Ngành bán lẻ sẽ hồi phục thế nào sau khi dịch Covid -19 kết thúc?
Thời cơ của ngành bán lẻ sắp tới chủ yếu nằm ở việc thay đổi cấu trúc kinh doanh. Những thay đổi này bao gồm phát triển thương mại điện tử, điều chỉnh phương thức tính giá thuê, hành vi người tiêu dùng.
Ảnh minh họa.
Bán lẻ là một trong những mảng bị ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch Covid -19 thời gian qua. Theo thống kê của các đơn vị nghiên cứu, tư vấn thị trường bất động sản, trong quý I/2020, doanh thu bán lẻ của ngành hàng dịch vụ lưu trú ăn uống và lữ hành lần lượt giảm 9,6 và 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, lượng khách tại nhiều trung tâm và trung tâm bán lẻ ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đã giảm 80% trong tháng 2 và tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái do phải đóng cửa hàng.
Trước tình hình trên, để hỗ trợ người thuê mặt bằng trong đợt bùng phát đại dịch này, nhiều chủ nhà đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ tạm thời. Một số chủ nhà lựa chọn hỗ trợ trực tiếp dưới dạng giảm 10-50% tiền thuê, độ chênh lệch tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Một số chủ nhà chọn cách hỗ trợ gián tiếp như tung ra gói khuyến mãi và quảng cáo để thu hút khách hàng.
Mặc dù vậy, bước vào quý 2/2020 thị trường càng ảm đạm hơn khi bắt đầu giai đoạn cách ly xã hội có hiệu lực từ ngày 1/4. Việc này khiến một vài thương hiệu quốc tế đã phải hoãn kế hoạch ra mắt trong năm nay tại Việt Nam, đặc biệt là tại TP.HCM, trung tâm thương mại loứn nhất của cả nước.
Video đang HOT
JLL Việt Nam cho biết, việc cách ly xã hội sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch khai trương gần 280.000 m2 GFA không gian bán lẻ tại TP.HCM và 180.000 m2 GFA ở Hà Nội vào năm 2020, bổ sung vào 2,3 triệu m2 GFA nguồn cung hiện tại.
Theo bà Trang Bùi, Trưởng phòng Thị trường tại JLL Việt Nam, bối cảnh thị trường bán lẻ sau khi tình hình được kiểm soát sẽ khác nhiều so với dự đoán trước đây của JLL.
Sau dịch các nhà bán lẻ sẽ phải sẵn sàng lèo lái qua một giai đoạn rủi ro cao cho dòng tiền và tăng chi phí hoạt động phát sinh từ sự sụt giảm nhu cầu mua sắm.
Ngoài ra, sự sụt giảm của lượng khách du lịch quốc tế cũng sẽ tác động mạnh mẽ nhất đến thị trường bán lẻ xa xỉ. Chi tiêu bán lẻ trong nước có thể bị giảm tạm thời do người tiêu dùng không muốn ra khỏi nhà.
Các mặt hàng không thiết yếu và dịch vụ giải trí sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn mặt hàng thiết yếu – loại sản phẩm người tiêu dùng có xu hướng tích trữ khi có dịch.
Các mặt hàng xa xỉ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì người tiêu dùng thắt chặt ví tiền và chỉ chú trọng mua sắm cho các nhu yếu phẩm hàng ngày. Tuy nhiên, nhóm gặp khó khăn nhất có lẽ sẽ là các cửa hàng vừa và nhỏ được sở hữu và vận hành bởi các hộ gia đình.
“Nếu tình hình dịch bệnh ổn định vào giữa năm, mùa mua sắm cuối năm vào quý 4 sẽ giúp giảm bớt tác động tài chính của dịch bệnh vào đầu năm năm. Tuy nhiên, doanh số bán hàng vào dịp Tết Nguyên đán đã bị ảnh hưởng và nhiều tháng không hoạt động có thể sẽ tạo ra lỗ hổng tài chính không thể phục hồi”, bà Trang nhận định.
Trong khi đó, bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại TP.HCM – Savills Việt Nam cho rằng, thời cơ của ngành bán lẻ trong thời gian sắp tới chủ yếu nằm ở việc thay đổi cấu trúc kinh doanh. Những thay đổi này bao gồm phát triển thương mại điện tử, điều chỉnh phương thức tính giá thuê hoặc thay đổi hành vi người tiêu dùng.
“Các ngành bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của dịch bệnh như ăn uống, phòng tập thể dục và rạp chiếu phim sẽ phục hồi nhanh hơn những ngành khác khi dịch bệnh kết thúc và người tiêu dùng địa phương sẽ nhanh chóng trở lại nhịp sinh hoạt bình thường sau nhiều tháng bị cách ly xã hội.
Các ngành liên quan đến kinh doanh trực tuyến như thời trang có thể phục hồi chậm hơn khi hành vi tiêu dùng thay đổi, từ mua sắm tại cửa hàng sang mua sắm trực tuyến”, bà An cho biết.
VÂN PHONG
Cục diện thị trường văn phòng cho thuê sẽ thay đổi như thế nào hậu Covid-19?
Theo JLL Việt Nam, Covid-19 sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư phát triển mô hình làm việc từ xa và công nghệ tương tác trực tuyến. Dịch có thể sẽ thay đổi cách con người làm việc và có thể cả tương lai của thiết kế văn phòng nói chung.
Theo đơn vị nghiên cứu này, các biện pháp cách ly xã hội đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Việt Nam cũng đã chuyển sang chế độ "phòng ngừa ca nhiễm leo thang" khi nhà nước áp dụng lệnh cách ly dự kiến kéo dài gần một tháng từ ngày 1 tháng 4.
Theo đó, hầu hết các công ty đã thực hiện các quy định cách ly và mô hình làm việc tại nhà trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu. Số lượng người lao động làm việc tại nhà đạt mức cao kỷ lục.
Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL cho biết, làm việc từ xa trước đây phổ biến trong giới lao động tự do hoặc công nghệ thông tin. Nhưng hiện nay dịch bệnh đã cho phép doanh nghiệp thực sự thử nghiệm mô hình làm việc này, một khái niệm đã được thảo luận nhiều trước đây nhưng chưa được thực hiện hóa trên diện rộng.
Covid-19 sẽ tác động đến thị trường văn phòng theo hai hướng chính: định nghĩa lại mục đích của văn phòng truyền thống và thay đổi cách các công ty chọn thuê văn phòng. Thước đo năng suất làm việc có thể sẽ không dựa vào việc nhân viên có mặt ở văn phòng hay không. Và chúng ta vẫn đang tìm giải pháp để duy trì tính hiệu quả công việc như trước đây.
"Sau khi đại dịch được kiểm soát, chúng tôi tin rằng mô hình làm việc từ xa sẽ vẫn tiếp tục diễn ra, mặc dù có nhiều thách thức, đặc biệt là ở các quốc gia nơi đa phần dân số sống trong không gian nhà nhỏ và không thuận lợi để làm việc. Tuy nhiên, các công ty cũng cần chú trọng hơn đến kế hoạch kinh doanh liên tục và xây dựng mô hình làm việc từ xa tốt hơn", bà Trang nhấn mạnh.
Theo JLL, các doanh nghiệp cần lên chiến lược cho hậu Covid-19, có thể cho phép nhân viên lựa chọn địa điểm tùy theo nhu cầu công việc. Trong tương lai, không gian văn phòng có thể dành cho các công việc cần có sự tương tác với đồng nghiệp, những công việc có thể làm một mình sẽ tiếp tục thực hiện từ xa. Khi làm việc từ xa trở nên phổ biến hơn nữa, công nghệ và các không gian linh hoạt sẽ là hạng mục đầu tư cố định của doanh nghiệp. Điều này cũng sẽ tác động đến nhu cầu của khách thuê lên chủ tòa nhà. Những tòa nhà chú trọng đầu tư vào hạng mục sức khỏe và không gian xanh cho người lao động sẽ chiếm ưu thế.
Nhìn xa hơn năm 2020, JLL dự đoán Covid-19 sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư phát triển mô hình làm việc từ xa và công nghệ tương tác trực tuyến. Dù điều này có thể được coi là một mối đe dọa cho nhu cầu văn phòng truyền thống trong tương lai. Đã đến lúc doanh nghiệp suy nghĩ cho chiến lược đầu tư văn phòng sau khi đại dịch được kiểm soát.
Hạ Vy
Đầu tư bất động sản mùa dịch: Lúc nào xuống tiền được giá tốt? Trước "đòn chí mạng" của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, kể cả nhà đầu tư, người kinh doanh đã buộc phải rao bán một số dự án, khách sạn, chung cư... Theo nhiều chuyên gia, đây chính là cơ hội cho các cá nhân, quỹ đầu tư... sẵn tiền có thể mua được dự án giá hời để chờ thời sau dịch. Nhưng...