Ngân sách cấp không đủ chi, Thông tư 16 của Bộ còn làm khó các trường?
Làm sao để công tác vận động tài trợ có đủ kinh phí để duy trì, tăng cường cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động giáo dục mà vẫn đúng tinh thần Thông tư 16?
LTS: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng gửi đến quý độc giả bài tiếp theo của bài viết “Nhà nước chỉ xây trường, cấp ngân sách đủ trả lương, tiền đâu để giáo dục?”.
Về công tác vận động tài trợ trong giai đoạn hiện nay
Xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước. Chủ trương này thể hiện rất rõ trong quan điểm chỉ đạo của nghị quyết 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo đã được Hội nghị trung ương 8 khóa XI thông qua và mới đây nhất là Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2025.
Trong bối cảnh hiện nay, khi ngân sách nhà nước chi cho hoạt động các trường còn hạn hẹp thì việc huy động các nguồn lực của xã hội là việc làm cần thiết của mỗi nhà trường góp phần quan trọng trong việc tăng cường cơ sở vật chất và hỗ trợ các hoạt động giáo dục.
Tuy nhiên, công tác tổ chức vận động tài trợ của một số nhà trường hiện nay còn gặp khá nhiều khó khăn, các ý kiến trái chiều, đơn thư khiếu nại cũng chủ yếu từ khoản thu này.
Việc huy động các nguồn lực của xã hội là việc làm cần thiết của mỗi nhà trường góp phần quan trọng trong việc tăng cường cơ sở vật chất và hỗ trợ các hoạt động giáo dục (Ảnh minh họa: TTXVN).
Vậy nguyên nhân do đâu?
Tài sản ngoài đất của một nhà trường hiện nay có giá trị rất lớn từ vài tỉ tới vài chục tỉ đồng (tùy quy mô nhà trường).
Mỗi năm, chỉ cần 2% giá trị tài sản trên hư hỏng thì kinh phí sửa chữa cũng lên đến hàng trăm triệu đồng (Ví dụ: thiết bị điện; bàn ghế học sinh; hệ thống máy tính trong các phòng máy, trang thiết bị các phòng bộ môn; hệ thống nước sạch; các công trình vệ sinh; hệ thống cây xanh, khuôn viên nhà trường, việc sơn, quét ve lại các phòng sau vài năm sử dụng…).
Ngoài ra còn có các hạng mục không còn phù hợp cần phải cải tạo, có những hạng mục phát sinh cần phải làm mới.
Nhiều trường khi được đầu tư xây dựng, ngân sách nhà nước cũng chỉ lo phần xây dựng cơ bản, phần mua sắm các thiết bị, nội thất bên trong các trường đều phải tự xoay xở.
Việc làm mới, mua sắm, duy trì, cải tạo các hạng mục này là nhiệm vụ quan trọng, bắt buộc các nhà trường phải thực hiện.
Việc tổ chức các hoạt động giáo dục hàng năm cũng là nhiệm vụ quan trọng, bắt buộc các nhà trường phải thực hiện. Nhưng làm sao để có kinh phí để thực hiện được điều này thì đó là câu hỏi không dễ trả lời.
Ngân sách nhà nước chưa đảm bảo cho các công việc này, nguồn còn lại và duy nhất là nguồn vận động tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… (mà kinh phí các nhà trường vận động được hàng năm chủ yếu là từ cha mẹ học sinh; việc vận động từ các doanh nghiệp, cá nhân khác không phải năm nào thực hiện cũng có hiệu quả).
Mặt khác, thông tư 16/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn việc vận động tài trợ còn rất khó khăn cho việc thực hiện. Đó là, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu.
Bài toán khó ở đây là: Làm sao để công tác vận động tài trợ có đủ kinh phí để duy trì, tăng cường cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động giáo dục mà vẫn đúng tinh thần của Thông tư, tức không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu.
Video đang HOT
Nếu để đúng tinh thần như trong thông tư mà không có cách làm đúng đắn, sáng tạo thì liệu mỗi năm các nhà trường vận động được bao nhiêu tiền?
Các bậc cha mẹ học sinh sẽ tự nguyện ủng hộ được bao nhiêu?
Cũng vì áp lực tài chính và bế tắc trong lời giải bài toán này nên hiệu trưởng nhiều trường đã làm liều (liều vì cái chung), vẫn đưa mức bình quân hóa vào trong kế hoạch, vẫn giao cho giáo viên chủ nhiệm triển khai theo kiểu cào bằng, không khéo léo dẫn đến việc khiếu kiện hàng năm.
Hình ảnh của nhà trường, của người hiệu trưởng trở nên méo mó trong mắt cha mẹ học sinh.
Cũng chính vì áp lực tài chính mà nhiều trường trong cuộc họp đầu năm chỉ triển khai duy nhất và tập trung vào một vấn đề là “tiền”, làm mất hết đi ý nghĩa, tinh thần của cuộc họp đầu năm.
Kinh phí chi cho công tác bảo vệ và công tác vệ sinh lao công
Khoản 2, điều 3 Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định: Không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.
Quan điểm của Bộ Giáo dục là nhân viên bảo vệ, vệ sinh phải được thực hiện theo tinh thần của nghị định 68/2000/NĐ-CP, tức ngân sách nhà nước phải lo trả lương khoản này mà không được thu từ nguồn xã hội hóa.
Hiện nay, chúng tôi được biết tỉnh Phú Thọ có gần 1000 trường từ mầm non đến trung học phổ thông, vậy cần thêm gần 2000 nhân viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và mục tiêu tinh giản biên chế hiện nay, vấn đề này liệu có thể thực hiện được?
Để trả lương cho công tác bảo vệ, từ năm 2018-2019 các trường mầm non,tiểu học trên địa bàn được Ủy ban nhân dân huyện Đoan Hùng cấp 2,5 triệu đồng/tháng; các trường trung học cơ sở lấy từ nguồn 60% học phí để lại để chi trả.
Tuy nhiên, nhiều trường hiện nay, do học sinh ít, kinh phí từ 60% học phí để lại không đủ chi trả. Nhiều trường mầm non, tiểu học ngoài khu chính còn có các khu lẻ, cũng cần nhân viên bảo vệ ở nơi đó nhưng kinh phí để trả cho suất bảo vệ thứ 2 này chưa có nguồn.
Những khó khăn này chưa có cách tháo gỡ cho các nhà trường, đó cũng là nguyên nhân mà 1 số trường phải huy động kinh phí trái với quy định.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà trường vẫn chưa có nguồn để chi lương cho nhân viên vệ sinh. Hiện ủy ban nhân dân huyện không còn nguồn, việc thu từ cha mẹ học sinh đang bị Bộ Giáo dục “tuýt còi”.
Tiền trả cho công tác vệ sinh lao công
Vậy công tác vệ sinh trường, lớp học, nhà vệ sinh trong trường học sẽ phải thực hiện như thế nào?
Ai sẽ là người quét trường, lớp, dọn dẹp nhà vệ sinh nếu không có lương cho họ? Đặc biệt là đối với các trường mầm non, tiểu học.
Kinh phí chi trả lương cho giáo viên hợp đồng của các trường mầm non
Hầu hết các trường mầm non hiện nay đều thiếu giáo viên biên chế, để đảm bảo hoạt động, các nhà trường đều phải hợp đồng thêm giáo viên.
Hiện các trường mầm non có 2 loại hình hợp đồng là giáo viên nhà trường hợp đồng và giáo viên Ủy ban nhân dân tỉnh hợp đồng.
Đối với các giáo viên diện hợp đồng tỉnh, được ngân sách từ tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng (bao gồm cả phần đóng bảo hiểm xã hội), còn lại nhà trường phải tự lo kinh phí để trả lương.
Mức lương chi trả lương hiện nay được tính: 1,86 x 1490.000 đồng = 2.771.000 đồng/tháng.
Nếu thực hiện đúng quy định thì các Nhà trường chỉ được lấy duy nhất từ nguồn 60% học phí để lại để trả lương.
Hầu hết ở các trường mầm non còn tỉ lệ giáo viên hợp đồng cao, chiếm tới trên 50% tổng số giáo viên nên nguồn từ kinh phí tỉnh hỗ trợ và nguồn học phí để lại không đủ chi trả.
Việc thu từ cha mẹ học sinh cũng đang bị coi là trái quy định. Vậy các trường này sẽ lấy từ nguồn nào để chi trả lương hợp đồng? Đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Các hiệu trưởng tại các trường cơ sở như chúng tôi rất mong muốn mình được tập trung vào công việc chuyên môn là giảng dạy, giáo dục chứ không phải luôn luôn lo lắng về vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền” như hiện nay.
Nếu ngân sách nhà nước có khả năng thì hãy cấp đủ cho các nhà trường hoạt động, còn không thì các ngành, các cấp phải có cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý và cách làm cụ thể cho chúng tôi.
Gia Hưng
Theo giaoduc.net
Nhà trường cần tiền làm gì mà nhiều thế?
Những cuộc tiếp khách khi trường có thanh tra, những món tiền cảm ơn cho những thành viên đi cùng, những bữa tiệc ở nhà hàng sang trọng...
Bất kể trường công lập nào thì hằng năm ngân sách nhà nước cũng đều cấp về một số tiền nhất định. Ngoài tiền chi về con người còn có khoản tiền chi cho các hoạt động giáo dục.
Lạm thu đầu năm núp danh các loại quỹ (Ảnh minh họa Báo Quảng Ninh)
Số tiền chi cho các hoạt động nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng lớp với sĩ số học sinh.
Số tiền hoạt động được cấp này cũng tùy thuộc vào từng tỉnh thành. Những địa phương còn khó khăn thì kinh phí hoạt động được cấp về trường cũng ít hơn những tỉnh thành có điều kiện kinh tế phát triển.
Thế nhưng, một trường tiểu học với gần 400 em học sinh ở nơi còn nhiều khó khăn như địa phương chúng tôi thì số tiền hoạt động được cấp cũng vào khoảng 200 triệu đồng/năm học.
Với số tiền ấy trang trải cho một năm học cũng không nhiều nhưng nếu hiệu trưởng biết vun vén, chi tiêu hợp lý thì chắc chắn cũng sẽ không thiếu.
Chi tiêu khéo thì tiền cấp từ ngân sách cho trường vẫn đủ
Bạn cũng cho biết bao năm nay trường bạn không thu một khoản tiền nào ngoài quy định, không kêu gọi phụ huynh ủng hộ dù trên tinh thần tự nguyện.Bạn tôi là hiệu trưởng một trường tiểu học cho biết, ngân sách trên cấp về tuy ít nhưng nhà trường tiết kiệm, khéo chi tiêu cũng đủ mà không cần phải xin ủng hộ từ phụ huynh.
Tất cả chi phí mua sắm trang thiết bị dạy học, sửa chữa nhỏ về cơ sở vật chất hay thuê người quét dọn nhà vệ sinh...đều dùng đến khoản tiền ngân sách.
Do tiền ngân sách ít nên cái gì cần thiết nhất mới mua và lên kế hoạch mua sắm hay tu sửa cơ sở vật chất một cách từ từ (mỗi năm làm vài thứ chứ không làm ồ ạt sẽ dẫn đến bội chi).
Thế nhưng tại sao vẫn có nhiều trường lạm thu? Nhiều người thắc mắc: "Nhà trường làm gì mà cần nhiều tiền thế?"
Có nhiều tiền, nhà trường sẽ có bao việc để làm. Ví như cái cổng trường tuy không còn đẹp, còn tân thời nhưng vẫn còn khá chắc chắn thì người ta vẫn cho đập đi để xây lại cái cổng trường to đẹp, hoành tráng hơn.
Những cái ti vi còn khá mới nhưng kiểu cũ cũng bị thanh lý để mua sắm lại dàn ti vi khác.
Những phòng không cần thiết vẫn mua ti vi vài chục inh chỉ với chức năng trang trí, để làm cảnh.
Rồi những cuộc tiếp khách khi trường có thanh tra, những món tiền cảm ơn cho những thành viên đi cùng, những bữa tiệc ở nhà hàng sang trọng... Hay phòng Ban giám hiệu xây thêm toa lét riêng và lắp máy lạnh sang như khách sạn...những cái quạt hư không cần sửa nữa mà sắm mới cho đẹp mắt.
Nhà trường có tiền, giáo viên cũng được thơm lây như thi thoảng hội họp gì đó cũng có bữa tiệc nho nhỏ.
Ngày lễ, ngày kỉ niệm cũng được đi nhà hàng ăn uống, được nhà trường thưởng cho cái phong bì ít nhất là dăm trăm.
Hằng năm, nhà trường cũng sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho giáo viên đi du lịch.
Thường thì những trường chỉ chi tiêu bằng tiền ngân sách, cuối năm giáo viên sẽ không bao giờ còn một đồng tiền thưởng hoặc có cũng chỉ gọi là cho đỡ tủi.
Thế nhưng trường có tiền từ việc ủng hộ của phụ huynh thì tiền thưởng cuối năm sẽ tỉ lệ thuận với số tiền nhà trường thu được.
Những trường hiệu trưởng có tiền đã chi tiêu rất hào phóng, không chỉ lợi trường còn lợi mình.
Đã thế, còn được "tiếng thơm" trong ngành vì được nhiều người khen hiệu trưởng giỏi, năng động, biết ngoại giao, thương giáo viên...
Có lẽ vì những điều ấy nên không ít hiệu trưởng vẫn bất chấp quy định mà buộc hoặc kêu gọi phụ huynh đóng góp theo kiểu tự nguyện gây nên sự lạm thu trong nhiều trường học hiện nay.
Đỗ Quyên
Theo giaoduc.net
Quảng Bình: Hỗ trợ cơ sở vật chất cho trường học khó khăn LĐLĐ tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức đi thăm và trao 60 bộ bàn ghế cho Trường Mầm non An Ninh (huyện Quảng Ninh) và Trường Mầm non Công ty CP Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy). Tại các trường, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Quảng Bình đã động viên ban giám hiệu và đội ngũ cô nuôi dạy trẻ khắc phục khó khăn về...