Ngành ôtô đang rất ốm yếu, nếu 1-2 năm nữa mới giảm thuế phí thì không kịp
Đại diện Cục Công nghiệp ( Bộ Công Thương) cho biết, đề xuất giảm 50% phí trước bạ khi mua ôtô chỉ áp dụng 6 tháng, nên khả năng vi phạm các cam kết quốc tế như cảnh báo của Bộ Tài chính là khó xảy ra.
Giảm 50% phí trước bạ không vi phạm cam kết quốc tế
Trong tờ trình mới nhất dự thảo Nghị quyết các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong COVID-19 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, Bộ Tài chính không đồng tình giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020. Bộ này lý giải – nếu thông qua sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu.
Về vấn đề này, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 15.5, ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian vừa qua, vấn đề giảm 50% thuế phí trước bạ cũng như thuế tiêu thụ nội địa được doanh nghiệp, người dân rất quan tâm.
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mức tiêu thụ ngành ôtô giảm mạnh, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành sản xuất ôtô vừa qua chỉ đạt 61.500 xe các loại, giảm 24% so với cùng kỳ, nhu cầu tiêu thụ xe cũng chỉ đạt 35-40% so với cùng kỳ.
Đề xuất giảm 50% phí trước bạ khi mua ôtô được nhiều người ủng hộ. Ảnh: Vinfast
Từ thực tế đó, Bộ Công Thương đã đưa ra giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng. Trong thời gian ngắn hạn, từ nay đến hết năm 2020, Bộ Công Thương đề xuất giảm 50% phí trước bạ, lùi thời hạn đóng Thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Không chỉ ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam bị ảnh hưởng, mà ngành công nghiệp ôtô của một số nước trong khu vực ASEAN, Châu Á cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, các quốc gia khác còn có chính sách hỗ trợ mạnh tay hơn Việt Nam.
Bên cạnh đó, thời gian áp dụng giảm thuế phí không dài, chỉ 6 tháng, nên khả năng vi phạm các cam kết quốc tế như cảnh báo của Bộ Tài chính là khó xảy ra. Đề xuất của Bộ Công Thương cũng đã được một số đơn vị liên quan khác đồng thuận”, ông Thành nói.
Đề xuất giảm 50% phí trước bạ cơ bản được đồng ý
Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, quan điểm của Bộ Công Thương đã khẳng định rất rõ trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Video đang HOT
“Ngành công nghiệp ôtô là một trong những ngành công nghiệp lớn của Việt Nam, mang lại lợi ích cho nền kinh tế và lợi ích cho người dân.
Trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tất cả các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô phải tạm dừng hoạt động, gặp khó khăn rất nhiều. Trong khi đó, ôtô trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với ôtô nhập khẩu giá rẻ khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ. Nếu không có giải pháp kịp thời, quyết liệt thì ngành công nghiệp ôtô trong nước sẽ lao đao hơn.
“Ngành công nghiệp ô tô trong nước đang rất ốm yếu, nếu mà 1-2 năm nữa mới áp dụng giảm thuế phí thì không kịp. Giá thành ôtô bây giờ vẫn quá cao, vì vậy đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ nhận được sự đồng cảm, chia sẻ một số cơ quan, đến giờ phút này cơ bản đồng ý”, ông Hải thông tin.
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long ủng hộ đề xuất của Bộ Công Thương khi đề xuất giảm 50% phí trước bạ khi mua ôtô.
“Đó là đề xuất rất hợp lý, bởi Việt Nam không còn là nước nghèo nữa, nên việc mỗi người có thể sở hữu một chiếc ôtô là bình thường.
Việc giảm thuế phí và đơn giản các thủ tục giấy tờ sẽ kích thích người mua xe và người sở hữu xe làm các thủ tục sang nhượng chuẩn chỉ, tiến tới quản lý xử phạt theo dữ liệu cá nhân sẽ đơn giản hơn”, ông Ngô Trí Long nói.
Dừng cách ly xã hội, ô tô ồ ạt giảm giá kích cầu ra mẫu mã mới
Hàng loạt chương trình ưu đãi, giảm giá bán được các doanh nghiệp kinh doanh ô tô áp dụng nhằm tạo sức hấp dẫn, thu hút khách đến đại lý mua xe sau thời gian cách ly xã hội.
KIA Sedona được ưu đãi 70 triệu đồng
Sau gần 1 tháng gần như đóng băng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh ô tô của nhiều doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam bắt đầu tái khởi động.
Nhiều nhà máy sản xuất, đại lý phân phối cũng như trạm dịch vụ bảo dưỡng ô tô đã đi vào hoạt động bình thường trở lại từ ngày 23.4. Để thu hút khách hàng đến đại lý xem xe, mua xe qua đó có thể giúp thị trường có thể nhanh chóng hồi phục sau thời gian dài ảm đạm, vắng khách... Các nhà sản xuất, phân phối ô tô ồ ạt trình làng mẫu mã mới cùng với việc tiếp tục chính sách ưu đãi, giảm giá bán xe.
Trường Hải (THACO) trình làng 10 mẫu xe BMW mới tại Việt Nam
Ngày 22.4, Trường Hải (THACO) - đơn vị phân phối chính hãng các dòng xe BMW tại Việt Nam "bất ngờ" tung ra hàng loạt mẫu mã, phiên bản mới của 5 dòng xe, gồm: X1, X5, X6, 3-Series và 7-Series. Màn ra mắt loạt sản phẩm mới của hãng xe Đức bằng hình thức trực tuyến trên các trang mạng xã hội dù không mấy ấn tượng như cách làm truyền thông nhưng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng. Bởi gần 1 tháng trở lại đây, thị trường ô tô dường như không có bất cứ mẫu xe mới nào được giới thiệu đến người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, động thái của nhà phân phối BMW tại Việt Nam còn tạo động lực thu hút khách hàng đến với các đại lý BMW đồng thời được xem như sự đáp trả đối với Mercedes-Benz vốn đã "tranh thủ" trình làng 7 mẫu xe mới ngay trước thời điểm cách lý xã hội.
Các DN kinh doanh ô tô đang nỗ lực kích cầu thị trường sau đại dịch Covid-19
Ngoài việc tung ra danh mục sản phẩm mới ở phân khúc ô tô hạng sang, Trường Hải (THACO) còn áp dụng hàng loạt chương trình ưu đãi, giảm giá bán cho các mẫu xe phổ thông thuộc hai thương hiệu KIA, Mazda tại Việt Nam.
Cụ thể, trong 10 ngày cuối tháng 4.2020 (tính từ 20 - 30.4) THACO tăng mức ưu đãi với hầu hết các dòng xe Mazda đang phân phối tại Việt Nam. Trong đó, mẫu Mazda CX-8 được ưu đãi giá trực tiếp từ 95-150 triệu đồng so với giá niêm yết (tuỳ từng phiên bản). Mẫu Crossover 5 chỗ CX-5 được ưu đãi từ 55-85 triệu đồng. Mazda3 giảm giá từ 30 - 55 triệu đồng. Trong khi đó, khách hàng mua mẫu Mazda2 trong khoảng thời gian kể trên được hưởng ưu đãi giá từ 20 - 30 triệu đồng.
Nhiều mẫu xe Mazda đang được THACO giảm giá bán
Với các mẫu xe thuộc thương hiệu KIA, THACO áp dụng ưu đãi lên đến 17 triệu đồng cho mẫu xe cỡ nhỏ KIA Morning (tuỳ từng phiên bản). Khách hàng mua KIA Soluto, Sorento cùng được hưởng mức ưu đãi giá 30 triệu đồng, KIA Cerato á dụng chính sách ưu đãi 23 triệu đồng. Trong khi mẫu MPV KIA Sedona được ưu đãi cao nhất lên đến 70 triệu đồng kèm theo các gói quà tặng phụ kiện theo xe.
Các dòng xe Hyundai dù không tiếp tục được TC-Motor áp dụng ưu đãi như trong tháng 3.2020. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Thanh Niên, tại các đại lý Hyundai khu vực TP.HCM, nhiều mẫu xe hiện đạng được giảm giá hàng chục triệu đồng. Cụ thể, tuỳ theo phiên bản, mẫu Grand i10 được giảm giá khoảng 10 - 20 triệu đồng. Accent - mẫu xe Hyundai bán chạy nhất cung được giảm giá từ 7 - 15 triệu đồng. Hyundai Tucson, SantaFe tiếp tục giảm khoảng 30 triệu đồng.
Mitsubishi tiếp tục áp dụng chương trình ưu đãi hàng tháng ở mức 20 - 30 triệu đồng cho mẫu xe cỡ nhỏ Mirage. Từ 60 - 97,5 cho một số phiên bản Pajero Sport. Trong khi khách hàng mua mẫu Attrage mới được tặng gói phụ kiện khoảng 10 triệu đồng.
Mazda CX-8 được ưu đãi giá trực tiếp từ 95-150 triệu đồng so với giá niêm yết
Toyota Việt Nam tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ phí trước bạ cho khách hàng mua một số phiên bản của các dòng xe như Corolla Altis, Innova, Fortuner... Trong khi tại các đại lý phân phối, những mẫu mã như Toyota Vios, Wigo cũng được ưu đãi giảm giá từ 15 - 30 triệu đồng.
Volkswagen cũng gây sốt khi giảm giá bán lên đến gần 200 triệu đồng cho 2 sản phẩm chủ lực gồm: Tiguan Allspace và Passat trong tháng 4.2020. Theo đó, thương hiệu xe Đức công bố áp dụng mức giảm 12% giá niêm yết với các mẫu xe kể trên. Đáng chú ý, mẫu sedan hạng D Volkswagen Passat phiên bản BlueMotion High có giá niêm yết 1,48 tỉ đồng, tính ra giảm gần 180 triệu đồng. Đồng nghĩa, người mua Passat BlueMotion High hiện phải bỏ ra số tiền 1,3 tỉ đồng.
Nhà phân phối của Subaru tại Việt Nam cũng áp dụng mức giảm giá lên đến 165 triệu đồng cho các phiên bản Forester, trong khi mẫu Outback ES được giảm tới 180 triệu đồng.
Các nhà lắp ráp sản xuất ô tô trong nước đang chờ đợi "cú hích" từ chính sách thuế phí nhằm kích cầu thị trường ô tô sau đại dịch Covid-19
Cùng với với việc giảm giá bán, các nhà lắp ráp sản xuất ô tô trong nước đang chờ đợi "cú hích" từ chính sách thuế phí nhằm kích cầu thị trường ô tô sau đại dịch Covid-19. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong dự thảo có nêu rõ giải pháp nhằm kích cầu ngành ô tô, gồm việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước và xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội. Đề xuất này nếu được thông qua và triển khai sẽ tạo động lực mạnh mẽ giúp thị trường ô tô trong nước hồi phục và cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Hoàng Cường
Infographic: Các loại thuế, phí khi mua ôtô mới năm 2020 Ở Việt Nam, để sở hữu được một chiếc ô tô mới, người tiêu dùng phải đóng các loại thuế, phí bắt buộc. Hiện Bộ Tài Chính đã ra Quyết định số 452/QĐ-BTC về điều chỉnh, bổ sung giá tính lệ phí trước bạ với ô tô, xe máy. Với quyết định này, các ô tô hạng sang về tay người tiêu dùng...