Ngày 8/3 đặc biệt ở “hàng thịt, hàng cá”
“Tôi chỉ mong ông trời cho tôi sức khỏe để đi chợ bán hàng. Hôm nay ngày 8/3, mấy bà bán hàng cùng tôi rủ nhau nấu một bữa nho nhỏ gọi là liên hoan ngày phụ nữ, thế là mừng lắm rồi”, bà Liên lật những chiếc bánh đa cho đủ lửa, tâm sự.
Khu gian hàng rau củ quả ở chợ Vinh (Nghệ An) được trang trí mừng ngày 8/3
Không khí chợ Vinh (Nghệ An) thường ngày vốn đã náo nhiệt thì ngày 8/3 càng trở nên nhộn nhịp, đông vui hơn bởi cảnh các khu gian hàng tất bật chuẩn bị liên hoan mừng ngày Quốc tế phụ nữ.
Từ sáng sớm, cánh đàn ông của các tiểu thương nữ đã loay hoay dựng rạp, mượn phông màn, loa đài và bày biện mâm cỗ tươm tất cho các chị em. Tay thoăn thoắt cuốn nem, anh Phan Văn Tám – chồng một tiểu thương ở khu hàng khô cho hay: “Hôm nay tôi nghỉ lái xe một ngày để cùng với mấy anh bạn tổ chức nấu ăn cùng mấy chị em trong chợ. Cứ nghĩ nấu nướng là chuyện đơn giản nhưng bắt tay vào bếp mới thấy thương vợ ngoài đi chợ vất vả cả ngày còn lo toan cho bữa cơm của cả nhà nữa”.
Video đang HOT
Các tiểu thương khu hàng khô (chợ Vinh) chuẩn bị mâm cơm đơn giản mừng ngày Quốc tế phụ nữ
Khu hàng hoa quả có trên 70 tiểu thương chuyên cung cấp các loại hoa quả cho thị trường TP Vinh và các vùng phụ cận. Hằng ngày, các tiểu thương phải vất vả thức dậy từ lúc 1h sáng để nhập, phân loại hàng… bán lại cho các tiểu thương khác nên chuyện có được một ngày nghỉ đúng nghĩa với họ thật khó.
Chị Lê Thị Thủy (27 tuổi, phường Quang Trung, TP Vinh) đi chợ với mẹ từ năm còn học lớp 8. Thế rồi, cái nghiệp quang gánh gắn bó với chị gần 15 năm nay. “Cả năm buôn bán không có lấy một ngày nghỉ nên mấy chị em rủ nhau làm một bữa tiệc nhỏ ở chợ để mừng ngày 8/3. Buôn có bạn, bán có phường, hơn nữa đa số các tiểu thương ở đây đều là chị em phụ nữ nên ai cũng mong có một ngày Quốc tế phụ nữ ấm áp và đoàn kết hơn”, chị Thủy cho biết.
Bên cạnh lò than còn đỏ rực, bà Nguyễn Thị Liên (phường Cửa Nam, TP Vinh) vẫn ngồi lặng lẽ cẩn thận lật từng chiếc bánh đa cho đủ lửa. Với bà Liên thì ngày 8/3 cũng chẳng có gì đặc biệt, bởi gần 80 năm nay “ngày quốc tế phụ nữ cũng như ngày thường, tôi chỉ mong bán hết số bánh đa này thôi”. Nói là “gian hàng” nhưng chỗ bán hàng của bà cũng đơn sơ lắm. Chiếc quạt đã cũ kỹ, cái nồi nhôm đã thủng đáy, cái giỏ xách đã sứt một bên quai, chỉ thế thôi là đủ cho bà bán hàng cả ngày.
Niềm vui của bà Liên trong ngày 8/3 là bán được hàng
Mỗi chiếc bánh đa bà quạt bán cho khách chỉ lãi 500đ, tính ra mỗi ngày nếu đông khách bà cũng kiếm được dăm chục. “Tôi chỉ mong ông trời cho tôi sức khỏe để còn sức mà đi chợ bán hàng, hôm nay 8/3 mấy bà bán hàng cùng tôi rủ nhau nấu một bữa cơm nho nhỏ gọi là liên hoan ngày phụ nữ, thế là mừng lắm rồi chú à”, bà Liên vui vẻ tâm sự.
Biết các khu gian hàng tổ chức mừng ngày Quốc tế phụ nữ, Ban quản lý chợ Vinh đã tổ chức đoàn đi chúc các tiểu thương. Tại khu gian hàng rau, củ quả, chị Trương Thị Nhàn (một cán bộ phụ nữ phường Vinh Tân, TP Vinh) – cũng là một tiểu thương có “khiếu” ăn nói được các chị em giao cho nhiệm vụ làm người dẫn chương trình.
Buổi liên hoan mừng ngày Quốc tế phụ nữ trở nên ấm cúng, vui vẻ hơn khi những tiểu thương quanh năm “buôn thúng, bán mẹt” bỗng hóa thành những nghệ sỹ nghiệp dư. Những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” góp vui có khi không đúng nhạc hay quên lời nhưng vẫn nhận được những tràng pháo tay cổ vũ rộn rã.
Các tiểu thương vui vẻ trong ngày Quốc tế phụ nữ
Trò chuyện với chúng tôi, các chị đều tâm sự, dù bất kỳ làm việc gì thì phụ nữ trên quê hương Bác đều không ngừng giữ gìn, phát huy phẩm chất “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang. “Buôn bán cực nhọc nhưng niềm vui của chúng tôi là có cuộc sống gia đình được ấm no, hạnh phúc, các con chăm ngoan, học giỏi và trưởng thành”, chị Trương Thị Nhàn tâm sự.
Theo Dantri
Mẹ và nước non
Có nơi nào như đất nước tôi, sức mạnh VN bật lên từ những bà mẹ nuốt nước mắt vào trong để tiễn con lên đường đánh giặc. Một trong những bà mẹ ấy là Bà mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Liến, ở Cao Bằng.
Ở tuổi 94, tai mẹ Liến nghe rất kém. Nhưng chúng tôi rất ấn tượng trước vẻ đẹp đường bệ, chỉn chu của mẹ. Chiếc áo dài, vành khăn vấn của mẹ lưu giữ một nề nếp lễ giáo gia phong. Mẹ vui và cảm động khi biết chúng tôi từ TP.HCM ra tận Cao Bằng tìm gặp mẹ, làm phim về mẹ...
Chuyện kể của người con dâu
Cuộc đời bù đắp cho mẹ Nguyễn Thị Liến người con dâu hiếu thảo và đàn cháu ngoan. Đó là chị Nguyễn Thị Ương, năm nay 72 tuổi - nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Khâu Đồn, huyện Hòa An, đã nghỉ hưu. Chị Ương kể:
"Mẹ chồng tôi sinh được hai con. Con đầu mất, chỉ còn lại anh Xuân. Trước khi nhập ngũ, anh Xuân là hiệu trưởng Trường tiểu học Khâu Đồn. Chồng tôi rất tự hào vì đã được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha chồng tôi là một chiến sĩ tình báo, tham gia cách mạng trước năm 1945, khi anh ấy chưa chào đời. Ông nhận một công tác đặc biệt, từ Cao Bằng, vùng biên giới Đông Bắc, cứ đi ngược về phương Nam. Chồng tôi lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của mẹ, rất ít khi được gặp bố, ngay cả khi hòa bình. Dẫu vậy anh ấy rất yêu thương bố, tự hào về bố. Vì niềm tự hào ấy, năm 1964, đang sống yên bình, hạnh phúc bên vợ con, chồng tôi đã chọn con đường vào Nam chiến đấu chống Mỹ...".
Tôi hỏi mẹ Liến: "Có một đứa con duy nhất, sao mẹ sẵn lòng cho anh Xuân ra đi?!". Mẹ nói trong nước mắt: "Mẹ rất lo nhưng biết làm thế nào. Nửa đất nước còn mất, sao lại giữ con ở bên mình".
Mẹ Liến bên di ảnh con trai, liệt sĩ Hoàng Văn Xuân
Anh Xuân vào bộ đội, được đào tạo y sĩ, phục vụ trong một đơn vị quân y. Anh Xuân viết thư về cho vợ, kể về những cuộc chiến đấu ác liệt ở miền Nam. Nhưng rồi những lá thư thưa dần... Suốt mấy năm sau đó, chị Ương không nhận được thư chồng gửi về. Chị bồn chồn lo lắng, ngỡ anh đã hi sinh. Nhưng bất ngờ một ngày mùa xuân năm 1969, anh Hoàng Văn Xuân được đưa từ miền Nam trở ra Bắc để trị bệnh do sức ép của bom. Chị Ương mừng mừng tủi tủi gặp lại chồng trong lúc mẹ Liến đứng trong góc khuất lặng lẽ nhìn con trai và lau nước mắt. Rồi sau đó anh Xuân được phục viên, trở về nghề giáo viên cũ. Anh tiếp tục làm hiệu trưởng Trường Khâu Đồn. Gia đình mẹ Nguyễn Thị Liến được sum họp. Hai vợ chồng anh Xuân lại được sống bên nhau. Ngôi nhà của họ được sưởi ấm bởi niềm hạnh phúc giản dị. Nhưng rồi...
Chiến tranh không buông tha người thầy
"Con gái út tôi tên là Hoàng Ái Ly, nó sinh năm 1979...". Nói đến đó, chị Ương bỗng nghẹn ngào, đôi mắt long lanh ngấn lệ. Chị nói: "Tôi đặt tên con là Ái Ly vì nó có một ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu sự ly tan mãi mãi giữa vợ chồng tôi. Đó cũng là năm chồng tôi hi sinh và anh ấy vẫn chưa biết mặt con...". Cho đến giờ này, những ngày chiến tranh biên giới phía Bắc vẫn còn in đậm trong ký ức chị Ương. Chị không thể nào quên hình ảnh chồng mình - người lính làm cuộc Nam chinh năm nào giờ lại cầm súng bảo vệ biên giới phía Bắc trong vai người thầy. Ngôi nhà mẹ Liến ở Khâu Đồn và cả Trường tiểu học Khâu Đồn đều bị giặc đốt cháy. Vì thế, những người thầy như anh Xuân buộc phải cầm súng ra trận.
Đau nỗi đau mất chồng, chị Ương càng đồng cảm nỗi đau mất con của mẹ chồng. Trong lúc dẫn hai cháu đi sơ tán, mẹ Liến nghe tin đứa con trai duy nhất của mình hi sinh. Mẹ như hóa đá, chết lặng. Anh Xuân là tình yêu, là báu vật, là tất cả niềm hi vọng của cuộc đời mẹ. Nhưng cuộc sống của những đứa cháu bé bỏng khiến mẹ nén đau thương, lau nước mắt, cùng con dâu trở về dựng lại ngôi nhà cũ trên đống hoang tàn đổ nát, nhen nhúm lại sự sống.
Vĩ thanh
Thật bất ngờ, khi tôi nghe chị Nguyễn Thị Ương nói: "Mộ ông bây giờ ở Sài Gòn". Chị Ương ngậm ngùi kể: "Mẹ lấy chồng từ lúc tóc còn để chỏm. Ông hoạt động cách mạng bí mật. Vượt qua bao hiểm nguy, mẹ vẫn một lòng trung kiên, lo chăm sóc cha mẹ chồng, nuôi con. Khi nhận nhiệm vụ vào Huế, để đảm bảo vỏ bọc của một sĩ quan tình báo, trong hoàn cảnh phức tạp lúc ấy, ông phải kết hôn với một người phụ nữ khác, đành lỗi đạo với mẹ chồng tôi!".
Trái tim tôi nhói đau vì nỗi đồng cảm với mẹ Liến về một cuộc chia ly vĩnh viễn. Nhiệm vụ cách mạng đưa người chồng ngày càng xa người vợ, ngay cả khi chết đi. Đằng đẵng nhiều năm liền, mẹ sống trong nỗi đau chồng còn sống trên đời mà phải chia xa để thui thủi nuôi con thơ lớn lên. Mẹ đã hi sinh tình yêu của mình cho đại cuộc. Khi con trai hi sinh, nỗi đau của mẹ cộng hưởng lên rất nhiều lần. Cho đến lúc này, chúng tôi mới hiểu vì sao ở cái tuổi sắp khuất núi này mẹ có được vẻ đẹp sang trọng, đĩnh đạc và buồn rầu như thế...
Theo 24h
Ngày 8/3 trong "thế giới người điên" Ngày 8/3 đã đến, song với những người phụ nữ đang điều trị hay chăm nuôi cho bệnh nhân tâm thần vẫn bình thường như bao ngày khác. Vui, buồn bác sĩ chữa tâm thần Càng gần đến ngày 8/3, không khí ngoài đường càng trở nên tấp nập với cảnh mua bán, chuẩn bị các hoạt động chào mừng ngày Quốc tế...