Ngành dầu khí Canada chỉ đầu tư cầm chừng
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, các công ty dầu khí của Canada dự kiến sẽ tăng chi tiêu trong năm 2023, song các nhà phân tích cho rằng mức tăng này sẽ khiêm tốn và không trở lại thời kỳ bùng nổ.
Cơ sở khai thác dầu thô Syncrude ở phía Bắc Fort McMurray, Alberta, Canada. Ảnh: AFP/TTXVN
Đối với ngành năng lượng của Canada, 2022 là năm phá vỡ một thập niên giá hàng hóa giảm và mang sự thịnh vượng trở lại cho ngành này. Với sự kết hợp của một loạt nhân tố (các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19 trên quy mô toàn cầu được dỡ bỏ dần, cuộc xung đột ở Ukraine và tác động tích lũy của nhiều năm đầu tư không đủ vào ngành dầu khí), giá năng lượng đã vọt lên mức cao kỷ lục trong năm 2022 và các công ty Canada đã thu được lợi nhuận kỷ lục. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận này được dùng để trả nợ và thưởng cho các cổ đông, chứ không được đầu tư vào các dự án xây dựng hoặc cơ sở hạ tầng lớn.
Theo ông Philip Petursson, chiến lược gia hàng đầu về đầu tư tại công ty tư vấn IG Wealth Management, trong vòng từ 6 đến 8 năm qua, các nhà sản xuất dầu mỏ đã thắt chặt kỷ luật hơn về mặt tài chính. Mối đe dọa suy thoái kinh tế trong năm 2023 là một yếu tố ngăn cản các công ty dầu khí chi tiêu. Ông Petursson dự báo sản lượng dầu của Canada năm 2023 sẽ vượt mức kỷ lục của năm 2022, nhưng với biên độ hẹp.
Cũng về vấn đề này, ông Jonah Resnick, chuyên gia phân tích của Tập đoàn nghiên cứu và tư vấn Wood Mackenzie cho biết hoạt động đầu tư vào tư liệu sản xuất/tài sản cố định trong năm 2023 do các công ty dầu khí Canada công bố cho đến nay cho thấy mức tăng chi tiêu trung bình sẽ tăng từ 5 – 6% so với năm 2022. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là các dự án nhỏ, không thể so sánh với các siêu dự án và sự phát triển mạnh của ngành ở thời điểm trước năm 2014.
Theo ông Resnick, sang năm 2023, ngành dầu khí của Canada có thể sẽ tiếp tục tập trung vào lợi nhuận của cổ đông và giữ cho doanh nghiệp “khỏe mạnh” về mặt tài chính. Hiện nay, ngoài tình trạng bất ổn định của nền kinh tế toàn cầu, ngành dầu khí của Canada đang phải đối mặt với các mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ngày càng quyết liệt.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore: Thế giới đang ở 'điểm tới hạn tích cực' về chống biến đổi khí hậu
Thế giới đang ở "điểm tới hạn tích cực" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh giá dầu mỏ và khí đốt tăng vọt buộc các chính phủ phải đẩy nhanh quá trình phi carbon hóa.
Đây là nhận định của cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore, nhà đồng sáng lập công ty quản lý đầu tư Generation Investment Management, đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn được hãng tin Reuters công bố mới đây.
Khói bốc lên từ cơ sở lọc dầu ở Bắc Alberta, Fort McMurray, Canada. Ảnh: AFP/TTXVN
Dẫn chứng về nỗ lực đẩy nhanh hoạt động giảm phát thải, ông Al Gore cho biết tháng 8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Luật Giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD với trọng tâm là khí hậu. Đây được xem là gói biện pháp vì khí hậu lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Đầu tháng này, Chính phủ Australia cũng cam kết đến năm 2030 giảm 43% lượng khí thải carbon và đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Trong khi đó, một số chính phủ đã lựa chọn thay thế nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang sử dụng điện tái tạo có giá thành ngày càng rẻ hơn. Một số nước khác đang thúc đẩy các lệnh cấm ô tô và xe tải chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore nhấn mạnh: "Tại thời điểm mà công nghệ tạo ra số việc làm trên mỗi USD đầu tư cao gấp 3 lần so với nhiên liệu hóa thạch, tôi tin rằng tất cả những điều này tạo thành một điểm tới hạn". Ông cũng bày tỏ hy vọng Brazil sẽ thay đổi chính sách của nước này về ứng phó biến đổi khí hậu sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới, trong khi Trung Quốc và Mỹ sẽ tái khởi động đối thoại về vấn đề khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra tháng 11 tới ở Indonesia.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ quan ngại việc một số quốc gia tăng sản lượng khai thác nhiên liệu hóa thạch trong bối cảnh giá dầu và khí đốt tăng vọt do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine. Theo ông, không có khái niệm "nhiên liệu hóa thạch sạch", đồng thời kêu gọi chấm dứt các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch. Ông nhấn mạnh đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch không giúp giải quyết vấn đề thiếu nhiên liệu mà còn làm tăng lượng phát thải khí nhà kính trong nhiều thập kỷ tới.
Ông Al Gore nhấn mạnh các hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan - như nắng nóng ở Trung Quốc, lũ lụt ở Pakistan và hạn hán ở châu Âu, đang cho thấy sự cần thiết phải hành động để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.
Ông Al Gore, Phó Tổng thống Mỹ giai đoạn 1993-2001, được biết đến là người ủng hộ chống biến đổi khí hậu sau khi xuất hiện trong bộ phim tài liệu về khí hậu mang tên "An Inconvenient Truth" (tạm dịch là "Sự thật phũ phàng"), được trao giải Oscar năm 2006, và phần tiếp theo của phim ra mắt năm 2017. Ông cũng là người đồng đoạt giải Nobel Hòa bình cho chiến dịch vì khí hậu của mình và là đồng sáng lập công ty Generation Investment Management có trụ sở tại London (Anh) tập trung vào các dự án đầu tư bền vững ở cả lĩnh vực công và tư nhân.
Canada: Nhiều thách thức để tăng xuất khẩu LNG sang châu Âu Trong khuôn khổ chuyến công du Canada, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 23/8 bày tỏ mong muốn Canada tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu, dù thừa nhận việc thiếu cơ sở hạ tầng và các đề án kinh doanh chưa được kiểm chứng đang cản trở việc thúc đẩy nguồn cung này. Cơ sở...