Ngấp nghé vô địch EURO, mấy ai biết Anh từng là nạn nhân của trận đấu “khét lẹt” nhất lịch sử
Đấy được coi là trận đấu bất ngờ nhất trong lịch sử World Cup, khi ứng cử viên vô địch lớn nhất bị hạ bởi đội bóng “vô danh”, bởi một cầu thủ… không hề biết đá bóng.
Trận đấu ấy đã và sẽ mãi là vết son chói lọi trong lịch sử của một trong những quốc gia vĩ đại nhất trên thế giới. Còn người hùng là nhân vật trung tâm xuyên suốt 90 phút của “trận đấu cuộc đời” này, thậm chí còn chưa từng tung nổi bất kỳ một cú sút nào trên sân cỏ…
Ngày 29 tháng 6 năm 1950, có một bức điện tín từ thành phố Belo Horizonte, Brazil vượt Đại Tây Dương về đến London của nước Anh với nội dung thông báo về kết quả trận đấu thuộc lượt trận thứ hai của VCK World Cup 1950 giữa Anh và Mỹ.
Tất cả các biên tập viên của những tờ báo hàng đầu của xứ sở sương mù đều phàn nàn về lỗi sơ đẳng của người soạn bức điện tín khi ghi tỷ số trận đấu là 0-1, và đều thống nhất chữa lại với tỷ số chính xác phải là 10-1.
Cũng chả trách, ai mà có thể ngờ được một đội tuyển Anh hùng mạnh với những Alf Ramsey, Roy Bentley, Tom Finney, Stan Matthews… lại có thể thất bại trước một đội bóng nghiệp dư hạng nặng như Mỹ, với đội tuyển quốc gia chỉ được tập trung trước ngày khai mạc giải có 10 ngày, với mục đích giao lưu và… du lịch là chính, thậm chí chút xíu nữa còn không có cả trang phục thi đấu vì may không kịp, với tỷ lệ chiến thắng theo các nhà cái đưa ra là 1 ăn 500.
Thật tình, người Anh, cũng như giới chuyên môn và các nhà cái không hề chủ quan hay cảm tính khi tin tưởng tuyệt đối vào một chiến thắng đậm đà cho đội bóng đến từ cái nôi của bóng đá thế giới, duy chỉ có một điều họ không hề nghĩ tới – nước Mỹ có Frank Borghi.
Chào đời năm 1925 tại St. Luis thuộc tiểu bang Missouri trong một gia đình người Mỹ gốc Italia, thể thao dường như nằm trong máu của Frank Borghi, khi rất nhiều những cậu nhóc láng giềng trên phố Dagget, thuộc khu The Hill của ông – nơi bóng đá đặc biệt phổ biến, mà tiêu biểu nhất là Virgino Pariani đều lần lượt được điền tên trong bảo tàng bóng đá Hoa Kỳ.
Nhưng thật ra, môn thể thao đầu tiên và yêu thích của ông lại là bóng chày, môn thể thao hàng đầu của quốc gia này.
Tài năng thể thao của Frank Borghi sớm được phát lộ giúp ông có được bản hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp từ khi còn là một cậu thiếu niên, và chỉ bị gián đoạn sau hai năm chơi bóng, khi một quan chức của đội bóng chày ông đang chơi đến nhà để gia hạn hợp đồng, nhưng bị mẹ của Frank Borghi đuổi thẳng cổ vì theo bà: ” Thằng bé cần được tập trung vào việc học hành hơn là cứ cắm đầu vào trò thể thao vô bổ “.
Năm 1942, với sự kiện Nhật Bản tập kích quân đội Mỹ tại Trân Châu Cảng, nước Mỹ có một cuộc tổng động viên lớn để chính thức đặt chân vào chiến tranh thế giới lần thứ hai. Frank Borghi lên đường tòng quân và được biên chế vào đội quân cứu thương, trực tiếp tham gia tại chiến trường châu Âu.
Video đang HOT
Trong suốt ba năm quân ngũ, ông đã không ít lần cận kề với những mặt trận khốc liệt nhất tại Đức, được tưởng thưởng bằng hai huy chương Trái tim tím và hai Ngôi sao đồng cho những chiến công của mình.
Chiến tranh kết thúc, không còn sự ngăn trở của mẹ, Frank Borghi quay lại với niềm đam mê thể thao của mình. Sau hai mùa thi đấu ở một giải bóng chày nhỏ, bước ngoặt cuộc đời đến với Frank Borghi khi ông quyết định chơi thêm bóng đá để giữ gìn phong độ trong mùa đông.
Khó khăn lập tức đến với ông khi “cầu thủ” Frank Borghi không thể đá nổi, dù chỉ là một quả bóng. Không biết cách đỡ bóng, khống chế, chuyền ban hay dứt điểm… nói chung là hầu như bất cứ kỹ năng nào của bóng đá, nhưng sự nhanh nhẹn, cộng với sự linh hoạt trong phố hợp giữa mắt và tay – yếu tố quyết định của môn bóng chày, đã nhanh chóng đưa đẩy ông tới vị trí thủ môn.
Trong suốt cuộc đời bóng đá của mình, ông cũng chỉ ném bóng lên để phát động tấn công, chứ chưa hề sút một cú phát bóng nào.
Thể hình cao lớn (Frank Borghi cao 1m94), bản tay cực to, cộng với phản xạ nhanh nhẹn và đầy kỹ năng khiến ông gần như ngay lập tức lọt vào mắt xanh của những tuyển trạch viên CLB bóng đá Simpkins-Ford. Cùng nhau, ông và CLB lập tức dành được hai chức vô địch giải bóng đá US Open Cup để lập tức được gọi vào đội tuyển quốc gia tham dự VCK World Cup 1950 tại Brazil.
Trở lại với trận đấu, trong khi đội tuyển Anh sớm có được chiến thắng 2-0 trước Chile, thì Mỹ cũng nhanh chóng thua 1-3 trước TBN ở loạt trận đầu tiên. Người Anh tự tin vào một chiến thắng nữa đến mức để ngôi sao sáng nhất lúc bấy giờ là Stan Matthews “nghỉ ngơi” cho những vòng đấu tiếp theo.
Mười nghìn khán giả đã đến sân Magalhaes Pinto để xem trận đấu này, mà không hề biết rằng họ là những người cực kỳ may mắn khi được chứng kiến trận đấu “kỳ diệu” nhất trong lịch sử World Cup.
Năm 2005, điện ảnh Mỹ đã tái hiện trận đấu lịch sử này bằng bộ phim “Trận đấu của cuộc đời”, trong đó tài tử người Scotland – Gerrard Butler đóng vai chính theo nguyên mẫu của thủ môn Frank Borghi.
Đội tuyển Mỹ ra sân với mục tiêu “chỉ” thua khoảng 4, 5 bàn, điều này cũng hoàn toàn hợp lý khi đội tuyển Anh đang giữ kỷ lục với 23 trận thắng, 4 trận thua và 3 hòa. Họ cũng là đội bóng được đánh giá cao nhất cho chức vô địch World Cup với tỷ lệ 1 ăn 3.
Như thường lệ, các cầu thủ Anh ngay lập tức trấn áp đối phương bằng những pha hãm thành liên tục. Chỉ trong vòng 12 phút đầu tiên, người Anh đã có 6 cú dứt điểm, trong đó Frank Borghi có một pha cứu thua ngoạn mục, và hai tình huống bóng tìm đến cột dọc khung thành của ông.
Joe Gaetjens đánh đầu mở tỷ số cho đội tuyển Mỹ.
Tám phút trước giờ giải lao, bước ngoặt của trận đấu xuất hiện. Từ cự ly 23m, Walter Bahr tung cú dứt điểm vào góc trái khung thành của thủ môn người Anh Bert Williams, trong khi thủ môn này di chuyển để bắt bóng, Joe Gaetjens kịp lẻn xuống bay người đánh đầu hướng bóng vào góc đối diện. 1-0 cho đội tuyển Mỹ. Cả sân vận động như vỡ òa với những tiếng hò reo.
Ở phía cầu môn của mình, Frank Borghi chết lặng người trong sự sợ hãi: ” Lạy Chúa, sự trả thù của người Anh sắp đổ sập xuống đầu mình mất “.
Toàn bộ hiệp đấu thứ hai chứng kiến sự chống trả kiên cường của đội tuyển Mỹ với một đội tuyển Anh sôi sục tấn công để ghi bàn bằng mọi giá. Những cú phạm lỗi như trong môn bóng bầu dục khiến người Mỹ liên tiếp phải chịu những quả đá phạt ở cự ly gần. Nhưng họ vẫn còn đấy Frank Borghi.
Đồng đội của ông Harry Keough đã mô tả lại một pha cứu bóng của ông trên Washington Post vào năm 1994: ” Borghi vươn người bay theo quả bóng, bàn tay trần của ông xòe rộng và cong theo hướng trái bóng bay. Khi người Anh nghĩ rằng quả bóng đã qua vạch vôi, cũng là lúc Borghi vươn tay đến được trái bóng để ngăn nó bay tiếp. Đó quả là một cảnh tượng hùng vĩ “.
Với hai lần bóng đập cột dọc, 20 cú dứt điểm, trong số đó có khá nhiều đến từ những tình huống đá phạt trực tiếp với cự ly gần, song tất cả đều bị Frank Borghi “mua đứt”, người Anh trắng tay.
Tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên cũng là lúc cả đội Anh đứng như trời trồng, không thể tin vào điều vừa xảy ra. Mười sáu năm sau, người Anh lần đầu tiên và duy nhất đoạt được chức vô địch World Cup.
Bốn mươi năm sau trận đấu này, người Mỹ mới lại một lần nữa tham dự VCK World Cup, lần này với tư cách chủ nhà.
Với 9 lần khoác áo đội tuyển Mỹ, Frank Borghi được vinh danh tại Bảo tàng bóng đá quốc gia vào năm 1976.
Vài năm sau trận đấu, trong một lần gặp gỡ tại St Luis, Stan Matthews trao cho Frank Borghi một tấm card visit với đầy đủ danh xưng “Sir Stanley Matthews”, Borghi cười khúc khích khi viết trao lại cho huyền thoại bóng đá Anh tấm card visit với dòng chữ “Sir Frank Borghi”.
Bóng đá và những chuyện... tầm phào
Bóng đá luôn có những câu chuyện tưởng như tầm phào nhưng đặc biệt thú vị mà thật khó có thể thấy ở một môn thể thao nào khác.
Chính những điều đó giúp bóng đá hấp dẫn hơn và đương nhiên, làm nên giá trị của nó. Bởi, ở thế giới đó, người ta không chỉ xem một trận đấu, mà còn cùng hào hứng lắng nghe biết bao câu chuyện.
Mỗi cá thể trong làng bóng đá luôn mang theo những câu chuyện của riêng mình. Nó tạo nên một thế giới đầy màu sắc bên cạnh trái bóng. Và khi bóng đá trở thành một ngành công nghiệp thu hút truyền thông, tiền bạc và giúp các cầu thủ nổi tiếng hơn cả những nhân vật showbiz, thì mọi câu chuyện về họ đều trở thành những thông tin đắt giá. Cả thế giới đều biết đến tạp chí The Sun của Anh, tờ báo đi đầu trong việc biến những thông tin bên lề, những chuyện bí mật của giới bóng đá thành tiền. Họ thành công rực rỡ và đến giờ vẫn là một trong những tờ báo thể thao hàng đầu nước Anh. Rất nhiều người coi The Sun là báo lá cải, nhưng đó đều là những câu chuyện có thật, được đầu tư tìm hiểu kỹ lưỡng. Và những thông tin ở đây cũng có rất nhiều giá trị, thậm chí doanh thu của những thông tin kiểu The Sun còn áp đảo cả những thông tin chính thống khác.
Càng ngày, thông tin càng nhanh và chính xác, có lẽ vì thế mà gần đây, người ta mới phát hiện ra và âm thầm công nhận một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử World Cup, đó là kỳ World Cup 1982. Thời điểm đó báo chí còn hoang sơ nên không ai nhận ra rằng huyền thoại của bóng đá Chile là Elias Figueroa là cầu thủ duy nhất trong lịch sử World Cup thi đấu với tư cách là... ông nội! Năm đó, Figueroa 35 tuổi, có con gái 18 tuổi và cô đã thăng chức cho ông ngay trước kỳ World Cup 1982.
Một kỷ lục khác cũng mới được thống kê và công nhận cách đây không lâu, đó là cầu thủ nặng nhất thi đấu chuyên nghiệp. Và điều đặc biệt đây là kỷ lục khó phá nhất lịch sử bóng đá liên quan tới Wilhelm Foulke. Khi bắt gôn cho Chelsea năm 1908, ông cao 2m06, nặng 170 kg. Với chỉ số cơ thể như thế này, chắc chắn kỷ lục của ông Foulke sẽ mãi mãi tồn tại.
Một chuyện kỳ lạ nữa đã được tiết lộ cách đây hơn 10 năm, đó là chuyện đội tuyển Mỹ tham dự World Cup 1950 tại Brazil. Giải đấu năm ấy, Mỹ gây sốc toàn thế giới khi họ đánh bại đội tuyển Anh 1-0. Một đất nước mà bóng đá không ai xem đã đánh bại nơi sản sinh và cũng là một cường quốc bóng đá thì sốc quá còn gì. Và chính vì ở Mỹ chẳng ai xem đá bóng, nên cũng ít người chơi bóng đá và đội tuyển thi đấu World Cup năm ấy cũng... không ai quen ai, cho đến ngày tập hợp trước khi lên đường sang Brazil thi đấu.
Câu chuyện oái oăm nhất diễn ra rất ly kỳ. Và đó thật sự là sản phẩm của truyền thông kiểu "lá cải". Đó là Davide Nicola, ngôi sao của CLB Genoa và hiện nay là HLV của CLB Torino đang chơi ở Serie A. Năm 2000, trong trận đấu của Genoa, sau khi ghi bàn vào lưới Atalanta, Nicola ăn mừng kiểu độc nhất vô nhị, một màn ăn mừng mà chắc chắn không ai dám làm: chạy ra ngoài đường pitch và... hôn say đắm nữ cảnh sát đang làm nhiệm vụ. Trận đấu được truyền hình trực tiếp và hậu quả thì ai cũng rõ. Anh suýt bị vợ ly dị ngay sau trận đấu ấy. Sau này, khi làm HLV CLB Crotone năm 2017, cũng chính ông Nicola lại trót chơi dại khi tuyên bố trước báo chí rất hùng hồn rằng, nếu CLB Crotone mà trụ hạng tại Serie A thành công, ông sẽ đạp xe từ Crotone về quê nhà Turin cho chất. Chắc Nicola nghĩ rằng đội bóng sẽ chẳng thể trụ hạng được vì sau lượt đi họ có đúng... chín điểm. Ấy thế mà chả hiểu sao các cầu thủ sau khi nghe Nicola thề thốt đã phấn khởi quá nên đá cực hay ở lượt về và trụ hạng thành công. Kết quả là Nicola đã phải đạp xe về Turin với quãng đường 1.300 km. Và khi hoàn thành chặng đường, tại quê nhà, ông được khoảng gần 500 người đứng vẫy cờ hoa chào đón như một VĐV đua xe đạp về nhất chặng. Tuy nhiên, nói vui vậy nhưng đó là thử thách cực lớn với Nicola. Ông đã đánh bại nỗi sợ hãi và tạo ra câu chuyện mang đầy thông điệp về lòng can đảm. Bởi trước đó ba năm, Nicola đã từng trải qua nỗi đau lớn khi mất đi cậu con trai 14 tuổi, cậu bị xe bus đâm phải trong lúc đang đi xe đạp.
Davide Nicola giữ lời hứa đạp xe 1.300 km. Ảnh trong bài: Getty
Bóng đá cũng mang lại những điều kỳ diệu, ở đó truyền thông mới có thể tìm hiểu và công bố những câu chuyện như trận vòng 1/8 tại World Cup 1998 giữa Argentina và Anh. Ngay sau khi câu chuyện này được phát hiện, nó đã tạo ra một giai thoại lớn. Bàn thắng gỡ hòa 2-2 của Javier Zanetti cho Argentina đã cứu mạng một công tố viên ở Ba Lan. Người này có tên là Narek Kopaczen, ông có thói quen rất đúng giờ và làm việc đúng quy định hằng ngày: dắt chó đi dạo, ăn tối, rồi lái xe đến đồn cảnh sát gần nhà. Đang xử lý vụ việc một băng nhóm tội phạm chuyên trộm, phá xe và bị nhận nhiều lời đe dọa từ băng nhóm này, nhưng Kopaczen vẫn làm việc và không khoan nhượng. Theo đúng lịch trình thì khi trận Argentina và Anh kết thúc 90 phút, ông sẽ lên xe đến sở cảnh sát. Nhưng bàn thắng của Zanetti đã khiến cuộc đấu hấp dẫn phải kéo dài đến loạt luân lưu. Ngay khi hai đội bước vào hiệp phụ, chiếc xe hơi của Kopaczen phát nổ. Ai cũng biết rằng, nếu Zanetti không ghi bàn gỡ hòa để trận đấu phải kéo dài, Kopaczen đã chết trong chiếc xe của mình. Sau đó, Kopaczen đã viết một bức thư cảm ơn đến Zanetti vì cầu thủ này đã cứu mạng của mình.
Bóng đá là vậy, đôi khi những câu chuyện bên lề, những chi tiết tưởng như tầm phào lại là những bài học, những điều đáng nhớ trong cuộc sống.
Khi Lee Nguyễn vẫn là ngôi sao V-League Trở lại sau hơn 10 năm, Lee Nguyễn vẫn chưa có đối thủ xứng tầm ở V-League dù đã ở tuổi xế chiều. Nếu cần phải tìm một ai đó làm thước đo về đẳng cấp của cầu thủ Việt Nam, thì so sánh với Lee Nguyễn có lẽ sẽ mang đến sự chính xác tương đối, với chiều cao khiêm tốn, hình...