Ngân hàng Nhà nước: “Tâm lý găm giữ ngoại tệ và vàng đã giảm”
Thị trường vàng tự điều tiết tốt, vị thế VND được nâng cao cùng tâm lý găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế được đánh giá là đã giảm.
Suốt quãng tăng giá kéo dài thời gian qua, từ tháng 4/2019 đến nay, giá vàng trong nước vẫn duy trì trạng thái thấp hơn so với giá thế giới quy đổi.
Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp khai mạc vào ngày 21/10 tới.
Một kết quả điều hành được nêu trong báo cáo đến từ sự ổn định của tỷ giá và thị trường vàng tự điều tiết tốt thời gian qua.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 9 tháng đầu năm, cơ quan này tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng phù hợp nhằm chuyển hóa các nguồn vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Thời gian qua, nhờ thực hiện các giải pháp hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý thị trường, Bộ Công an, tâm lý găm giữ ngoại tệ và vàng giảm, quy mô hoạt động trên thị trường phi chính thức, thị trường ngoại tệ tự do đang ngày càng thu hẹp và bám sát tỷ giá liên ngân hàng”, Ngân hàng Nhà nước báo cáo.
Theo cơ quan này, việc áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm đã góp phần làm tăng tính linh hoạt và nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, đồng thời làm giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế, góp phần làm tăng nguồn cung ngoại tệ trên thị trường.
Video đang HOT
Cập nhật đến thời điểm này, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố đã tăng hơn 1,4% so với cuối năm 2018, nhưng giá USD trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại lại gần như trở về vùng giá cuối năm ngoái và thậm chí giảm nhẹ.
Trên thị trường tự do, từ đầu năm đến nay trạng thái giá USD chào và giao dịch thấp hơn giá của các ngân hàng thương mại thể hiện và kéo dài. Có nhiều thời điểm giá USD tự do đứng im nhiều ngày.
Với sự ổn định trên, cùng nguồn cung ngoại tệ thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã mua vào ngoại tệ tại một số thời điểm thích hợp, tăng quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia.
Tương ứng với lượng ngoại tệ mua được, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng tiền đồng đưa vào lưu thông, bổ sung thanh khoản VND cho toàn hệ thống, thực hiện việc chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ thành nguồn vốn cho phát triển kinh tế, đồng thời áp dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ khác để vẫn đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
“Thị trường vàng tiếp tục diễn biến ổn định và tự điều tiết tốt. Trong thời gian gần đây, do giá vàng thế giới tăng nên giá vàng trong nước cũng tăng theo, nhưng thị trường vàng trong nước không có biến động lớn, bất thường, nhu cầu về vàng thấp. Từ năm 2014 đến nay, nền kinh tế không phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp thị trường”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Còn diễn biến trên thị trường, suốt quãng tăng giá kéo dài thời gian qua, từ tháng 4/2019 đến nay, giá vàng trong nước vẫn duy trì trạng thái thấp hơn so với giá thế giới quy đổi.
MINH ĐỨC
Theo Bizlive.vn
VEPR: Kinh tế tăng trưởng 7,05% nhưng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng
Với những triển vọng kinh tế như thời gian qua, nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã dự báo, tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 sẽ đạt 7,05%
Tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III. Ảnh: H.Dịu
Sáng 10/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III năm 2019.
Báo cáo của VEPR cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III đạt mức 7,31% và trong 9 tháng đạt 6,98%.
Trong đó, 9 tháng năm 2019, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,85%, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu 2,02%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 9,56%. Chỉ số sản xuất công nghiệp IPI tăng 9,6%, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%.
VEPR dự báo, mức tăng trưởng kinh tế trong quý IV sẽ đạt 7,26%, lạm phát 2,45% và tăng trưởng cả năm sẽ đạt mức 7,05%.
Biểu đồ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nguồn: VEPR
Đáng chú ý, trong báo cáo, nhóm chuyên gia kinh tế của VEPR cho rằng, dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung từ 2018 được kỳ vọng sẽ gia tăng dòng vốn vào Việt Nam nhưng thực tế các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan,... cũng đang ra sức thu hút lượng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Sự cạnh tranh này đã khiến lượng vốn đầu tư vào nước ta không đạt như kỳ vọng, nên 9 tháng, dòng vốn FDI có xu hướng giảm nhẹ, chỉ đạt 4,57% trong quý III.
Bên cạnh đó, VEPR cũng đưa ra cảnh báo việc Việt Nam trở thành một trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ trong quý III, lượng dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng tới hơn 71 tỷ USD đã đưa Việt Nam đứng trước nguy cơ bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ trong tương lai gần.
Cụ thể, cán cân thương mại hàng hóa trong quý III ước tính thặng dư 4,3 tỷ USD. Trong 8 tháng năm 2019, giá trị xuất khẩu của hàng Việt Nam sang Mỹ tăng 27% về mặt giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 39 tỷ USD.
Do đó, VEPR khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan. Việt Nam nên tập trung vào các chính sách về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để đối mặt bất ổn của kinh tế thế giới, đặc biệt nên điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, giữ lãi suất ổn định.
Nhận xét về những điểm tích cực của nền kinh tế vĩ mô 9 tháng năm 2019, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho biết, Việt Nam đã đạt được điểm sáng về xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, nước ta đã có sự chuyển dịch tích cực dòng vốn đầu tư, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Bởi giai đoạn 2016-2017, dòng vốn tín dụng đóng góp 57% vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng đến năm 2018 và 9 tháng năm 2019 thì dòng vốn ngân hàng còn khoảng 46% tổng vốn. TS. Lực đánh giá, điều này cho thấy dòng vốn tư nhân, vốn FDI đã trở lên mạnh mẽ và hiệu quả hơn, giúp tín dụng được kiểm soát giảm dân nhưng chất lượng lại tăng lên, đi nhiều vào sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên.
Đối với tình hình kinh tế từ nay đến cuối năm, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% năm 2019 do Quốc hội đề ra sẽ khả thi. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Nhật - Hàn sẽ gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, giá trị đồng tiền, nên nền kinh tế Việt Nam trong cuối năm sẽ bất định hơn do sẽ chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới.
Hương Dịu
Theo Haiquanonline.com.vn
Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt Ngày 1/10, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2019. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ nhiều vấn đề nóng trong lĩnh vực ngân hàng. Dữ liệu thống kê cho biết, đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với cuối năm 2018....