Ngành thuế đã thu được hơn 13 nghìn tỷ đồng tiền thuế nợ
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, đến 31/5/2019, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và đã thu được hơn 13 nghìn tỷ đồng tiền thuế nợ, bằng 34,5% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018.
Ảnh minh họa
Tại buổi họp báo về công tác quản lý thuế 5 tháng đầu năm 2019 do Tổng cục Thuế tổ chức mới đây, ông Lê Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ, Tổng cục Thuế cho biết từ đầu năm đến nay, ngành thuế tiếp tục tổng hợp, phân tính cơ cấu nợ thuế, phân loại nợ, xác định nguyên nhân nợ tăng; đánh giá kết quả thực hiện đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ hàng tháng của toàn ngành thuế và danh sách DN nợ thuế Tổng cục Thuế đã thông báo cho Cục Thuế các tỉnh, thành phố thực hiện.
Kết quả, đến thời điểm 31/5/2019, cơ quan thuế đã thu được 13.390 tỷ đồng tiền thuế nợ, bằng 34,5% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 10.264 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 3.144 tỷ đồng.
Ông Đoàn Xuân Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ, Tổng cục Thuế cho biết thêm, số thu nợ 5 tháng đầu năm đã tăng 5,5% so với cùng kỳ. “Việc thu hồi nợ đọng thuế là nhiệm vụ rất khó khăn và nan giải. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách…”- ông Toản nói.
Theo ông Toản, việc thu hồi nợ thuế có rất nhiều khó khăn, nhưng có ba khó khăn chính. Đó là, hiện có một bộ phận DN nhỏ và siêu nhỏ, hoặc những DN khởi nghiệp do việc lựa chọn ngành nghề lĩnh vực không phù hợp với thị trường, hoặc nguồn vốn “mỏng”, chủ yếu là nguồn vốn đi vay ngân hàng, nên trong quá trình tham gia sản xuất kinh doanh gặp khó khăn khiến DN mất khả năng thanh toán nên không có nguồn để nộp các khoản thuế phát sinh, hoặc tiền nợ thuế.
Bên cạnh đó, cũng có những DN trong quá trình sản xuất kinh doanh gặp những sự cố bất khả kháng, như gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh. Dù DN đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng cũng không có đủ nguồn để nộp tiền nợ thuế.
Một khó khăn nữa là việc tính mức phạt 0,03% ngày đối với khoản chậm nộp không có khả năng thu hồi dẫn đến nợ gốc còn không có khả năng trả cộng thêm số tiền chậm nộp nên số nợ ngày càng tăng lên.
Chia sẻ về việc thanh tra, kiểm tra của ngành thuế, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, ông Lê Văn Hải cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2019, toàn ngành thuế đã thực hiện được 22.714 cuộc thanh tra, đạt 26,07% kế hoạch năm 2019 (22.714 DN/87.141 DN); kiểm tra được 138.364 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế.
Video đang HOT
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 13.536,21 tỷ đồng, bằng 113,13% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 2.122,58 tỷ đồng, đạt 52,47% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra, tăng 6,37% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 80 DN có hoạt động giao dịch liên kết, truy thu, truy hoàn và phạt gần 492 tỷ đồng, giảm lỗ trên 947 tỷ đồng, giảm khấu trừ 4,87 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 2.131 tỷ đồng; thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng là 1.875 quyết định, tương ứng với số tiền hoàn thuế là 8.061 tỷ đồng. Tổng số tiền truy hoàn và phạt đạt là 55,5 tỷ đồng (trong đó: truy hoàn: 40,1 tỷ đồng, phạt: 15,5 tỷ đồng).
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, kinh tế 6 tháng cuối năm khả năng vẫn còn những khó khăn, thách thức. Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, Tổng cục Thuế sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể; trong đó, chú trọng quản lý từ việc kê khai, nộp thuế, thanh kiểm tra, chống thất thu, quản lý thu hồi nợ đọng thuế và tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế…
Thu ngân sách trung ương tăng hơn 20%
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, luỹ kế thu ngân sách nhà nước (NSNN) 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 508.608 tỷ đồng, đạt 43,5% so với dự toán pháp lệnh, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 23.371 tỷ đồng, bằng 52,4% so với dự toán, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm 2018; Thu nội địa ước đạt 485.236 tỷ đồng, bằng 43,2% so với dự toán pháp lệnh, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận chênh lệch và thu từ xổ số kiến thiết ước đạt 405.588 tỷ đồng, bằng 42,7% so với dự toán pháp lệnh, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018.
Nếu không kể các khoản thu từ chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước thì thu nội địa trừ tiền sử dụng đất, cổ tức, lợi nhuận chênh lệch và xổ số 5 tháng đầu năm 2019 đạt 42% dự toán và tăng 12,2% so với cùng kỳ (đã loại trừ các khoản thu đột biến và tăng thu do chính sách).
Với kết quả thu NSNN nêu trên, số thu ngân sách trung ương lũy kế 5 tháng năm 2019 ước đạt 235.000 tỷ đồng, bằng 41,5% dự toán, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Thu ngân sách địa phương ước đạt 273.608 tỷ đồng, bằng 45,5% dự toán, tăng 9,1% so với cùng kỳ.
Theo baophapluat.vn
Nhiều đổi mới trong công tác tổ chức phát hành trái phiếu chính phủ
Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới công tác tổ chức phát hành trái phiếu chính phủ, quản lý danh mục nợ trái phiếu chính phủ, góp phần cùng ngành Tài chính thực hiện thắng lợi chủ trương cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công và hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách được Quốc hội và Chính phủ giao.
Thực hiện chủ trương về cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính đã triển khai xây dựng và ban hành hệ thống các Thông tư hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ phát hành, thanh toán công cụ nợ của Chính phủ và nghiệp vụ tái cơ cấu nợ; tạo khung pháp lý hoàn chỉnh để thực hiện phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) và tái cơ cấu nợ. Các quy trình nghiệp vụ phát hành TPCP của Kho bạc Nhà nước (KBNN) liên tục được cải tiến hướng theo các thông lệ tốt trên thị trường quốc tế, cho phép KBNN tổ chức phát hành TPCP theo quy trình chuẩn, minh bạch, đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả.
Trên cơ sở đó, thời gian qua KBNN đã nỗ lực cải tiến công tác tổ chức phát hành TPCP, quản lý danh mục nợ TPCP, góp phần cùng ngành Tài chính thực hiện thắng lợi chủ trương cơ cấu lại NSNN, nợ công và hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách được Quốc hội và Chính phủ giao. Một số kết quả nổi bật có thể đề cập tới như:
Hỗ trợ quản lý ngân sách nhà nước
Nguồn hỗ trợ chính thức ODA cho Việt Nam đang giảm dần và kết thúc khi Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đưa ra khỏi nước kém phát triển từ tháng 7/2017. Nhằm ứng phó với tình hình mới, tỷ trọng vay trong nước của Chính phủ bằng trái phiếu trong tổng mức vay của NSNN hàng năm tăng liên tục. Khối lượng TPCP phát hành tại thị trường trong nước đã đáp ứng nhu cầu vốn vay bù đắp bội chi NSNN, đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia và để trả nợ gốc theo dự toán Quốc hội giao. Điều này phù hợp với chủ trương của Quốc hội trong thực hiện tái cơ cấu NSNN và nợ công (Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội).
Tăng hiệu quả quản lý và sử dụng vốn
Đánh giá cho thấy, phần lớn các công trình trọng điểm quốc gia yêu cầu vốn đầu tư dài hạn, phù hợp với thời gian đầu tư và thu hồi vốn. Nếu như năm 2012, thời hạn sử dụng vốn TPCP bình quân ở mức 3 năm (trong đó hơn 20% khối lượng phải hoàn trả ngay năm sau), thì đến nay, thời hạn bình quân của TPCP phát hành đã tăng lên khoảng 12-13 năm, nâng kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục nợ TPCP lên mức trên 7 năm, không còn áp lực trong việc NSNN phải hoàn trả vốn ngay trong các năm kế tiếp.
Trước đây, TPCP do KBNN phát hành thường có kỳ hạn ngắn. Cụ thể là từ năm 2014 trở về trước, với kỳ hạn vay hàng năm bình quân khoảng 2-3 năm, NSNN thường xuyên phải vay đảo nợ để trả các khoản vay trước đó, tinh trạng này dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư không cao. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện chủ trương của Quốc hội về phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, KBNN chủ yếu phát hành loại trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Điều này cơ bản giúp cải thiện kỳ hạn của cả danh mục trái phiếu, tăng hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời giảm áp lực trả nợ đối với NSNN.
Nghiên cứu cũng cho thấy, các chỉ tiêu về kỳ hạn phát hành của TPCP và kỳ hạn danh mục nợ TPCP thời gian qua cũng đã đạt và vượt mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra (đến năm 2020, đạt tối thiểu 70% khối lượng TPCP phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, kỳ hạn còn lại danh mục nợ khoảng 6-7 năm...), qua đó, khẳng định kết quả thực hiện cơ cấu nợ công theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Tiết kiệm chi phí vay nợ
Quản lý nợ công hiệu quả đặt ra yêu cầu về giảm thiểu các loại rủi ro, giảm chi phí vay trong điều kiện xây dựng danh mục nợ phù hợp về kỳ hạn và loại hình vay nợ.
Thời gian qua, trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô được Chính phủ điều hành ổn định, mặt bằng lãi suất thị trường được cải thiện theo hướng giảm dần, KBNN bám sát thị trường và điều hành linh hoạt công tác huy động vốn. Nhờ đó, lãi suất phát hành TPCP giảm mạnh từ mức 12%/năm (năm 2011) xuống mức 6,54%/năm (năm 2014) và tiếp tục giảm dần xuống mức 5,98%/năm (năm 2017) và 4,71%/năm (năm 2018), góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả công tác quản lý nợ công.
Có thể lượng hóa tiết kiệm chi phí vay như sau: Ví dụ, năm 2017, KBNN huy động 244.220 tỷ đồng TPCP kỳ hạn bình quân 12,74 năm, lãi suất bình quân 5,98%/năm. Nếu cùng khối lượng vay năm 2017 nhưng với lãi suất vay bình quân năm 2016 là 6,49%/năm thì trong 13 năm sắp tới, mỗi năm NSNN tiết kiệm chi trả lãi 1.245,5 tỷ đồng. Nếu cùng khối lượng vay năm 2017 nhưng với lãi suất vay bình quân năm 2011 là 12%/năm thì trong 13 năm sắp tới, mỗi năm NSNN tiết kiệm chi trả lãi 14.702 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả phát hành TPCP phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thị trường tài chính, tiền tệ trong, ngoài nước và nhu cầu của các nhà đầu tư, do vậy, thị trường TPCP cần duy trì hoạt động thường xuyên, hạn chế huy động khối lượng TPCP lớn tại thời điểm cuối năm...
Gắn kết công tác phát hành trái phiếu chính phủ v ới quản lý ngân quỹ nhà nước
Ngân quỹ nhà nước (NQNN) được hình thành từ các quỹ NSNN (trung ương và các địa phương), tiền gửi của các quỹ tài chính nhà nước, đơn vị, tổ chức kinh tế tại KBNN. KBNN thực hiện quản lý ngân quỹ bên cạnh mục tiêu đáp ứng kịp thời đầy đủ nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch tại KBNN, còn đảm bảo mục tiêu hiệu quả thông qua việc sử dụng các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ để gắn kết quản lý ngân quỹ và quản lý nợ theo các thông lệ quốc tế.
Bên cạnh vay từ thị trường TPCP, KBNN có thể cân đối, sử dụng NQNN để tạm ứng cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, đáp ứng nhu cầu chi cần thiết, cấp bách khi nguồn thu chưa tập trung kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng thời, KBNN có thể sử dụng nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi, giảm áp lực phát hành TPCP khi thị trường khó khăn, một mặt giúp KBNN hoàn thành nhiệm vụ vay để cân đối NSNN, một mặt giảm sức ép tăng mặt bằng lãi suất khi nhu cầu vay tăng hoặc thị trường biến động.
Thông qua việc tạm ứng NQNN cho ngân sách trung ương, KBNN tiết kiệm chi phí vay nợ cho NSNN. Năm 2018, đánh giá khả năng phát hành TPCP khó khăn, KBNN đã trình Bộ Tài chính điều chỉnh giảm nhiệm vụ phát hành TPCP và cuối năm cân đối tạm ứng NQNN 45.500 tỷ đồng để đảm bảo đủ nhu cầu cân đối thu chi NSNN, đồng thời giữ mặt bằng lãi suất phát hành ở mức phù hợp, tạo thuận lợi cho việc phát hành TPCP ngay từ đầu năm 2019.
Phát triển thị trường trái phiếu chính phủ
Thị trường TPCP trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Lãi suất TPCP do KBNN phát hành từng bước trở thành lãi suất chuẩn để các công cụ nợ khác trên thị trường tham chiếu.
Tóm lại, công tác phát hành TPCP trong thời gian qua đã góp phần cùng ngành Tài chính thực hiện thắng lợi chủ trương cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công và hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách được Quốc hội và Chính phủ giao.Để tiếp tục tái cơ cấu nợ và xây dựng thị trường TPCP trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả cho NSNN, thời gian tới cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng quy mô và chất lượng thị trường trái phiếu theo hướng công khai, minh bạch phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Theo tapchitaichinh.vn
Hà Nội: Khách hàng có thể thanh toán tiền điện qua nhiều hình thức Từ quý 4-2017, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) đã chính thức công bố 32 dịch vụ điện trực tuyến bao gồm 7 nhóm dịch vụ cơ bản. Nhiều lợi ích khi thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt Ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN HANOI cho biết, từ quý 4-2017, EVN HANOI đã...