Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”
“Thượng bất chính, hạ tắc loạn” vẫn là lời cảnh tỉnh về một chân lí tuyệt đối cho những người giữ vai trò trọng trách của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.
Thanh tra phát hiện hàng loạt sai phạm về tài chính của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh và một số trường trung học phổ thông khiến giáo viên ngao ngán.
Vừa qua, hàng loạt báo cùng đưa tin về những sai phạm tài chính của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ trưởng một số trường trung học phổ thông nhận được nhiều quan tâm của giáo giới.
Một số báo chạy tít như sau:
“Thanh tra TP.HCM công bố kết luận hàng loạt sai phạm của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh”(Báo Tổ quốc) [1]
“Công bố hàng loạt sai phạm của Giám đốc Sở và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh”(Báo Tin tức) [2]
“Thanh tra phát hiện nhiều sai phạm tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh”(Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh) [3]
Nội dung của những bài báo trên đề cập đến những sai phạm tài chính của lãnh đạo Sở và Thủ trưởng một số trường trung học phổ thông đã được Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh kết luận trong thời gian qua.
Theo đó, Sở đã tổ chức nhiều chuyến đi ngoài thành phố cho các hội nghị, tập huấn không đúng quy định.
Đó là tất cả các cuộc hội nghị, tập huấn chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng được kết hợp với tham quan, du lịch dài ngày, nên chi phí cho những chuyến đi này cao hơn nhiều so với quy định của Nhà nước.
Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam và Công ty cổ phần Sách-thiết bị trường học Miền Nam tài trợ cho Sở đi Myanmar, Ninh Chữ ( tỉnh Bình Thuận), Bình Định cũng không đúng với chức năng nhiệm vụ của Sở. Sở đã tổ chức “Hội nghị chuyên đề xây dựng Đảng” tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) trong 3 ngày và “Hoạt động về nguồn, giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác cho cán bộ Đoàn” tại các tỉnh phía Bắc trong 7 ngày không liên quan gì đến công tác chuyên môn.
Sở phân bổ lại dự toán kinh phí hoạt động cho các đơn vị trực thuộc chưa phù hợp theo định mức phân bổ chi ngân sách dẫn đến sai phạm cả tỉ đồng.
Cá biệt, chuyến đi công tác của đoàn cán bộ đi học bồi dưỡng quản lý ngành học mầm non tại Nhật Bản có chi phí phụ cấp tiền tiêu vặt là 46,4 triệu đồng, không đúng quy định của Bộ Tài chính.
Sở không thể hiện nội dung chương trình đối với khóa bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh cốt cán các cấp tại Mỹ.
Sở chi phí tổ chức khóa đào tạo giảng viên dạy Toán, Khoa học bằng tiếng Anh với số tiền 36 tỷ đồng là chưa phù hợp vì chưa đủ cơ sở để xác định giá trị dịch vụ.
Theo quy định tại Điều 2, Thông tư liên tịch 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ ban hành thì nhiệm vụ quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo được quy định ở một số nội dung như sau:
Video đang HOT
“Tổ chức ứng dụng các kinh nghiệm, thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong giáo dục” (nội dung 5)
“Hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở, các Phòng Giáo dục và Đào tạo về thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, quy chế chuyên môn” (nội dung 7)
“Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xây dựng và lập dự toán ngân sách giáo dục hàng năm đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở” (nội dung 17).
Thế nhưng, theo một số nội dung kết luận thanh tra như đã nêu, rõ ràng Sở chưa thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của mình.Theo quy định trên, ngoài chức năng quản lí Nhà nước thì nhiệm vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo là phải đảm bảo công tác chuyên môn, công tác thanh kiểm tra.
Thứ nhất, Sở đã tổ chức nhiều chuyến đi ngoài thành phố cho các hội nghị, tập huấn (chỉ chiếm một phần nhỏ), được kết hợp với tham quan dài ngàychỉ là kiểu du lịch trá hình.
Có thể đặt một số nghi vấn, việc Sở tổ chức đi hội họp, học tập, tập huấn xa thì ai được, ai mất và được cái gì?
Tại sao Sở không tổ chức hội họp, học tập, tập huấn tại Thành phố Hồ Chí Minh – một thành phố lớn có đầy đủ các tiện nghi – để thuận lợi cho các đơn vị trực thuộc?
Đời sống của giáo viên, nhân viên thành phố đâu có sung túc mà Sở có thể vung tay quá trán với số tiền xa xỉ như thế?
Và cho dù đi bằng kinh phí tư nhân (các trường tư thục) hay kinh phí từ ngân sách Nhà nước thì Sở cũng phải tiết kiệm, bởi ngành giáo dục còn muôn vàn khó khăn.
Rõ ràng cách làm việc của Sở là thiếu trung thực với chính mình và trái với chủ trương của Thành ủy thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Điều này khiến giáo viên thành phố bức xúc và dư luận hoang mang, phẫn nộ.
Thứ hai, một số công ty đứng ra tài trợ những chuyến đi cho Sở thì không ai thật thà đến mức tin rằng, người làm kinh doanh bỗng dưng tốt thế. Miếng phô mai không mất tiền chỉ có trên cái bẫy chuột.
Thói đời, “bánh ít đi bánh quy lại”. Và sau mỗi chuyến đi bằng tiền “chùa” như thế, ai dám chắc Sở sẽ “tạo điều kiện” cho các công ty kia “mang” sách bổ trợ, đồ dùng dạy học… vào nhà trường hay không?
Và ai là người sẽ phải trả chi phí cho những thứ đó nếu không phải là gánh nặng nhọc nhằn từ phụ huynh học sinh?
Giáo viên có đứng ngoài cuộc không? Không! Nếu giáo viên không ép buộc học sinh phải mua những thứ đó thì được mấy phụ huynh chi tiền?
Thứ ba, việc Sở phân bổ lại dự toán kinh phí hoạt động cho các đơn vị trực thuộc chưa phù hợp theo định mức phân bổ chi ngân sách dẫn đến sai phạm cả tỉ đồng thể hiện sự tắc trách, buông lỏng của lãnh đạo trong công tác quản lí.
Những sai phạm tiền tỉ như thế này chảy vào túi ai? Nhưng chắc chắn một điều, tiền không chảy vào túi giáo viên, nhân viên.
Thứ tư, việc nhập nhèm giá trị dịch vụ đào tạo giảng viên dạy Toán, Khoa học bằng tiếng Anh cũng là điều đáng nghi vấn. Việc làm này đã vi phạm về nguyên tắc tài chính mà hơn ai hết, Sở rất rõ.
Thứ năm, điều khiến giáo viên ngao ngán là, đoàn cán bộ đi học bồi dưỡng quản lý ngành học mầm non tại Nhật Bản có chi phí phụ cấp tiền tiêu vặt46,4 triệu đồng. Hóa ra, ngân sách giáo dục là chùm khế ngọt, cho nên cán bộ “được ăn, được nói, được gói mang về”?
Cha ông ta đúc kết: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” (Người trên mà làm bậy thì cấp dưới không thể nghiêm chỉnh được). Chính vì lãnh đạo Sở làm sai, kéo theo nhiều Thủ trưởng đơn vị cũng làm sai không kém.
Có thể viện dẫn, ngày 6/3/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin: “Thanh tra phát hiện có sai phạm tại trường chuyên Lê Hồng Phong”.
Nội dung bài báo cho biết, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong thực hiện ký các hợp đồng cho thuê trụ sở làm việc, hợp đồng liên kết đào tạo bóng đá nhưng không có văn bản chấp thuận chủ trương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhưng Hiệu trưởng của trường này là cô Nguyễn Thị Yến Trinh (vợ của Giám đốc Sở Lê Hồng Sơn) cũng không hề hấn gì. Bà Trinh sau đó đã có đơn xin nghỉ Hiệu trưởng trước nhiệm kì 2 năm vì lí do… sức khỏe.
Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong. (Ảnh: H.L/Giaoduc.net.vn)
Tiếp đến, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 8/8/2019 có bài viết: “Trường Marie Curie Sài Gòn đem tài sản công đi cho thuê không đúng qui định”.
Việc làm này không đúng với quy định tại điều 16, 34 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008.
Và Hiệu trưởng trường này qua nhiều năm vẫn bình thân tại vị, cũng là điều khó hiểu.
Đó mới chỉ là 2 trường hợp điển hình trong nhiều vụ việc sai phạm ở các trường phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Thế nhưng, những vụ việc sai phạm như thế, Sở xử lí qua loa, chiếu lệ, thậm chí không đề cập đến khiến giáo viên quá ngán ngẩm.
Thiết nghĩ, trong xã hội mà người trên thiếu chính trực, làm bậy thì kỷ cương mất nghiêm, cấp dưới sẽ khinh nhờn. Cũng từ đó mà sinh ra lòng tà: tham nhũng, cửa quyền, quan liêu, độc đoán.
“Thượng bất chính, hạ tắc loạn” vẫn là lời cảnh tỉnh về một chân lí tuyệt đối cho những người giữ vai trò trọng trách, nhất là những lãnh đạo của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
[1]//toquoc.vn/thanh-tra-tphcm-cong-bo-ket-luan-hang-loat-sai-pham-cua-so-gddt-20191109121648.htm
[2]//baotintuc.vn/thoi-su/cong-bo-hang-loat-sai-pham-cua-giam-doc-so-va-so-gddt-tp-ho-chi-minh-20191109154046440.htm
[3]//plo.vn/xa-hoi/giao-duc/thanh-tra-phat-hien-nhieu-sai-pham-tai-so-gddt-tphcm-869146.html
[4]//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/truong-marie-curie-sai-gon-dem-tai-san-cong-di-cho-thue-khong-dung-qui-dinh-post201304.gd
[5]//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thanh-tra-phat-hien-co-sai-pham-tai-truong-chuyen-le-hong-phong-post196259.gd
[6]//nganhangphapluat.thukyluat.vn/tu-van-phap-luat/bo-may-hanh-chinh/nhiem-vu-quyen-han-cua-so-giao-duc-va-dao-tao-201963?fbclid=IwAR2mtiKVi_Xr_bj6tpQKeeJO537w-_2TArS0cTXxDsBxSxFOpd5ENCHGUts
Phấn Trắng
Theo giaoduc.net
TPHCM: Tôn vinh 130 giáo viên chủ nhiệm tiêu biểu
Ngày 13/11, Sở GDĐT TPHCM đã tổ chức chương trình họp mặt giao lưu với chủ đề "Trái tim người thầy" năm 2019 chào mừng kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
Giao lưu các giáo viên tiêu biểu.
Năm nay, chương trình tôn vinh 130 cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm giỏi tiêu biểu, những tấm gương hy sinh tận tụy, sống có trách nhiệm, góp phần nêu cao đạo đức truyền thống nhà giáo. Dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, các thầy, cô vẫn luôn ý thức nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần giữ vững và nâng cao uy tín nhà giáo trong xã hội.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, thầy Thạch Trung Tuấn, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (quận 8) tâm sự về những ngày đầu bước chân vào Khoa Giáo dục tiểu học Đại học Sài Gòn "cả khoa toàn nữ, mình trở thành hàng hiếm". Sự ngượng ngùn qua đi bằng sự đầu tư nghiêm túc với nghề.
Thầy Tuấn quan niệm, đối với thầy giáo trẻ, giáo viên chủ nhiệm chính là sợi dây kết nối giữa giáo dục gia đình và nhà trường. Để dạy các em học sinh, cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội, chiếc kiềng 3 chân mà chỉ cần một chân lỏng lẻo sẽ ảnh hưởng rất lớn kết quả giáo dục các em.
Cô Nguyễn Thị Hồng Phượng, giáo viên Trường Mầm non Long Trường (quận 9) cho rằng, hình ảnh người thầy có vị trí và vai trò quan trọng đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách cho mỗi học sinh. Trong đó, đối với một người thầy, cái "tâm" quan trọng hơn cái "tài", chỉ cần có tấm lòng và sự tâm huyết thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua.
Theo infonet
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Giáo viên có được nghỉ dạy? Theo quy định, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 được tổ chức trọng thể trên cả nước lần đầu tiên vào ngày 20/11/1982. Đây được coi là ngày hội truyền thống của ngành giáo dục, ngày 20/11 mang ý...