Ngành đường sắt giảm giá vé lên đến 40% trong dịp hè 2020
Ngày 3/6, Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, để thu hút hành khách trong dịp hè 2020, công ty sẽ áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi khi mua vé tàu hỏa, với mức giảm lên đến 40% giá vé. Chương trình áp dụng từ ngày 1/7 đến hết ngày 16/8.
Đoàn tàu SE3 chạy Hà Nội – TP Hồ Chí Minh chuẩn bị lăn bánh (ảnh chụp tối 23/4/2020). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Theo đó, đối với tàu khách Thống nhất SE3/4, SE7/8 (Sài Gòn – Hà Nội), khi mua vé có cự ly vận chuyển trên 900 km và tàu SE21/22 (Sài Gòn – Đà Nẵng) cự ly vận chuyển trên 600 km, hành khách mua vé trước ngày đi tàu từ 20 ngày trở lên được giảm giá từ 20% đến 40% giá vé (trừ loại chỗ giường nằm khoang 4 tàu SE3). Khi đổi, trả vé mức khấu trừ từ 20% – 40% giá vé; thời gian đổi vé, trả vé trước giờ tàu chạy ít nhất 72 giờ.
Đối với tàu khách khu đoạn SQN1/2 (Sài Gòn – Quy Nhơn) khi mua vé có cự ly trên 400 km, tàu SNT1/2 (Sài Gòn – Nha Trang) có cự ly vận chuyển trên 300 km, hành khách mua vé trước ngày đi tàu từ 20 ngày trở lên được giảm từ 20% đến 30% giá vé (trừ loại chỗ giường nằm khoang 4 tàu SNT1/2). Riêng tàu SPT1/2 (Sài Gòn – Phan Thiết), hành khách mua vé trước ngày đi tàu từ 10 ngày trở lên được giảm 10% giá vé.
Đối với vé tập thể, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, hành khách mua vé có số lượng khách từ 5 người trở lên được giảm giá từ 2% đến 14% giá vé; hành khách mua vé khứ hồi được giảm từ 7% đến 10% giá vé lượt về. Các công ty du lịch tham gia Chương trình kích cầu du lịch với Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố có ký thỏa thuận kích cầu với Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn trong năm 2020, được giảm từ 10% đến 25% giá vé, áp dụng cho tập thể kích cầu mua vé đi tàu từ 10 người đến 100 người.
Video đang HOT
Ngoài ra, công ty vẫn áp dụng giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội như Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người nhiễm chất độc hóa học, người khuyết tật nặng, người cao tuổi, sinh viên, trẻ em, đoàn viên công đoàn, hành khách có thẻ khách hàng…
Ngổn ngang ngành đường sắt
Dự kiến doanh thu giảm và lỗ hà-ng ngàn tỷ đồng trong năm 2020, các công ty bảo trì đường sắt phải đi vay tiền trả 11.000 nhân viên trong nhiều tháng qua. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN về Bộ GTVT.
Tuy nhiên, mới đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước vẫn muốn tiếp tục được giữ quyền quản lý, đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại TCT đường sắt Việt Nam...
Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) đã kiến nghị lên Chính phủ về việc tiếp tục được giữ quyền quản lý, đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại TCT đường sắt Việt Nam (VNR), thay vì chuyển về Bộ GTVT , sau khi đánh giá toàn diện lại quá trình quản lý nơi này. "Đề xuất chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ CMSC về lại Bộ Giao thông vận tải chỉ tận dụng được bộ máy cũ, mô hình cũ để thực hiện theo cơ chế cũ, mặc dù cơ chế này không còn phù hợp với tình hình thực tiễn", đó là nhận định của Chủ tịch CMSC Nguyễn Hoàng Anh trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ.
Ông Hoàng Anh cho rằng, đề xuất điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ CMSC về Bộ GTVT không phù hợp chủ trương của Đảng về tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. CMSC kiến nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn ở lại để Ủy ban này quản lý, tiếp tục đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước như 2 năm qua.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của CMSC gửi Thủ tướng Chính phủ cập nhật ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty, cho thấy: ngành đường sắt 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu vận tải hành khách đường sắt dự kiến đạt 527,88 tỷ đồng, giảm 65 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ khoảng 100 tỷ đồng. Với VNR, do không có khách đi tàu, từ đầu năm đến nay các công ty cổ phần vận tải đường sắt đã đề nghị dừng chạy hàng loạt các đoàn tàu trong nước và tàu liên vận quốc tế, gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu và lợi nhuận của ngành đường sắt, khó đảm bảo việc hoàn thành kế hoạch đã được giao.
Trước đó, hàng vạn nhân viên ngành đường sắt đứng trước nguy cơ không có lương. Cụ thể, ngày 21/2, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là đầu năm 2020, Tổng công ty không được Bộ Giao thông Vận tải giao vốn cho công tác bảo trì nên không thể ký hợp đồng đặt hàng với 20 đơn vị bảo trì như những năm trước. Việc này khiến các doanh nghiệp bảo trì không có tiền trả lương cho hơn 11.000 lao động toàn ngành.
Ngoài ra, Tổng công ty đường sắt Việt Nam được giao quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, nhưng khi chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước thì chỉ chuyển doanh nghiệp, còn hạ tầng vẫn do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, dẫn đến tình trạng "đầu đi, chân ở lại".
Nêu thêm khó khăn của ngành mình, ông Vũ Anh Minh cho biết, hiện nay còn một số tồn tại, một là hiệu suất đầu tư, đầu tư trong kết cấu rất ít, duy tu bảo dưỡng thường xuyên từ vốn ngân sách chỉ đáp ứng 30-40%. Cứ trình lên 1.000 hạng mục thì bỏ lại 600 hạng mục, mỗi năm tích tụ lại như vậy, đến nay đường sắt trở thành "thân thể già nua".
Để tháo gỡ, đầu tháng 2, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định cho phép Bộ giao dự toán quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho VNR. Ngày 17/2, Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ GTVT nhưng tới nay Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước lại không "buông". Như vậy, VNR lại bị đẩy vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Và vấn đề đời sống của người lao động ngành đường sắt càng lâm vào tình cảnh khó khăn.
Chỉ ra nguyên nhân trì trệ của ngành đường sắt, ông Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Ngành đường sắt tụt hậu trước hết là do chúng ta chưa có tầm nhìn chiến lược về quy hoạch đường sắt trên cơ sở nền tảng mà đường sắt để lại. "Đáng lẽ đường sắt phải là loại hình giao thông ưu tiên số một so với 4 loại hình giao thông (đường sắt, đường bộ, đường thuỷ, hàng không). Nhưng bản thân ngành đường sắt cũng chưa nhận thấy thách thức, chưa tự đổi mới về cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động để thích nghi mà vẫn trông chờ vào đầu tư của nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cũng thừa nhận, việc nhận thức về tầm quan trọng của ngành đường sắt và hành động chưa đồng nhất. Do đó, việc đầu tư và quan tâm đến việc tổ chức khai thác, phát triển để duy trì còn ở mức độ hạn chế trong điều kiện mô hình quản lý của lĩnh vực đường sắt thay đổi rất nhiều, các doanh nghiệp cũng có sự xáo trộn, ảnh hưởng và tác động nhất định trong việc sáp nhập và tách. "Ngành đường sắt phải đầu tư đồng bộ thì mới phát huy hiệu quả. Chúng ta cho rằng yêu cầu đầu tư rất lớn nên không thể thu hồi vốn nhưng lại chưa xác định rằng nó tác động đến tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế" - theo ông Đông.
Hải Nhi
Ngành Đường sắt trước nguy cơ dừng chạy tàu: Lỗi tại cơ chế? Ngay từ những ngày đầu năm mới 2020, thay vì hứng khởi bắt tay vào việc, 20 doanh nghiệp thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt lại lao đao, chạy vạy vay mượn để ứng lương cho công nhân. Khó khăn này do cơ chế hoạt động của ngành Đường sắt thay đổi, chuyển chức năng đại diện vốn nhà...