Ngành có lương trung bình 24 triệu/tháng, thưởng Tết có thể gấp 5 lần, nhưng vẫn ‘nhọc nhằn’ tìm nhân lực
Theo số liệu thống kê, thu nhập nhân viên trong ngành có trung bình đạt được 24 triệu VNĐ/tháng, thậm chí có vị trí lên tới 44 triệu VNĐ/người/tháng.
Dù đãi ngộ tốt, lương thưởng cao nhưng ngành vẫn đang gặp rào cản khó tháo gỡ trong tìm kiếm nhân lực.
Công việc có đãi ngộ tốt
Từ thống kê BCTC hợp nhất quý 1/2022 của 22 ngân hàng cho thấy, thu nhập nhân viên tại các nhà băng cũng có sự khác biệt khá lớn khi dao động từ 11 triệu đến hơn 44 triệu đồng/người/tháng. Dù vậy, trong 2 năm qua, mức lương và phụ cấp trung bình của phần lớn ngân hàng đã tăng đáng kể, từ mức 19,7 triệu đồng/người/tháng năm 2019 lên 23,8 triệu đồng/người/tháng vào đầu năm 2022.
Trong đó, theo ghi nhận, ngân hàng có mức thu nhập tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm qua là ngân hàng OCB. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2022, lương và phụ cấp của nhân viên OCB đạt 24 triệu đồng/người/tháng. So với mức trung bình 8,5 triệu đồng trong năm 2019, con số này đã tăng gấp gần 2,8 lần.
Cũng theo số liệu thống kê này, lương và phụ cấp của nhân viên HDBank cũng tăng gần gấp đôi trong hơn 2 năm, đạt 25,5 triệu đồng/người/tháng. Tại KienLongBank, con số này tăng 53,4%. Eximbank tuy cắt giảm nhiều nhân sự nhưng vẫn tăng thu nhập tới 41,5% cho những người ở lại. Tiếp đó là Sacombank tăng 38,7%, SeABank tăng 30,9%…
Xét về con số tuyệt đối, nhân viên Techcombank đang là những người có thu nhập bình quân cao nhất khi bình quân mỗi nhân viên nhận 44,7 triệu đồng/tháng trong 3 tháng đầu năm, tăng tới 65% so với mức thu nhập bình quân trong năm 2019 là 27,1 triệu đồng/người/tháng.
Trong nhóm khảo sát, lương và phụ cấp của nhân viên MB đang đứng thứ hai với con số trung bình đạt 35,3 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng qua, tăng 24,7% so với mức chỉ 28,3 triệu đồng/người/tháng trong năm 2019.
Trong những năm gần đây, thưởng Tết Nguyên đán tại các ngân hàng cũng là con số gây nhiều chú ý. Tuy các ngân hàng không công khai con số này nhưng các chuyên gia nhận định, tùy thuộc vào cơ chế từng ngân hàng nhưng nhìn chung trung bình khoảng 2-5 tháng lương, cũng có thể lên tới 6-8 tháng lương.
Ông Đinh Văn Tiệp, Chuyên gia kinh tế tại TP HCM, nhận định: “Những nhân viên quản lý rủi ro, nhân viên kinh doanh, nhân viên tín dụng, chuyên viên phân tích tài chính… sẽ có mức thưởng cao hơn những nhân viên khác. Tuy vậy, nếu nhân viên bị kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ sẽ không có thưởng cao”.
“Nhọc nhằn” tuyển nhân sự
Tuy đãi ngộ tốt, lương thưởng cao nhưng theo ông Gaku Echizenya, Chủ tịch HĐQT và CEO Navigos Group Việt Nam tiết lộ bất ngờ, ngân hàng lại đang là ngành thiếu hụt nhân sự nhiều nhất.
“Bởi vì mọi thứ đang phát triển theo mô hình chuyển đổi số, ngân hàng số đang là xu hướng. Hầu hết các ngân hàng đều đang phát triển mảng này. Và tất nhiên họ không có đủ nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong mảng này”, vị CEO cho hay.
Trong khi nhiều ngân hàng đồng loạt có nhu cầu tuyển trong thời gian ngắn, lượng ứng viên đạt yêu cầu không đủ đáp ứng, tạo ra tình trạng “khát nhân sự”. Không chỉ các ngân hàng cạnh tranh với nhau, mà các lĩnh vực khác như tài chính, thương mại điện tử, y tế giáo dục… cũng đang mở rộng tuyển dụng ứng viên trong mảng này.
Video đang HOT
Đồng thời, muốn tuyển dụng được ứng viên có kinh nghiệm để triển khai áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất, đạt yêu cầu của ngân hàng ngày càng khó khăn. Trước đây, yêu cầu về chất lượng nhân sự được đề cao, đặc biệt là ứng viên ưu tiên có kinh nghiệm từng làm việc trong ngành ngân hàng.
Nhưng hiện tại do không tuyển đủ người, cộng thêm yêu cầu chuyển đổi và phát triển kinh doanh của các ngân hàng thay đổi, các ngân hàng hiện đều thay đổi yêu cầu về ứng viên linh hoạt hơn. Đội ngũ nhân sự được yêu cầu có tư duy và năng lực phù hợp với chiến lược mới của họ, thậm chí đối với một số vị trí, không quan trọng là ứng viên đó đã từng làm việc trong lĩnh vực nào trước đây.
Sau khi tuyển được nhân viên, các ngân hàng cũng phải “đau đầu” để tìm cách giữ chân các ứng viên công nghệ thông tin ở lại làm việc lâu dài. Nhóm ứng viên này có thể lựa chọn lĩnh vực đa dạng để làm việc nên có xu hướng không gắn bó lâu. Mức độ cạnh tranh trong tuyển dụng cũng khiến các ngân hàng phải đưa ra các chính sách hấp dẫn về lương, thưởng và phúc lợi xã hội.
Theo báo cáo về nhân lực ngành ngân hàng của Navigos Group vào giữa năm 2022, thường hiếm có các ứng viên công nghệ thông tin có thể đạt đủ tất cả yêu cầu của nhà tuyển dụng. Thông thường, ứng viên chỉ cần đáp ứng 50 – 70% là có thể có cơ hội làm việc. Nhiều nhà tuyển dụng thậm chí sẵn sàng tuyển những kỹ sư còn ít kinh nghiệm về để đào tạo lại.
“Do lượng ứng viên có đầy đủ kinh nghiệm luôn thiếu so với nhu cầu thị trường nên nhà tuyển dụng có thể hạ dần hoặc lược bớt các tiêu chí tuyển dụng”, Navigos Group nêu rõ.
Thậm chí, các ngân hàng lớn phải chi trả những khoản tiền đáng kể để “săn” ứng viên từ nước ngoài về, phục vụ quá trình phải triển khai các sản phẩm và giải pháp công nghệ tiên tiến về chuyển đổi số.
Trường nào đào tạo ngành Tài chính ngân hàng?
Khu vực miền Bắc có thể kể đến một số cái tên sau:
Học viện Ngân hàng
Học viện Tài chính
Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Trường Đại học Thương mại
…
Khu vực miền Nam có thể kể đến một số cái tên sau:
Trường Đại học Kinh tế TP HCM
Trường Đại học Tài chính – Marketing
Trường Đại học Ngân hàng TP HCM
Trường Đại học Ngoại thương TP HCM
Trường ĐH Kinh tế Luật TP HCM
…
Bệnh viện 200 tỷ "đắp chiếu" ở Bạc Liêu: Xử lý thế nào?
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm, nên đến nay bệnh viện xây dựng 200 tỷ đồng ở Bạc Liêu chưa thể đưa vào hoạt động.
Chưa thể bàn giao
Liên quan đến việc bệnh viện 200 tỷ đồng ở Bạc Liêu xây xong đã hơn 1 năm qua, nhưng đến nay chưa thể đưa vào hoạt động, ông Trần Hoài Đảo, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cho biết, đề án xây dựng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi được ban hành vào năm 2010. Thế nhưng, từ năm 2010 đến năm 2016 được đầu tư kinh phí rất ít, chủ yếu chỉ xây dựng các công trình phụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị cho thanh tra, kiểm tra kỹ, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển sang Cơ quan CSĐT làm rõ, không bao che sai phạm.
"Sau khi xem xét lại, dự án đã vượt dự toán ban đầu. Do đó, Sở Y tế có đề xuất nâng mức dự toán lên vào năm 2016. Cùng thời điểm này, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cũng có đề xuất thêm mua nhiều trang thiết bị hiện đại.
Sau đó, Dự án Mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu cũng đã được phê duyệt và UBND tỉnh giao Sở Y tế làm chủ đầu tư", ông Đảo thông tin.
Cũng theo ông Đảo, dự án được ký hợp đồng vào cuối năm 2020, thời gian thực hiện là 180 ngày. Đến thời điểm này, đã vượt thời gian thực hiện dự án khá lâu, nhưng một số trang thiết bị chưa được giao. Phía bệnh viện cũng chưa chấp nhận và Sở Y tế đã có lập gia hạn hợp đồng.
Ông Đảo cho rằng, muốn bệnh viện hoạt động được phải đáp ứng 4 nguồn lực chính: cơ sở vật chất; nhân lực và bộ máy tổ chức; kinh phí hoạt động; trang thiết bị.
Ông Trần Hoài Đảo, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu thông tin về khó khăn, vướng mắc liên quan đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu.
Đến nay, cơ sở vật chất cơ bản đã ổn định, nhân lực tổ chức bộ máy đã đầy đủ, bệnh viện đã được UBND tỉnh cấp kinh phí hoạt động, cũng như kinh phí để trả lương.
Tuy nhiên, còn vướng mắc trong việc bàn giao trang thiết bị cho bệnh viện. Để giải quyết các khó khăn, UBND tỉnh đã có rất nhiều cuộc họp và đã có thành lập hai Tổ công tác để rà soát, đánh giá các điều kiện đưa bệnh viện vào hoạt động (có mời 3 cán bộ kỹ thuật, trang thiết bị của Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP.HCM) hỗ trợ làm việc với nhà thầu và đơn vị sử dụng.
"Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với bệnh viện vẫn còn nhiều khó khăn, đang xin ý kiến. Sở Y tế đã chủ động mời Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh, Bộ Y tế đang xem xét cử một Tổ cán bộ vào hỗ trợ", ông Đảo nói.
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thông tin thêm, vướng mắc lớn nhất chưa thể đưa Bệnh viện Lao và Bệnh phổi vào hoạt động là ở khâu trang thiết bị y tế.
Chuyển cơ quan CSĐT nếu phát hiện vi phạm pháp luật
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm, về tổ chức bộ máy của bệnh viện cũng chưa đảm bảo, phải bố trí thêm cán bộ chuyên trách các khoa, vướng nhất là ở khâu trang thiết bị y tế.
"Quá trình vận hành một số trang thiết bị bị lỗi phải dừng lại đề nghị nhà thầu khắc phục, không đảm bảo cấu hình theo hợp đồng dẫn đến không thể bàn giao. Điển hình, xe cứu thương bàn giao không đúng thiết kế ban đầu, buộc nhà thầu phải khắc phục theo ký kết.
Tổ công tác đang xây dựng báo cáo cụ thể những vướng mắc, đề xuất để trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét cho ý kiến. Mong muốn của Tổ công tác sớm đưa bệnh viện vào hoạt động để giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu", ông Duy nói.
Tại buổi họp báo ngày 6/10 vừa qua, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phan Thanh Duy phụ trách làm việc với chủ đầu tư, Sở Y tế rà soát.
"Vấn đề nào nghiệm thu được thì đưa vào hoạt động. Vấn đề nào không được phải dừng lại để báo cáo. Đồng thời, đề nghị cho thanh tra, kiểm tra kỹ. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển sang cơ quan CSĐT làm cho rõ, không bao che sai phạm", ông Thiều chỉ đạo rõ.
Trước đó, lãnh đạo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu cho biết, đơn vị đã có báo cáo về tổng thể thực trạng bệnh viện chưa thể tiếp nhận bệnh nhân dù đã hoàn thành hơn 1 năm.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu do Sở Y tế làm chủ đầu tư, có diện tích 13.000m2 (nằm trên địa bàn xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu), với kinh phí trên 200 tỷ đồng. Bệnh viện gồm 3 khu, quy mô 1 trệt, 2 lầu với 100 giường bệnh.
Bệnh viện có tổng cộng 143 cán bộ nhân viên, y, bác sĩ, điều dưỡng, nhưng 1 năm qua chỉ đi tập huấn, đi học, thực tập, thao tác bảo trì thiết bị y tế; có khoảng 50% nhân lực ngồi chơi lĩnh lương.
Dù chưa đưa vào hoạt động, nhưng qua kiểm tra có 3/8 máy giúp thở đã lắp đặt gặp sự cố, hư hỏng; hệ thống máy xét nghiệm trị giá hàng tỷ đồng thì không có hóa chất kín để đưa vào hoạt động.
3 xe cứu thương trị giá hơn 5 tỷ đồng, nhưng trang thiết bị theo xe lại không đúng theo hồ sơ ban đầu; hệ thống xử lý nước thải thì chưa được nghiệm thu, cấp phép hoạt động...
Choáng với số tiền người dân mang gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi mỗi ngày Cùng với đà tăng lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng, số tiền gửi tiết kiệm của người dân cũng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022. Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước mới công bố cho thấy trong tháng 6 vừa qua, người dân cả nước tiếp tục mang tới 50.468 tỷ đồng gửi vào hệ thống ngân...