Ngành cơ khí trước cuộc chơi TPP
Hiện nay, các doanh nghiệp cơ khí (DNCK) nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác, trong đó đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với xuất phát điểm thấp, như: dung lượng thị trường trong nước hạn chế, tiềm lực doanh nghiệp hạn hẹp, sự cạnh tranh khốc liệt…, đòi hỏi các DNCK cần nỗ lực mạnh mẽ nếu không muốn “thua trên sân nhà” trong cuộc chơi hội nhập.
Nghiên cứu và chế tạo khuôn đúc tại Tổng công ty CP Thép Bắc Việt (Quế Võ, Bắc Ninh).
Thách thức nhiều hơn cơ hội
Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, từ kinh nghiệm thực tế, ngay khi năm đầu tham gia sân chơi WTO, Việt Nam đã đón nhận làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng rất mạnh từ các nước và TPP khi có hiệu lực cũng vậy. Theo nhiều chuyên gia, làn sóng đầu tư là có nghĩa các doanh nghiệp (DN) FDI sẽ có nhu cầu nhập khẩu dây chuyền máy móc, thiết bị cơ khí rất nhiều, nhất là dây chuyền thiết bị đồng bộ để xây dựng cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm yếu của các DNCK Việt Nam hiện nay về chế tạo thiết bị đồng bộ cho các nhà máy.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) Lê Văn Tuấn nhận định, khi tham gia TPP, thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội. Các đối tác trong TPP đều là những nước có nền kinh tế phát triển, do đó chuẩn mực sản phẩm của họ cũng cao hơn. Các sản phẩm của mình khi vào được các thị trường này đòi hỏi phải bảo đảm nhiều yếu tố về chất lượng, thời gian giao hàng, năng suất lao động… cũng như tính hệ thống trong quản trị DN, điều kiện sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống người lao động. Những điều này, nhiều DNCK Việt Nam chưa đáp ứng được hoặc thiếu tính chuyên nghiệp. Thực tế việc tham gia chế tạo, xuất khẩu thiết bị cơ khí đã được triển khai từ nhiều năm trước khi nước ta tham gia một số FTA song phương, đa phương khác. Tuy nhiên, tại sao các đơn hàng cứ “mai một dần” vì nhiều lý do, trong đó có tư duy của một số DNCK, khi những đơn hàng đầu tiên chất lượng bảo đảm, nhưng càng về sau chất lượng giảm sút. Hoặc một số lãnh đạo DN, khi bạn hàng đặt một số lượng nhỏ lại không quan tâm đúng mức, dẫn đến mất những đơn hàng lớn về sau.
Lãnh đạo một DNCK lớn nhận xét, rõ ràng khi tham gia TPP, các DN, nhất là ngành cơ khí, sẽ gặp nhiều khó khăn. Từ lãnh đạo, quản lý, công nhân đều lúng túng, ngay hàng ngũ giám đốc trình độ ngoại ngữ còn yếu kém, kinh nghiệm đàm phán, ứng xử đều thua nhiều nước. DN các nước tham gia TPP hơn mình nhiều mặt từ tiềm lực tài chính đến phát triển thị trường, ngành cơ khí họ có những tập đoàn mạnh. Công nhân cũng vậy, trình độ của lực lượng lao động trong nước không đồng đều, ý thức kỷ luật chưa cao, kiến thức công việc thực tế hạn chế và nhiều công nhân chưa sống vì DN, chưa có sự gắn bó, nỗ lực vượt khó cùng DN. Tuy nhiên, không vì thế mà đánh giá thấp năng lực của các DNCK trong nước. Có chăng là các chính sách không phát huy hiệu quả, không đến được với DN, thiếu định hướng khiến ngành cơ khí vẫn phát triển “èo uột”. Theo Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, chúng ta ít có cơ hội duy trì mức bảo hộ cao để khuyến khích sản xuất trong nước. Các quy định về nội địa hóa và các chính sách hỗ trợ cho các DN khó có thể tiếp tục duy trì vì các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Một câu chuyện được nhiều DNCK rỉ tai về cách thức làm ăn với đối tác nước ngoài, đó là chuyện một DN gần như đã ký được hợp đồng với một hãng lớn của Mỹ, khi hầu hết các tiêu chí về sản xuất, nhà xưởng, hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, chăm lo người lao động… đều được đối tác đánh giá cao. Nhưng đến khi vào cuộc họp cuối cùng để đi đến ký kết làm ăn, một công nhân khoan vách tường, gây ra tiếng ồn gần phòng họp thì Tổng Giám đốc DNCK này trực tiếp ra nhắc nhở. Điều này bị đối tác đánh giá là có lỗi trong hệ thống quản trị DN, chỉ vì một hành động nhỏ mà để người đứng đầu phải can thiệp, chứng tỏ hệ thống này chưa thật sự hoàn thiện. Nhiệm vụ đó đáng lẽ chỉ giao cho một trưởng phòng, hay nhân viên nhắc nhở là được. Do đó đối tác nước ngoài đã hủy bỏ cuộc ký kết. Câu chuyện tưởng nhỏ nhặt, nhưng là một bài học sâu sắc cho các DN trong quá trình hợp tác với đối tác nước ngoài và thật sự đây cũng là một trong những điểm yếu cố hữu không chỉ riêng các DNCK mà còn chung các DN trong các lĩnh vực khác.
Video đang HOT
Nâng cao quản trị doanh nghiệp
Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (Vami) Nguyễn Văn Thụ cho rằng, để hội nhập thành công, trước mắt là thay đổi tư duy. Thực tế, DNCK trong nước còn manh mún, nhỏ lẻ, năng lực và tiềm lực hạn chế, cho nên vẫn tồn tại nhiều kiểu làm ăn “xổi”, “chộp giật”. Khi tham gia TPP, các DN phải đạt yêu cầu đơn hàng theo các tiêu chuẩn của nước ngoài và sẽ không có chuyện chất lượng kém, tiến độ chậm. Do vậy, trong lúc chờ đợi các chính sách phát huy hiệu quả, các DNCK cần chủ động thay đổi cách thức kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp. “Nếu cứ giữ tư duy “ao làng” như hiện nay, sẽ không thể làm ăn với đối tác nước ngoài được” – ông Thụ khẳng định.
Theo Tổng Giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn, nâng cao quản trị DN là công tác sống còn, đã, đang tích cực được triển khai tại Lilama và đã đạt được một số thành công. Hệ thống chất lượng sản phẩm phải được duy trì và bảo đảm cho dù có hay không sự tham gia của lãnh đạo DN. Không có chuyện tham gia TPP được miễn giảm các loại thuế thì chất lượng lại kém đi. Tuy nhiên, đáng tiếc là cơ hội tham gia vào cuộc chơi quốc tế đã bị phung phí khi nhiều năm trước, các DN lớn trên thế giới đã đến đặt hàng DN Việt Nam theo kiểu “phương án Trung Quốc cộng một”, nghĩa là phương án dự phòng nếu thị trường Trung Quốc có biến động sẽ chuyển sang nước thứ hai để sản xuất. Thời điểm đó các DN trong nước không đáp ứng được và không ai tin việc này xảy ra, nhưng đến nay, điều này đã thành sự thật, một số mặt hàng cơ khí đã chuyển dần sang các nước thứ hai như Ấn Độ, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a. Và khi có sự chuyển dịch, các DNCK trong nước bị “lỡ nhịp” vì các nước khác đã có sẵn cơ sở vật chất chuẩn bị cho cuộc chuyển giao này.
Một trong những vấn đề được nhiều DNCK quan tâm khi gia nhập TPP là nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả từ hiệp hội vì đã tham gia TPP, sự can thiệp của Chính phủ sẽ bị hạn chế, do vậy cần có một hiệp hội đủ mạnh, trực tiếp tham gia, sát cánh cùng DN để nắm bắt và gỡ khó. Đồng thời tạo nên tiếng nói trọng lượng hơn nữa trong công tác tham vấn chính sách cho Chính phủ nhằm tạo những tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của ngành cơ khí trong nước vốn còn manh mún. Theo lãnh đạo của một DNCK, vai trò của các hiệp hội trong ngành cơ khí còn mờ nhạt, chưa tương xứng vai trò và cần thay đổi theo xu hướng quốc tế để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các DNCK trong nước. Lãnh đạo Công ty vổ phần Chế tạo thiết bị điện Đông Anh (EEMC) cho rằng, ngành cơ khí nước ta đang ở vị trí rất thấp so với mặt bằng chung thế giới. Các DN mới chỉ chú trọng khâu gia công, lắp ráp chứ chưa coi trọng khâu nghiên cứu, tư vấn thiết kế.
Trong dự thảo Chiến lược phát triển ngành cơ khí mà Bộ Công thương vừa xây dựng bước đầu, Bộ nhấn mạnh rõ quan điểm phát triển ngành cơ khí Việt Nam theo hướng trọng tâm; các ngành có dung lượng thị trường lớn là cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp – nông thôn, ô-tô, thiết bị toàn bộ cho nhà máy nhiệt điện, thiết bị điện và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí… Theo Vụ Công nghiệp nặng, sau khi gia nhập WTO, thị trường cơ khí nước ta có phát triển, tuy nhiên dung lượng thị trường từng sản phẩm vẫn còn nhỏ. Thời gian tới, khi TPP có hiệu lực, cùng với các FTA khác, mặc dù có nhiều thách thức, song các DNCK có cơ hội mở rộng, phát triển các sản phẩm, từ đó thúc đẩy ngành phát triển mạnh hơn.
Minh Thành, Tùng Lâm
Theo_Báo Nhân Dân
Phát hoảng với kiểu đầu độc, chết giấc khi vào TPP
Việt Nam tham gia TPP với tư cách là một nước nông nghiệp chứ không phải là công nghiệp. Thế nhưng những sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi đang bị "đầu độc" ngày càng phổ biến. Do vậy nguy cơ chưa kịp cạnh tranh hội nhập đã chết ngay trên sân nhà là rất gần.
Hàng loạt vụ "đầu độc" thực phẩm như cho lươn ăn thuốc tránh thai, nuôi heo bằng chất tạo nạc... đang làm ngành chăn nuôi và ngành thực phẩm chết ngay trên sân nhà. Chính người tiêu dùng (NTD) trong nước đang có xu hướng sợ dùng thực phẩm trong nước và đang tìm hàng nhập khẩu để thay thế như thịt bò Úc, gà nhập khẩu...
Mất hết niềm tin
Thực phẩm bẩn chứa chất cấm độc hại vài năm trở lại đây đang là vấn đề gây nhiều bức xúc lẫn lo lắng trong dư luận. Thông tin thịt heo có chất tạo nạc tràn lan trên thị trường khiến NTD hoang mang bởi trong cơ cấu các loại thịt sử dụng trong bữa ăn người Việt thì thịt heo chiếm hơn 70%.
Đứng trước ma trận thực phẩm bẩn tràn lan, nhiều NTD hiện nay đang có xu hướng quay sang mua các thực phẩm hữu cơ, có chứng nhận an toàn dù giá có thể đắt hơn nhiều lần. Đặc biệt, NTD trong nước đang có thói quen mua hàng ngoại nhập vì họ tin rằng hàng đó được kiểm dịch chặt chẽ và các nước xuất khẩu này uy tín.
Chị Phương Thảo (quận 3, TP.HCM) cho biết từ khi chị mang bầu, đi mua thực phẩm là thấy lo sợ về chất lượng ảnh hưởng tới con cái mình sau này. Vì vậy, chị chuyển sang mua thực phẩm nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Nhật, Canada, Úc, New Zealand... Đa phần chỉ mua củ, quả ngoại nhập, ăn bò Úc. Chỉ có rau xanh chị nói nhập khẩu không có nên phải mua ở các cửa hàng rau hữu cơ (không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học), giá cao gấp 3-8 lần rau thường.
Ảnh minh họa
Theo ông Minh, chủ một cửa hàng thực phẩm hữu cơ ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), NTD ngày càng tìm đến cửa hàng ông nhiều hơn trước đây. Hàng nhập khẩu có chứng nhận hữu cơ được nhiều người lựa chọn. Khách hàng tìm hiểu thông tin rất kỹ về trang trại trồng rau quả hữu cơ của cửa hàng, đối tác chứng nhận, sản phẩm nhập khẩu. Họ quan tâm đến chất lượng, ăn ít, chấp nhận giá cao nhưng an toàn.
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết xu hướng mua hàng ngoại nhập đang ngày càng nhiều. Cứ nhìn vào sản lượng nhập khẩu bò Úc tăng lên theo từng năm. Thịt gà Mỹ giá rẻ bất thường nhập về số lượng lớn cũng hoành hành thị trường khiến người nuôi gà trong nước lỗ nặng.
Thêm vào đó là thịt heo, bò, gà của Pháp, Ba Lan, Canada và một số nước châu Âu cũng đang xúc tiến việc xuất khẩu sang Việt Nam trong thời gian tới. Chứng tỏ các nhà xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đã nhìn thấy nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường Việt Nam.
"Không phải đợi đến khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), TPP thì hàng ngoại giá rẻ mới có cơ hội tràn vào cạnh tranh, đè bẹp hàng trong nước. Vài năm trở lại đây, chính NTD đã dần quay lưng với thực phẩm trong nước. Thực phẩm bẩn làm NTD lo sợ, họ mua hàng nhập khẩu cho an toàn, thấy rau quả trong nước sợ chẳng khác gì sợ hàng Trung Quốc" ông Bình chia sẻ.
Mất thị trường xuất khẩu
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, cho biết những vụ "đầu độc" thực phẩm không chỉ ảnh hưởng tới NTD, làm loạn thị trường trong nước mà ảnh hưởng lớn đến các ngành hàng xuất khẩu.
GS Xuân cho rằng hàng xuất khẩu làm tốt chất lượng nhưng "con sâu làm rầu nồi canh", những thông tin xấu trong nước sẽ lọt tới tai các nhà nhập khẩu, nhà quản lý và NTD ở các thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam. Điều này ảnh hưởng rất lớn, như thông tin trà dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng cao, trái cây, cá nuôi dùng nhiều thuốc kháng sinh... sau khi trong nước phát hiện. Lập tức truyền thông nước ngoài đưa tin cơ quan quản lý kiểm chặt, dựng hàng rào kỹ thuật với tiêu chí khắt khe hơn khiến việc xuất khẩu khó khăn hơn.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lo ngại thực phẩm bẩn không chỉ ảnh hưởng uy tín, chất lượng hàng xuất khẩu mà có thể dẫn đến mất thị trường xuất khẩu đối với nhiều ngành hàng.
Con tôm xuất khẩu sang Trung Quốc quá dễ dãi về chất lượng khiến thương lái, thậm chí doanh nghiệp (DN) tổ chức bơm tạp chất vào tôm để tăng trọng lượng kiếm lợi nhuận khổng lồ. Nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu những thị trường khác bị thiếu trầm trọng vì người nuôi tập trung bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc được giá hơn.
Theo ông Hòe, thiếu nguyên liệu, nguyên liệu kém chất lượng khiến DN không đáp ứng được những hợp đồng lớn, mất dần thị trường. Chưa kể những thị trường khó tính, họ kiểm chặt nếu có lô hàng nào vi phạm nhiều lần sẽ tạm ngưng nhập khẩu, thiệt hại cho cả ngành.
Theo Pháp luật TP.HCM
Hà Nội: Thực hư chuyện thánh cô làm phép chữa bệnh trước cổng bệnh viện K Mấy ngày gần đây, người dân quanh khu vực bệnh viện K Trung Ương bất ngờ thấy một người phụ nữ ăn mặc sặc sỡ ngồi trước cổng và xưng là chữa được bách bệnh khiến nhiều người, đặc biệt là bệnh nhân, tụ tập theo dõi, xin được "cô" làm phép. Từ thông tin nhiều ngày nay, có một phụ nữ ngồi...