Ngàn năm món nướng
Con người từ khi chế biến ra lửa, sau dùng lửa để sinh hoạt và chế biến thức ăn, trong đó có món nướng xuất hiện sớm nhất. Săn bắn được con hươu, con nai… đem nướng, bắt được con cá con tôm cũng đem nướng. Đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, vật đổi sao dời, nhưng món nướng trước sau vẫn không thay đổi, dù cách chế biến có cải tiến thêm gia vị, nhưng nướng theo cách các bậc tiền bối chẳng những còn lưu truyền mà mọi người còn cho đó là món ăn độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc.
Nướng cũng có nhiều cách: nướng bằng than, củi, rơm, nướng trên than hồng, hay vùi trong tro như nướng củ mì, củ khoai; nướng để nguyên con chưa làm gọi là nướng mọi, vịt nướng đất sét, cá nướng trui, cá nướng ống tre… Kinh nghiệm cho thấy, khi nướng, chất ngọt trong con cá, con tôm, miếng thịt, củ khoai… không thoát ra ngoài, bao nhiêu chất dinh dưỡng đều tích tụ không thay đổi như những cách chế biến khác.
Video đang HOT
cá nướng củi
cá nướng than
Nói về món nướng thì con cá lội dưới nước đến con chim bay trên trời; con thú ở trong rừng, con của ở đồng nội, con rắn trong hang, con rùa trong bụi… đem nướng thì không món nào sánh bằng. Ngày xưa các tiền bối ăn thịt nướng, ngồi dưới bóng cây xanh, ngắm mây trắng, nghe gió thổi hiu hiu thì còn gì bằng.
Ngày xưa, vào tháng giêng tháng hai, nước đồng ruộng, đìa bào khô cạn, hết nước chỉ còn đất sền sệt, cá lóc, cá trê, cá rô nhú đầu lên để thở; nắm đầu cá kéo lên bỏ vào giỏ mang về, còn thì lấy cây xỏ vào miệng đem đi nướng; không bao lâu cá chín nứt da thơm phức, bỏ lớp da ngoài, lớp thịt trắng phếu rất hấp dẫn, ăn cá nướng trui no về nhà khỏi ăn cơm.
cá nướng trui
Ở đồng ruộng vào tháng giêng, tháng hai cũng là mùa lúa đã gặt xong, hạt lúa rơi vãi nhiều, chim đến tìm thức ăn từng bầy hàng ngàn con đếm không hết, nhiều nhất là chim “dòng dọc”, chim này tìm mồi về ăn, chiều đa số bay về núi, số ít ở lại ngủ bụi cây, lùm cỏ.
Mùa chim về kéo dài đến tháng 4-5 cũng là lúc nghỉ hè, lũ nhỏ chúng tôi có dịp vui chơi và bắt chim nướng ăn. Với cái bẫy bằng nhánh tre nhỏ độ 1m, dây gân, hoặc chỉ đôi làm vòng, dưới đất khoét lỗ để lúa, chim mổ đụng bẫy, nhánh tre bật lên dây quấn vào cổ. Làm bẫy xong chúng tôi vào gốc cây nằm chờ chim xuống ăn, chẳng bao lâu chim từ trên trời sà xuống đớp mồi mắc bẫy. Con chim no tròn mập ý, chúng tôi nhổ lông rồi đem nướng trên lửa củi tram bầu, mỡ chim rớt xuống lửa nghe xèo xèo thơm dậy, con chim quặp giò cong cánh vàng ươm, mỡ tươm ra láng bong, mùi thơm bay vào mũi không chịu nổi, đứa nào có phần đứa nấy, dùng tay xé lấy từng phần mà ăn; ngày xưa khi đi ra đồng, chúng tôi phân công đứa thì đem muối, đứa đem tiêu… khi có thức ăn thì hái rau, ớt bờ ruộng, tuy không đủ gia vị như ở nhà, nhưng xem ra cũng đủ ngon nơi hương đồng cỏ nội.
cá lóc nướng trui
Ngày nay món nướng được chế biến có nhiều gia vị, ngon thơm ở nhà hàng, khách sạn, thức ăn năm trên đĩa, ngồi phòng lạnh, uống rượu tây; nhưng xem ra món nướng trên lửa củi, lửa rơm vẫn ngon hơn nướng lò điện. Ở nhiều thành phố lớn, ngay quán bên đường chúng ta vẫn còn thấy cảnh ngồi quay cây xiên nướng cả con dê, con lợn… trên mẻ than rực lửa, khói, mùi thơm dậy một góc đường, như để quảng bá thương hiệu món nướng, mời khách đi đường vào ăn.
Thấy vậy đủ biết món nướng vẫn còn nguyên giá trị, ngon, hấp dẫn thuộc hàng anh chị trong các món ăn xưa và nay. Nướng trên than hồng, củi lửa, lửa rơm trong đó có chất gì hòa quyện nên khi ăn có nét đặc trưng, ông bà nói trong rơm có chất ngọt, khi nướng chất ngọt thấm vào con cá, con tôm ngon hơn nhiều so với nướng lò điện, một kinh nghiệm ẩm thực vô cùng quý giá.
Theo PNO