Ngành BHXH Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin
Đây là đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV vừa qua về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2020.
BHXH ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ lao động, doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, hiện nay, về công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), ngành BHXH Việt Nam đã cơ bản cung cấp được các dịch vụ công trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN ở cấp độ 4. Cấp độ hồ sơ, thủ tục, đóng nộp, chi trả được thực hiện trên không gian mạng. Đây là một điều rất tốt trong khi thương mại điện tử ở nước ta hiện mới đạt đến cấp độ 3.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc BHXH Việt Nam xây dựng và ra mắt thành công ứng dụng “VssID – Bảo hiểm xã hội số” trên điện thoại thông minh từ cuối năm 2020. Từ khi ra mắt đến nay, ứng dụng đã không ngừng được cải tiến, nâng cấp với nhiều tính năng, tiện ích phục vụ linh hoạt các nhu cầu thiết yếu của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN như: Thông tin, đóng nộp, thụ hưởng các chế độ. “Hiện, toàn quốc đã có trên 20 triệu người cài đặt và sử dụng ứng dụng này. Đây là một sự tiến bộ”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.
Những kết quả đó có được nhờ việc ngành BHXH Việt Nam đã quyết liệt triển khai nền tảng ứng dụng CNTT từ nhiều năm qua. BHXH Việt Nam luôn xác định, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng CNTT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng được các yêu cầu tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới. Theo đó, những năm qua, BHXH Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT, xây dựng các phần mềm nghiệp vụ bao phủ hầu hết các hoạt động của Ngành.
Quá trình ứng dụng CNTT tại BHXH Việt Nam trải qua 3 giai đoạn. Trước năm 2012, các nghiệp vụ của Ngành được thực hiện thủ công trên văn bản giấy. Giai đoạn 2012-2016, bắt đầu triển khai, ứng dụng CNTT trong các quy trình, nghiệp vụ. Tuy nhiên, giai đoạn này, cơ sở dữ liệu của Ngành phân tán, quản lý ở cấp tỉnh nên hiệu quả chưa cao. Giai đoạn từ sau năm 2016 đến nay, BHXH Việt Nam đã có những đổi mới căn bản về ứng dụng CNTT, xây dựng kiến trúc tổng thể, liên thông dữ liệu trong toàn Ngành về BHXH, BHYT được quản lý tập trung tại Trung ương.
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ngành BHXH Việt Nam đã tạo ra sự đột phá khi bộ TTHC của Ngành trong những năm qua đã dần giảm từ 250 thủ tục xuống chỉ còn 25 thủ tục. Hệ thống giám định điện tử kết nối với hơn 12.000 cơ sở y tế trên cả nước giúp phục vụ tốt khoảng 180 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT hàng năm. Cung cấp dịch vụ công cấp 3, 4 trên nền tảng Internet giúp người tham gia có thể thực hiện, giao dịch thanh toán tại nhà. Hệ thống chăm sóc khách hàng được đổi mới, hiện đại với nhiều kênh trong tư vấn, hỗ trợ người tham gia như: Hệ thống Tổng đài hỗ trợ khách hàng; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia, cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn); Fanpage Facebook;…
Video đang HOT
Trên nền tảng ứng dụng CNTT, ngành BHXH Việt Nam đã và đang hoàn thiện hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ: Tin nhắn (SMS); thanh toán trực tuyến; ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng; phân tích, khai thác được lượng dữ liệu rất lớn của ngành trên BIGDATA; thiết lập Fanpage Facebook/ Zalo OA truyền thông trên hệ thống mạng xã hội; cung cấp tất cả các dịch vụ công lên cấp độ 4.
Hiện nay, để triển khai hiệu quả Nghị định số 43/2021/NĐ-CP và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, BHXH Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu của Ngành và Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Bảo hiểm tạo nền tảng cho chuyển đổi số; tiếp tục tái cấu trúc lại TTHC và dịch vụ công phù hợp với xu thế chuyển đổi số; triển khai 100% dịch vụ công trên ứng dụng “VssID – Bảo hiểm xã hội số”, tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên ứng dụng; số hoá đầy đủ kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục mở rộng danh mục dữ liệu mở để phát triển Chính phủ số; tiếp tục hoàn thiện Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam theo kiến trúc Chính phủ điện tử mới; nghiên cứu mở tổng đài tư vấn, hỗ trợ 24/7; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích, xử lý dữ liệu… Bên cạnh đó, Ngành cũng sẽ đặc biệt quan tâm đến việc bảo mật, an toàn thông tin khi cơ sở dữ liệu của Ngành ngày càng lớn và có tính thiết yếu với mỗi người dân, người lao động.
Bãi bỏ hàng loạt thủ tục khi giải quyết chế độ BHXH cho người lao động
BHXH Việt Nam tiếp tục cắt giảm xuống còn 25 thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Theo Quyết định số 222/QĐ-BHXH về việc công bố thủ tục hành chính (TTHC) được thay thế, bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam vừa được ban hành, bộ TTHC của ngành BHXH Việt Nam tiếp tục được cắt giảm từ 27 TTHC xuống còn 25 TTHC, góp phần giảm đáng kể thời gian nộp hồ sơ và nhận kết quả cho doanh nghiệp và người dân.
Quyết định số 222/QĐ-BHXH được ban hành dựa trên cơ sở các quy trình nghiệp vụ đã được điều chỉnh, đơn giản hóa theo quy định của pháp luật và theo thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam. Việc ban hành Quyết định không chỉ góp phần tiếp tục hoàn thiện công tác cải cách hành chính của ngành BHXH Việt Nam mà còn đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ nhất, giúp doanh nghiệp giảm thời gian cập nhật thông tin đề nghị giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động.
Đối với các TTHC thuộc lĩnh vực thực hiện chính sách BHXH: giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian để xử lý những công việc liên quan đến báo cáo các trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ - BNN trong tháng gửi cơ quan BHXH để giải quyết chế độ cho người lao động.
Một số điểm mới nổi bật như:
Với hồ sơ đề nghị hưởng chế độ đối với trường hợp người lao động đang làm việc bị TNLĐ hoặc BNN: Bỏ thành phần hồ sơ là bản sao Biên bản điều tra tai nạn lao động, Biên bản khám nghiệm hiện trường, Biên bản đo đạc môi trường lao động có yếu tố độc hại, Sổ BHXH.
Với hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ và BNN đối với người lao động: Đơn giản mẫu văn bản đề nghị của đơn vị theo hướng bỏ yêu cầu kê khai theo cách thức người khai phải viết rõ nội dung và thay bằng hình thức lựa chọn đánh dấu vào các ô có chứa nội dung phù hợp.
Đối với mẫu danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe: Bỏ xác nhận của người lập biểu và công đoàn cơ sở (chỉ yêu cầu duy nhất 01 chữ ký xác nhận của đơn vị).
Bỏ việc phải gửi bản giấy cho cơ quan BHXH qua dịch vụ bưu chính khi thực hiện qua giao dịch điện tử với các hồ sơ như: Tờ khai của thân nhân khi thực hiện "Giải quyết chế độ tử tuất"; Giấy ủy quyền khi thực hiện "Giải quyết hưởng trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu".
Các sửa đổi này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian để xử lý những công việc liên quan đến báo cáo các trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm ốm đau, thai sản, TNLĐ - BNN trong tháng gửi cơ quan BHXH để giải quyết chế độ cho người lao động.
Đối với TTHC thuộc lĩnh vực thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp: Người sử dụng chỉ cần khai báo 5 tiêu thức trong tổng số 13 tiêu thức của mẫu Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS) khi cập nhật các nội dung thay đổi về thông tin của đơn vị; chỉ cần rà soát để xác nhận 6 tiêu thức trong tổng số 19 tiêu thức của mẫu Tờ khai cá nhân tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) của người lao động khi cập nhật thay đổi thông tin của người lao động.
Sự thay đổi này giúp doanh nghiệp giảm được thời gian kê khai lại các tiêu thức khác trong mẫu Tờ khai khi có thay đổi thông tin so với việc áp dụng quy định trước đó.
Thứ hai, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai giao dịch điện tử trong hỗ trợ các doanh nghiệp kê khai nộp BHXH
Thực hiện Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BH thất nghiệp, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 838/QĐ-BHXH ngày 29/5/2017 tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện kê khai nộp BHXH qua hình thức giao dịch điện tử, theo đó đã rút ngắn thời hạn giải quyết TTHC của doanh nghiệp, người dân.
Theo đó, BHXH Việt Nam tiếp tục hướng dẫn về cách thức thực hiện trong đó có hình thức giao dịch điện tử trong Quyết định số 222/QĐ-BHXH trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có, đồng thời tiếp tục được nâng cấp về phần mềm giao dịch điện tử, đặc biệt là nâng cấp về Phần mềm kê khai nộp BHXH của ngành BHXH lên phiên bản web để hỗ trợ miễn phí đối với các doanh nghiệp khi đăng ký thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH.
Các doanh nghiệp chỉ cần sử dụng phương tiện điện tử có kết nối Internet là có thể thực hiện kê khai "Nộp BHXH" trực tuyến. Với việc ứng dụng CNTT, triển khai giao dịch điện tử sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm lựa chọn thực hiện kê khai nộp BHXH, giảm tập trung vào thực hiện kê khai qua hỗ trợ của các nhà IVAN, giảm thời gian chờ đợi của doanh nghiệp.
Có thể nói, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả công tác cải cách TTHC, bộ TTHC của Ngành đang ngày càng được đơn giản hóa. Nếu như năm 2015, bộ TTHC của Ngành là 114 thủ tục thì đến nay đã cắt giảm xuống còn 25 thủ tục. Kết quả cải cách TTHC này của Ngành đã góp phần giúp doanh nghiệp và người dân giảm đáng kể thời gian, chi phí trong các giao dịch với cơ quan BHXH.
Với phương châm lấy người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT làm trung tâm phục vụ, công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT luôn được ngành BHXH Việt Nam xác định là nhiệm vụ trọng tâm hướng tới nền hành chính phục vụ, theo đó, thời gian qua, toàn ngành đã không ngừng nỗ lực để đạt được nhiều kết quả tích cực, được Chính phủ cùng cộng đồng DN cũng như người dân ghi nhận, đánh giá cao./.
Quốc hội: Đợt họp trực tuyến đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả, đổi mới Đợt 1 của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV với hình thức trực tuyến đã diễn ra an toàn, chất lượng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước. Chiều 30/10/2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề...