Ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực tồn tại để phát triển
Do dịch Covid-19 kéo dài, 80-90% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã phải tạm ngừng hoạt động.
Ứng phó với khó khăn này, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực tồn tại để phát triển trở lại sau khi dịch được khống chế.
Khách du lịch tham quan tour “Biệt động Sài Gòn”.
Nỗ lực tạo nguồn thu
Theo báo cáo của Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính đến giữa tháng 8-2020, đã có từ 90% đến 95% số doanh nghiệp lữ hành phải ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động. Công suất phòng giảm 91,5%. Có tới 61% lao động nghỉ việc hoặc tạm nghỉ không lương. Hiện mỗi ngày, mỗi doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động có số tour du lịch chỉ đạt 3-5% so với dự kiến.
Video đang HOT
Kinh doanh du lịch thời điểm này gặp nhiều khó khăn và các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch đang tìm mọi cách để duy trì hoạt động. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông du lịch Việt Trần Văn Long cho biết: “Trước đây, công ty tôi có 500 nhân sự, nhưng nay phải cắt giảm. Chúng tôi phải chuyển hướng kinh doanh thêm lĩnh vực khẩu trang y tế để có thể giữ lại được 40% nhân sự. Hiện công ty vẫn duy trì bán tour du lịch, nhưng chủ yếu là các tour du lịch đã được thiết kế từ trước”.
Hiện các doanh nghiệp: Công ty Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Vietravel, Lữ hành Fiditour, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ lữ hành Saigontourist, Công ty TST Tourist đang triển khai bán tour du lịch trong phạm vi thành phố và tour du lịch ngắn ngày đến các địa phương chưa có người nhiễm Covid-19, gần thành phố Hồ Chí Minh. Phó Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour Nguyễn Ngọc An cho biết, doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực phát triển chùm tour du lịch “Biệt động Sài Gòn” phục vụ cả nhu cầu của khách lẻ và khách đoàn vào thứ tư và thứ bảy hằng tuần. Tuy khó khăn do dịch Covid-19 nhưng mùa thu này, Lữ hành Fiditour vẫn cố gắng phục vụ đa dạng các loại hình tour du lịch, đến những điểm du lịch an toàn trong nước.
Tương tự, Công ty Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Vietravel đã giới thiệu khoảng 10 sản phẩm tour du lịch Combo TripU đến Phú Quốc và 14 sản phẩm tour du lịch Combo TripU đến thành phố Vũng Tàu. Trong tháng 9-2020, Công ty TST Tourist sẽ tiếp tục tung ra thị trường những đường tour du lịch ngắn ngày để đáp ứng nhu cầu của du khách, cũng như triển khai những đường tour du lịch mùa thu với điểm đến chọn lọc, đáp ứng được tiêu chí an toàn, phòng, chống dịch bệnh.
Chuẩn bị kịch bản ứng phó lâu dài
Trước tình hình khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài, tác động tiêu cực đến ngành Du lịch thành phố, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị 2 kịch bản để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch hoạt động.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa, kịch bản 1 là trong trường hợp dịch Covid-19 được khống chế ngay trong tháng 9-2020. Khi đó, Sở sẽ tiến hành chương trình kích cầu nội địa trên cơ sở kết nối các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển, các điểm tham quan để có những sản phẩm mới. Ngoài ra, Sở cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để doanh nghiệp, khách du lịch bảo đảm các tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch bệnh…
Kịch bản 2, nếu dịch Covid-19 kéo dài hết quý IV-2020, Sở sẽ tập trung vào nhóm giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách du lịch, xây dựng các sản phẩm mới.
Ngoài ra, Sở Du lịch tham mưu với UBND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành xây dựng chính sách trình Chính phủ quyết định hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch trong đó có giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng trong năm 2020. Ngoài ra, sẽ kiến nghị Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay 50% tiền ký quỹ doanh nghiệp lữ hành…
Đánh giá về những phương án này, Giám đốc tiếp thị Công ty TST Tourist Nguyễn Minh Mẫn nhìn nhận: “Những phương án trên hoàn toàn thiết thực với doanh nghiệp. Trong đợt dịch hiện nay, các giải pháp phòng, chống dịch đã phát huy hiệu quả, tạo nên “vùng an toàn” trong tâm lý du khách, là cơ sở để thu hút khách trở lại khi dịch bệnh được khống chế. Nếu doanh nghiệp du lịch được hỗ trợ để tồn tại thì vẫn còn nhiều cơ hội để phục hồi, phát triển”.
Còn Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Khánh bày tỏ: “Hiệp hội mong muốn các tỉnh, thành phố khác trên cả nước phát huy sự liên kết, hợp tác giữa du lịch thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương, để giúp doanh nghiệp du lịch của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, ngành Du lịch Việt Nam nói chung từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn”.
Hà Nội: Sẽ điều chỉnh kế hoạch kích cầu du lịch nội địa
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, do diễn biến của dịch Covid-19, Sở sẽ có sự điều chỉnh kế hoạch kích cầu du lịch cho phù hợp với tình hình mới.
So với tháng 7, lượng khách du lịch đến Hà Nội trong tháng 8 giảm mạnh. Tuy nhiên, tháng 9, Sở sẽ có những kế hoạch mới để phục hồi thị trường, phù hợp với tình hình cụ thể của dịch.
Các điểm tham quan, du lịch tại Hà Nội đã trở lại thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt.
Tính tổng 8 tháng của năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,29 triệu lượt, giảm 67,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 1,02 triệu lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 5,27 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 22.754 tỷ đồng, giảm 65,8% so với cùng kỳ năm trước (giảm 43.699 tỷ đồng).
Do ảnh hưởng của dịch, nhiều đơn vị lữ hành tạm dừng tổ chức tour đến các vùng có dịch Covid-19. Hiệp hội Du lịch Hà Nội có văn bản gửi hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố vận động doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng, điểm đến... có chính sách hoàn tiền đặt cọc giúp các doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội, qua đó hoàn tiền cho khách hủy tour do dịch Covid-19.
Trong tháng 9 tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ điều chỉnh việc triển khai Kế hoạch số 73/KH-SDL ngày 10-6-2020 của Sở Du lịch Hà Nội về kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn thành phố; tham mưu tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tăng cường tuyên truyền quảng bá kết nối phát triển du lịch tùy tình hình diễn biến của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về du lịch. Chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; bảo đảm chất lượng dịch vụ và quyền lợi cho khách du lịch.
Đồng thời, trình UBND thành phố phê duyệt hồ sơ thiết kế ý tưởng, hồ sơ thiết kế sản xuất hệ thống biển chỉ dẫn du lịch, bộ nhận diện thương hiệu (logo) du lịch làng nghề và quà tặng lưu niệm du lịch Hà Nội; triển khai thực hiện Kế hoạch 169/KH-UBND ngày 20-8-2020 của UBND thành phố về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố trong lĩnh vực du lịch...
Có công ty du lịch mất 30 tỉ vì khách hủy tour Đối với người lao động, việc tiếp cận gói 62 ngàn tỉ đồng gặp khó khăn. Theo thống kê, hiện nay chưa tới 10 người nhận 1 triệu đồng từ gói 62 ngàn tỉ đồng. Chiều 7-8, Tổng Cục Du lịch tổ chức hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch. Báo cáo từ Vụ Lữ hành -...