Ngân hàng vẫn “ăn” chênh lệch lãi suất lớn?
Trong khi các chuyên gia cho rằng, chênh lệch lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao thì theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, chênh lệch tiền gửi – tiền vay của ngân hàng thương mại thấp hơn rất nhiều.
Lãi suất trên đà giảm mạnh (ảnh minh họa).
Sáng nay 30/10, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức tọa đàm “Nhìn lại điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước năm 2011 – 2013: Những kết quả và thách thức”.
Theo thông tin mà TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cung cấp, dù lãi suất đã giảm xuống thấp nhưng chênh lệch giữa lãi suất cho vay với huy động vẫn ở mức cao.
“Số liệu điều tra của chương trình chúng tôi với ngân hàng thì lãi suất vẫn nằm trong khoảng 12 – 13%/năm”, ông Thành nói. Ngoài ra, ông Thành còn dẫn số liệu từ ANZ cho biết, 20% các khoản vay từ ngân hàng vẫn có lãi suất trên 13%.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Xuân Thành, nếu lãi suất tiền gửi bình quân 7,5%/năm và lãi suất cho vay 12 – 13% thì chênh lệch 6 – 7% là cao, trong thời kỳ bình thường là 3 – 4%.
Trước thực trạng này, TS. Nguyễn Xuân Thành đặt câu hỏi: “Liệu có phải chính sách của chúng ta có khoảng cách này là hệ quả của việc ngân hàng thương mại cần lợi nhuận cao để xóa nợ xấu?”.
Cũng liên quan tới chênh lệch lãi suất, TS.Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), dẫn lại một khảo sát gần đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy: Qua khảo sát 8 ngân hàng lớn, mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay khoảng 4,3% – 4,5%/năm, có một số ngân hàng cao nhất là 5%.
Thông qua các con số trên, theo đánh giá của TS.Lê Xuân Nghĩa: “Mức này cho thấy, lãi suất tiền gửi giảm không nhiều nhưng lãi suất cho vay giảm rất mạnh”.
Còn theo ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam ( Eximbank) thì số liệu mà ông vừa tham khảo một số ngân hàng, chênh lệch lãi suất hiện nay theo ông chỉ ở khoảng 2,8%/năm.
Video đang HOT
Nói về mức chênh lệch lãi suất mà dư luận từng phản ánh, ông Phước cho biết: “Không thể tính chênh lệch lãi suất một cách đơn giản là lãi suất cho vay 13%/năm trừ đi lãi suất huy động 7%/năm để ra con số ngân hàng thu 6%/năm. Mức chênh lệch lãi suất đó là chưa trừ đi các chi phí hành chính, trả lương cho nhân viên và chi phí quản lý… Nếu trừ đi các chi phí, chênh lệch lãi suất chỉ khoảng 1,3% – 1,8%/năm, thậm chí chỉ còn 1,1%/năm”.
Nói về chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Con số về chênh lệch tiền gửi và tiền vay của các ngân hàng thương mại theo các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm rất đang lưu lý. Nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng có thống kê, đánh giá khá đầy đủ và rất sát thực tế về vấn đề này.
“Các ngân hàng thương mại, chênh lệch hiện nay giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay như chúng tôi tính toán thì thấp hơn rất nhiều so với mức đưa ra của các chuyên gia”, ông Đào Minh Tú khẳng định.
Còn theo ông Phạm Xuân Hòe, Vụ phó Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước thì: Vụ theo dõi và tính toán bình quân chung cả hệ thống chỉ 3%, do đó, không thể có lãi suất nào mà có mức chênh cao tới 5-6%.
Và theo vị đại diện này, nếu có chênh lãi suất đầu vào – ra cao như ý kiến của các chuyên gia, thì “chắc công bố lợi nhuận của ngân hàng trên thị trường chứng khoán rất kếch xù”. Vị đại diện này còn cho biết, với lãi suất cho vay đầu ra hiện nay là 11,5%/năm, thì lãi suất đầu vào chỉ 7%/năm.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng hiện từ 1-1,2%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng khoảng 5-7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6,5-7,5%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7,5-9%/năm.
Theo đó, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức thấp 7 – 9%/năm.
Còn lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9 – 10,5%/năm ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước; 9,5 – 11,5%/năm ở khối ngân hàng thương mại cổ phần; trong đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7%/năm.
Theo Dantri
Mỗi người dân Việt gánh hơn 826 USD nợ công
"Hiện mỗi người dân gánh 826,4 USD nợ công, nếu năm tới lại tăng bội chi thì gánh nặng nợ nần sẽ tăng thêm. Chúng ta cần có chương trình dài hạn giảm nợ công xuống", đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường nhấn mạnh.
Nợ công Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn (ảnh minh họa).
Sáng nay 25/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015; phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.
Cảnh báo xu hướng "dàn" đều ngân sách
Báo cáo của Chính phủ cho biết, thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán. Trong bối cảnh hụt thu lớn, Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội để nâng trần bội chi từ 4,8% GDP lên mức 5,3% GDP.
Nguyên nhân gây hụt thu đã được Chính phủ phân tích khá rõ trong báo cáo nhưng theo đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), nguyên nhân chính là do sản xuất kinh doanh đình đốn, ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách Nhà nước vì trong cơ cấu nguồn thu, thu nội địa chiếm tỷ trọng khá lớn.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình thu chi ngân sách sáng nay, đại biểu Nguyệt Hường đưa ra một số liệu đáng chú ý về nợ công. Bà Hường nói: "Hiện mỗi người dân gánh 826,4 USD nợ công, nếu năm tới lại tăng bội chi thì gánh nặng nợ nần sẽ tăng thêm".
Do đó, bà Hường kiến nghị cần phải một chương trình dài hạn để giảm nợ công xuống. Giữa bối cảnh nhu cầu vốn eo hẹp, theo bà Hường, việc phát hành trái phiếu của các địa phương cũng cần phải được đưa vào diện kiểm soát vì nếu không kiểm soát chặt, nợ công của địa phương sẽ gộp vào cùng với nợ công của chính phủ và lại khiến nợ công quốc gia tăng thêm. Ngoài ra, đại biểu Hường cũng đề nghị cắt giảm chi cho hành chính song song với tinh giản bộ máy.
Cảnh báo những hệ lụy từ việc hụt thu, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng: "Việc thu không đạt thể hiện tình hình kinh tế xấu và tình hình này có thể tạo ra sự dàn đều ngân sách, làm phá vỡ cơ cấu ngân sách trung ương, tạo ra hố đen về vốn, trạng thái luôn có khoản hụt lớn trong ngân sách mà không rõ từ đâu. Chính phủ cần chú trọng xu thế này".
Về dự toán thu năm tới, đại biểu Thường đề nghị Chính phủ cần rà soát lại việc phân bổ cơ cấu ngân sách để tăng thu ngân sách ở các mảng quan trọng, tránh tình trạng bỏ tập trung vào những mảng thu chính, chạy theo những mảng thu bấp bênh.
Tán thành với quan điểm của Chính phủ về phương án phân bổ dự toán ngân sách, đại biểu Đào Trọng Thi cho rằng, việc lập dự toán đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt trong việc phân bổ cho một số lĩnh vực mang tính chất xã hội như giáo dục đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, việc bố trí ngân sách năm tới vẫn chưa hoàn toàn đúng theo tỷ trọng đã được quy định.
"Tôi lấy ví dụ, chúng ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng khi có khó khăn ngân sách thì lĩnh vực này lại bị cắt đầu tiên. Chứng tỏ, chúng ta chưa coi lĩnh vực này là quốc sách hàng đầu, không tôn trọng những nguyên tắc, quan điểm mà chúng ta đã đề ra", đại biểu Thi cho hay.
Cần tính đến nợ công
Theo đánh giá của TS. Trần Hoàng Ngân (đại biểu đoàn TPHCM), thu ngân sách năm 2012 nếu không tính vượt thu dầu thô 53.000 tỷ thì 2 năm liên tiếp không đạt kế hoạch. Với việc chi vượt dự toán hiện nay, đại biểu Ngân mong muốn Chính phủ giải trình thêm việc chi đầu tư phát triển 2013, bởi kế hoạch là 175.000 tỷ đồng, nhưng ước thực chi lên đến 201.555 tỷ đồng, tức vượt chi tới 26.000 tỷ đồng.
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) cũng cho rằng, việc cân đối ngân sách Nhà nước là vấn đề cấp thiết, căn cơ không thể giải quyết đơn thuần như lâu nay, đặc biệt kỷ luật ngân sách. Nói về nợ công, đại biểu Lịch ủng hộ việc tăng bội chi lên 5,3% GDP, vì mức này vẫn nằm trong trần nợ công, dưới 65% GDP mà Quốc hội đã quyết cho Chính phủ.
Nhưng theo đại biểu Lịch, tăng bội chi phải có 2 điều kiện. Thứ nhất, phải kiểm soát chặt chẽ phần chi này, trong một số công trình và Chính phủ đã nêu, như vấn đề mở rộng quốc lộ 1A, hoàn thiện quốc lộ 14 đang xuống cấp quá nghiêm trọng.
Thứ hai, việc tăng trần nợ công trong năm 2014, nhưng nếu từ năm 2015 khi nền kinh tế hấp thụ được tín dụng và có thể huy động được nhiều nguồn lực khác thì bội chi phải giảm xuống.
Theo đánh giá của đại biểu Lịch, với tình hình hiện nay, năm 2014 sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng hụt thu và bội chi. Trước thực trạng thu không đủ chi thường xuyên và trả nợ, theo kế hoạch năm 2014 phát hành 70.000 tỷ đồng để đảo nợ, ông Lịch nhấn mạnh: Đây là điểm cần tính toán kỹ khi tính an toàn nợ công.
"Quốc hội cho phép nợ công dưới 65% GDP, đây là 1 tiêu chí. Ở các nước bị vỡ nợ, phần lớn dính vào 1 tiêu chí khoản là thu hàng năm từ thuế phải dành ra trả nợ. Trên thế giới, tổng thu ngân sách Nhà nước để trả nợ vượt 25% thì đèn vàng, nếu vượt 30% gọi là đèn đỏ nguy hiểm. Do đó, tôi yêu cầu Chính phủ cho biết trên bảng cân đối các nguồn thu - trả nợ, năm tới bao nhiêu % thu để trả nợ, đáo hạn, Quốc hội phải quyết cái này", đại biểu Lịch nói.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Lịch, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM) nhận mạnh tới việc thay đổi tư duy trong phân bổ ngân sách trong thời gian tới. Bà Tâm cho hay: Chính phủ cần giải trình thêm về nợ công, báo cáo đã đầy đủ chưa, nếu tính 3 khoản cấu thành theo quy định thì chưa đủ. Bà Tâm đặt câu hỏi: An toàn nợ công liệu có đúng như Chính phủ báo cáo không? Trần nợ công còn trong ngưỡng cho phép nhưng liệu có thực sự an toàn không? Chính phủ cần báo cáo rõ hơn thì Quốc hội mới có cơ sở để bàn về ngân sách, lúc đó mới có hiệu quả.
"Nợ Vinashin, như một tờ báo nói Chính phủ bảo lãnh nhưng doanh nghiệp trả nợ. Chính phủ bảo lãnh là phải chịu trách nhiệm tới cùng chứ? Còn để doanh nghiệp trả, nhưng nếu doanh nghiệp không trả được thì nợ đó như thế nào?...", đại biểu đặt câu hỏi.
Và trước thực trạng khó khăn hiện nay, hụt thu lớn, đại biểu Quyết Tâm nhấn mạnh: " Kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp phải vật lộn để tồn tại, họ đóng góp từng đồng một vào ngân sách nhưng tình hình lãng phí rất lớn và xót xa. Có cần thiết không khi chúng ta tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, đám tiệc, khởi công, khánh thành hoành tráng, mời rất đông khách. Chi cả tỷ thấy nhẹ nhàng nhưng người dân thì ghè lưng ra để đóng từng đồng bạc. Phải tính đồng ra đồng vào như thế nào cho hiệu quả. Cái gì cần thì làm, cái gì lãng phí tiền của dân, của nước thì phải kỷ cương, kỷ luật".
Nguyễn Hiền
Theo Dantri
In hình lãnh đạo có công lên tiền VN: Hay, lạ nhưng... chưa phải lúc?! Đề xuất Nhà nước xem xét in hình các vị lãnh đạo có công với nước qua các thời kỳ trên các đồng tiền còn lại, bên cạnh in hình Bác Hồ ở tờ tiền có mệnh giá lớn đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều... Ở nước ta, việc lựa chọn, quyết định hình ảnh được in trên đồng...