Ngân hàng niêm yết “ôm” 22.100 tỷ đồng nợ xấu*
Tính đến cuối năm 2012, trong số 8 ngân hàng thương mại niêm yết trên thị trường chứng khoán – ngoại trừ Navibank, thì khối lượng nợ xấu của 7 “ông lớn” đã tương đương trên 1 tỷ USD – gấp đôi năm 2011.
Tại Bản tin kinh tế vĩ mô số 8 (quý I/2013) vừa được Ủy ban Kinh tế phát hành mới đây, cơ quan này đánh giá, “trạng thái của nợ xấu có liên quan trực tiếp và chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế, giống như hai mặt của một đồng tiền”.
Và do vậy, khi “khối u” nợ xấu chưa được cắt bỏ thì vòng xoáy “tăng trưởng suy giảm – nợ xấu gia tăng” sẽ trở nên ngày một hiện hữu đối với nền kinh tế Việt Nam.
Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước về nợ xấu cho thấy, tính đến cuối tháng 2/2013, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng đã giảm từ hơn 8% của năm ngoái xuống còn 6%. Con số này theo tính toán của Dân trí tại thời điểm công bố rơi vào khoảng 156.000 tỷ đồng.
Nợ xấu đang là vấn đề “ nóng” nhất trong năm 2012.
Trong bài viết này, Dân trí điểm qua tình hình nợ xấu tại một số ngân hàng niêm yết và trình tự sắp xếp dựa trên quy mô nợ xấu của các ngân hàng. Những ngân hàng không có tên, đến thời điểm hiện nay chưa thu thập được dữ liệu do chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2012 qua các kênh chính thức.
Vietcombank: 5.461,8 tỷ đồng
Dẫn đầu danh sách này là một trong những ngân hàng TMCP quốc doanh lớn nhất nước: TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – VCB). Quy mô nợ xấu của VCB đến thời điểm cuối năm 2012 lên tới 5.461,8 tỷ đồng, tăng 1,28 lần so với năm 2011.
Trong đó, nợ nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 2,32 lần, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 1,87 lần. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm chỉ bằng phân nửa năm 2011 song vẫn ở mức đáng lo ngại 1.311,79 tỷ đồng.
Dễ lý giải nguyên nhân VCB lại là ngân hàng có quy mô nợ xấu lớn nhất khi tổng dư nợ của ngân hàng này trong năm vừa qua lên tới 241.162,76 tỷ đồng, tăng 1,15 lần so năm 2011. Song cùng với tốc độ tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu của VCB cũng tăng 1,11 lần lên 2,26%.
Video đang HOT
VietinBank: 4.890 tỷ đồng
Một “ông lớn” trong nhóm Ngân hàng TMCP quốc doanh là Công Thương Việt Nam (VietinBank – CTG). Năm vừa rồi, quy mô nợ xấu của CTG đã tăng 2,22 lần lên gần 4.890 tỷ đồng, chiếm 1,47% tổng dư nợ.
Nợ nghi ngờ của CTG tăng mạnh nhất, gấp 8,12 lần so năm 2011 lên 1.789 tỷ đồng, trong khi nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 2,31 lần lên 2.106 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn có quy mô giảm nhẹ.
Với tốc độ tăng trưởng tín dụng gấp 1,14 lần so năm trước đó, giữa bối cảnh hàng loạt tổ chức tín dụng khác tăng trưởng âm thì CTG cũng đã phải đánh đổi với tỷ lệ nợ xấu tăng gần 2 lần so 2011.
SHB: 4.845,8 tỷ đồng
Năm 2012, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) gây “tiếng vang” lớn trên thị trường chứng khoán cũng như ngành tài chính ngân hàng với việc thực hiện sáp nhập thành công Ngân hàng Nhà Hà Nội (HBB), đánh dấu vụ sáp nhập đầu tiên giữa hai ngân hàng niêm yết trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, để có được HBB thì SHB cũng đã phải ngậm ngùi gánh theo cả khoản nợ xấu khổng lồ mà HBB “tích lũy” được. Tính đến cuối năm 2011, quy mô nợ xấu của HBB ở mức 988,7 tỷ đồng (chiếm 4,42% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng) – đó là chưa kể khoản nợ ứ đọng của Vinashin lên tới 2.751,47 tỷ đồng.
Do vậy, kết quả cuối năm 2012, SHB không tránh khỏi trở thành một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng chóng mặt nhất trong hệ thống và quy mô nợ xấu vào loại “khủng” ở Việt Nam. Nợ xấu đến cuối năm 2012 của SHB được ghi nhận mức 4.845,8 tỷ đồng, tăng 7,44 lần về quy mô so 2011.
Đáng lo ngại là nợ có nguy cơ mất vốn tăng 7,43 lần lên 2.067 tỷ đồng trong khi nợ nghi ngờ tăng 11,19 lần và nợ dưới chuẩn tăng 4,81 lần. Điều này khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng tăng mạnh 3,8 lần lên mức 8,53% trong khi tổng dư nợ chỉ tăng chưa tới 2 lần.
ACB: 2.570,97 tỷ đồng
ACB là ngân hàng duy nhất trong danh sách được liệt kê tại bài viết này có tăng trưởng tín dụng âm so với 2011. Tổng tín dụng của ACB năm 2012 giảm nhẹ so với năm trước trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng 2,8 lần lên 2,5%.
Tổng nợ xấu của ACB trong năm vừa rồi ở mức 2.570,97 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so năm trước đó, với mức tăng mạnh nhất tại nhóm nợ có khả năng mất vốn.
Nợ có khả năng mất vốn tại ACB ở mức khá lo ngại với 1.150,4 tỷ đồng, tăng 3,87 lần so với năm 2011, trong khi đó, nợ dưới chuẩn cũng đã tăng mạnh 2,7 lần và nợ nghi ngờ tăng 1,95 lần.
Những kết quả không mấy khả quan này của ACB gắn với 1 năm không thuận lợi của ngân hàng khi xảy ra vụ việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt hôm 20/8, kéo theo một loạt rắc rối khác xảy ra khiến cả “bộ sậu” bao gồm Chủ tịch HĐQT, 2 thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc phải từ nhiệm và vướng vào vòng lao lý.
Nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tổng nợ xấu các ngân hàng niêm yết năm 2012 Nguồn: BCTC các ngân hàng/Dân trí.
Sacombank: 1.973 tỷ đồng
Một trong những ngân hàng “ồn ào” nhất năm 2012 với những tranh cãi liên quan đến “thâu tóm” và sự ra đi của gia đình người sáng lập – TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB) đã không khỏi gây bất ngờ khi kết thúc năm với tỷ lệ nợ xấu tăng gần 4 lần.
Cụ thể, trong khi tổng dư nợ tín dụng tăng nhẹ 1,2 lần so năm 2011 thì tổng nợ xấu của Sacombank cũng bật tăng chóng mặt gần 4,3 lần lên 1.973,1 tỷ đồng, chiếm 2,05% tổng dư nợ tín dụng.
Theo đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất, gấp 5,34 lần so năm trước lên 896,78 tỷ đồng, trong khi nợ dưới chuẩn tăng hơn 3 lần, nợ nghi ngờ tăng 3,95 lần.
MBBank: 1.371,6 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) trong năm vừa rồi tuy hoạt động tín dụng khá tốt với mức tăng trưởng gấp 1,27 lần so năm 2011 song tổng nợ xấu theo đó cũng tăng 1,46 lần.
Quy mô nợ xấu của MBB hiện đã lên mức 1.371,6 tỷ đồng với số nợ có khả năng mất vốn đã tăng 1,23 lần so năm 2011 lên 639,6 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất, gấp gần 4 lần năm trước và nợ nợ dưới chuẩn giảm nhẹ.
Từ đó khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng đã tăng 1,15 lần lên 1,86% trên tổng dư nợ trong năm 2012 vừa qua.
Eximbank: 987,62 tỷ đồng
Là ngân hàng duy nhất có nợ xấu giảm trong năm vừa qua, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) vẫn được đảm bảo ngang bằng năm 2011.
Theo đó, nợ xấu tại Eximbank đã giảm nhẹ xuống còn 987,62 tỷ đồng, chỉ bằng 82% năm 2011, từ đó giúp tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm xuống còn 1,32% so mức 1,61% của năm trước đó.
Tuy nhiên, nếu quan sát cơ cấu nợ của Eximbank thì lại thấy rằng, nợ xấu ngân hàng giảm chủ yếu do sự cải thiện chất lượng nợ ở nhóm 3 và nhóm 4. Cụ thể, nợ dưới chuẩn đã giảm 88%, nợ nghi ngờ giảm 59%. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn lại tăng 1,82 lần so 2011.
(*) Các thống kê trên chưa bao gồm thông tin của Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank – NVB) do chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2012. Tổng cộng, đến cuối năm 2012, các ngân hàng niêm yết đang “ôm” tới 22.101 tỷ đồng nợ xấu, gấp đôi năm 2011.
Theo Dantri
Bàn cách "lách" luật xử lý tàu "ma"?
Theo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), giải pháp sửa Luật Bảo vệ môi trường để xử lý tàu biển neo đậu lâu ngày không còn khả năng khai thác là không khả thi, vì thời gian sẽ kéo dài quá lâu.
(Ảnh minh họa)
Đó là thông tin từ cuộc họp do các cơ quan chức năng của Bộ GTVT cùng một số doanh nghiệp (DN) tổ chức ngày 14/3 để bàn giải pháp xử lý tàu neo đậu lâu ngày không còn khả năng khai thác (tàu "ma"). Cuộc họp đã đưa ra giải pháp là phải tìm cách... lách luật để có thể "xử lý" được những con tàu này nhanh hơn, tránh tăng thêm thiệt hại.
Phá tàu, vướng luật
Báo cáo của Cục Hàng hải tại cuộc họp cho biết, hiện có 101 tàu biển các loại của chủ tàu VN neo đậu lâu ngày, trong đó có 22 tàu treo cờ quốc tịch nước ngoài. Theo văn bản của Cty cho thuê tài chính 1 thuộc Agribank - ký đầu tháng 3, thì: Nếu không có giải pháp, cơ chế cho phá dỡ tàu biển quốc tế.... thì việc phá dỡ tàu "chui" có thể xảy ra hoặc phải đưa tàu ra nước ngoài để phá dỡ, gây tốn kém và thường bị phía nước ngoài ép giá. Đề nghị Chính phủ cho phép phá dỡ tàu biển treo cờ nước ngoài của chủ tàu VN ở trong nước. Và đây cũng là đề nghị của Cục Hàng hải VN.
Tuy nhiên, báo cáo của Vụ Vận tải gửi Bộ GTVT thì lại vướng mắc lớn nếu đồng ý với đề xuất từ DN. Bởi muốn làm được việc phá dỡ trong nước những con tàu nêu trên thì phải sửa đổi Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường - là việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do đó, chưa thể thực hiện ngay việc cho phép phá dỡ ở trong nước các tàu của chủ tàu VN nhưng treo cờ quốc tịch nước ngoài.
Việc chờ đợi giải pháp xử lý tàu "ma" đã đẩy khá nhiều DN và cơ quan quản lý vào tình huống "tù mù". Tại Hải Phòng, tàu Hufa Star 01 và Green Viship treo cờ Mông Cổ, khi phá dỡ trong nước đã bị các cơ quan chức năng lập biên bản, yêu cầu đình chỉ, thậm chí giao cơ quan CA điều tra hành vi nhập lậu tàu biển để phá dỡ chui. Dù có lệnh đình chỉ, hai con tàu này vẫn được phá dỡ xong. Rõ ràng các cơ quan chức năng của Hải Phòng đã cố tình "lờ" cho DN được phá dỡ tàu.
Tuy nhiên, điều không được bàn tại cuộc họp ngày 14.3 của Bộ GTVT là quy định cho việc phá dỡ tàu biển treo cờ VN ở trong nước, và không hề có ý kiến nào bàn tới vấn đề này.
Luật Bảo vệ môi trường đã có hiệu lực thi hành được gần 6 năm, nhưng cho đến nay Bộ TNMT vẫn chưa xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn môi trường dành cho việc phá dỡ tàu biển ở trong nước. Hiện VN có thừa các NM đóng tàu biển, nhưng lại không có NM phá dỡ tàu. Thậm chí, tại Hải Phòng, Cty Lê Quốc mất 2 năm xin thủ tục lập khu phá dỡ tàu cũ mà vẫn... không được cấp phép. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngay các tàu biển treo cờ VN cũng không đủ điều kiện để "được" phá dỡ ở trong nước.
Nhiều cách lách luật
Trong khi ngành đóng tàu được xây dựng thành chiến lược quốc gia, thì phá dỡ tàu không được coi là một ngành kinh tế. Theo ông Nguyễn Hữu Bôn - Tổng GĐ Cty Việt Thắng (Hải Phòng) - ngành đóng tàu gây ô nhiễm môi trường không kém gì hoạt động phá dỡ. Nhưng, trong khi đóng tàu được khuyến khích, thì phá dỡ lại bị cấm. Tàu biển VN đang dở dở ương ương trong tình thế được khuyến khích ra đời, nhưng cấm không được "chôn" trong nước. Vì bị cấm, nên tàu biển phá dỡ tại VN từ năm 2006 đến nay đều là phá ... chui. Chủ tàu VN đang trong tình cảnh phá... trộm tài sản của mình, trên đất nước mình.
Tại cuộc họp ngày 14.3, một cán bộ của Bộ GTVT đề xuất giải pháp "lách luật" để cứu các chủ tàu. Theo vị cán bộ này, Bộ luật Hàng hải VN đã giao Chính phủ quy định về đăng ký mua bán tàu biển. Do vậy, chỉ cần bổ sung quy định tàu thuộc sở hữu của DN VN nhưng treo cờ nước ngoài thì vẫn được phá dỡ trong nước là có thể giải quyết được bế tắc về cơ chế.
Hoặc cũng có thể "làm" theo cách, Cảng vụ Hàng hải có thể khởi kiện các chủ tàu (treo cờ quốc tịch VN và nước ngoài) để yêu cầu tòa án bắt giữ và sau đó bán các tàu đã neo đậu lâu ngày. Tòa án sẽ cho phát mại tài sản là các tàu này, và DN mua tàu sẽ được treo cờ VN để được... phá dỡ trong nước. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, hiện nhiều ngân hàng lại muốn giữ nguyên giá trị tàu trên sổ sách để tránh trách nhiệm thiệt hại vốn vay nếu bán tàu với giá sắt vụn. "Mấu chốt là, mấy tàu đó để nguyên thì bảng cân đối kế toán vẫn sạch, nếu bán lỗ, chênh lệch giá, thì sẽ quy trách nhiệm (cán bộ)" - ông Công nói.
Đó lại là một rào cản nữa với việc xử lý các tàu biển đã neo đậu lâu ngày. Mà với rào cản này, nếu Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ không "bật đèn xanh", thì sẽ còn lâu mới có giải pháp cho phá dỡ tàu biển ở trong nước. Vậy sẽ chờ sửa luật, hay là lách luật để xử lý?
Theo Dantri
Khả năng mất trắng hàng trăm nghìn tỷ Theo đánh giá của các chuyên gia cùng các tổ chức nước ngoài, vấn đề nợ xấu trong các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam sẽ là thách thức dai dẳng ít nhất trong vài năm tới. Đến nay chưa có một báo cáo đầy đủ nào về tình hình nợ xấu của từng ngành, lĩnh vực cũng như lối thoát...