Ngán ngẩm trước “mê cung” thủ tục
Thủ tục thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất hiện đang rải rác tại nhiều luật. Luật lại chồng chéo, mâu thuẫn, mỗi văn bản quy định một khác.
Ma trận thủ tục này dẫn đến nhiều địa phương lúng túng trong triển khai, nhà đầu tư thì loay hoay như rơi vào mê cung, không biết phải làm thủ tục nào trước thủ tục nào sau, theo luật nào cho đúng…
Không ít địa phương lúng túng trong triển khai đầu tư các dự án có sử dụng đất vì hệ thống thủ tục còn nhiều chồng chéo. Ảnh: Lê Tiên
Mỗi luật một kiểu
Theo ông Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các quy định về thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất hiện được điều chỉnh bởi nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu. Sự chồng chéo diễn ra ở nhiều thủ tục, từ giai đoạn hình thành dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng.
Có thể kể đến như thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng không tương thích giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư. Sự không tương thích trong quy định giữa các luật đã dẫn đến việc thực hiện không thống nhất giữa các địa phương, gây lúng túng cho các nhà đầu tư.
Có địa phương thực hiện thủ tục giới thiệu địa điểm cho nhà đầu tư trước thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, có địa phương lại thực hiện sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, có địa phương lồng ghép thủ tục giới thiệu địa điểm thực hiện dự án vào thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư.
Thủ tục xác định nhu cầu sử dụng đất cũng không thống nhất về thời điểm thẩm định giữa các văn bản thi hành pháp luật, nên việc triển khai thực hiện nội dung này không thống nhất giữa các địa phương.
Mặt khác, hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định nội dung này, nên các yêu cầu ở các địa phương khác nhau gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Video đang HOT
Thủ tục đánh giá tác động môi trường thì không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường. Luật Đầu tư đã đơn giản hóa theo hướng trong thủ tục quyết định chủ trương đầu tư không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Còn theo Luật Bảo vệ môi trường thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư.
Cần thủ tục minh bạch, rõ thứ tự thực hiện
Một nhà đầu tư lớn đang quan tâm đến các dự án sử dụng đất ngao ngán chia sẻ, để tiếp cận được các dự án này nhà đầu tư phải đối mặt với một “mê cung” thủ tục hành chính, không biết đường đi lối lại, nhiều khi phải lòng vòng, cùng một thủ tục bản chất giống nhau, chỉ khác tên gọi mà phải đi đến mấy cơ quan, rồi cũng không biết mình có làm đúng hết được các luật hay không!
Không chỉ nhà đầu tư lúng túng, ông Nguyễn Trung Anh, cán bộ Phòng Đăng ký đầu tư thuộc Sở KH&ĐT TP.HCM – một thành phố lớn với rất nhiều dự án đầu tư có gắn với quyền sử dụng đất, cho biết, hiện Thành phố còn nhiều lúng túng trong triển khai đầu tư các dự án này.
Thành phố tạm phân chia dự án đã có đất sạch thì đấu giá theo Luật Đất đai; dự án đất chưa sạch theo Luật Đấu thầu phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện đối với dự án không thông qua đấu thầu; dự án thực hiện đấu thầu, đấu giá không phải qua bước này.
“Thành phố hiểu và làm như vậy, cũng không biết là đã đúng chưa?”, vị đại diện này đề xuất pháp luật cần quy định rõ tiêu chí các loại đất, loại dự án, đặc biệt là các dự án có sử dụng đất, buộc phải thực hiện việc đấu giá, đấu thầu hoặc xin chủ trương đầu tư.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế – xã hội Bắc Ninh dẫn thực tế tại Bắc Ninh từ năm 2009: Tỉnh đã có Quyết định quy định rõ thủ tục trình tự đầu tư của doanh nghiệp, chi tiết hóa từng bước từ khi doanh nghiệp bắt đầu tiếp cận, xin chủ trương đầu tư đến cấp Giấy phép xây dựng.
Tất cả đều được chu trình hóa, tính minh bạch cao, hồ sơ thủ tục rõ ràng. Từ đó, ông Bắc kiến nghị việc sửa đổi các luật liên quan đến dự án đầu tư có sử dụng đất phải quy định rõ trước sau trong các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, các thủ tục có liên quan khác,…
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cũng rất thấu hiểu sự khó khăn, rủi ro của nhà đầu tư khi đứng trước một hệ thống thủ tục còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, nhiều trường hợp không biết thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau.
Ông Hiếu cho biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh sẽ thống nhất quy trình, thủ tục theo hướng đơn giản, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Theo_Báo Đất Việt
Đầu tư công: Cần kiểm toán và công khai kết quả mọi dự án
Do đầu tư công sử dụng tiền đóng thuế của nhân dân, nên nhân dân phải có quyền được biết những đồng tiền đó được sử dụng như thế nào.
Hiệu quả đầu tư của nền kinh tế, được thể hiện qua hệ số hiệu quả vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ICOR (Incremental Capital output Ratio) - là tỷ lệ % vốn đầu tư so với GDP bỏ ra để tạo ra một đơn vị % gia tăng GDP trong một thời kỳ nhất định. ICOR càng cao thì hiệu quả đầu tư càng thấp và ngược lại. Theo Ngân hàng Thế giới, đối với một nước đang phát triển, ICOR ở mức 3 là đầu tư có hiệu quả và nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững. Tại nước ta, kỷ luật đầu tư công còn lỏng lẻo, hiệu quả đầu tư thấp.
Đầu tư khu vực nhà nước tăng, nhưng hiệu quả thấp
Nếu căn cứ vào hệ số ICOR, theo TS. Nguyễn Tú Anh (Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), việc sử dụng nguồn lực của Việt Nam đang hiệu quả hơn. Từ năm 2012 trở lại đây, hệ số ICOR cả nước hàng quý đã giảm dần. Quý IV/2014 chỉ khoảng 4,5 so với mức cao nhất của quý IV/2011 là xấp xỉ 12.
Đầu tư công kém hiệu quả vừa dẫn đến các bất ổn vĩ mô, vừa làm giảm năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế trong ngắn và dài hạn. (Ảnh minh họa: KT)
Đáng lưu ý là mặc dù chỉ số ICOR cho khu vực kinh tế nhà nước (KVNN) có cải thiện cho đến năm 2012, nhưng hai năm gần đây chỉ số này lại có xu hướng tăng lên. Tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm xuống dưới 40% từ năm 2007 đến 2012, song lại quay về mức trên dưới 40% năm 2013-2014.
Theo TS. Nguyễn Tú Anh, đầu tư KVNN chiếm tỷ trọng lớn nhưng mức độ đóng góp vào GDP lại không cao. Chẳng hạn, năm 2009, tỷ trọng đầu tư công chiếm 40,5% tổng đầu tư toàn xã hội, nhưng mức độ đóng góp của khu vực này vào GDP lại chỉ có 35,13%. Trong khi đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước, dù tỷ trọng vốn đầu tư chỉ chiếm 33,9% nhưng lại đóng góp tới 46,53% vào tổng giá trị GDP.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, đầu tư công kém hiệu quả vừa dẫn đến các bất ổn vĩ mô, vừa làm giảm năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế trong ngắn và dài hạn. Vì vậy, nhu cầu tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư KVNN cần phải được ưu tiên hàng đầu trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế .
Trên thực tế, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp tái cơ cấu đầu tư công. Song đến nay, hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân có phần do "tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết chặt kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư"-TS. Nguyễn Tú Anh đánh giá. Đồng thời, chưa có cơ chế phân bổ vốn đầu tư công về các chủ đầu tư theo cơ chế cạnh tranh; kỷ luật đầu tư công còn lỏng lẻo... Và, tư duy nhà nước can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế thông qua đầu tư công vẫn còn hiện hữu. Tỷ lệ thu ngân sách trên GDP có xu hướng giảm trong khi nhu cầu đầu tư công không giảm.
Phải đề cao tiêu chí hiệu quả đầu tư, tiết kiệm
Để cải thiện hiệu quả đầu tư công giai đoạn 2016-2020, theo TS. Nguyễn Tú Anh, Nhà nước ta cần thực hiện phân bổ đầu tư công theo khuôn khổ đầu tư trung hạn. Đổi mới tổ chức bộ máy giám sát và thẩm định đầu tư theo hướng tổ chức các hội đồng chuyên môn tư vấn cho cơ quan giám sát và thẩm định. Mở rộng chức năng giám sát thẩm định trên các tiêu chí hiệu quả đầu tư, tiết kiệm hơn là chỉ tập trung giám sát tuân thủ quy trình đầu tư.
"Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thẩm định, đánh giá dự án đầu tư công có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư công và tạo dựng khuôn khổ quản lý đầu tư công có hiệu lực, hiệu quả. Do vậy, cần đặt ưu tiên cao cho việc nâng cấp hệ thống thẩm định, đánh giá dự án đầu tư công Việt Nam. Việc hiện đại hóa và tuân theo thông lệ quốc tế là các yêu cầu không thể tránh khỏi đối với hệ thống thẩm định dự án đầu tư công của nước ta, cho dù quá trình này là dài hạn và sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí cả sự phản đối từ nhiều phía."- TS. Đinh Trọng Thắng, Viện CIEM.
Do đầu tư công sử dụng tiền đóng thuế của nhân dân, nên nhân dân phải có quyền được biết những đồng tiền đó được sử dụng như thế nào. Vì thế, đối với đầu tư công cần công bố công khai trên mạng các định mức cụ thể cho các dự án đầu tư công. Các dự án đầu tư công đều bắt buộc phải kiểm toán và kết quả kiểm toán phải được công bố công khai lên mạng Internet. Những quy định này cũng bắt buộc áp dụng đối với các dự án thực hiện theo hình thức hợp tác công tư.
Xây dựng cơ chế cạnh tranh công khai nguồn vốn đầu tư công giữa các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời hình thành cơ chế đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội sau khi dự án đã đi vào khai thác sử dụng so với hiệu quả dự kiến trong hồ sơ dự án và so sánh giữa các địa phương, các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công. Để từ đó có thể rút ra những kẽ hở trong quy trình đầu tư công và sàng lọc những người sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả và không hiệu quả...
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì đề nghị thêm rằng, cần chấm dứt hẳn đầu tư công vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trực tiếp./.
Theo_VOV
Thu hồi dự án FDI chậm triển khai: Hành trình không dễ Nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chậm triển khai, dư luận bức xúc, cơ quan quản lý địa phương muốn thu hồi, nhưng đó là một hành trình không dễ. Dự án Thép Guang Lian, vốn đầu tư 3 tỷ USD chính thức bị chấm dứt sau 10 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ảnh: Đức Thanh...