Ngập bia rượu, người Việt hao gầy
Năm 2015, gần 3,4 tỉ lít bia được tiêu thụ tại Việt Nam, tăng khoảng 1 tỉ lít so với năm 2010. Việc sử dụng rượu bia ở mức cao đang tàn phá sức khỏe người Việt.
Sáng 8-9, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố kết quả điều tra quốc gia năm 2015 về các yếu tố, nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam với nhiều chỉ số đáng lo ngại.
Nhậu “vô địch”
Chia sẻ kết quả điều tra trên gần 3.900 người Việt từ 18-69 tuổi, ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia WHO tại Việt Nam, cho biết có tới 77,3% nam giới và 11% nữ giới sử dụng rượu bia (trong 30 ngày gần thời điểm được hỏi). Theo thống kê, mức tiêu thụ rượu bia của người Việt tăng liên tục trong 5 năm qua, riêng năm 2015 là gần 3,4 tỉ lít bia. Cùng với số lượng bia khổng lồ, người Việt cũng uống hơn 342 triệu lít rượu. Độ tuổi sử dụng rượu bia nhiều nhất nằm trong nhóm 18-29.
Trước đó, một nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế – Bộ Y tế năm 2013 cũng cho thấy với hơn 3 tỉ lít bia được tiêu thụ trong năm đã đưa Việt Nam xếp thứ nhất khu vực ASEAN, thứ ba châu Á và là 1 trong 25 nước uống nhiều rượu bia nhất thế giới.
Sức khỏe của người Việt đang có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại do những thói quen có hại
Ông Nguyễn Phương Nam, chuyên gia WHO tại Việt Nam, cho rằng điều đáng lo ngại là độ tuổi của những người sử dụng rượu bia ngày càng trẻ. Trong đó, tỉ lệ sử dụng ở mức nguy hại chiếm tới 44,2% nam giới và 1,22% nữ giới. “Mức nguy hại tức là người đó nạp từ 6 đơn vị cồn trở lên trong một lần uống rượu bia (tương đương 6 cốc bia và gần 200 ml rượu mạnh). Đáng nói là người Việt quan niệm rằng có rượu bia mới tạo quan hệ bạn bè, có lợi cho việc làm ăn, xả stress, thậm chí đến 97% nam giới cho rằng uống bia… mát, không có hại” – ông Nam lo ngại.
“Bia hay rượu đều là đồ uống có cồn. Như vậy, nếu uống một lượng cồn lớn trong thời gian ngắn sẽ làm tăng gánh nặng cho gan khiến gan phải làm việc vất vả để đào thải độc tố. Các thống kê cho thấy hơn 70% trường hợp tử vong do xơ gan có sử dụng rượu bia. Bên cạnh những gánh nặng về bệnh tật thì lạm dụng rượu bia còn là nguyên nhân hàng đầu gây ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Việt Nam (chiếm khoảng 60%), gần 70% các vụ bạo lực gia đình.
Video đang HOT
Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam còn khá nhiều khoảng trống về pháp lý trong việc phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia như thiếu các quy định về quản lý sản xuất bia cũng như quảng cáo khuyến mại, tài trợ rượu bia. “Hiện chúng ta chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, còn lại được quảng cáo như hàng hóa, dịch vụ bình thường nên không hạn chế về đối tượng tiếp cận, nội dung và thời gian” – bà Hoàng Anh nêu.
Lười ăn rau
Bên cạnh những con số đáng báo động về tỉ lệ sử dụng rượu bia, kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy sức khỏe của người Việt đang có những dấu hiệu đáng lo ngại. WHO khuyến cáo mỗi người nên ăn ít nhất 5 suất rau, trái cây (khoảng 400 g) hằng ngày để phòng bệnh ung thư, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác. Thế nhưng, theo TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, kết quả điều tra cho thấy hơn 57% dân số trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây so với khuyến cáo. Trong khi đó, người dân lại ăn quá nhiều muối, gấp đôi (9,4 gam/ngày) so với lời khuyên của WHO (5 gam/ngày). Việc ăn nhiều muối là yếu tố dẫn đến nguy cơ gây tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác. Thêm vào đó, có đến 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực. Các thói quen này là nguy cơ dẫn đến bệnh thừa cân béo phì, tăng đường huyết, tăng huyết áp và cholesterol. Đây là những nguyên nhân làm cho 15,6% dân số Việt đang thừa cân béo phì. Tỉ lệ béo phì ở thành thị gần gấp đôi nông thôn. Ngoài ra, cũng theo kết quả điều tra này, có tới 23% nam giới, 14,9% nữ giới bị bệnh tăng huyết áp; 3,6% dân số có rối loạn đường huyết lúc đói và tỉ lệ tăng đường huyết là 4,1%; 30,2% có tăng cholesterol máu…
Dẫn chứng về tác dụng của rau, hoa quả đối với những người mắc bệnh mãn tính không lây, TS Cao Thị Thu Hương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khuyến cáo những người mắc bệnh tiểu đường cần giảm lượng tinh bột nạp vào cơ thể và nên sử dụng nhiều rau, hoa quả. Ngay trong bữa ăn, với những người bị tiểu đường, cao huyết áp thì không nên ăn cơm trước mà ăn rau “lót dạ” để giảm cảm giác “thèm” tinh bột.
Chi phí cho bệnh không lây nhiễm quá cao!
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam có điều tra quy mô về bệnh không lây nhiễm (KLN) với sự tham gia của gần 4.000 người trong độ tuổi từ 18-69, được tiến hành từ tháng 8 đến tháng 10-2015 tại 63 tỉnh, thành. Những con số điều tra cho thấy nếu người dân Việt không thay đổi lối sống thì sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh KLN như: ung thư, tiểu đường, tim mạch và các bệnh mãn tính đường hô hấp. Năm 2012, các bệnh KLN chiếm 73% các ca tử vong ở Việt Nam và 66% tổng chi phí y tế. Chi phí cho bệnh KLN cao gấp 40-50 lần bệnh lây nhiễm do phải dùng các kỹ thuật cao, thuốc đắt tiền, dễ biến chứng và điều trị trong thời gian kéo dài.
Theo Người Lao Động
Độc đáo bản mang họ Bác Hồ nói không với bia rượu
Trong khi dưới xuôi đang chật vật kiềm chế "ma men" thì tại bản Cu Pua đã "nói không" với bia, rượu, thuốc lá.
"Người hùng" Hồ Ê Nót tuyên truyền về tác hại của bia rượu
Trong khi dưới xuôi đang chật vật kiềm chế "ma men" thì tại bản Cu Pua, xã Đắk Rông, huyện Đắk Rông, Quảng Trị cả chục năm nay, cộng đồng người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác Hồ đã "nói không" với bia, rượu, thuốc lá. Tất cả tiệc tùng, hiếu hỉ tại đây chỉ có nước ngọt nhưng niềm vui vẫn đong đầy. Bản nghèo nhưng bình an vì vắng bóng TNGT.
Sợ rượu, bia hơn cả ma rừng
Chiều về, từng nếp nhà bản Cu Pua nằm nép dưới mây phủ, dưới chân rừng đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Anh Hồ Ê Nót (43 tuổi) phụ trách y tế thôn bản niềm nở đón tiếp khách lạ. Đập vào ngay mắt chúng tôi, bài thơ Rượu xui đủ điều cùng dòng khẩu hiệu "Chỗi nguáiq blõng tâng dông - Vil tơ bữn blõng bia" được anh Nót treo nổi bật ngay giữa nhà. Anh Nót lý giải: Tiếng dân tộc có nghĩa là "Không rượu bia trong nhà - Làng không rượu, bia". Không riêng nhà tôi, ở đây nhà nào cũng treo cái bảng này như để răn dạy, nhắc nhở nhau. Ban đầu cái miệng, cái bụng cũng thèm lắm nhưng "cai miết" thì quen. Ở bản này, nhắc đến rượu, bia, giờ người dân còn sợ hơn cả ma rừng.
Như sợ khách không tin, anh Nót đánh một vòng xe chở chúng tôi từ cụm 1 bên kia sông Đắk Rông đến cụm A Tơng nằm sâu giữa đại ngàn, ra cả trung tâm bản Cu Pua ở cạm A Tơi, dọc QL9... tuyệt nhiên không có quán nhậu nào. Thay vào đó chỉ là những quầy bày bán măng rừng, bơ, dứa và cả những con cá suối. "Khi chưa có phong trào nói không với bia, rượu, người dân bản uống rượu bia nhiều lắm. Nhiều như cái cây, con suối trong rừng vậy. Lý do gì người dân cũng nhậu được. Ngày mừng lúa mới hay ma chay, cưới hỏi, cả làng mở hội ăn nhậu thâu đêm suốt sáng. Chuyện vui buồn người ta bắt phạt nhau bằng rượu. Nó thành cái lệ, tập tục của bản rồi", anh Nót kể. bản thân Hồ Ê Nót lên 10 tuổi đã biết hút thuốc, "xài" bia, rượu như người lớn và trở thành "con nghiện" lúc nào không hay.
Đến khi lấy vợ, Nót vẫn suốt ngày rượu chè say xỉn khiến kinh tế gia đình ngày càng đi xuống, thậm chí nhà còn ít gạo Nót cũng lén đem đi bán để có tiền mua rượu, thuốc lá. Cho đến một ngày, khi thấy đứa con thơ khóc ngặt nghẽo vì đói, hay nhìn cảnh người dân bản đói khổ vì rượu, gây gổ, mất trật tự, thậm chí chứng kiến cảnh người thân bị TNGT vì bia, rượu khiến Ê Nót bừng tỉnh. Anh Nót tâm sự: Tôi là người duy nhất của bản Cu Pua học nhiều cái chữ (lớp 6/12), lại được cha mình truyền dạy kinh nghiệm chữa những căn bệnh thông thường như kiết lỵ, rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng, dạ dày... nên được người dân tín nhiệm. Muốn thế mình phải làm gương. Cái gì xấu phải tập bỏ trước rồi tuyên truyền, vận động bà con. Ám ảnh bản "nghiện rượu" dần dần lùi vào dĩ vãng.
Đường vào bản Cu Pua
"Người hùng" cai rượu
"Đừng tưởng uống rượu là vui/ Khi đã quá chén rượu xui đủ điều/ Từ lương thiện trở thành liều/ Đã bao nhiêu vụ gây nhiều nỗi đau...", anh Nót cao hứng đọc bài thơ Rượu xui đủ điều bên tách trà nóng. Là nạn nhân của bia rượu, anh Nót viết nên kỳ tích giữa đại ngàn khi trực tiếp tuyên chiến, đấu tranh xóa nạn nghiện... nhậu. Năm 2002, được bầu làm Trưởng ban kiêm công tác y tế của xã, anh Nót hạ quyết tâm xây dựng bản làng văn hóa, nói không với bia, rượu. Mới đầu nhiều người bảo "Nót khùng, rỗi hơi" nhưng qua những buổi tiếp xúc, tuyên truyền với dân, người dân bản giật mình, hiểu về những cái chết bất thình lình của nhiều trường hợp không phải do ma rừng mà là bệnh tật bởi: Ung thư gan, ung thư phổi, các bệnh dạ dày..., nguyên nhân trực tiếp đều từ bia rượu, thuốc lá.
Mưa dầm thấm lâu, bản Cu Pua thưa dần những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng. Nhưng cuộc chiến với bia rượu vẫn còn dai dẳng. Trưởng bản Hồ Ê Nót bàn với già làng, phối hợp với các ban ngành của thôn, họp dân, ra quy chế "xử nghiêm" những người còn cố tình uống bia rượu, thuốc lá. Nếu gia đình nào có người vi phạm lần đầu sẽ bị nhắc nhở, đưa ra cuộc họp yêu cầu cam kết không tái phạm. Nếu tái phạm sẽ không được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước. "Quy định mang tính răn đe thôi, chứ quyền lợi nhà nước với dân bản về hộ nghèo, hộ chính sách không ai có thể bắt phạt được. Phải thế cái tai người dân mới rõ ràng, cái đầu mới thông, rồi cái tay, cái chân không còn chạy theo bia, rượu nữa", anh Nót nói. Có phạt, có thưởng, những hộ gương mẫu đi đầu từ bỏ bia rượu, được thôn bản tặng thưởng mỗi phần quà 30.000- 40.000 đồng động viên khuyến khích.
Thấm thoắt đã chục năm, bản Cu Pua tuyệt nhiên không còn nạn bia, rượu. Tất cả lễ lạt, ma chay, cưới hỏi... cả bản chỉ dùng nước ngọt. Hồ Ê Nót được nhắc đến như "người hùng" giữa đại ngàn. Cánh chị em thấy các ông chồng hết cảnh bia rượu, chuyên lo cái nương, cái rẫy, mừng ra mặt, tín nhiệm bầu luôn Nót giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Cu Pua.
Bản yên bình, không TNGT
Chừng ấy năm, lực lượng Công an xã cũng bớt việc không còn lo giải quyết những vụ gây rối, đánh nhau. Đặc biệt, 10 năm qua, Cu Pua chỉ xảy ra một số vụ TNGT trên QL9 của xe vãng lai, còn dân bản Cu Pua chỉ có 2 người bị thương nhẹ, chủ yếu do phương tiện không đảm bảo, người điều khiển chưa am hiểu Luật GTĐB, đi không đúng phần đường và không phải do rượu, bia. Anh Hồ Ê Nót bảo: Đường bản làng quanh co, nếu không tỉnh táo thì dễ gây tai nạn cho mình và cho người khác lắm. Đoạn tuyệt với bia rượu nên tay lái của người dân cũng "cứng hơn". Tuy nhiên, có tình trạng một số hộ chủ quan giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển nên dẫn đến TNGT. Bản thân anh Nót gặp nạn vì tình trạng này nên bàn giao chức trưởng bản cho Hồ Văn Phoi từ năm 2012. Mấy năm nay sức khỏe hồi phục, mình vừa là giáo viên hướng dẫn bà con làm chổi đót để tăng thêm thu nhập, vừa tham gia CLB tuyên truyền thực hiện không sinh con thứ 3 và sẽ tích cực phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để giúp bà con chấp hành tốt Luật GTĐB, phòng tránh TNGT đáng tiếc", Hồ Ê Nót nói.
Ông Hồ Văn Phoi, Trưởng bản Cu Pua cho biết, từ nỗ lực của Hồ Ê Nót, đến nay, Cu Pua không chỉ là bản làng nói không với rượu, bia và thuốc lá đầu tiên nơi đại ngàn của tỉnh Quảng Trị và có lẽ là bản làng duy nhất trên cả nước đoạn tuyệt với rượu, bia, thuốc lá. Không quán nhậu, dùng toàn nước ngọt trong các đám hội nhưng không vì thế mà bản thiếu niềm vui, tiếng cười. "Vui nhất là bản yên bình, không TNGT, người dân chú tâm làm ăn nên cuộc sống có nhiều thay đổi", anh Phoi nói.
Hiến đất làm đường, kêu gọi mở đường vào thôn bản Trước đó, thấy dân bản từ cụm A Tơng chỉ có thể đi bộ 1,3km để ra QL9 chứ xe máy không thể ra vào, anh Nót vận động bà con góp được 68 triệu đồng thuê xe ủi. Sau nỗ lực của anh Nót, con đường này cũng đã có dự án đầu tư mở rộng và bê tông hóa 1,2 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành một nửa, giúp bà con đi lại đỡ vất vả hơn. Đặc biệt, Hồ Ê Nót cũng là người bốn lần hiến 2.000m2 đất xây trường tiểu học, trường mầm non và nhà cộng đồng cho dân bản. "Mình không có tiền bạc thì hiến đất, ai cũng tiếc đất thì mình răng xây được. Con mình lớn rồi không học nữa thì con em dân bản học, rồi sau này cháu mình học", anh Nót nói. Gần 20 năm lăn lộn với rất nhiều công việc, Hồ Ê Nót đã được tặng thưởng hàng chục giấy khen. Anh cũng vinh dự được báo cáo điển hình tại buổi tuyên dương già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 5 năm 2008-2012.
Theo Duy Lợi (Báo Giao thông)
Bài 3: "Lấy số" từ bia rượu! Loạng choạng rời khỏi quán nhậu sau khi uống hết 2 thùng bia, nhóm của P. không trở về phòng mà tiếp tục "tăng 2". Cuộc chơi "lấy số" lần này của những "ma men" càng tàn khốc hơn với màn đọ bia rượu choáng ngợp cho đến khi có người gục hẳn. Quán nhậu phục vụ sáng đêm tại Sài Gòn 23h...