Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 4/6 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với lý do tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính cách đây 1 thập niên, cộng thêm sự suy giảm trong hoạt động đầu tư trên thế giới.
WB bi quan về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo 6 tháng một lần mang tên Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (Global Economic Prospects) của WB cho biết nền kinh tế thế giới có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 2,6% trong năm nay. Mức dự báo này giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tăng 2,9% mà WB đưa ra hồi tháng 1, đồng thời thấp hơn nhiều so với tăng trưởng 3% đạt được trong năm 2018.
WB cũng cho rằng trong năm 2020, tăng trưởng kinh thế thế giới sẽ tăng nhẹ, đạt mức 2,7%.
“Đã có sự sụt giảm về niềm tin của các doanh nghiệp, sa sút mạnh trong thương mại toàn cầu và suy yếu đầu tư tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển”, Chủ tịch WB David Malpass nói với các nhà báo. “Đà tăng trưởng đang mong manh”.
Định chế này cũng cảnh báo rằng rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang lớn do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, bất ổn tài chính tại một số thị trường mới nổi, và mức độ suy yếu nhiều hơn dự báo của các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là khu vực châu Âu.
Video đang HOT
“Bấp bênh về chính sách gia tăng, bao gồm đợt leo thang gần đây của căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đã diễn ra đồng thời với sự suy giảm hoạt động đầu tư toàn cầu và mất mát niềm tin”, báo cáo nhấn mạnh.
Trước WB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vì các hành động thương mại của Tổng thống Donald Trump đặt ra nguy cơ xói mòn tăng trưởng.
Trong động thái gần đây nhất, ông Trump dọa áp thuế quan lên toàn bộ hàng hóa Mexico xuất khẩu sang Mỹ bắt đầu từ tuần tới nếu nước này không ngăn dòng người di cư vượt biên trái phép vào Mỹ. Trước đó, ông Trump đã nâng thuế quan bổ sung áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và dọa sẽ áp thuế lên thêm 300 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa.
Hàng rào thuế quan mà ông Trump dựng lên đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng, đồng thời tính tới khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải hạ lãi suất trong năm nay. Ngày 4/6, Chủ tịch FED Jerome Powell đã có phát biểu để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất để chống lại ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đối với kinh tế Mỹ.
Báo cáo của WB dự báo thương mại toàn cầu chỉ tăng 2,6% trong năm nay, giảm 1 điểm phần trăm so với dự báo trước.
Theo các chuyên gia của WB, triển vọng kinh tế thế giới có thể xấu đi thêm nếu xung đột thương mại tiếp tục gia tăng. Nếu cuộc chiến thuế quan có bước leo thang mới, thì hệ quả sẽ là sự giảm tốc mạnh tại các nền kinh tế lớn, gây ảnh hưởng lan rộng tới mọi vấn đề từ niềm tin của nhà đầu tư tới thị trường hàng hóa cơ bản.
Theo WB, nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Euro (Eurozone) chỉ tăng 1,2% trong năm nay và tăng 1,4% trong 2020, giảm tương ứng 0,4 điểm phần trăm và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1. WB nói rằng xuất khẩu và đầu tư suy yếu là những nguyên nhân chính dẫn tới mức tăng trưởng èo uột của khu vực này.
“Các điều kiện kinh tế ở Eurozone đã xấu đi nhanh chóng kể từ giữa 2018, đặc biệt trong ngành chế biến-chế tạo”, báo cáo viết.
Tuy nhiên, WB không thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ và Trung Quốc năm nay. Kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng 2,5% trong 2019, giảm tốc còn 1,7% trong 2020 và 1,6% trong 2021 do các biện pháp kích thích bằng tài khóa mất dần tác dụng.
Kinh tế Trung Quốc được WB dự báo tăng 6,2% trong năm nay. Năm 2020, kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ tăng 6,1%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo mà WB đưa ra hồi đầu năm.
Theo vneconomy.vn
Alibaba tính niêm yết cổ phiếu lần hai để huy động 20 tỷ USD
Tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Alibaba đang cân nhắc huy động 20 tỷ USD thông qua niêm yết cổ phiếu lần hai (secondary listing) tại Hồng Kông, sau vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lập kỷ lục ở New York hồi năm 2014 - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg.
Nhà sáng lập Alibaba Jack Ma.
Theo nguồn tin, Alibaba hiện đang thảo luận với các công ty tư vấn tài chính về vụ phát hành nói trên. Hồ sơ phát hành cổ phiếu lần hai có thể sẽ được Alibaba nộp lên sàn chứng khoán Hồng Kông sớm nhất vào nửa sau của năm nay.
Mục đích của đợt phát hành này là đa dạng hóa kênh huy động vốn và tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu Alibaba - nguồn tin nói và cho biết thêm rằng kế hoạch có thể thay đổi.
Trong vụ IPO trên sàn NYSE ở New York hồi năm 2014, Alibaba huy động được 25 tỷ USD, đánh dấu vụ IPO lớn nhất trong lịch sử thế giới. Trước đó, công ty này không thuyết phục được nhà chức trách Hồng Kông phê chuẩn cấu trúc quản trị doanh nghiệp nên không thể phát hành được ở thị trường này.
Kế hoạch niêm yết lần hai của Alibaba được hế lộ trong bối cảnh các công ty Trung Quốc đối mặt với một Chính phủ Mỹ có quan điểm ngày càng cứng rắn với doanh nghiệp đến từ nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Nhiều hãng công nghệ Trung Quốc đã bị chính quyền Tổng thống Donald Trump "để ý", đặc biệt là công ty Huawei bị đưa vào một "danh sách đen".
Cách đây ít lâu, công ty trò chơi trực tuyến Douyu của Trung Quốc đã hoãn kế hoạch IPO tại Mỹ vì lo ngại chiến tranh thương mại.
Trong vòng một năm qua, giá cổ phiếu của Alibaba niêm yết tại New York đã giảm 22%. Tính đến hôm thứ Sáu tuần trước, giá trị vốn hóa của Alibaba là 400 tỷ USD. Ngày thứ Hai, chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ.
Theo vneconomy.vn
Kinh tế Mỹ đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh Nền kinh tế Mỹ đang "khỏe mạnh" với mức tăng trưởng xấp xỉ 3%, các doanh nghiệp đang tạo ra nhiều việc làm hơn. Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Long Beach ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, ngày 3/5 nhận định rằng, nền kinh tế Mỹ đã bước vào "một chu kỳ...