Ngành du lịch An Giang ứng phó với dịch bệnh Covid-19
Tình trạng khách hủy chuyến, lưu trú khiến ngành du lịch ở nhiều địa phương điêu đứng, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Dù vậy, những ngày qua, tình hình này đang được cải thiện hơn, nhất là ở những địa phương ở khu vực miền Tây.
Khi được hỏi, nhiều du khách tỏ rõ sự tin tưởng, an tâm và thoải mái trong suốt quá trình tham quan du lịch tại những nơi có thời tiết ấm áp như An Giang.
Du khách an tâm
Những ngày này, lượng du khách đến tham quan, viếng miếu Bà Chúa Xứ núi Sam luôn tấp nập. Chị Nguyễn Thu Hằng (ngụ tỉnh Đồng Nai) cùng những người bạn cảm thấy rất thoải mái và an toàn khi đến Châu Đốc du lịch trong 2 ngày vừa qua.
“Chúng tôi tham quan nhiều nơi như: dạo chợ Châu Đốc, viếng miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, tham quan chùa Hang. Sau đó, đi cáp treo lên đỉnh núi Cấm, du ngoạn rừng tràm Trà Sư. Tất cả các nơi từ điểm du lịch đến các nhà hàng, chúng tôi được phát khẩu trang miễn phí, có dung dịch để vệ sinh tay, cảm thấy rất yên tâm khi đến đây” – chị Thu Hằng chia sẻ.
Cũng như nhóm bạn của chị Hằng, gia đình anh Lê Hoàng Long (ngụ tỉnh Vĩnh Long) thể hiện sự an tâm khi đến Châu Đốc. Anh Long vui vẻ chia sẻ: “Như thông lệ hàng năm, sau Tết Nguyên đán, gia đình tôi đến Châu Đốc để viếng Bà Chúa Xứ núi Sam và tham quan các điểm du lịch ở khu vực Bảy Núi. Lúc đi cũng khá băn khoăn, lo lắng nhưng khi đến đây cảm giác đó không còn. Tôi thấy công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện nghiêm túc, nhất là việc quan tâm tới khách du lịch. Tại khách sạn nơi chúng tôi ở, nhân viên để sẵn dung dịch sát khuẩn ở ngay cửa ra vào. Ngoài ra, nhiều nơi còn phát khẩu trang miễn phí cho du khách nên không có gì phải lo lắng”.
Lượng khách đến khu du lịch núi Cấm có phần giảm so cùng kỳ năm trước, nhưng những ngày gần đây, tín hiệu bắt đầu khả quan hơn, khi khách du lịch đến hành hương và tham quan ngày một đông hơn.
Anh Nguyễn Văn Nam (ngụ TP. Long Xuyên) cho biết: “Dù biết dịch bệnh Covid-19 nguy hiểm, nhưng đến nay tỉnh mình vẫn an toàn, chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh. Ngoài ra, các ngành chức năng rất quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh nên gia đình tôi rất an tâm khi đến đây tham quan. Đến đây, viếng chùa và tận hưởng không khí trong lành, giúp tôi được thư giãn, sảng khoải tâm hồn…”.
Đảm bảo an toàn
Thực hiện chỉ đạo của ngành chức năng, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh chủ động nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tại khách sạn Đông Xuyên, các bảng hướng dẫn, nhắc nhở khách lưu trú đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn được bố trí nhiều vị trí trong khuôn viên khách sạn.
Ông Đặng Quốc Triều (Giám đốc Cụm khách sạn Đông Xuyên, TP. Long Xuyên) cho biết: “Khách sạn chủ động công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân viên, lao động và khách lưu trú. Công tác vệ sinh, sát khuẩn được tăng cường nhiều lần trong ngày. Khách sạn tặng khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn miễn phí cho khách lưu trú. Khi có khách quốc tế đến lưu trú, nhất là người quốc tịch Trung Quốc, khách sạn tiến hành kiểm tra visa, thủ tục nhập cảnh cẩn thận hơn”.
Theo ông Triều, từ khi có thông tin về dịch bệnh Covid-19, lượng khách lưu trú tại khách sạn giảm 40%. Hy vọng lượng khách sẽ tăng lên những ngày tới, trước sự vào cuộc quyết liệt từ các ngành chức năng trong công tác phòng, chống dịch.
Châu Đốc được xem là “thành phố du lịch” của tỉnh, khi thu hút rất đông khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân và du khách, UBND thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đến nay, các DN kinh doanh hoạt động du lịch, lữ hành trên địa bàn thành phố đã thực hiện tốt các chỉ đạo và chủ động triển khai các biện pháp hiệu quả về công tác phòng, chống dịch bệnh, như: tuyên truyền, vận động người dân và du khách nâng cao ý thức phòng, tránh dịch bệnh Covid-19; hoãn đón khách từ các vùng có dịch và tạm dừng đưa khách đến các tỉnh, thành phố có dịch bệnh; tổ chức đo thân nhiệt cho du khách; hướng dẫn du khách và nhân viên thực hiện các biện pháp như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà bông, dung dịch sát khuẩn…
Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết, nhìn chung, lượng khách du lịch đến Châu Đốc tuy có giảm so cùng kỳ nhưng với sự vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh cùng với việc triển khai hiệu quả các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa du lịch thân thiện, an toàn, văn minh, tạo sự tin tưởng, an tâm cho du khách khi đến Châu Đốc nói riêng và An Giang nói chung.
Từ ngày 6-2 đến nay, khách du lịch đến Châu Đốc tăng dần, đặc biệt những ngày cuối tuần. “Lượng du khách tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng không vì thế mà chủ quan, thành phố luôn kiên định thực hiện chặt chẽ, quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân địa phương và du khách” – ông Trần Quốc Tuấn chia sẻ.
Video đang HOT
Thời điểm này, An Giang vẫn đang là điểm đến an toàn, tin cậy, được rất nhiều du khách lựa chọn. Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp nhấn mạnh, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn cho du khách luôn được các điểm đến, cơ sở lưu trú, DN lữ hành đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh chú trọng tăng cường công tác vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh công tác tái cơ cấu thị trường khách, tìm kiếm các thị trường mới, xây dựng sản phẩm du lịch mới.
Đồng thời, tập trung đào tạo, nâng cao năng lực của hướng dẫn viên, xây dựng các tour, tuyến hấp dẫn để thu hút du khách. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, khẳng định An Giang là điểm đến thân thiện, thật sự an toàn.
TRUNG HIẾU
Theo baoangiang.com.vn
Hành trình Châu Đốc: Ngỡ ngàng vẻ đẹp miền biên viễn
Thốt nốt, đua bò, núi Sam, rừng tràm Trà sư, tuyệt tình cốc, làng Chăm, v.v.. những "đặc sản" mang tên Châu Đốc, và hơn thế nữa là một nền văn hoá khác biệt hoàn toàn khiến bất kỳ ai cũng phải ngỡ ngàng khi khám phá vùng đất này.
Châu Đốc, nổi tiếng với lễ hội đua bò truyền thống
Thời điểm đẹp nhất để đến Châu Đốc - An Giang đó chính là khoảng tháng 8 đến tháng 11 trong năm. Tôi may mắn được theo chân hành trình Di sản Heritage phototour để tái hiện lại nhiều nét văn hoá đặc trưng và ghi lại những điểm "check in" nổi tiếng, mà nhiều điểm chắc chắn sẽ làm các bạn bất ngờ.
Vẻ đẹp bình dị và thân thuộc của vùng đồng bằng
Đầu tiên phải kể tới làng Chăm - Châu Giang, nơi có thánh đường Mubarak lịch sử hàng trăm năm, đặc trưng văn hoá tín ngưỡng Hồi Giáo. Ở đây vẫn còn lưu giữ được khoảng chục căn nhà sàn nhiều năm tuổi vô cùng quý giá về ý nghĩa lịch sử cũng như có giá trị du lịch.
Thánh đường Mubarak, biểu tượng Hồi Giáo của làng Chăm
Trang phục của phụ nữ làng Chăm là trang phục Hồi Giáo
Hội đua bò Bảy Núi, đua bò chùa Rô diễn ra vào khoảng 19/8 đến 1/9 âm lịch, dịp lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer Nam Bộ. Đây là một lễ hội vô cùng hấp dẫn thu hút hàng nghìn người tham dự, nó thể hiện tinh thần đoàn kết - phấn trấn bước vào vụ mới ấm no của những người nông dân.
Cảnh đua bò ở chùa Rô hàng năm
Xung quanh địa phận Tri Tôn, nơi tập trung nhiều cây Thốt Nốt - một giống cây đặc trưng của vùng đất An Giang nói chung và của đồng bào Chăm nói riêng.
Vẻ đẹp của hàng cây Thốt Nốt trong ánh Bình Minh
Để ngắm được hết vẻ đẹp của những hàng cây Thốt Nốt bạn cần phải biết địa điểm chính xác và đặc biệt là chọn thời gian Bình Minh và Hoàng Hôn để lên hết bóng dáng tuyệt vời của những hàng cây.
Thốt Nốt mọc thành từng cụm rất giống với cách phân bổ Cọ ở miền Bắc
Tuyệt tình cốc: Một trong những điểm "check in" mới của giới trẻ khi về thăm An Giang, một hồ nước trong xanh nằm trên ngọn đồi bao quanh là đá vô cùng phẳng lặng và mang chút ma mị.
Tuyệt tình cốc An Giang
Miếu bà chúa Xứ - Núi Sam: Điểm du lịch tâm linh vô cùng nổi tiếng, khoảng 2 triệu lượt khách đến đây vào tháng 1 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Tháng 10 trở nên tuyệt đẹp với miền đồng bằng xanh ngát cỏ cây
Rừng Tràm Trà Sư: Còn gì tuyệt vời hơn việc chẳng cần suy nghĩ gì, cứ thả mình theo chiếc thuyền gỗ trôi theo dòng nước, đắm chìm dưới bóng râm mát của cây tràm. Trên đầu là lá, dưới thuyền là thảm bèo li ti dập dềnh theo làn nước, thiên nhiên như ôm trọn con người vào lòng, nhẹ nhàng vỗ về với tiếng chim ríu rít trên cao, thứ âm thanh nổi bật trong cái yên tĩnh mà bình yên mà ta khó lòng tìm thấy nơi đô thị bộn bề.
Rừng Tràm Trà Sư mang nét đẹp sông nước miền Tây
Mặt bèo mềm mại xanh mướt ở Trà Sư
Còn rất nhiều điểm đến mà phải thật sự có thời gian chúng ta mới khám phá hết, như: chùa Hang, làng nổi Châu Đốc, kênh Vĩnh Tế, lăng Thoại Ngọc Hầu, đình Châu Phú, chùa Tây An, chợ Nổi, vv.
Làng nổi Châu Đốc
Hay miệt mài trong những khám phá những món ẩm thực đặc trưng: bún cá lóc, bánh bò thốt nốt, mắm Châu Đốc, gỏi sầu đâu, bông điên điển, thốt nốt, tung lò mò, cơm nị, vv.
Một đầu bếp đang chế biến món bánh tráng ở Châu Đốc
Mỗi vùng miền trên dải đất hình chữ "S" đều có những nét riêng, và Châu Đốc - An Giang cũng vậy. Một thứ văn hoá không thể trộn lẫn, khiến du khách cảm giác như đi lạc ra khỏi đất nước Việt Nam.
Các nhà sư Châu Đốc ở trong trang phục văn hoá Khmer
Chùm ảnh hành trình di sản Châu Đốc sẽ thay cho những mỹ từ không lời khi nói về miền biên viễn này:
Một góc thánh địa Mubarak
Cảnh đánh bắt cá trên sông
Chuẩn bị ở lễ hội đua bò chùa Rô
Các nhà sư Khmer cùng người dân cấy lúa chào vụ mới sau lễ đua bò
Đàn ông Khmer thường đi tu trước, sau đó mới hoàn tục lấy vợ, sinh con
Cây Thốt Nốt, đặc sản không thể bỏ qua khi đến Châu Đốc
Huy Thắng
Theo tapchicongthuong.vn
Vãn cảnh tháng Giêng Với nhiều người, viếng chùa lễ Phật rồi vãn cảnh đầu năm là chuyến du xuân thú vị và ý nghĩa. Ngay từ sáng mùng 1 Tết Nguyên đán, các khu - điểm du lịch đã tấp nập đón khách vãn cảnh, du xuân. Tháng Giêng mở đầu cho 12 tháng trong năm, rằm tháng Giêng còn được gọi là "rằm Thượng ngươn",...