thỉnh thoảng, họ vào thành phố để mua những vật dụng thiết yếu. Cuộc sống cứ thế yên bình trôi qua, cho đến khi họ bị “lộ tẩy” và “được” các nhà hoạt động xã hội giúp đỡ để trở về với cộng đồng.
Đạo diễn Debra Granik
Trailer phim.
Bộ phim của Debra Granik không đưa ra một thông điệp chính trị to lớn nào, nếu có thì chỉ nhẹ nhàng nêu lên cảnh ngộ của những cựu binh buộc phải tìm cách sống chung với bóng ma vĩnh viễn của chiến tranh. Granik cũng cẩn thận miêu tả những nguy hiểm của môi trường tự nhiên, tránh tình trạng lãng mạn hóa hay khuyến khích sự cự tuyệt xã hội. Ẩn dật hay hòa nhập, đó chỉ là những cách sống khác nhau, phù hợp với những cá nhân khác nhau, không thể áp đặt. Điều duy nhất con người nên làm cho nhau là tôn trọng và cảm thông; như chính tình cảm của Granik dành cho từng cá thể bé nhỏ, bình dị trong phim bà vậy.
The Matrix (1999) – Chị em nhà Wachowski
Bộ phim “hành động não to” của chị em nhà Wachowski (khi chưa dám công khai là người chuyển giới, họ xưng danh là anh em nhà Wachowski) xoay quanh sự vật lộn để nắm bắt thế giới và bản dạng thật sự bên trong mỗi người. The Matrix gợi ra những suy tư vô hạn về cái thực – cái ảo, tự do – kiểm soát, ý chí – định mệnh…; đồng thời cân bằng yếu tố của một bom tấn giải trí với những cảnh hành động, đấu súng, đấu võ vô cùng đã mắt.
Chị em đạo diễn Wachowski
Chị em Wachowski ghi dấu chân mình vào lịch sử điện ảnh khi nâng cấp hiệu ứng slow – motion lên một tầm cao mới và khai sinh thuật ngữ “bullet time”. Hiểu một cách đơn giản, “bullet time” là hiệu ứng tạo ảo giác thời gian bị làm chậm lại đến mức cực đoan trong khi máy quay quét một đường vòng cung quanh chủ thể, đủ cho ta thấy một cảnh mà thị giác thông thường không thể nào nắm bắt (ví dụ cảnh nhân vật né những viên đạn).
Trailer phim.
Vì không một loại máy quay phim nào có thể chuyển động đủ nhanh để ghi lại một khoảnh khắc vụt qua như thế, Wachowski cùng các kỹ thuật viên của họ đã lắp đặt 120 máy ảnh tĩnh đặt theo vòng cung, chụp ảnh tự động liên tục các góc của nhân vật với tốc độ siêu nhanh; sau đó cho vào máy tính xử lý (dựa trên nguyên lý tạo chuyển động từ một chuỗi ảnh tĩnh). Kết quả làm ra những cảnh có tốc độ 12.000 khung hình trên giây (con số này ở cảnh phim thường là 24), “điên” và “ngầu” đến mức khiến khán giả cũng như các nhà phê bình phải sửng sốt và tấm tắc mãi. Cùng với The Matrix, “bullet time” trở nên nổi tiếng và được vô số bộ phim, quảng cáo, trò chơi điện tử sau này bắt chước.
Little Miss Sunshine (2006) – Jonathan Dayton và Valerie Faris
Cần một chút nắng ấm cho ngày ủ dột? Hãy xem Little Miss Sunshine. Hoặc xem lại Little Miss Sunshine.
Từ nhỏ, cô bé có cái bụng tròn xoe Olive đã dán mắt lên ti vi theo dõi các cuộc thi hoa hậu và ước mơ một ngày nào đó, mình cũng được đội vương miện trên đầu. Cơ hội xảy đến khi cô bé được thông báo dự tuyển một cuộc thi hoa hậu nhí, sẽ diễn ra tại bang California trong vài ngày tới. Vấn đề là bố mẹ cô bé phải có mặt để động viên, trong khi ông nội cũng muốn đi cùng, mà gia đình thì không đủ tiền đi máy bay. Hơn nữa, ông chú vừa tự tử bất thành lại cần giám sát 24/24, mà anh trai cô bé thì cũng vấn đề chẳng kém, không thể trông nom lẫn nhau. Bất đắc dĩ, ông bố phải lôi cái xe buýt màu vàng cũ rích của gia đình ra, tống cả nhà lên xe và bắt đầu hành trình tháp tùng Olive trên con đường chinh phục vương miện.
Jonathan Dayton và Valerie Faris
Trailer phim.
Little Miss Sunshine là phim dài đầu tiên cặp vợ chồng Jonathan Dayton và Valerie Faris đạo diễn, dựa trên kịch bản của Michael Arndt. Sự hài hước của bộ phim nằm ở cách nó phát triển 6 nhân vật chính đều đồng thời ở trong một cuộc đua riêng và cuộc đua chung cùng bé Olive, châm biếm nỗi ám ảnh của người Mỹ về vấn đề thắng – thua và tuân thủ thước đo xã hội. Sức hấp dẫn và hợp thời của nó đã mang về doanh thu 100 triệu đô, một con số ấn tượng khi so với 8 triệu đô kinh phí.
Theo saostar
12 nữ đạo diễn năng động nhất và những phim phải xem của họ
Họ thuộc số 12 đạo diễn nữ làm việc chăm chỉ nhất gần đây và những bộ phim họ làm ra đều theo kịp xu hướng thời đại. Họ cũng biết làm chủ công nghệ trong lĩnh vực của mình và tận dụng khá tốt những gì sẵn có của thế giới điện ảnh.
Kathryn Bigelow
Tay nghề khá vững trong thể loại phim hành động vốn thường dành cho nam giới, Bigelow là phụ nữ duy nhất đoạt giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất với The Hurt Locker (cũng đoạt giải Phim hay nhất). Năm 2017 bà có bộ phim khá ấn tượng Detroit và sau đó là Near Dark, Point Break, Zero Dark Thirty rất đáng xem.
Dee Rees
Rees tạo được đột phá bằng bộ phim kinh phí thấp Pariah (2011) thuộc thể loại "bán tự truyện" nói về một phụ nữ Mỹ gốc Phi phải chật vật với giới tính của mình. Năm ngoái, bộ phim Mudbound đã chứng tỏ khả năng thể hiện những câu chuyện phức tạp của bà và được 4 đề cử Oscar, trong đó có một Oscar kịch bản chuyển thể cho Rees và Virgil Williams. Bộ phim mới của bà nói về nhà hoạt động nữ quyền Gloria Steinem sẽ do diễn viên Carey Mulligan của Mudbound đóng.
Ava DuVernay
Trước khi được biết đến với bộ phim Selma được đề cử Oscar nói về cố mục sư nhân quyền da mầu bị sát hại Martin Luther King, DuVernay đã là một đạo diễn phim tài liệu âm nhạc và phim độc lập kinh phí thấp khá "mát tay". Bộ phim Middle of Nowhere (2012) mang về cho bà giải đạo diễn tại Liên hoan Phim Sundance và trở thành phụ nữ Mỹ da đen đầu tiên được vinh dự này. Bộ phim tài liệu 13th (2016) nói về chủ nghĩa phân chủng trong hệ thống công lý Mỹ của bà cũng được đề cử Oscar. Disney đã bỏ ra 100 triệu USD để bà đạo diễn bộ phim A Wrinkle in Time với dàn diễn viên tài năng và đa dạng Oprah Winfrey, Mindy Kaling, Reese Witherspoon, Chris Pine, Gugu Mbatha-Raw và Michael Pena công chiếu vào ngày 9/3.
Patty Jenkins
14 năm trước khi đạo diễn Wonder Woman đạt doanh thu cao nhất của một đạo diễn nữ (gom được 412 triệu USD toàn cầu), Jenkins đã gây tiếng vang với bộ phim giết người hàng loạt Monster mang về cho nữ diễn viên Charlize Theron một Oscar vai chính. Sau đó là bộ phim tiểu sử Chuck Yeager làm bàn đạp cho diễn viên Ryan Gosling. Bộ phim truyền hình The Killing mang về cho bà giải Director's Guild Awards. Khán giả đang chờ đón Wonder Woman 2 cũng do bà đạo diễn ra rạp vào năm 2019.
Greta Gerwig
Từ một diễn viên và nhà biên kịch, Gerwig thử tay nghề đạo diễn với bộ phim độc lập Nights and Weekends mà Joe Swanberg là đồng đạo diễn. Sau đó, bà cùng với đạo diễn Noah Baumbach làm hai bộ phim Mistress America và Frances Ha. Năm 2016, Gerwig một mình đạo diễn bộ phim Lady Bird được đề cử 2 Oscar 2017, đạo diễn và kịch bản, một Quả cầu vàng đạo diễn phim hài, ca nhạc và gom được 42 triệu USD tiền vé.
Mira Nair
Bộ phim đầu tay của đạo diễn Mỹ gốc Ấn Độ Mira Nair Salaam Bombay! (1988) được đề cử Oscar phim nước ngoài hay nhất, tạo điều kiện cho bà đi xa hơn với các bộ phim được giới phê bình khen ngợi như Mississippi Masala, The Namesake và Monsoon Wedding. Nair còn là nhà hoạt động xã hội tích cực và giáo sư tại Đại học Columbia ở New York. Bà có bộ phim khá nổi tiếng khác là Queen of Katwe (2016) nói về một thiếu nữ từ trại tị nạn Uganda trở thành vô địch cờ vua quốc tế.
Sofia Coppola
The Virgin Suicides và Lost in Translation là hai bộ phim tạo nên tên tuổi của nhà biên kịch kiêm đạo diễn này. Sau đó là Marie Antoinette và mới nhất là bộ phim cảm giác mạnh The Beguiled. Là cháu của đạo diễn lừng danh Francis Ford Coppola, Sofia còn có các bộ phim đáng xem khác như Somewhere.
Debra Granik
Sau khi thành công với bộ phim đầu tay Down to the Bone (2004) đoạt giải đạo diễn tại Liên hoan Phim Sundance, bộ phim Winter's Bone (2010) do Granik đạo diễn tiếp tục nhận được nhiều lời khen ngợi và mang về cho nữ diễn viên Jennifer Lawrence một đề cử Oscar. Phim cũng được đề cử kịch bản và phim hay nhất. Bảy năm sau đó, bộ phim Leave No Trace của bà do Ben Foster và Thomasin McKenzie đóng vai chính được chiếu ra mắt tại Sundance 2018.
Jennifer Kent
Nữ đạo diễn Úc này là học trò của đạo diễn Lars von Trier và là diễn viên kiêm giáo viên nhiều năm trước khi bà thử tay nghề đạo diễn với bộ phim kinh dị The Babadook (2014) được khán giả đón nhận, biến bà thành một trong các nữ đạo diễn "hot" nhất, nằm trong số ứng viên đạo diễn Wonder Woman trước khi Patty Jenkins được chọn. Bộ phim báo thù The Nightingale lấy bối cảnh thế kỷ 19 do Sam Claflin và Aisling Franciosi đóng vai chính công chiếu năm 2018 là phim mới nhất của bà.
Jennifer Yuh Nelson
Nelson là phụ nữ đầu tiên được giao đạo diễn một bộ phim hoạt hình kinh phí lớn, Kung Fu Panda 2 và đây cũng thuộc số ít bộ phim thành công về doanh thu do nữ giới đạo diễn và là phim dài hoạt hình đầu tiên của một nữ đạo diễn được đề cử Oscar "phim hoạt hình dài hay nhất". Việc Nelson sẽ tiếp tục đạo diễn Kung Fu Panda 3 cùng với một người nữa cho thấy loạt phim hoạt hình hiện đại này có thể đương đầu ngang ngửa với các bộ phim hoạt hình do hãng Pixar của Walt Disney sản xuất. Tháng 9 tới khán giả sẽ được xem bộ phim khoa học giả tưởng ngày tận thế đầu tiên của Yuh, đó là The Darkest Minds do Gwendoline Christie ( Game of Thrones) và Mandy Moore đóng vai chính.
Marielle Heller
Sau khi nhận được đề cử đạo diễn xuất sắc nhất của ban giám khảo tại Sundance và được các nhà phê bình ngợi khen về tài năng biên kịch và đạo diễn bộ phim The Diary of a Teenage Girl, Heller đã lọt vào "chiếu trên" các đạo diễn nữ. Bộ phim tiểu sử You Are My Friend do Tom Hanks đóng vai chính là một điểm son khác. Những bộ phim sau đó do bà đạo diễn là: phim hài Can You Ever Forgive Me? do Melissa McCarthy đóng vai chính sẽ chiếu ra mắt vào tháng 10 này; Kolma do Daisy Ridley đóng vai chính và bộ phim tài liệu nói về một vụ án hôn nhân đồng giới tại bang California có tựa The Case Against 8.
Lynne Ramsay
Năm 1999 Ramsay có bộ phim đầu tay Ratcatcher và sau đó là We Need to Talk About Kevin (2011) do Tilda Swinton đóng vai chính. Năm 2018, bà trở về với camera bằng bộ phim You Were Never Really Here do Joaquin Phoenix đóng vai chính nói về một cựu binh báo thù cho những cô gái bị mất tích chiếu giới thiệu tại Sundance và ra rạp từ tháng 4.
Nếu bạn vẫn còn nuối tiếc về việc giới thiệu 12 nữ đạo diễn này chưa đủ "nghiền" thì 8 cái tên được gợi ý tiếp đây có thể nối dài bảng danh sách 20 "nữ quyền" trong giới làm phim hollywood. Đó có thể là những cái tên gạo gội như hai chị em nhà Lana và Lilly Wachowski với thành công phải kể đến là bộ phim khoa học giả tưởng The Matrix; nữ đạo diễn Jane Campion đã có những bộ phim rất thành công như The Piano, In the Cut, Holy Smoke và Bright Star(2009); nữ đạo diễn Nicole Holofcener từng thành công với bộ phim tình cảm hài tuổi trung niên Enough Said (2013) và vừa quay trở lại cương vị này với The Land of Steady Habits phát hành 9/2018; nữ đạo diễn Tamara Jenkins với Slums of Beverly Hills (1998) hay The Savages từng mang về cho bà đề cử Oscar kịch bản và vừa rồi là Private Life chiếu giới thiệu tại Sundance 2018...
Ngoài ra, những cái tên nữ đạo diễn như Kelly Reichardt ( Meek's Cutoff, Wendy and Lucy, Certain Women, Old Joy); Sarah Polley ( Away from Her, Take This Waltz); Lisa Cholodenko ( High Art, Laurel Canyon, The Kids Are All Right) hay Angelina Jolie - từng là một trong các nữ diễn viên có thù lao cao nhất Hollywood, vài năm gần đây cũng đã đứng ở cương vị đạo diễn với 4 phim In the Land of Blood and Honey, Unbroken, By the Sea và First They Killed My Father.
Theo Thegioidienanh.vn
11 cái kết phim vô dụng nhất mọi thời đại (phần 1): Hoá ra Angelina Jolie 'mất con' vì lí do này! Chẳng có gì tệ hơn khi một bộ phim kết thúc với việc nhân vật chính bỗng dưng biến mất hay trước do cốt truyện đi vào lối mòn còn người xem lại xoay mòng trong hoang mang. Và sau đây là 11 cái kết phim kinh khủng nhất mọi thời đại. Chẳng có gì tệ hơn khi một bộ phim kết thúc...