Ngày 30.000 cuộc gọi hỏi “căn cước công dân làm từ lâu vẫn chưa được nhận”
Mỗi ngày có 20.000 cuộc gọi, cao điểm 30.000 cuộc gọi của người dân hỏi về các vấn đề liên quan đến CCCD gắn chip, đặc biệt là tình trạng căn cước làm từ lâu nhưng vẫn chưa được nhận.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại úy Đỗ Trung Thành – cán bộ của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Cục Cảnh sát Quản lý về trật tự xã hội (C06 – Bộ Công an) – cho biết: Bình quân mỗi ngày có khoảng 20.000 cuộc gọi của công dân đến tổng đài hỗ trợ giải đáp thắc mắc, tiếp nhận thông tin về cấp, trả căn cước công dân (CCCD) gắn chip (tổng đài 19000368 – PV) để hỏi các vấn đề liên quan, ngày cao điểm số cuộc gọi có thể lên tới 30.000.
Bình quân mỗi ngày tổng đài viên trả lời 1.400 cuộc gọi của công dân gọi đến (Ảnh: Nguyễn Dương).
Theo Đại úy Đỗ Trung Thành, phần lớn các cuộc gọi của công dân đến tổng đài đều hỏi về tình trạng thẻ CCCD gắn chip làm lâu nhưng vẫn chưa nhận được. Đối với những dạng câu hỏi này, cán bộ nghiệp vụ sẽ tra cứu dữ liệu và chuyển thông tin cho tổng đài viên, sau đó tổng đài viên sẽ trả lời cho công dân về tình trạng thẻ CCCD đang gặp vướng mắc ở khâu nào hoặc đã được trả về nơi tiếp nhận hồ sơ làm CCCD ở địa phương mà công dân chưa biết.
“Trước đây khi có thắc mắc về thẻ CCCD thì công dân không biết liên hệ qua kênh thông tin nào, liên hệ với đơn vị nào để biết được tình trạng thẻ CCCD của mình dù đã làm lâu nhưng chưa nhận được. Khi công dân liên hệ đến tổng đài, được tổng đài viên trả lời, giải đáp những thắc mắc, dù biết chưa có thẻ và phải chờ đợi, nhưng công dân cũng rất vui vẻ” – Đại úy Đỗ Trung Thành chia sẻ.
Tổng đài 1900.0368 hoạt động từ 7h30 đến 20h hàng ngày để nhận các cuộc gọi của người dân, giải đáp các thắc mắc liên quan đến CCCD và các nội dung khác thuộc C06 quản lý. (Ảnh: Nguyễn Dương).
Tổng đài 19000368 là do Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư xây dựng, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 6/1/2022.
Video đang HOT
Để đáp ứng nhu cầu thông tin của công dân về thẻ CCCD, theo Đại úy Đỗ Trung Thành, thời gian đầu tổng đài hoạt động từ 8h đến 17h30 hàng ngày, nhưng hiện nay đã kéo dài thêm thời gian, từ 7h30 đến 20h hàng ngày.
Tổng đài viên được cung cấp thông tin gì khi công dân gọi đến?
Nói về mục đích xây dựng tổng đài, Đại úy Đỗ Trung Thành cho biết, thời gian qua, trong quá trình sản xuất, cấp và quản lý CCCD gắn chip đã xuất hiện những phản ánh của người dân về việc họ đã làm thẻ CCCD từ lâu mà chưa được nhận. Những phản ánh này của người dân được lãnh đạo Bộ Công an, C06 rất quan tâm. Do đó, lãnh đạo C06 đã giao Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư nghiên cứu, tìm giải pháp để người dân có một kênh thông tin chính thống hỏi về các vướng mắc liên quan đến CCCD.
Khi công dân gọi đến, cán bộ nghiệp vụ sẽ tra cứu dữ liệu và chuyển thông tin cho tổng đài viên, sau đó tổng đài viên sẽ trả lời cho công dân (Ảnh: Nguyễn Dương).
“Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư đã đề xuất với lãnh đạo C06, Bộ Công an cho xây dựng tổng đài 19000368. Trước mắt tổng đài này sẽ giải đáp các thắc mắc của công dân liên quan đến thẻ CCCD. Khi tổng đài đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ mở rộng giải đáp các thắc mắc của người dân liên quan đến dữ liệu về dân cư, dịch vụ hành chính công, nói chung là các vấn đề liên quan đến lĩnh vực của C06 quản lý” – Đại úy Đỗ Trung Thành nói.
Đại úy Đỗ Trung Thành chia sẻ thêm, giai đoạn hiện nay, vấn đề thẻ CCCD gắn chip vẫn được rất nhiều người quan tâm, lượng cuộc gọi về tổng đài rất lớn. Có những cuộc gọi công dân phải kéo dài từ 10-15 phút, thậm chí một người thực hiện nhiều cuộc trong thời gian ngắn nên dẫn đến việc tiếp nhận trả lời của tổng đài chưa được cao như mong muốn.
Ngoài ra, các tổng đài viên cũng gặp những câu hỏi rất đa dạng của công dân gọi đến, trong khi nội dung này dữ liệu của hệ thống chưa cập nhật hoặc không được phép cập nhật vì lý do bảo mật. Đối với những câu hỏi khó, vướng mắc đặc biệt của công dân, tổng đài viên sẽ lưu lại câu hỏi và chuyển cho cán bộ C06 xử lý, sau đó trả lại người dân sau 3 ngày.
Những câu hỏi khó của công dân gọi đến, các tổng đài viên sẽ ghi chép lại chuyển cho cán bộ C06 xử lý và trả lời công dân sau. (Ảnh: Nguyễn Dương).
“Các tổng đài viên đều được đào tạo nghiệp vụ, khi tiếp nhận các cuộc gọi phải xác định người hỏi có “chính chủ” hoặc hỏi cho người thân gia đình mà không có khả năng gọi, giao tiếp qua điện thoại thì tổng đài viên mới trả lời. Khi công dân hỏi về CCCD, tổng đài viên chỉ được phép trả lời tình trạng thẻ như nào, chứ không được phép cung cấp thông tin trên thẻ, nhằm tránh làm lộ thông tin cá nhân của công dân” – Đại úy Đỗ Trung Thành cho biết.
Để khắc phục những khó khăn nói trên và giảm tải cho tổng đài, C06 đã yêu cầu các địa phương thành lập đường dây nóng tới tận cấp xã để giải đáp thắc mắc cho người dân về căn cước công dân và thông tin dân cư. Sắp tới sẽ công khai các số điện thoại đường dây nóng này trên trang Fanpage của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đại úy Đỗ Trung Thanh chia sẻ thêm, để tổng đài phục vụ người dân được tốt hơn nữa, đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình trao đổi thông tin với người dân, để các cuộc gọi được giải quyết ngắn gọn, trúng vấn đề của công dân, tránh mất thời gian của công dân cũng như để trả lời được nhiều người dân hơn.
Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư cũng đang nghiên cứu một số giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để trả lời tự động những vướng mắc của người dân liên quan đến vấn đề trả thẻ căn cước công dân. Ngoài ra, Trung tâm đang nghiên cứu mở rộng tổng đài, tăng thêm nhân sự và máy móc thiết bị để đáp ứng giải quyết tối đa những vướng mắc của người dân.
Trước câu hỏi về việc nhiều người dân có ý kiến nên lập website hoặc app để công dân có thể tự tra cứu tình trạng hồ sơ của mình. Tuy nhiên, theo Đại úy Đỗ Trung Thanh, việc đưa thông tin căn cước công dân lên mạng để người dân tra cứu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân.
99,5% số doanh nghiệp ở Hà Nội thực hiện thành công hóa đơn điện tử
Nhận thức được những ưu điểm vượt trội của hóa đơn điện tử trong việc quản lý, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, nên ngay từ khi có chủ trương triển khai, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tập trung tổ chức thực hiện và đến nay luôn là một trong đơn vị đi đầu trong triển khai hóa đơn điện tử.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Năm 2021, tổng số thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn do Cục Thuế TP. Hà Nội quản lý ước đạt 241.401 tỷ đồng, bằng 111,3% dự toán pháp lệnh. Để có được kết quả đáng khích lệ trên, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến nguồn thu, Cục Thuế TP. Hà Nội đã linh hoạt, sáng tạo, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế vượt qua khó khăn để tiếp tục duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa nuôi dưỡng nguồn thu.
Theo Cục Thuế TP. Hà Nội, góp phần vào kết quả tích cực trong thực hiện dự toán thu năm 2021, bên cạnh sự chủ động trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, giải pháp của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, thì đơn vị đã thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các chức năng quản lý thuế. Đặc biệt, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tập trung thực hiện và đạt được kết quả khả quan trong việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính prhu khi đã hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao.
Cụ thể, nhận thức được những ưu điểm vượt trội của hóa đơn điện tử trong việc quản lý, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, nên ngay từ khi có chủ trương triển khai, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tăng tường công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện và luôn là một trong đơn vị đi đầu trong triển khai hóa đơn điện tử.
Cục Thuế TP. Hà Nội đã đặt mục tiêu phấn đấu đến 31/3/2022 triển khai hóa đơn điện tử đến 100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ.
Để thực hiện mục tiêu trên, UBND TP. Hà Nội chia các mốc thời gian thực hiện gồm: Từ ngày 25/10 đến 5/11/2021, lựa chọn và triển khai cho 1.000-1.500 doanh nghiệp; Từ ngày 10/11/2021 đến 31/12/2021, tỷ lệ người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử đạt 80% đối với doanh nghiệp, tổ chức đã thông báo phát hành hóa đơn điện tử và đã sử dụng hóa đơn điện tử.
Tính đến hết ngày 31/12/2021 đã có 99,5% số doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký và thực hiện thành công hóa đơn điện tử. Như vậy, Cục Thuế TP. Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ, và vượt chỉ tiêu được giao (Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến hết ngày 31/12/2021, 6 địa phương triển khai giai đoạn 1 phải hoàn thành tối thiểu 70% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử).
Bên cạnh đó, hiện Trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử của Cục Thuế TP. Hà Nội đã được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cơ sở vật chất; kết nối trực tuyến thông suốt 24/24 với hệ thống trung tâm điều hành của Tổng Cục Thuế, hạ tầng truyền thông ngành Tài chính. Qua đó, đảm bảo kênh truyền tải thông tin liên tục, thông suốt giữa người nộp thuế - Cục Thuế - Tổng cục Thuế, góp phần hỗ trợ xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc của người nộp thuế, thúc đẩy bao phủ sử dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn.
Năm 2022, Cục Thuế TP. Hà Nội được giao dự toán thu NSNN 289.750 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 24% tổng thu ngân sách nội địa cả nước, đứng đầu toàn quốc. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, tập trung triển khai có hiệu quả chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và UBND TP. Hà Nội, bao gồm các gói hỗ trợ và giải pháp điều hành, triển khai truyền tải thông tin thông qua các biện pháp tuyên truyền qua website cục thuế, báo đài, gửi email, điện thoại hướng dẫn các thủ tục tới từng doanh nghiệp, người nộp thuế.
Cơ quan thuế sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, người nộp thuế; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của hoạt động quản lý thuế, trong giải quyết thủ tục hành chính thuế và quản lý nội ngành; tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ thuế điện tử, hoá đơn điện tử.
Phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được, tập thể cán bộ, công chức toàn đơn vị sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí, chủ động, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác thuế năm 2022 được giao, đóng góp nguồn thu quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô cũng như của cả nước.
Hà Nội: Quận Cầu Giấy thành vùng cam khi có 7/8 phường ở cấp độ 3 Lãnh đạo quận Cầu Giấy (Hà Nội) xác nhận số ca F0 đang tăng, hiện có 7/8 phường ở cấp độ 3, quận chuyển màu cam và sẵn sàng chuyển trạng thái theo cấp độ mới. Sáng 7/1, tại phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội, đại diện quận Cầu Giấy thông tin: Các ca mắc...