Ngân hàng tự xoay xở kiếm lãi khi room tín dụng hạn hẹp
Với tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành ngân hàng trong cả năm khoảng 17%, không phải mọi cái tên đều có đủ hạn ngạch để đẩy mạnh cho vay những tháng cuối năm. Vì vậy, các ngân hàng bắt đầu tìm nhiều cách xoay xở gia tăng nguồn thu.
Là một trong những ngân hàng có dư nợ tăng cao trong nửa đầu năm nay và hiện đã cạn room tín dụng, TPBank cho biết sẽ cố gắng để tăng các nguồn thu từ dịch vụ, các nguồn thu ngoài lãi khác để bù đắp cho tín dụng khi cạn dư địa cho vay, kiểm soát chặt chẽ chi phí quản lý để vẫn đảm bảo kết quả kinh doanh như dự kiến là 2.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. 6 tháng đầu năm, TPBank lãi hơn 1.000 tỷ đồng trước thuế.
Đại diện một số ngân hàng khác cũng cho biết, trong bối cảnh room tín dụng hạn hẹp, cùng với việc tăng thu từ dịch vụ, họ sẽ đẩy mạnh thu hồi nợ để bảo đảm đạt chỉ tiêu kinh doanh.
Chẳng hạn, tại OCB, dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng đã tăng 9,8%, đạt 52.901 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2018 và gần kịch kim hạn mức tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp vào đầu năm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, Ngân hàng tự tin với mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2018 ở mức 2.000 tỷ đồng trước thuế, khi con số này nửa đầu năm nay là trên 1.300 tỷ đồng.
Theo đó, dù room tín dụng còn lại không nhiều, Ngân hàng vẫn có hướng đi trong việc mở rộng tín dụng nhỏ lẻ, phân tán, đang được xem là phân khúc tín dụng tốt nhất hiện nay. Mặt khác, đẩy mạnh tín dụng ở lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, khi OCB đang có dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp nông sản ở Tây Nguyên.
Dù dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng mới tăng trưởng hơn 8% trong 8 tháng đầu năm nay, gần đạt một nửa mục tiêu cả năm, nhưng không ít nhà băng trong nhóm đầu đã tăng trưởng gần hoặc vượt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp từ đầu năm 2018.
Trong đó, với LienVietPostBank, TPBank, OCB, ACB, VIB, HDBank, MBBank…, dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 6/2018 đã tăng trên 10%, thậm chí có nhà băng đạt 15 – 16% như LienvietpostBank, TPBank.
Vì vậy, để có thể tăng cường hoạt động tín dụng trong những tháng còn lại của năm, nhất là mùa kinh doanh cao điểm, ngân hàng phải chuyển hướng cho vay từ khách hàng lớn sang phân tán, nhỏ lẻ.
Video đang HOT
Trong đợt chấp thuận cho tăng vốn lên 12.886 tỷ đồng mới đây, NHNN yêu cầu ACB có trách nhiệm kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2018 nhằm đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo chỉ đạo của NHNN, trong đó lưu ý, dư nợ tín dụng năm 2018 không bao gồm dư nợ cho vay bằng nguồn vốn ủy thác của tổ chức khác, không phải tổ chức tín dụng theo hướng dẫn của NHNN.
Thực tế, ACB cũng là ngân hàng tập trung mạnh hoạt động với phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và lĩnh vực bán lẻ. Giai đoạn 2019 – 2024, Ngân hàng có kế hoạch tăng trưởng tín dụng chậm lại, bình quân hàng năm là 15%.
Đến cuối quý II/2018, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân chiếm 56% tổng số tiền vay, trong khi tỷ lệ này tại khu vực SME và doanh nghiệp lớn lần lượt là 33% và 10%.
Tuy nhiên, ACB hiện mạnh về cho vay tiêu dùng có bảo đảm, thay vì tín chấp. Số dư cho vay không có bảo đảm khoảng 900 tỷ đồng, chỉ bằng 0,41% tổng dư nợ.
Trong khi đó, LienvietpostBankcho biết, Ngân hàng vẫn còn dư địa cho vay trong nửa cuối năm, khi một số khoản vay lớn đến hạn sẽ mở ra hạn ngạch mới cho tín dụng tăng trưởng.
Tuy nhiên, việc giới hạn tăng trưởng 14% so với kế hoạch đầu năm của nhà băng này từ 20 – 21% ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động và buộc Ngân hàng điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận năm 2018 giảm 30%.
Thực tế, trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã đặc biệt chú trọng xây dựng các gói cho vay dành riêng cho phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, với cơ chế linh hoạt và nhiều ưu đãi.
Vì đây là phân khúc khách hàng thường có lãi suất cao hơn, giúp cải thiện phần nào NIM (biên lãi ròng) của ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng bị giới hạn.
Cụ thể, lãi suất của các khoản vay nhỏ thường cao hơn 1 – 2% so với các khoản vay khách hàng lớn. Thậm chí, với các khoản vay tiêu dùng, lãi suất có thể cao gấp đôi so với cho vay doanh nghiệp, giúp bù đắp khả năng sinh lợi cho ngân hàng khi dư địa hạn hẹp.
Thùy Vinh
Theotinnhanhchungkhoan.vn
Tài chính 24h: 4 tháng "chạy" một nửa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018, liệu có kịp?
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào cuối tháng 8/2018, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cập nhật, đến ngày 30/8, tăng trưởng tín dụng đạt 8,5%, tương ứng một nửa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay là 17%. Điều này đồng nghĩa với việc, còn một nửa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 sẽ được thực hiện trong 4 tháng còn lại.
Ảnh minh họa.
Nhiều khả năng không đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2018
Nhận định về tình hình tăng trưởng tín dụng hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng: "Trong nửa đầu năm 2018, tăng trưởng GDP tăng mạnh 7,08% so với 6 tháng cùng kỳ trong 10 năm qua, nhiều khả năng không cần tăng trưởng tín dụng cao để thúc đẩy GDP nên Chính phủ sẽ quay lại bài toán siết chặt nhằm ổn định kinh tế. Do vậy, tăng trưởng tín dụng của năm 2018 có thể không cần đạt mục tiêu 17% đặt ra từ đầu năm". (Xem tiếp)
Ông lớn ngân hàng lại kêu thiếu tiền
Bốn ngân hàng (NH) thương mại nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank liên tục kêu thiếu vốn.
Mới đây nhất, tại hội nghị liên quan tới xử lý nợ xấu, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho hay: Đối với các NH thương mại nhà nước, việc tăng vốn là cấp bách hơn bao giờ hết. Lý do là hiện nay, hệ số an toàn vốn dù chưa áp dụng theo Basel II nhưng đã chạm ngưỡng thiếu an toàn. Nếu áp dụng theo tiêu chuẩn trên, tỷ lệ này đã vi phạm ngưỡng an toàn. (Xem tiếp)
Lãi suất cho vay tiêu dùng đang quá cao và cần phải áp trần?
Trước thực trạng lãi suất hiện nay, có một số ý kiến cho rằng nên áp dụng trần lãi suất cho vay tiêu dùng, tuy nhiên chuyên gia cho rằng không nên làm vậy.
Lý do là bởi việc áp trần lãi suất rất rủi ro, tốn kém về mặt quản lý. Chẳng hạn nếu áp trần 20% như vay thương mại thì các công ty sẽ không thể cho vay được bởi không đủ trang trải về chi phí và yêu cầu lợi nhuận. (Xem tiếp)
Lê Nguyễn Hưng đã "cuỗm" hơn 264 tỷ đồng của Eximbank như nào?
Theo điều tra, Lê Nguyễn Hưng, cựu Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank chi nhánh TP.HCM chiếm đoạt hơn 264 tỷ đồng.
Nội dung trên được đề cập trong cáo trạng VKSND Tối cao truy tố 6 bị can, cựu nhân viên Eximbank chi nhánh TP.HCM về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. (Xem tiếp)
Ngân hàng đang nắm giữ khối bất động sản lớn cỡ nào?
Hiện tại, dù không phải ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất hệ thống, Vietinbank lại sở hữu khối tài sản đảm bảo cho các khoản vay có giá trị lớn nhất.
Cụ thể, khối tài sản đang được cầm cố tại nhà băng này có giá trị lên tới hơn 1,74 triệu tỷ đồng, gấp đôi số dư nợ cho vay hiện tại của ngân hàng là 867.600 tỷ đồng. Hơn 55% trong đó là giá trị đến từ bất động sản. Chỉ riêng giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản tại nhà băng này đã lên tới 961.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với dư nợ cho vay hiện nay. (Xem tiếp)
Quản lý tiền ảo: Tiếp tục ngồi chờ hay có quy định "mềm"?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết bộ này đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng về rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện.
Theo ông Lê Thành Long, tài sản ảo, tiền ảo nói chung hay tài sản mã hóa, tiền mã hóa nói riêng là vấn đề rất mới, và khung pháp lý đối với lĩnh vực này còn rất sơ khai, nên nhiều vấn đề pháp lý liên quan cần phải được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hướng hoàn thiện.
HOÀNG HÀ
Nhiều khả năng không đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2018 Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 6/2018, tăng trưởng tín dụng đạt 7,88%. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào cuối tháng 8/2018, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cập nhật, đến ngày 30/8, tăng trưởng tín dụng đạt 8,5%, tương ứng một nửa chỉ tiêu tăng trưởng...