Ngành quỹ 2019: Chờ tín hiệu phục hồi
Ngành quản lý quỹ Việt Nam trải qua năm 2018 với nhiều cung bậc cảm xúc cùng thị trường chứng khoán, từ hưng phấn, sôi động ở giai đoạn đầu năm đến thận trọng, tìm hướng điều chỉnh vào giai đoạn giữa năm và kết thúc năm bằng sự trầm lắng, đợi chờ tín hiệu phục hồi sau thời gian sụt giảm.
2018 chỉ 2 quỹ tăng trưởng dương
VN-Index lập đỉnh mới 1.204,3 điểm tại phiên giao dịch đầu tháng 4 được coi là điểm nhấn của thị trường chứng khoán năm 2018. Thị trường ngập tràn không khí sôi nổi và hưng phấn trong quý đầu năm, kéo theo kết quả hoạt động khả quan của các công ty quản lý quỹ và các quỹ. Thời điểm cuối quý I/2018, có 19/21 quỹ mở (không tính 3 quỹ mở mới thành lập và 1 quỹ giải thể) có mức tăng trưởng tốt so với cuối năm 2017.
Tăng trưởng các quỹ mở tại Việt Nam năm 2018 (tính đến 30/11).
Quỹ BVBF của Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt là quỹ trái phiếu có mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) cao nhất quý I/2018 là 10,44%, đứng thứ hai là Quỹ trái phiếu VFMVFB của Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM).
Trong khi đó, các quỹ mở cổ phiếu và quỹ cân bằng ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn, Top 3 quỹ tăng trưởng tốt nhất là VFMF4, VFMF1 của VFM và VEOF của Công ty Quản lý quỹ VinaWealth (lần lượt là 18,73%, 18,37% và 18,11%).
Tuy vậy, đà tăng trưởng tốt giai đoạn đầu năm 2018 không giúp các quỹ tránh khỏi tác động tiêu cực từ những pha biến động mạnh của thị trường chứng khoán sau đó. Từ vị trí thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới, Việt Nam có thời điểm trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới.
Tại phiên giao dịch ngày 19/12, VN-Index giảm hơn 6,6% so với đầu năm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả của các quỹ mở cổ phiếu và quỹ cân bằng.
Tính đến 30/11/2018, có 16/18 quỹ ghi nhận mức tăng trưởng NAV/CCQ âm so với cuối năm 2017. Các quỹ có mức giảm nhiều nhất là TCEF của Công ty Quản lý quỹ Kỹ Thương (TechcomCapital), mức giảm 18,24%; sau đó là Quỹ MAEFQI của Công ty Quản lý quỹ Manulife Việt Nam (-16,85%), Quỹ SSI-SCA của Công ty Quản lý quỹ SSI (-10,67%).
Video đang HOT
Hai quỹ có mức tăng trưởng dương là MBGF và MBVF của Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB, lần lượt tăng 2,09% và 1,08%. Trong đó, Quỹ MBGF mới đi vào hoạt động từ đầu tháng 4/2018.
Trái với các quỹ mở cổ phiếu, các quỹ mở trái phiếu có một năm tươi sáng hơn khi kết quả đầu tư đạt được khá tốt. VFMVFB và BVBF là hai quỹ mở trái phiếu có phong độ khá ổn định, giữ vững vị trí Top 2 quỹ mở trái phiếu tăng trưởng cao nhất năm 2018. Tính đến 30/11/2018, VFMVFB đạt mức tăng trưởng 10,68% và BVBF đạt mức tăng trưởng 9,87%.
Mặc dù các quỹ mở có một năm hoạt động “vất vả”, nhưng theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), năm 2018, dòng vốn đổ vào các quỹ mở có sự tăng trưởng đột biến và tình hình giao dịch chứng chỉ quỹ sôi động hơn bao giờ hết.
Tính đến hết quý III/2018, số lượng tài khoản giao dịch ở các quỹ đầu tư đạt con số 67.788 tài khoản, gấp 1,5 lần năm 2017 và 7,3 lần năm 2015.
Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ tăng trưởng mạnh, tại thời điểm cuối tháng 11/2018 đạt hơn 13.000 tỷ đồng, gấp hai lần năm 2017 và hơn 10 lần năm 2015. Nổi bật là Quỹ trái phiếu TCBF, quy mô tại thời điểm 30/11/2018 đạt hơn 5.800 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với thời điểm đầu năm.
Các quỹ cổ phiếu đứng đầu về quy mô như VFMVF1, VFMVF4, VEOF tiếp tục thu hút được vốn đầu tư trong quý III và quý IV/2018. Điều này cho thấy, các sản phẩm quỹ mở vẫn nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Kết quả này không chỉ đến từ hiệu quả hoạt động đầu tư mà còn từ nỗ lực của các công ty quản lý quỹ trong việc tìm kiếm, mở rộng các hình thức huy động vốn.
Ngoài hình thức huy động vốn truyền thống (trực tiếp tìm kiếm nhà đầu tư hoặc qua các công ty chứng khoán), các công ty quản lý quỹ Việt Nam tích cực mở rộng hệ thống kênh phân phối thông qua hình thức liên kết với các ngân hàng, công ty bảo hiểm và đẩy mạnh việc giới thiệu chương trình đầu tư định kỳ (SIP) tới khách hàng.
Điển hình như VCBF phân phối qua Vietcombank, VinaWealth kết hợp với Maritimebank, SeABank… Hiện có khoảng 13 quỹ mở đang triển khai chương trình đầu tư định kỳ (hình thức đầu tư một số tiền nhỏ để mua chứng chỉ quỹ theo định kỳ tháng hoặc quý).
Hình thức huy động này thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Trong năm 2018, có hơn 1.570 phiên giao dịch định kỳ của các quỹ được thực hiện qua VSD, tăng khoảng 30% so với năm 2017.
Năm 2018 có nhiều khó khăn đối với ngành quỹ, nhưng sức hút nhà đầu tư và sự năng động của các công ty quản lý quỹ kỳ vọng sẽ đem lại sự phát triển bền vững, bài bản và chuyên nghiệp hơn trong tương lai.
2019 kỳ vọng vượt qua thách thức
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019 được dự báo có nhiều thách thức và ngành quản lý quỹ cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Theo một số chuyên gia, mặc dù nhiều yếu tố nội tại ổn định, song nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ các yếu tố bên ngoài như tính chu kỳ của nền kinh tế toàn cầu khi mà các nền kinh tế đầu tàu như Mỹ, Trung Quốc, EU… đều đã đạt đỉnh tăng trưởng và có dấu hiệu sẽ dần suy giảm; lãi suất, giá dầu có xu hướng tăng; các cuộc xung đột chính trị leo thang, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.
Trước một thị trường được đánh giá tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và diễn biến khó lường trong năm 2019, việc lựa chọn phân bổ tài sản đầu tư và thời điểm đầu tư nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của quỹ sẽ là thách thức của tất cả các nhà quản lý quỹ.
Những công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp cần thể hiện sức bật, khả năng cũng như ưu thế của mình trong việc giảm thiểu rủi ro cho danh mục, đảm bảo an toàn cho đồng vốn của nhà đầu tư trước “sóng gió” thị trường.
Tuy nhiên, có những yếu tố tích cực, mang lại hy vọng về một tương lai rộng mở cho ngành quản lý quỹ như nhiều ngành nghề được dự báo tăng trưởng và có thêm các doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả lên niêm yết/đăng ký giao dịch trong năm 2019, trở thành đối tượng đầu tư hiệu quả của các quỹ; sự hiểu biết của các nhà đầu tư cá nhân đối với các sản phẩm quỹ đầu tư tăng lên đáng kể, niềm tin của nhà đầu tư đối với nhiều quỹ được củng cố; hệ thống kênh phân phối quỹ mở được mở rộng giúp các nhà đầu tư tiếp cận với loại hình đầu tư này dễ dàng hơn…
Trong thời gian tới, quỹ mở được dự báo vẫn sẽ là loại hình quỹ chính trên thị trường do những đặc tính nổi trội vốn có và khả năng đa dạng, dễ thiết kế, phù hợp với khẩu vị của từng đối tượng nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các sản phẩm quỹ mới như quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, quỹ đầu tư bất động sản được kỳ vọng ra mắt trong năm 2019 sẽ mang đến luồng gió mới cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Phú Bảo
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Trái ngược với tình cảnh ảm đạm của quỹ đầu tư cổ phiếu, các quỹ trái phiếu thắng lớn trong năm 2018
Khác với những biến động khá thất thường của các quỹ đầu tư cổ phiếu, các quỹ đầu tư trái phiếu thường lựa chọn những tài sản ổn định như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ tiền gửi. Điều này giúp các quỹ trái phiếu gần như tăng trưởng trong mọi năm, bất chấp biến động của thị trường.
TTCK Việt Nam đã đi gần hết năm 2018 đầy sóng gió. Sau giai đoạn thăng hoa quý 1 khi chỉ số Vn-Index vượt đỉnh 1.200 điểm, thị trường đã bước vào giai đoạn điều chỉnh kéo dài và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Kết thúc tháng 11, chỉ số Vn-Index chỉ còn quanh ngưỡng 900 điểm, tương ứng mất 25% so với mức đỉnh được thiết lập.
Với những diễn biến không thực sự thuận lợi kể trên, hầu hết quỹ đầu tư cổ phiếu đã có một năm hoạt động kém khả quan, thua xa việc gửi tiết kiệm. Từ những quỹ nội như VFMVN30 ETF, SSIAM VNX50 ETF, Passion Investment, TVAM...cho tới các quỹ ngoại với quy mô hàng trăm, thậm chí tỷ USD như Dragon Capital, VinaCapital, Pyn Elite Fund, VNM ETF, FTSE Vietnam ETF, Tundra...đều ghi nhận mức tăng trưởng NAV âm hàng chục phần trăm.
Trái ngược với tình cảnh bi đát của các quỹ cổ phiếu, các quỹ đầu tư trái phiếu đã khá thành công trong năm 2018. Tính tới cuối tháng 11, thành tích tốt nhất thuộc về VFMVFB do VFM quản lý với mức tăng trưởng NAV 10,3%. Con số này có thể kém xa so với các quỹ cổ phiếu trong giai đoạn thị trường thuận lợi như năm 2017, nhưng trong bối cảnh thị trường hiện nay là rất tích cực, vượt xa lãi suất gửi ngân hàng.
BVFB của Bảo Việt Fund cũng có một năm thành công với mức tăng trưởng NAV 9,8% trong 11 tháng và là quỹ tăng trưởng tốt thứ 2. Một vài quỹ trái phiếu như VTBF do VietinBank Capital quản lý hay TCBF do TCBS quản lý cũng tăng trưởng khá tốt với mức tăng lần lượt 8,4% và 7%.
VFF VinaWealth có thành tích không quá nổi trội, nhưng tăng trưởng NAV từ đầu năm tới nay cũng đạt 6,1%, tương đương gửi ngân hàng.
Khác với những biến động khá thất thường của các quỹ đầu tư cổ phiếu, các quỹ đầu tư trái phiếu thường lựa chọn những tài sản ổn định như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ tiền gửi. Điều này giúp các quỹ trái phiếu gần như tăng trưởng trong mọi năm, bất chấp biến động của thị trường.
Với đặc tính khá an toàn như trên, các quỹ trái phiếu đang dần được nhà đầu tư, tổ chức lựa chọn nhằm đa dạng hóa danh mục, "tránh bão" khi thị trường cổ phiếu biến động mạnh.
Ngoài ra, việc đầu tư vào trái phiếu không chỉ được hưởng lãi suất cố định mà trên thực tế còn thu lợi nhuận từ biến động giá (xuất hiện khi có những chuyển động về vĩ mô như lạm phát, lãi suất tiền gửi,...). Đồng nghĩa, các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm và chuyên môn cao như các quỹ đầu tư trái phiếu có thể gia tăng hiệu quả đầu tư thông qua chiến lược mua bán lại trái phiếu.
Minh Anh
Theo Trí thức trẻ